Gia Đình Phật Tử Trong Lòng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

G

GIA ĐÌNH PHẬT TỬ TRONG LÒNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
( Kỳ 1 )

Thiện Điều Nguyễn Thắng Nhu
 
            Đức Phật ra đời vì hạnh phúc của số đông. Đại lễ Phật Đản năm Ất Hợi (10-05-1935) do Hội An Nam Phật Học tổ chức rất qui mô hoành tráng tại đất Thần Kinh. Trong đoàn rước Phật, ban tổ chức đã cho tuổi trẻ lần đầu tiên tham gia Phật sự một cách rất dễ thương, trẻ trung và cuốn hút, 52 em nhỏ được đồng phục trong bộ áo mũ (Mã Tiên), hai vai gắn đèn hoa sen, vưa đi vừa hát điệu đang đàn cung “Vui mừng gặp ngày nay mồng tám tháng tư…” Hình ảnh này đã thôi thúc niềm ưu tư của các bậc trí giả Phật Giáo thức thời quan tâm vấn đề tuổi trẻ với Phật Giáo.
            Trong Phật Giáo có đủ món ăn ngon cho người lớn, có bình sữa ngọt cho trẻ thơ, các bậc tiền bối nghĩ như thế nên muốn cho hàng con em tin Phật có được chỗ đứng vững vàng trong Phật Giáo, được hưởng hương vị thơm ngon trong giáo lý Đức Phật, được sinh hoạt vui chơi trong khung trời Phật Giáo, chứ không hạn hẹp đơn lẻ chỉ biết lẽo đẽo theo mẹ, theo bà lên chùa lễ Phật.
            Ngày 10-8-1938, trong diễn văn khai mạc đại hội thường niên của Hội An Nam Phật Học, cư sĩ chánh hội trưởng Lê Đình Thám đã tuyên bố: “Không có một thành tựu vững bền nào lại không nhắm đến hàng ngũ thanh, thiếu niên. Họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai…”
            Hai năm sau, 1940, Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục (TNPHĐD) ra đời với sự bảo trợ của Hội An Nam Phật Học và sự hướng dẫn trực tiếp của nhà Phật học-bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Đoàn gồm có 15 anh : Phạm Hữu Bình (đoàn trưởng), Đinh Văn Nam (đoàn phó), Ngô Điền (thư ký) và các anh Đinh Văn Vinh, Ngô Thừa, Võ Đình Cường,Nguyễn Hữu Quán, Nguyễn Khải, Lê Kiểm, Phạm Quy, Hoàng Ngọc Phu,Lê Đình Duyên, Ưng Hội, Tráng Thông, Lâm Công Định.
            Đoàn TNPHĐD lúc bấy giờ là tượng trưng cho một đạo Phật rất “mới” rất “trẻ”. Đoàn đã tổ chức “Phật học Tùng thư” và xuất bản rất nhiều sách Phật Giáo, trong đó có các cuốn : Thanh Niên Đức Dục (Đinh Văn Nam), Phật Giáo và Thanh niên Đức Dục (Phạm Hữu Bình), Đời Vui (Ngô Thừa), Nghĩa Chư Cho (Nguyễn Hữu Quán), Ánh Đạo Vàng (Võ Đình Cường) … Những tác phẩm văn học này nhằm xây dựng phong trào thanh niên học Phật.
            Các đoàn viên TNPHĐD chia nhau đến các chùa, các khuôn hội gom góp các nhóm Đồng Ấu tự phát, tổ chức thành đội, đoàn, tập cho các em hát, tụng kinh, làm việc thiện và sống theo các hạnh lành.
            Lễ Phật Đản năm 1944 tại đồi Quảng Tế (Huế), các đơn vị Thanh niên Phật học, Hướng Đạo Phật Giáo, Đồng Ấu Phật học… họp đại hội và khai sinh tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ (GĐPHP), tiền thân Gia Đình Phật Tử ngày nay.
            Bốn GĐPHP đầu tiên được thành lập tại Huế là : Gia đình Tâm Minh, Gia đình Tâm Lạc, Gia đình Thanh Tịnh, Gia đình Sum Đoàn do các bác : Lê Đình Thám, Phạm Quang Thiện, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Hữu Tuân làm Phổ trưởng và các anh trong đoàn TNPHĐD phụ trách hướng dẫn sinh hoạt. GĐPHP đã lớn mạnh theo từng bước phát triển của các khuôn hội, Niệm Phật đường ở Huế rồi tỏa ra các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và lan dần đến cả hai miền Nam, Bắc.
            Tại Thuận Hóa (Huế) vào những ngày 24, 25, 26 tháng 4 năm 1951, đại hội GĐPHP họp tại chùa Từ Đàm gồm đại biểu 9 tỉnh hội, chi hội miền Trung là : Thừa Thiên, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẳng, Quảng Nam, Lâm Viên, Bình Thuận, Can Rang, Đồng Nai Thượng và hai tỉnh miền Bắc là Hà Nội, Hải Phòng. Từ đại hội này, danh xưng GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM (GĐPT) được thay thế cho :Gia Đình Phật Hóa Phổ” và một bản Nội quy trình cũng được ra đời từ đây. Anh Võ Đình Cường, trưởng Ban hướng dẫn GĐPT Thừa Thiên được cử giữ chức vụ Trưởn Ban Hướng Dẫn GĐPT Tổng hội Phật Giáo Trung phần.
            Năm 1953, hội nghị GĐPT lần thứ II được triệu tập tại Huế với đầy đủ các đại biểu của 3 miền Trung, Nam, Bắc để soạn thảo chương trình tu học cho các ngành các cấp, thống nhất hình thức, tổ chức, đồng phục, huy hiệu, phù hiệu… (Còn tiếp…)


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
22
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 6
Ngày Canh Dần
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 10
Kiên Giang