Thư Gởi Huynh Trưởng Trẻ Kỳ 40: Nên Nhìn Sinh Hoạt Gia Đình Phật Tử Bằng Nhãn Quan Nào?

G

KỲ 40: NÊN NHÌN SINH HOẠT GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
BẰNG NHÃN QUAN NÀO?

 
            Bạn thân mến,
            Tổ chức Gia Đình Phật Tử (GĐPT) là một tổ chức hoàn toàn tự nguyện do giới cư sĩ Phật tử sáng lập và điều hành suốt 75 năm qua ( 1940 – 2015). Truyền thống của tổ chức Áo Lam chúng ta từ ngày thành lập đến nay là : GĐPT luôn sinh hoạt trong khuôn khổ pháp lý của một tổ chức Phật Giáo (giáo hội) hợp pháp. Nói cách khác, GĐPT luôn gắn liền với giáo hội qua các thời kỳ; nói cách khác nữa, đoàn viên GĐPT luôn gắn liền với tăng, ni và Phật tử nơi tự viện và nơi địa phương mình đang sinh hoạt.
            Nhìn theo cách hình tượng, GĐPT ví như một chồi non trên cây đại thụ Phật Giáo. Chồi non ấy không thể sống nếu tách rời khỏi cây mẹ . Vì vậy, sự sống của GĐPT tùy thuộc rất nhiều vào cách nhìn của chư tôn đức tăng, ni. Nếu là hàng lãnh đạo trong giáo hội thì quan điểm của vị ấy có ảnh hưởng lớn đối với tăng, ni và Phật tử trong tỉnh; vai trò vị trí càng cao thì ảnh hưởng của vị ấy càng lớn. Do vậy, nhãn quan của vị ấy có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến sự tồn tại và phát triển của GĐPT tại địa phương ấy. Nhìn lại thực trạng sinh hoạt của GĐPT cả nước hiện nay, chúng ta phải thành thực nhận ra rằng quan điểm về GĐPT trong hàng Chúng Trung Tôn chưa phải đã nhất quán. Ví dụ :
            -Tại sao ở nơi một địa phương nghèo như Quảng Trị mà có tới 162 đơn vị GĐPT với số lượng đoàn viên lên tới hơn 12.000 người ?
            -Vì sao ở một tỉnh giàu có thuộc miền tây Nam bộ mà số lượng GĐPT chỉ có vài ba đơn vị ? Đến phân ban GĐPT còn chưa thành lập được trong khi huynh trưởng không thiếu?
            Tôi cho rằng nguyên nhân chính là tầm nhìn của Giáo hội ở hai nơi đó có sự khác nhau đối với sinh hoạt GĐPT. Ngoài ra cũng không loại trừ rất nhiều yếu tố khách quan tác động đến suy nghĩ của các nhà lãnh đạo giáo hội địa phương. Gần đây, một thông tin loan truyền trong anh chị em GĐPT các tỉnh miền Tây Nam bộ rằng :
Có một vị giáo phẩm trung ương đi theo đoàn đến một tỉnh nọ làm việc với ban trị sự giáo hội địa phương để tìm hiểu hoạt động của ngành hướng dẫn Phật tử. Buổi làm việc có sự tham dự của chừng vài chục em trong câu lạc bộ thanh thiếu nhi (trong khi đó, đoàn viên GĐPT không được ban tổ chức cho vào hội trường). Gần cuối buổi làm việc, vị giáo phẩm ấy đứng lên hô hào:“Các em muốn đi gia đình Phật tử hay muốn đi sinh hoạt câu lạc bộ thanh thiếu nhi ?” Các em bé trong hội trường đồng thanh la lớn :
            -Chúng em muốn đi sinh hoạt câu lạc bộ thanh thiếu nhi !
           
