Chương 1: Phác Họa Bối Cảnh Lịch Sử Xã Hội Trong Giai Đoạn Hình Thành Của Gia Đình Phật Tử – Sứ Mệnh Gia Đình Phật Tử

G

Chương Thứ Nhất
Phác Họa Bối Cảnh Lịch Sử Xã Hội Trong Giai Đoạn Hình Thành Của Gia Đình Phật Tử

Mọi sự bắt đầu từ cuộc đời. Mọi trạng huống đau thương của nhân sinh bao giờ cũng là căn do gần gũi nhất cho những dòng tư tưởng lớn, những cơn thức dậy của con người. Nếu không có một thời Đông Chu loạn lạc thì không bao giờ Trung Hoa có Khổng Tử. Một bờ duyên hải Địa Trung không chìm ngập trong chiến tranh thảm khốc thì nhân loại không thể có Socratet hay Pytagore. Và nếu Ấn Độ không đớn đau dưới thần quyền, giai cấp thì dòng họ Thích Ca lại thêm một vị minh quân Tất Đạt Đa mà chẳng bao giờ được tắm gội ánh đạo vàng của đức Phật. Xã hội bao giờ cũng là địa bàn phát sinh biến cố lịch sử. Cho nên, nói về sự hình thành của một phong trào vững mạnh, việc đầu tiên vẫn là nhắc lại quá trình biến chuyển thời đại.

Ngày nay, Gia Đình Phật Tử có những đoàn sinh chưa đầy hai mươi tuổi, nhưng tuổi Gia Đình đã dày dặn hai mươi. Người đoàn viên hôm nay không thể đi tới ngày mai nếu không gợi lại những ngày qua gian khổ. Gia Đình Phật Tử ra đời khi đất nước còn đắm chìm trong nô lệ. Tổ chức ta không phải là không nếm hận thăng trầm.

1940, đất nước ba miền chia cắt, vươn dần tới thống nhất.

1946, quân xâm lăng trở lại gieo thảm họa chiến tranh.

1954, thân nước cắt đôi, mầm đau khổ tới nay vẫn còn tiếp diễn.

Trong ba giai đoạn lịch sử ấy, Gia Đình Phật Tử đã đào tạo ra và cũng đã bị mất đi biết bao nhiêu người thân yêu ruột thịt. Vậy để hiểu rõ hơn về thân phận của Gia đình ta xét tới trước tiên:

 

I. Biến Cố Lịch Sử:

Năm 1940, những cuộc đấu tranh phản đế của Nho sĩ đã tàn rụi nhường chỗ cho lớp sống thanh niên. Phan Chu Trinh vừa mất ở miền Nam, Phan Bội Châu ngậm ngùi nơi bến Ngự. Hai vì sao lớn đã tắt thực sự lôi cuốn những tia lửa cuối cùng của thời cũ vào bóng tối. Mùa xuân năm ấy, nước Pháp đã bắt đầu rên siết dưới gót sắt của Hitler. Đông dương bơ vơ. Quân phiệt Nhật bắt đầu bày cảnh, vẽ tuồng Đại Đông Á. Mặc dù bạc nhược, người Pháp tại đây vẫn chưa chịu nới tay khủng bố bốc lột dân ta. Sau nhiều lần kêu gọi sự trợ giúp của Mỹ không được (Mỹ vẫn giữ chính sách bất can thiệp cố hữu, đợi khi nào có một bên mỏi mệt thì mới tiếp tay và chiếm phần), Pháp đã lùi dần trước áp lực của Nhật Bản. Ngày 25/6/1940 Pháp ký hiệp định đầu hàng Đức Quốc Xã. Chính phủ Vichy đòi toàn quyền Catroux sang thay. Lúc bấy giờ những tài liệu đấu tranh bí mật do các đảng cách mệnh phổ biến, lòng dân Việt như đám than hồng ầm ỉ chỉ chực bùng cháy. Thanh niên nông thôn hướng dần theo cách mệnh. Thanh niên đô thị vẫn còn say sưa trong tiếng hát cung đàn. Ngày 30/8/1940 chính phủ Pháp thừa nhận quyền di chuyển quân binh, chiến cụ của Nhật tại đây. Những việc mặc cả thối tha này làm cho dân Việt bừng tỉnh. Run sợ trước cao trào cách mệnh, Ducoroy tổ chức liên tiếp các cuộc vận động thể thao để lôi cuốn thanh niên. Âm mưu họ không phải hoàn toàn thất bại. Sức hiếu động của thanh niên đã mở nút. Khắp nơi tưng bùng chạy nhảy. Thế nhưng những trò trẻ ấy chỉ lôi cuốn những hạng người nông nổi. Thanh niên có ý thức đều lo âu. Ngày 22/9/1940, Nhật chiếm Quảng Đông, Quảng Tây và tấn công quân Pháp tại Đồng Đăng, Lạng Sơn. Trong khi máy bay Nhật oanh tạc Hải Phòng, 800 lính Pháp gục đầu nhường cho 25.000 quân Nhật làm chủ nước này. Trong cảnh hoán nô dịch chủ ấy, đa số thanh niên đô thị vẫn chưa tỉnh mộng.

Trước tình cảnh ấy, một số trí thức vội vàng kéo nhau đi học tiếng Nhật để mong thờ chủ mới. Những thất bại liên miên của quân đội Đồng minh trước sức tấn công của Nhật đã gieo vào ý thức các nhà cách mệnh của ta một ảo vọng do Nho sĩ lưu truyền. Họ mơ tưởng rằng, người Nhật đuổi người da trắng cho các da vàng được độc lập. Thế là một khuynh hướng mới lại bùng lên. Số người ngấm ngầm hợp tác với Nhật ngày một nhiều. Họ tự cho mình là ái quốc, là anh hùng dân tộc trong tương lai…

Lúc bấy giờ tại Huế, Hội An Nam Phật Học được thành lập, chùa Từ Đàm đang xây cất dở dang, các buổi thuyết pháp hàng tuần tại chùa Tây Thiên, Trúc Lâm, Tường Vân, Linh Quang do các giảng sư Thích Mật Thể, Thích Mật Khế, cư sĩ Lê Đình Thám đã tạo một đạo tràng sâu rộng trong từng lớp quan liêu, quý tộc. Phật học Viện đào tạo các tăng tài xuất chúng: Thích Trí Quang, Trí Đức, Trí Nghiễm v.v… Phật pháp lan dần vào đại chúng. Những biến cố trên vang vọng tới thiền môn. Vì ý thức sự lôi cuốn nguy hại của hư danh đối với lớp trẻ nên cư sĩ Tâm Minh với sự hưởng ứng của một số thanh niên Đinh Văn Nam (nay là Thượng Toạ Thích Minh Châu), Đinh Văn Vinh, Võ Đình Cường, Ngô Điền, Phạm Hữu Bình, Nguyễn Hữu Quán, Phạm Quy, Lê Bối v.v… thành lập đoàn Phật Học Đức Dục. Đồng thời các Gia Đình Phật Hóa Phổ (tiền thân của Gia Đình Phật Tử), Tâm Minh, Tâm Lạc, Thanh Tịnh, Sum Đoàn cũng lần lượt thành lập. Và ngày Rằm tháng Tư năm ấy được chọn làm ngày lễ chu niên cho tổ chức này. Đến nay, dù đã xa xăm, kẻ viết bài này vẫn còn nghe văng vẳng bên tai tiếng vĩ cầm, tiếng hát cao vút bài Hải Triều Âm của đạo hữu Bửu Bác (nay gọi là Trầm Hương Đốt). Không khí ở đây tách biệt hẳn với mọi đổi thay trong cuộc sống. Tuy nhiên, ngày vui ấy không dài.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chánh Pháp. Chính phủ Trần Trọng Kim thành lập. Không khí chính trị sôi nổi. Nhưng thật ra chưa mấy ai ý thức rõ ràng được hướng tiến phải về đâu. Sau sáu tháng loanh quanh, đến ngày 19/8/1945, cuộc cách mệnh toàn dân bừng cháy. Biến cố này cơ hồ lật đổ hết mọi truyền thống. Sau 100 năm, kể từ khi những tiếng súng của người Pháp bắn vào Đà Nẵng cách một thế kỷ, lần này lịch sử mới có một cơn biến động vô cùng mãnh liệt như vậy. Người ta hy vọng một sự đổi mới trong vận mệnh. Nhưng dư âm dĩ vãng còn đang phân hóa tiềm thức mọi người nên một không khí nghi kỵ, tương tranh lại làm đổ máu và chờ đợi một sự tan vỡ mới. Sau những tuần lễ vàng, những ngày đồng tâm nhịn đói lấy gạo giúp chiến sĩ, mùa đông binh sĩ, và sau Tết Độc Lập thì ở Lăng Cô, dưới chân đèo Hải Vân núi mây trùng điệp đã lác đác vang lên tiếng súng của kẻ tham tàn. Người ta ngơ ngác không hiểu. Những hầm hố mọc lên, những chướng ngại vật được bày ra, những ngôi nhà lớn bị triệt hạ, ai nấy đều đã bắt đầu hiểu rõ thân phận của người dân nhược tiểu trước tham vọng của Đồng minh.

