Qua bài diễn văn trên, cương lĩnh lý thuyết và hành động của Gia Đình Phật Tử đã quy tụ trong ba yếu điểm:
1- Gia Đình Phật Tử không phải là một tổ chức chính trị.
2- Gia Đình Phật Tử nhắm mục đích giáo dục con người toàn diện thân, tâm, trí. Hòa đồng cá nhân với cộng đồng xã hội, thực tế với lý tưởng.
3- Gia Đình Phật Tử góp phần xây dựng nền móng cho tương lai Phật giáo và dân tộc.
Đem thực hiện ba tiêu chuẩn ấy vào thực tế, nhất là thực tế nước nhà thật không phải là chuyện dung dị. Thế nên, ở đây biên giả không thể làm công việc của nhà chép sử theo lối biên niên, không làm gia phả, nghĩa là không chú trọng vào việc ghi rõ năm nào, tháng nào. Gia Đình Phật Tử nào được thành lập trước hay sau, hoặc kê khai những bước đi tiệm tiến của tổ chức mà chỉ nêu lên những nỗi khó khăn lớn hay những sự kiện thuận lợi mà cấp lãnh đạo phong trào đã phải trải qua để rút kinh nghiệm trong quá khứ, ứng dụng vào hiện tại để xây dựng tương lai. Công việc này sẽ bắt đầu từ ngày thành lập ở Huế cho tới ngày thống nhất huy hoàng hiện tại.
Trong chương đầu, biên giả đã trình bày những nét đại cương về chính trị, xã hội, luân lý. Những điều ấy chỉ là không khí chung chứ không phải là yếu tố cấu thành thực sự của Gia Đình Phật Tử. Phải nói rằng năm 1948, khi Gia đình Phật Hoá Phổ được tái lập ở Huế nhằm đúng vào lúc người Pháp đã chiếm được phần lớn các đô thị tại ba miền. Riêng ở Trung phần, ngắt với miền Bắc có bốn tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh và Quảng Bình. Phía nam Trung phần lại ngăn cách ba tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Tuy Hòa. Như thế, phạm vi hoạt động chỉ quanh quẩn tại Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hội An, Ninh Hòa, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết và Đà Lạt. Thoạt tiên người Pháp nặn ra "Hội đồng chấp chánh Trung kỳ" do cụ Võ Bá Hạp cầm đầu và ông Trần Văn Lý điều khiển công việc hành chánh. Lúc bấy giờ, số người trở về vùng tạm chiếm còn ít và vết hoang tàn của chinh chiến còn ghi đậm trên gương mặt Thần kinh. Núi Ngự Bình trở thành núi trọc và sông Hương bôi lại lớp son phóng đãng thời xưa. Trong hoàn cảnh ấy, người người phải lo xếp đặt lại đời sống riêng mình, bắt đầu chịu nhẫn nhục trước tội ác của kẻ xâm lăng. Thế mà ngay trong hoàn cảnh khó khăn ấy, các anh chị em có tâm huyết cũng đã lo lắng tới việc tái lập phong trào. Vào ngày Tết Nguyên Đán năm Mậu Tý (1948) trong một buổi tiệc trà đơn giản tại chùa Từ Đàm của anh chị em tin Phật, anh Võ Đình Cường đã đọc mấy lời chúc tết và đó cũng là quyết định đầu tiên về việc tái lập phong trào. Cũng trong năm ấy các Gia đình Hướng Thiện, Gia Thiện, Chơn Trí lần lượt xuất hiện. Nếu đem so sánh những Gia đình này với Gia đình thời tiền chiến Thanh Tịnh, Tâm Lạc, Sum Đoàn v.v… thì đã có những đổi mới hợp lý hơn. Chẳng hạn trước kia, các Gia đình họp tạm nhà các đạo hữu có lòng yêu trẻ thì nay đã có đoàn quán đàng hoàng. Trước kia sau khi lễ Phật thì nghe giảng Phật pháp (nghe chứ không phải học), tập