            Bạn thân mến,
            Tôi đi sinh hoạt GĐPT đến nay đã gần 60 năm rồi. Trước đây bên cạnh GĐPT cũng có nhiều tổ chức khác như Học sinh Phật tử, Sinh viên Phật tử, Hướng đạo Phật tử v.v… nhưng chưa bao giờ có một vị chức sắc nào trong giáo hội làm cái việc quảng cáo hô hào cho tổ chức mình như thế!  
            Tôi rất tâm đắc với loạt bài “Thư gởi các bậc phụ huynh” đăng nơi mục Chánh kiến website gdptkiengiang.vn. Qua nội dung bài viết, tôi bất ngờ nhận ra một cách nhìn mới mẻ về GĐPT mà đa số chúng ta chưa nghĩ đến khi đánh giá về sinh hoạt GĐPT, chẳng những đối với người chưa hiểu nhiều về GĐPT, mà còn đối với anh chị em huynh trưởng như chúng ta. Tôi xin phép trích đăng một đoạn trong bài viết nói trên :
            “…Tùy nơi tùy lúc nào đó, dưới con mắt của một người ngoại cuộc, có thể có người cho rằng sinh hoạt GĐPT thật buồn tẻ, đáng chán; nhưng dưới nhãn quan của người hiểu biết sâu sắc về sinh hoạt GĐPT, thì những hình ảnh “buồn tẻ” ấy nói lên giá trị tinh tấn tu học của những đoàn viên GĐPT trong cuộc. Bởi vì chúng ta đều biết rằng tuổi trẻ thì ham vui và mau chán, lâu lâu tụ họp lại chơi giỡn một,  hai ngày thì thích lắm; nhưng bảo kiên trì tu học xuyên suốt một năm thì ít có em nào có đủ ý chí theo đuổi ! Vì thế, hình ảnh những  đoàn viên GĐPT đang âm thầm tu học mỗi ngày chủ nhật đúng ra là một hình ảnh đáng mừng đáng quý chứ không hề đáng buồn!”
           Qua đoạn văn trên, tôi xấu hỗ thấy mình bấy lâu nay tuy mặc chiếc áo Lam, tuy mang cấp hiệu trên vai, mà thật ra tôi vẫn là ”người ngoài cuộc” vì quả thật tôi cũng như bao nhiêu người khác thường khởi lên sự vui buồn tùy theo số lượng đoàn sinh đi sinh hoạt hằng tuần nhiều hay ít, mà không thấy hết giá trị thẳm sâu trong từng sự nỗ lực tinh tấn của anh chị em Áo Lam. Tôi thật giống Gã Cùng Tử trong Kinh Pháp Hoa, trong chéo áo có viên ngọc quý mà không biết xài!
           Thật vậy, dưới cái nhìn thế tục, ai ai cũng đều cho rằng sinh hoạt tu học của GĐPT thật là nhàm chán vì tâm lý chung ai cũng thích đông vui náo nhiệt, vì thế người ta mới đổ tiền tỷ ra tổ chức hết lễ hội này đến lễ hội khác để quy tụ cho thật đông người tham gia và cho đấy là thành công. Xét cho cùng, việc tổ chức lễ hội rình rang tốn kém cũng có thành công đấy, nhưng chỉ thành công ở phần thu nhập cho người tổ chức; còn về mặt truyền bá Đạo Phật chân chính đến với quần chúng có thành công hay không còn phải bàn cãi nhiều.
           Nhưng dưới đạo nhãn chân chính thì những thứ lễ hội ấy chỉ có giá trị vui chơi để thỏa mãn tánh ham vui của người đời. Một khóa tu quy tụ hàng mấy trăm thanh thiếu nhi, tốn cả mấy trăm triệu đồng cũng vậy, nó chỉ có giá trị như những bong bóng xà phòng lòe loẹt trong chốc lát rồi tan vỡ mà không để lại được gì. Sinh hoạt GĐPT là đạo tràng tu học của thanh thiếu nhi có niềm tin chắc chắn nơi Đạo Pháp. Cái mà đoàn viên GĐPT cần là kết quả tu học của mỗi người qua từng ngày để dần đi đến cứu cánh “Người Phật tử chân chánh” , chứ không phải là những trò ham vui trong nhất thời của thế gian. Ai đã tự nhận mình là con Phật xin hãy lý giải tại sao hình ảnh tu học của GĐPT làm cho quý vị không thấy vui mừng mà lại sanh tâm phê phán như vậy? Như vậy, quý vị nhìn sinh hoạt GĐPT theo nhãn quan của người thế gian hay theo nhãn quan của người học Phật ?
 
           Bạn thân mến,
           Đã là huynh trưởng có trách nhiệm dẫn dắt đàn em, chúng ta cần tư duy quán chiếu sâu sắc về giá trị của công việc mình đang làm. Hãy nhìn sinh hoạt GĐPT với nhãn quan chân chính của một người biết tu, chứ không bằng cặp mắt hời hợt của người thế tục.
           Nếu đơn vị bạn hội đủ duyên lành, thu hút được nhiều đoàn sinh thì bạn hãy vui mừng cho tương lai Đạo Pháp; Nếu vì lẽ gì đó không được như thế thì bạn cũng cứ hoan hỷ vì chung quanh bạn vẫn còn có những đoàn sinh, tuy ít ỏi nhưng thật đáng quý, đang cùng bạn đi trên con đường tu thiện mà biết bao người Áo Lam trước bạn đã đi qua.
Thân ái chúc bạn có đủ niền tin và hạnh hoan hỷ trên con đường sinh hoạt GĐPT.

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang