Chương 3: Các Phương Pháp Giáo Dục Hiện Nay Áp Dụng Vào Giáo Dục Gia Đình Phật Tử

G

CHƯƠNG 3
Các Phương Pháp Giáo Dục Hiện Nay Áp Dụng Vào Giáo Dục Gia Đình Phật Tử

3.1. KHÁI QUÁT
Các phương pháp khoa học ban đầu để nghiên cứu, lý luận. Khi áp dụng vào việc giáo dục thì gọi là phương pháp giáo dục.
Khoa học nghiên cứu lý luận thời xưa phần lớn đặt căn bản trên các tín điều hơn là sự khảo sát trong hiện tại. Khoa học thực nghiệm ra đời, quan điểm mới chống lại quan điểm duy Thần của thế giới vạn vật, để cho phép con người tùy thuộc vào lý trí của mình chứ không thuộc vào thần linh như xưa.
Vào thế kỷ 17 nhà khoa học Descartes đặt toàn thể phương thức triết lý về khoa học của ông trên phương thức lý luận suy diễn. Sau đó nhà khoa học Bacon đưa ra một phương pháp lý luận khác là phương pháp qui nạp.
Đây là hai phương pháp chính để lý luận, nghiên cứu khoa học. Hai phương pháp này áp dụng vào việc giáo dục gọi là phương pháp giáo dục. Trên thực tế từ xưa đến nay hai phương pháp này được áp dụng dưới nhiều hình thức khác nhau. Vì thế mà có phương pháp giáo dục cổ truyền và phương pháp giáo dục mới ngày nay. Phương pháp giáo dục mới như phương pháp trực quan (hay trực giác), phương pháp hoạt động cũng chỉ là biến thể hình thái khác của hai phương pháp trên để thích ứng với khoa tâm lý thiếu niên, nhi đồng áp dụng vào giáo dục.
3.2. CÁC PHƯƠNG PHÁP
3.2.1. Phương pháp suy diễn và phương pháp qui nạp
3.2.1.1. Khái niệm
– Phương pháp suy diễn (còn gọi là phương pháp diễn dịch): Theo phương pháp này người ta đi từ định luật tổng quát, mà xuống các trường hợp riêng biệt. Nói cách khác là đi từ nguyên lý đã biết đến hậu quả chưa biết.
– Phương pháp qui nạp: Theo phương pháp này người ta khởi đầu nghiên cứu, thực nghiệm, nhận xét những trường hợp riêng biệt. Sau cùng gồm những điểm giống nhau để thành một nhận định, một định luật hay một khái niệm tổng quát. Nói một cách khác, qui nạp là lý giải đi từ hậu quả đến nguyên lý, từ đặc thù đến tổng quát.
3.2.1.2. Áp dụng
GĐPT có thể áp dụng hai phương pháp này để giảng dạy môn Phật pháp và Tinh thần cho huynh trưởng và đoàn sinh lớn ngành Thiếu và ngành Thanh.
– Thí dụ 1 (phương pháp suy diễn):
+ Định luật : Mọi sự vật ở đời đều do nhân duyên hội hợp mà hình thành.
+ Xét các trường hợp riêng biệt: Cái bàn do gỗ làm nhân, đinh đóng ghép, công thợ làm duyên hợp thành cái bàn. Cây lúa do hạt lúa làm nhân, công cày bừa, gieo tưới, mưa thuận gió hòa làm duyên hợp thành cây lúa.
– Thí dụ 2 (phương pháp qui nạp): Dạy về Lý luân hồi.
+ Xét những trường hợp riêng biệt
Loài thực vật như cây đậu, do hạt gieo mọc thành cây, có trái có hạt rồi tàn lụi, đem gieo hạt nó thành cây đậu khác và tiếp tục mãi.
Khoáng chất như nước biển bốc thành hơi, thành mây, rơi thành mưa, chảy về sông biển lại bốc hơi… mãi mãi không ngừng.