Không phải tới bây giờ thân phận Việt Nam mới bị ngoại nhân chi phối. Năm 1945, sau khi trục Đức-Nhật-Ý bị phá vỡ, hội nghị Posdam rồi Yalta do Churchill, Staline, Roosevelt nhóm họp đã bàn về chuyện chia đất. Ở ngoài cửa còn lấp ló Tưởng Giới Thạch và De Gaulle. Chỉ một gạch bút chì xanh đỏ, thế giới đã bị cắt ra ba miếng: Đông Âu của Nga, Tây Âu của Anh, Nhật của Mỹ và các mảnh nhỏ thì cận đâu xâu đó. Việt Nam ở trong khu vực giải giới của Trung Hoa và Anh Quốc.

Sau mấy tháng gieo rãi lối sống bừa bãi của lũ tàn quân Trùng Khánh do Lư Hán, Tiêu Văn toa rập với Gracey thỏa hiệp cho Pháp thực dân tái chiếm Việt Nam. Thế là chưa vui sum họp đã sầu chia ly, dân Việt phát khởi phong trào kháng chiến. Không mấy chốc, xương sống nước Việt bị chẻ làm đôi: miền quê của dân, miền tỉnh của địch. Bên ni là chốn hận thù, bên tê là nơi lao khổ. Ngày là địch, đêm là thù. Năm 1947, một Hội nghị các Đảng phái quốc gia họp tại Hồng Kông bàn chuyện đưa cựu hoàng Bảo Đại về làm tân hoàng, lập chính phủ quốc gia do ông quan sáu dân tây Nguyễn Văn Xuân làm Thủ tướng. Những biến chuyển dồn dập từ tản cư tới hồi cư, từ du kích tới tổng phản công… Từ Lai Khê, Nà Sản, Hòa Bình, bụi chiến chinh làm rơi bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu xương máu. Nghĩa địa rậm hơn rừng. Nhà lao cao hơn núi. Nỗi oan khổ của người dân vô tội không có đại dương nào chứa đựng nổi. Nhưng rồi, chùm nho phẫn nộ tới thời chín mùi tất phải rụng. Chỉ một búng nhẹ, dòng máu đỏ cũng tuôn tràn. Chính trong không khí đau thương ấy đã tái lập tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ. Thành phần đoàn Phật Học Đức Dục hoàn toàn phân tán. Cư sĩ Tâm Minh đi xa, một số các anh trong đoàn đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Năm 1950, vào một ngày Trung Thu tầm tã, các anh chị em, sau khi ly tán đã tập hợp lại dưới sự hướng dẫn của chú Minh Châu, anh Võ Đình Cường và vài anh chị khác, Tống Hồ Cầm, Phan Cảnh Tuân, Lê Văn Dũng, Văn Đình Hy, Phan Xuân Sanh, Cao Chánh Hựu… và các chị Hoàng Thị Kim Cúc, Đặng Tống Tịnh Nhơn v.v… Hai Gia đình đầu tiên được thành lập: Hướng Thiện với bác Phan Cảnh Tú (thân phụ anh Phan Cảnh Tuân) làm gia trưởng. Gia Thiện do bác Nguyễn Văn Phiên làm gia trưởng. Thế rồi cao trào lần lượt dâng cao: Chơn Trí, Hương Từ, Hương Đàm rồi nhiều nữa, như một hoa sen vươn cánh nở từ từ khắp đất thần kinh. Một báo hiệu tốt đẹp lại bắt đầu.