hát, tập múa để trình diễn trong các buổi lễ; thì nay, mỗi buổi họp đều có chương trình rõ ràng : Lễ Phật, học Phật pháp, chuyên môn, học hát v.v… nhất nhất đều có quy củ, có lề lối do một ban lãnh đạo soạn thảo và điều khiển chung. Nhóm ấy cũng là tiền thân của Ban Hướng Dẫn Thừa Thiên sau này. Qua tới năm 1949, toàn thể các Gia đình trong tỉnh đã có một trụ sở chung tại đường Nguyễn Hoàng lúc bấy giờ còn gọi là đường Paul-Bert. Nhân ngày lễ Tết Trung Thu năm ấy, một cuộc triển lãm đơn sơ dưới trời mưa tầm tả. Ban Hướng Dẫn Gia đình Phật Hóa Phổ Thừa Thiên ra đời. Để tiến tới thành quả ấy, Gia Đình Phật Tử đã trải qua trăm đắng ngàn cay. Đối với chính quyền Pháp -Việt, Gia Đình Phật Tử phải tỏ ra biệt lập, không xu phụ, không hợp tác. Đó là một việc khó trong mọi khía cạnh hành chánh và an ninh. Đối với Hội Phật Học, thì cần phải gây cho Hội sự thông cảm về chủ trương lâu dài của tổ chức, đồng thời từ chối những công việc tang tế, nghi lễ của người lớn không phù hợp với tuổi trẻ. Đó cũng là trở ngại thứ hai, trở ngại to lớn vì thuộc về nội bộ. Đối với quần chúng thì phải làm theo phổ biến cho được chủ trương đứng đắn, chân chính của Gia Đình Phật Tử. Đó là công việc lâu dài. Và sau cùng, đối với thanh thiếu nhi, thì phải làm sao gieo được niềm tin vào tâm hồn của họ.
Nhờ ở khả năng sáng suốt, kiên nhẫn, chính đáng, mềm dẽo, mọi trở ngại trên lần lượt đã được khắc phục. Trong giai đoạn này tưởng cũng nên nhắc tới công lao của các Thầy (ở Huế Gia Đình Phật Tử gọi các vị các vị cố vấn giáo lý bằng "Chú" thật là thân mật và gói trọn tình thân gia tộc) Minh Châu, Đức Tâm, Thiện Ân, Chân Trí, Trí Không và nhiều anh chị khác. Công trình ấy là công trình khai sáng, tạo cơ sở, gây đường lối. Những người ấy, sau này dù có tiếp tục hay không, dù liên tục hay gián đoạn đều đáng cho ta ghi nhớ và cảm mến. Về sau khi tổ chức đã lớn mạnh, lớp người trẻ dần dần thay thế hay tiếp tục trong công việc lãnh đạo, nhưng thiết tưởng câu "uống nước nhớ nguồn" không phải là không đáng ghi nhớ, khi mà giọt nước cành dương đã gội sạch bụi trần cho tâm hồn hướng lên đường giải thoát.
Trước hết là về điều hành và đối ngoại. Một tổ chức giáo dục chân chính phải đặt dưới một cơ quan lãnh đạo duy nhất có đường lối về thiện chí, có bản lãnh và khả năng, có lương tâm và đức độ. Trong mọi việc đối ngoại nên sắc bén và khoan nhu, cương quyết mà mềm dẽo. Các chính quyền hồi đó thực sự là tay sai của địch. Nhất định Gia Đình Phật Tử không thể nào hợp tác. Đã không lợi dụng được thì nhất định họ phải phá. Phá không nỗi thì họ nặn ra một thứ Gia Đình Phật Tử, một thứ ngụy trang của cái Hội Phật Giáo Thiền Lữ tương tự như lá bài mới bây giờ. Trong trường hợp ấy, một bên thì được chính quyền nâng đỡ, một bên thì bị khủng bố, thử hỏi nếu không sáng suốt và khôn ngoan thì có lẽ Gia Đình Phật Tử bị tiêu diệt từ lâu rồi. Một chi tiết nhỏ, rất ít người chú ý tới, là trong tất cả buổi lễ của Gia Đình Phật Tử không hề có bóng dáng "ông chính quyền". Chi tiết ấy thật khó thực hiện vậy.