Năng lượng như sức nóng chứa trong mỗi vật, khi có duyên thì hiện hành rồi lại chuyển cho vật khác để cân bằng không bao giờ cùng tận.
+ Định luật: Lý luân hồi là một định luật chung lưu hành của tất cả sự vật không riêng gì loài hữu tình.
3.2.2. Phương pháp loại suy
Loại suy là cách lý luận đơn giản, người ta dựa vào một sự kiện đã biết để liên tưởng, phán đoán về một sự kiện chưa biết căn cứ vào sự giống nhau hoặc ngược lại.
Thí dụ :
– Anh A là người học rất giỏi. Em ruột anh A chắc cũng học giỏi.
– Ông B thường làm những điều xấu ác, chắc sẽ gặp điều chẳng lành.
Lối lý giải này thiếu chặt chẽ, nhưng nhiều khi cũng có năng lực lạ thường. Nhiều phát minh khoa học cũng từ cách suy luận này mà ra, như nhà bác học Bohr đã phát hiện sự giống nhau giữa cơ cấu nguyên tử với Thái dương hệ.
Về mặt giáo dục, người ta áp dụng phương pháp này để rèn luyện óc liên tưởng, phán đoán, rèn luyện đức tính, khuyên răn bỏ ác làm lành.
3.2.3. Sự kết hợp các phương pháp trên
Các phương pháp trên áp dụng vào việc giảng dạy có sự hạn chế, nên người ta kết hợp các phương pháp đó lại để bổ túc cho nhau, đạt hiệu quả hơn gọi là phương pháp hỗn hợp.
Thí dụ (Ứng dụng giảng dạy Phật pháp): Lý nhân quả.
Dùng phương pháp qui nạp nêu lên những đặc điểm của lý nhân quả, những tương quan giữa nhân và quả, những thí dụ nhân quả về sự vật, về thân thể, về tâm lý để dẫn đến nhận định:
Nhân quả là định luật hiện thực chi phối tất cả mọi sự vật. Phàm có nguyên nhân tác động thì có kết quả hình thành chứ không tự nhiên có hoặc do ai ban phát.
Sau đó dùng phương pháp suy diễn ứng dụng định luật nhân quả vào đời sống của người Phật tử: Tin tưởng ở chính mình không tuân theo thuyết Thượng đế, thần quyền. Không chán nản, lo tạo nhân lành, làm bất cứ việc gì cũng nghĩ đến kết quả trước.
3.2.4. Ưu, khuyết điểm của các phương pháp trên
Các phương pháp trên gọi chung là phương pháp giáo huấn. Phương pháp này có lợi là truyền đạt ngay đến người học những kiến thức có sẵn của các thế hệ trước, người học chỉ việc tiếp thu khỏi mất thời gian tìm hiểu. Tuy nhiên, phương pháp này theo lối dạy cổ truyển chỉ có lợi cho việc thuyết trình vấn đề, giảng dạy môn học cho người trưởng thành, lý tính đã phát triển đầy đủ, có nghị lực ham học hỏi để cầu tiến, còn đối với trẻ ở tuổi thiếu niên nhi đồng rất ít hiệu quả.
Ngày xưa người ta quan niệm trẻ là một người lớn thu hình, sự hiểu biết và cảm xúc của trẻ như người lớn. Vì quan niệm như vậy nên người ta bảo trẻ nói, làm và suy nghĩ như người lớn. Trong việc giáo dục người ta cứ rót vào tai trẻ vô số kiến thức không cần tìm hiểu trẻ có tiếp thu, nhồi nhét vào trí óc liên tiếp những trí thức đó không. Trong khi giảng dạy người ta chỉ nói bằng lời từ đầu đến cuối, trẻ suốt giờ phải đóng vai thụ động. Lối dạy đó rất sai với khoa tâm lý Thiếu Nhi ngày nay.