Ban Hướng Dẫn Thừa Thiên được thành lập. Tất nhiên không hùng hậu như ngày nay: Trưởng ban Võ Đình Cường, Phó trưởng ban Hoàng Thị Kim Cúc, Thư ký Lê Văn Dũng, Ủy viên Phan Cảnh Tuân v.v… Các trại huấn luyện đã bắt đầu mở. Ban Hướng Dẫn tiên khởi này đã ghi được hai thành công quan trọng : phát triển Gia đình theo tinh giáo dục thanh niên và tiến tới việc thống nhất các Gia Đình Phật Tử Trung Nam Bắc. Lúc bấy giờ ở Sài Gòn, anh Tống Hồ Cầm, Nguyễn Văn Thục tổ chức các Gia Đình Phật Tử trực thuộc Hội Phật Học Nam Việt, lúc này còn rất nghèo khó ở chùa Phước Hòa. Và ở miền Bắc, các anh Nguyễn Văn Nhã, Lê Văn Lãm, các chị Vũ Thị Định, chị Ni (nay đã xuất gia) đã thành lập một số Gia Đình tại Hà Nội và Hải Phòng.

Trong một hoàn cảnh lịch sử bi đát như trên, công cuộc tổ chức thật gian nguy và nặng nhọc. Gian nguy vì trước mắt thực dân, tổ chức thanh niên nào cũng khả nghi. Nặng nhọc vì số người có chí hướng ở vùng tề rất ít. Năm 1950, hội nghị thống nhất đầu tiên được khai diễn tại Từ Đàm và danh hiệu Gia Đình Phật Tử được khai sinh từ đó.

Phát sinh từ trong một hoàn cảnh lịch sử đa sự, Gia Đình Phật Tử chưa bao giờ xưng danh là một tổ chức chính trị, mà chỉ là một tổ chức giáo dục thanh thiếu nhi theo tinh thần Đạo và Trẻ.

Thế mà, sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, hiệp nghị Genève chia đôi đất nước. Gia Đình Phật Tử bắt đầu nếm những sự đối đãi khốc liệt bởi chính quyền miền Nam. Một số Gia đình miền Bắc vào Nam: Minh Tâm theo Hội Việt Nam Phật Giáo và Gia đình Giác Minh được thành lập do sự nâng đỡ của Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam.

Không ai chối cải rằng đa số anh chị em Phật tử đã tham gia công cuộc kháng chiến sống trong cảnh nước mất nhà tan nếu không chịu để cho lợi danh lôi cuốn tất phải xả thân cứu nước. Ai oán thay! nếu bọn thực dân trước kia đã giết hại những người kháng chiến vì đó là những kẻ thù không đội trời chung với họ, những người coi thường sinh mệnh cản trở bước xâm lăng. Điều ấy không có gì lạ, có lạ chăng là, trong chín năm qua, phần lớn Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử đã bị khủng bố vì tội kháng chiến. Cứu nước là có tội. Thật là một chân lý trớ trêu dưới ánh mặt trời. Người ta đã cố tâm đồng hóa kháng chiến với cộng sản, kẻ thù duy nhất của chính quyền miền Nam. Và chỉ một câu bình luận, chính quyền suy diễn ngay ra mọi đoàn viên đều chống chính quyền? Vì thành kiến ấy, chính quyền đã đối xử gắt gao với Gia Đình Phật Tử. Anh Trưởng ban Hướng dẫn toàn quốc bị bắt đến phải tuyệt thực mới được thả. Nhiều Huynh trưởng bị chôn sống ở Bình Định. Nhiều anh bị đày côn đảo. Một số khác lại bị ám sát giữa đồng vắng trong đêm tối. Sự khủng bố gắt gao ấy đã không làm cho sự phát triển ở các đô thị chậm lại chút nào mà còn giúp cho Gia Đình Phật Tử nông thôn phát triển mạnh mẽ vô cùng. Có thể nói, ở đâu có bị đàn áp là ở đó có Gia Đình Phật Tử. Chín năm chịu đựng trong gian khổ, Gia Đình Phật Tử có quyền hy vọng một ngày tự do chăng? Trong cuộc đấu tranh chống độc tài vừa qua, những em gục ở đài phát thanh Huế là ai? Đó là đoàn sinh Gia Đình Phật Tử. Những thanh niên bị chôn sống ở Bình Định là ai? Là đoàn sinh Gia Đình Phật Tử. Quách Thị Trang là ai? Là đoàn sinh Gia Đình Phật Tử. Đào Thị Yến Phi tự thiêu ở Nha Trang là ai? Là đoàn trưởng Gia Đình Phật Tử. Và những người còn sống, còn hoạt động, còn bị bôi nhọ, vu khống nhất định sẽ sống đúng truyền thống anh dũng của Gia Đình Phật Tử.