Cao hơn một bậc là việc liên lạc với Hội Phật Học. Trước kia, vào hồi 1937, 1938 mỗi lần có lễ rước Phật thì người ta cho mấy chú nhỏ mặc áo dài xanh, cầm lồng đèn, đi theo đám rước, ca bài "Vui mừng gặp ngày nay, mồng tám tháng tư" theo điệu đăng đàn cung cho rậm đám. Cái quan niệm đem con nít làm trò vui cho người lớn cho tới lúc bấy giờ vẫn còn thâm nhiễm trong trí óc của đa số đạo hữu. Thế mà, hồi đó anh Trưởng Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử đã được thâu nhận là nhân viên thực thụ trong Ban Trị Sự Hội Phật Học cũng như Tổng Trị Sự. Nhận như vậy tức đã mặc nhiên công nhận Gia Đình Phật Tử là một tổ chức giáo dục trẻ, nhưng không phải tổ chức quy tụ toàn trẻ con. Trong mỗi buổi họp anh chị em đã bàn cải hết lý, nhưng sau lý lẽ bao giờ cũng ẩn hiện tình đoàn kết thâm thiết của Gia đình. Nhờ được trực tiếp tham dự vào Ban Trị Sự Hội Phật Học mà sức bành trướng của Gia Đình Phật Tử có phần dễ dàng hơn. Và quan trọng nhất là chính Hội Phật Học phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý hộ cho Gia Đình Phật Tử. Nói trắng ra, Gia Đình Phật Tử không bội bạc mà lại ghi nhớ công ơn đùm bọc của Hội suốt một thời gian khổ lâu dài. Nhưng có điều đáng tiếc, vô cùng đáng tiếc là một số Huynh trưởng quen sống dưới bóng mát ấy đã quên bổn phận thiêng liêng khi nghĩ rằng "không có Hội là Gia Đình Phật Tử phải tan rã". Tâm lý ỷ lại ấy đã hiện thực, đã là một trở ngại lớn cho công cuộc thống nhất của Gia Đình Phật Tử. Nhiều anh chị em đã nhầm lẫn ỷ lại với chung thủy, hiểu lầm tự lập với vong ân.
May thay đó chỉ là tâm lý chốc lát của một thiểu số. Trên con đường đi tới sự phát triển toàn diện, Gia Đình Phật Tử đã phải dùng nhiều phương thế uyển chuyển. Trong thời chiến tranh Việt-Pháp còn tiếp diễn, tâm lý chung của quần chúng, kể cả đại chúng Phật tử là hoài nghi và cực đoan. Hoài nghi vì luôn luôn bị bọn chính khách bất lương lường gạt, cực đoan vì sức chịu đựng bị hao mòn. Trong trường hợp này, gây cho quần chúng một niềm tin về tổ chức của mình – một tổ chức không phải lúc nào cũng nói thẳng thực chất cho mọi người hiểu được – tất phải dùng nhiều thể cách trái ngược. Những thể cách ấy, với những người nông nổi chỉ đưa tới hiểu lầm mà mở lối cho các luận điệu vu khống. Muốn tránh những ngộ nhận chúng ta chỉ có hai phương thế: một là đem tư tưởng chân chính chỉ đạo cho hành động, hai là lấy hành động phân minh để biện minh cho tư tưởng. Các anh chị lãnh đạo phong trào đã chọn phương thế thứ hai. Mọi người đã âm thầm, câm nín để hành động. Những hoài nghi, vu khống ngày một dày đặc như một rừng tranh. Công việc đốt tranh không phải ai cũng làm được và đốt được. Cho nên người Huynh trưởng cần biết kiên nhẫn, dù có oan ức. Hành động mà không có phương châm cũng chỉ là xuẩn động. Lúc bấy giờ Ban Hướng Dẫn đã nghĩ tới trước tiên là tạo cho mọi Huynh trưởng một căn bản, một tinh thần. Các trại huấn luyện được lần lượt mở liên tiếp từ Thừa Thiên vào tới Đà Nẵng (Lục Hòa mở cho các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đà Lạt 12.7.1951, trại Tinh Tấn tại Nha Trang 14/7/1952). Và những cuộc viếng thăm có tính cách tác động tinh thần tại Phan Rang (22/7/1952). Những công tác đầu tiên ấy đã đưa tới sự bành trướng mạnh mẽ của Gia Đình Phật Tử suốt các tỉnh Trung phần.