Khoa tâm lý trẻ chứng minh ngược lại với quan niệm xưa: Tâm hồn trẻ thơ là một thế giới riêng biệt, không giống tâm hồn người lớn. Trẻ con là một sinh vật tự động tự chủ, chúng hoạt động suy nghĩ và nhận xét sự vật theo một lối riêng. Trẻ con thân hình, trí não, tâm hồn đều biến chuyển phát triển đồng nhịp và không ngừng qua từng giai đoạn tuổi, với một chuỗi nhu cầu và sở thích …
Vì vậy người ta quan niệm giáo dục là tạo điều kiện giúp các động lực có sẵn của trẻ hiện hành, phát triển, biểu thị chơn tánh và hướng dẫn trẻ theo mục đích đào luyện. Quan niệm mới về tâm lý thiếu nhi và những sai lầm về phương pháp giáo dục cổ truyền thúc đẩy các nhà giáo dục nghĩ đến những phương pháp mới.
3.2.5. Phương pháp trực giác
3.2.5.1.  Ý nghĩa
Là phương pháp dựa vào sự linh hoạt của các quan năng thể chất và tinh thần (trực giác) của trẻ. Trực giác có nhiều loại nhưng về phương diện giáo dục người ta chú trọng 3 loại trực giác:
– Trực cảm giác: Hiểu biết ngay một điều qua trung gian của giác quan.
– Lý trí trực giác: Hiểu biết một điều nên làm hay không nên làm một cách đúng lý mà không cần đến giác quan hay suy nghĩ, một sự chứng minh nào .
– Đạo đức trực giác: Hiểu biết ngay những chơn lý thuộc về đạo đức trong tâm thức con người.
3.2.5.2. Áp dụng vào giáo dục
– Trực cảm giác được áp dụng nhiều cho trẻ ở tuổi đồng niên. Khi giảng cần cụ thể hóa bài học, để vật trước lời cho trẻ vận dụng ngũ giác để quan sát. Dạy trẻ theo phương pháp này làm cho chúng vui thích, lớp học linh động, trí óc quan sát của trẻ luôn được kích thích. Trong GĐPT chúng ta có thể áp dụng phương pháp này để giảng dạy các môn học hoạt động TN, xã hội và một số bài học Phật pháp.
Thí Dụ: Dạy HĐTN cho các em thấy vật dụng cụ thể, trực tiếp nghe và cách làm của người dạy rồi các em thực tập. Dạy lịch sử, chuyện Đạo, chuyện tiền thân bằng tranh (hoặc mô hình nếu có). Kể chuyện theo tranh họa,…
– Lý trí trực giác: Thường lý trí trực giác của các trẻ phát triển không đồng đều, nhiều khi trong một lớp tuổi chỉ có số ít trẻ có trực giác này. Tuy nhiên người dạy có sáng tạo khéo léo, gợi ý thì cũng vận dụng được bằng cách đặt trẻ trước một tình huống, một sự việc, một câu chuyện để trẻ suy nghĩ mà nhận biết những gì phải quấy hay dở. Các em có tư chất trí tuệ trực nhận ra trước, các em khác rồi cũng được giải thích để hiểu. Phương pháp dựa vào lý trí trực giác có lợi làm cho việc giảng dạy linh động, trẻ động não để phát huy lý trí.
– Đạo đức trực giác: Con người sinh ra và phát triển dần theo các quan năng, mầm mống chơn tính cũng lớn theo. Do đó trẻ đã mang sẵn trong tâm thức khái niệm về Chơn Thiện Mỹ có cơ hội thuận lợi là phát huy.