Nhắc tới biến cố lịch sử trên, chúng tôi muốn chứng minh hai yếu điểm:

1- Một phong trào thực tại phải thỏa mãn nhu cầu lịch sử, xã hội. Muốn hiểu một trào lưu tư tưởng, một thực tại xã hội, cho tới sự hình thành một tổ chức tất phải khảo cứu tường tận tình trạng đại cương của Thời Đại đã đẻ ra chúng. Chỉ trong tình trạng đại cương đó, ta mới khám phá ra được những lý do cắt nghĩa chúng một cách quyết định. Chính ở đó mới tìm được nguyên nhân sơ thủy quyết định mọi hiện trạng khác. Thời Đại cưu mang đoàn thể và đoàn thể nào cũng mang nặng Thời Đại Tính. Gia Đình Phật Tử là một tổ chức giáo dục thanh thiếu nhi có đường lối, có lý tưởng, có quy mô tổ chức và huấn luyện, không phải là một hiện tượng ngẫu sinh. Nó đã đáp ứng đúng yêu cầu lịch sử. Chỉ những ai muốn lấy tổ chức này làm một công cụ để tiến thân, để thủ lợi mới thất vọng. Những ai đã trót bị lôi cuốn bởi hư danh mới ngăn chặn hay xuyên tạc vai trò lịch sử và nhiệm vụ xã hội của Gia Đình Phật Tử.

2- Sự thất bại liên tiếp của các tổ chức thanh niên từ trước tới nay đã chứng tỏ sự lầm lẫn giữa chính trị và giáo dục, giữa chính trị với tín ngưỡng. Nhu yếu chính trị chỉ đáp ứng thành công giai đoạn. Làm chính trị ít ai không sốt ruột. Trái lại, làm giáo dục, nhất là giáo dục thanh niên bao giờ cũng đòi hỏi một phần lý tưởng và sức hy sinh nhẫn nại lâu dài. Ngày nay nhà trường chỉ dạy cho con em trí năng mà không thỏa mãn nổi sự khao khát lý tưởng. Quan niệm đào luyện bằng những huyền thoại lịch sử chỉ gợi thêm nghi kỵ, hoang mang. Đối chiếu giáo điều với ngoại cảnh, đối chiếu trí thức với cuộc đời. Người thanh niên không khỏi tìm thấy sự mâu thuẫn, trái ngược. Trước một biến cố lịch sử, con người chỉ có thái độ lựa chọn hay chối bỏ một chỗ đứng. Trong trường hợp "bỏ thì thương, vương thì nặng", sự lựa chọn phải đi tới một quyết định mới là sáng tạo một chỗ đứng mới nhằm bổ khuyết cho vị trí bơ vơ trên. Qua các biến cố lịch sử đã dẫn chứng ở trên ta thấy ngay : từ thời Pháp thuộc tới Pháp xâm lăng, cho tới tình cảnh hiện tại, Gia Đình Phật Tử đã và sẽ là một địa bàn thích hợp cho những ai muốn gạn đục khơi trong, muốn bảo tồn ánh sáng tâm hồn trong cơn sa đọa của lịch sử.

 



Khổng Tử (551-479 TCN) là một nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị nổi tiếng người Trung Hoa, các bài giảng và triết lý của ông có ảnh hưởng sâu rộng đối với đời sống và tư tưởng của các dân tộc Đông Á.
Socrates (469–399) là một triết gia Hy Lạp cổ đại, người được mệnh danh là bậc thầy về truy vấn.
Pythagoras (572 – 490 TCN) là một nhà triết học người Hy Lạp. Ông thường được biết đến như một nhà khoa học và toán học vĩ đại.
Chị Ni tức Ni trưởng Thích nữ Hải Triều Âm, thường được tôn xưng là Sư bà Hải Triều Âm, đã an nhiên thu thần thị tịch vào lúc 11 giờ 56 phút ngày 24-6-Quý Tỵ (nhằm ngày 31-7-2013) tại chùa Dược Sư, thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, trụ thế 94 năm, 60 năm tuổi đạo.

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
22
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 6
Ngày Canh Dần
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 10
Kiên Giang