Uy tín và sức mạnh của một phong trào là do ở tác phong của cán bộ. Những người lãnh đạo hôm nay mà còn giữ được thái độ khiêm cung, tích cực, phần nhiều đều xuất thân từ các trại huấn luyện sơ khởi ấy cả. Nói đến trại huấn luyện tất phải nhắc tới trại Kim Cang. Đây là một trại huấn luyện Huynh trưởng toàn quốc đầu tiên, thành phần ban quản trại có thầy Minh Châu (cố vấn giáo lý) và anh Võ Đình Cường (trại trưởng), anh Phan Cảnh Tuân (trại phó), anh Lê Cao Phan lúc bấy giờ làm Trưởng ban Hướng dẫn Thừa Thiên và nhiều anh chị khác. Kể về trại sinh thì biên giả xin đơn cử vài anh: Bắc Việt có Lê Vinh (thường gọi là Lê Lai), Trần Thanh Hiệp (hắc ín), Đặng Văn Khuê (tiểu thư). Nam Việt có anh Nguyễn Hữu Huỳnh, còn Trung Việt thì chiếm đa số, mà phần đông tới nay đều trên 40 tuổi, hay có người đã khuất như anh Lê Văn Vinh (Đà Lạt).
Năm 1952 là năm đáng ghi nhớ của Phật giáo. Đó là năm thành lập Phật giáo thống nhất, năm thành lập Hội Phật giáo thế giới mà Thượng Tọa Tố Liên (Bắc Việt) được bầu làm Phó Chủ Tịch. Việt Nam là hội viên sáng lập và được hân hạnh đón tiếp ông Chủ tịch Malalasekere. Cùng năm ấy, anh Võ Đình Cường hướng dẫn một phái đoàn Gia Đình Phật Tử ra thăm Hà Nội, vận động Hội nghị thống nhất. Thật ra, giữa tổ chức của ba miền lúc bấy giờ còn có nhiều khác biệt về hình thức cũng như điều hành.
Ngày 1/1/1953, một kỷ nguyên mới đã mở đầu cho Gia Đình Phật Tử Việt Nam ra đời với một Ban Hướng Dẫn Trung Ương, một Nội quy, một Chương trình tu học thống nhất.
Trong dịp này, anh Trưởng ban Hướng dẫn toàn quốc Võ Đình Cường có nhấn mạnh về ý nghĩa đại hội:
“…Thưa các anh chị em đại diện Gia Đình Phật Tử Bắc và Nam Việt. Sự hiện diện của anh chị em trong hội trường này làm chúng tôi cảm kích vô cùng. Nó chứng tỏ sự hưởng ứng nồng nhiệt của Phật tử Bắc và Nam đối với phong trào Gia Đình Phật Tử theo với anh chị em một luồng gió phấn khởi đã bay về quạt vào lòng chúng tôi làm cho chúng tôi thêm hăng hái. Từ đây, trên đường lý tưởng chúng tôi không lẻ loi nữa. Chúng tôi có thể nắm chặt tay anh chị em Bắc và Nam mà tiến mạnh tiến xa, không quản ngại hào sâu và hố hiểm…”
Phái đoàn Gia Đình Phật Tử Bắc Việt gồm có chị Ni, anh Nguyễn Văn Nhã, Lê Văn Lãm, Văn Đình Hy. Nam Việt có anh Tống Hồ Cầm, Nguyễn Văn Thục. Những người ấy nay người còn kẻ mất. Có những người hiện còn mà tuồng như đã mất, và những người khuất mặt mà chẳng xa lòng. Đó là lòng mến thương ruột thịt, lòng lân ái cùng chung lý tưởng. Mười một năm đã qua, mười một năm thực hiện một lời thề. Trải qua nhiều tang thương biến đổi, đất nước bị chia cắt. Thử hỏi còn ai nỡ cắt đứt nốt tâm hồn khi quê hương đã bị bọn manh tâm chia rẽ.
Ngày 31/7/1955, một Hội nghị Huynh trưởng toàn quốc thứ hai họp ở Đà Lạt. Trong cảnh sum họp ấy, vắng mặt một người. Chính quyền đã cấm anh Trưởng ban Hướng dẫn đi họp. Thế nhưng hội nghị vẫn nhận được thư anh và đều dốc hết năng lực vào việc thảo luận kế hoạch phát triển phong trào.
Từ năm 1954, chính quyền Pháp thảm bại phải bàn giao cho Mỹ quản thủ miền Nam và chính quyền họ Ngô đã gieo tang tốc cho Gia Đình Phật Tử. Đã có những anh chị em bị ám sát giữa đồng vắng, có anh chị em bị chôn sống ở Bình Định, anh Trưởng ban Hướng dẫn phải vào tù và tị nạn. Mặc dù gặp nhiều trở ngại đó, sức tiến của Gia Đình Phật Tử vẫn tăng đều. Chỉ nguyên một tỉnh Thừa Thiên cũng đã có hơn 400 Huynh trưởng điều khiển các Gia đình từ thị xã tới nông thôn. Sinh hoạt nông thôn đặt ra nhiều vấn đề mới về huấn luyện và điều hành. Biên giả rất thán phục sự sáng suốt và hy sinh của một số anh chị em lãnh đạo đã đưa ra những chương trình hoạt động hữu hiệu về nội vụ, nhưng cũng xin nhắc thêm là không nên dựa vào một vài kết quả thu hoạch được ở địa phương mà quên lãng cái lý tưởng hướng tới thống nhất thực sự. Một thái độ kiêu kỳ, một tâm lý chủ quan, anh hùng cá nhân rất có hại cho sự tồn tại và phát triển của tổ chức trong giai đoạn hiện tại. Những khó khăn vẫn còn đó, trở ngại vẫn gia tăng, ta không thể bắt chước các nhà chính trị chỉ kêu gọi đoàn kết suông mà phải thật sự cùng làm, cùng nghĩ, cùng nói theo đúng tinh thần thống nhất của Gia Đình Phật Tử. Hoàn cảnh chính trị xã hội Bắc, Trung, Nam có khác, nhưng đó là biên giới thực tại chứ không phải những ngăn cách tinh thần. Gia Đình Phật Tử còn rất nhiều sứ mệnh phải hoàn thành. Ta không thể để cho tâm hồn có kẻ hở. Làm như thế là mở lối cho ngọn gió độc len vào phá vỡ sự nghiệp và tâm hồn ta.
Ngày 28/6/1964, Đại hội Huynh trưởng toàn quốc lần thứ tư họp tại trường Gia Long Sài Gòn sau ngày Pháp nạn. Đây là cơ hội để kiểm điểm hàng ngũ và còn là lối về của những người lạc hướng, lối về của những anh chị em bị nghịch cảnh làm ly cách. Hơn 200 đại biểu của 42 tỉnh nhóm họp trong 3 ngày. Ba ngày dài hơn ba thế kỷ. Những lời cam kết, những lời tâm sự, những lời kể lể về vinh nhục thăng trầm đã biểu lộ một tinh thần sắt đá, một tình thân ái vô biên. Mai sau dù ai có thành kiến mà phủ nhận lời thề thì lịch sử Gia Đình Phật Tử cũng đã một lần nghe những lời tha thiết ấy! Một Nội quy mới, một Quy chế Huynh trưởng, một Quy chế ngành nữ đưa tới một cơ quan điều hành dân chủ và tiến bộ. Đại hội này còn nói lên ngày độc lập của Gia Đình Phật Tử. Thật ra trong tinh thần, Gia Đình Phật Tử vẫn độc lập từ lâu, nhưng về pháp lý phải chịu ép mình trong khuôn khổ chung. Đàn chim vượt cửa lồng tung bay ra ánh sáng tự do. Một vài con rã cánh vì ngợp nắng nhưng đàn chim vẫn rộn ràng nhịp cánh theo lịch sử. Một vài con cam chịu cảnh lầu son gác tía, gạo trắng nước trong mà quên cả khung trời bao la phóng khoáng. Nhưng trước sau gì cảnh chim lồng cũng không phải là lý tưởng của một đoàn viên Gia Đình Phật Tử. Người ta, vì có thành kiến có thể trút bỏ tất cả, nhưng màu áo lam một khi đã ghi sâu vào tâm khảm thì không một màu sắc gì có thể nhuộm được nữa…