– Áp dụng vào giáo dục: Khi giảng dạy các môn học, người dạy áp dụng các phương pháp trực giác để kích thích sự quan sát, suy nghĩ tập trẻ ưa thích sự thật dần dần đưa chúng đến sự chơn chất thành thật phân biệt thật giả, tốt xấu (môn Phật pháp và tinh thần). Tổ chức cho các em làm công tác xã hội, việc thiện để hướng chúng về thiện (môn xã hội). Tập trẻ biết thưởng thức bài hát, bản nhạc hay, một bài văn bài thơ hay, một tranh đẹp để hướng chúng về mỹ (môn văn nghệ)…
3.2.5.3. Kết luận
Phương pháp trực giác (phương pháp trực quan) được gọi là nguyên tắc căn bản của nền giáo dục mới. Phương pháp này khêu gợi được những tiềm lực tự nhiên của trẻ, những bản năng tốt, những khuynh hướng về chơn Thiện Mỹ của con người. Tuy nhiên phương pháp này cũng có những hạn chế , nếu người dạy không có cơ hội thời gian để chuẩn bị chu đáo trong việc dẫn dắt trẻ quan sát, tìm hiểu, thực hành thì chúng cũng rơi vào tình trạng thụ động như dạy theo phương pháp giáo huấn.
3.2.6.  Phương pháp hoạt động
3.2.6.1. Ý Nghĩa
Những khuyết điểm của phương pháp giáo huấn và sự hạn chế của phương pháp trực giác khiến các nhà giáo dục nghĩ đến phương pháp hoạt động.
Thật sự phương pháp hoạt động cũng chỉ là hình thái khác của các phương pháp trên đã được biến đổi cho phù hợp với tâm lý thiếu niên nhi đồng. Có rất nhiều phương pháp hoạt động, nổi bật nhất là:
3.2.6.2. Phương pháp Montessori
Đặc sắc của phương pháp là:
– Người thầy chỉ can thiệp để tổ chức cho trẻ làm việc chứ không tự mình dạy trẻ.
– Dựa vào các công việc làm có tính cách giáo dục như thể thao, trò chơi, thủ công, làm vườn,… để huấn luyện các cử động của đời sống thực tế.
3.2.6.3. Phương Pháp Decroly
– Nguyên tắc của phương pháp
Sự phát triển tinh thần của trẻ khởi sự từ cái tổng quát, cái không phân biệt trên mọi địa hạt, để rồi từ sự hỗn hợp nguyên thủy ấy mà đi đến sự phân tích và sự tổng hợp rồi cả hai sẽ cùng phối hợp lại.
Theo phương pháp này là trong việc giáo huấn, tìm cách tạo ra sự chuyển tiếp liên tục từ tổng quát đến phân tích và từ phân tích đến tổng hợp. Đó là trụ cột của thuyết chủ điểm giáo dục.
– Cách giáo dục theo chủ điểm
+ Nhiều môn học hoặc tất cả đều được qui tụ lại chung quanh chủ điểm và tất cả mọi cố gắng hoạt động đều căn cứ vào các diễn tiến lớn của tư tưởng là: Quan sát, liên tưởng, liên hợp, biểu thị, khảo chứng, thực thi,… đối với sự vật thực tại và hiện trường của lớp học là thực cảnh sống động.
+ Kết quả thu lượm được, được nối tiếp nhau và phô diễn ra bằng bài làm thực tế. Phương pháp này giúp trẻ học tập về cách sống, ưa thích tự mình tìm tòi mọi việc và tự tìm ra những phương tiện khảo chứng cần ích cho sự làm việc học hỏi.
Phương pháp này vừa phù hợp với việc học cá nhân vừa phù hợp với việc học nhóm. Nói cách khác phương pháp này luôn giữ trẻ liên hệ mật thiết với tập thể với hoàn cảnh trẻ sống, vừa giúp trẻ tự tổ chức sắp đặt lấy công việc làm cá nhân riêng biệt.
Sự nổi bật của phương pháp Decroly là sự kiểm soát chặt chẽ giá trị của phương pháp hoạt động.
3.2.6.4. Phương pháp Hall và Dewey
Dựa vào khoa tâm lý trẻ hai ông Hall và Dewey chủ trương sự tiến triển của tâm lý con người phát sinh từ trong mà ra. Tâm lý trẻ không đứng yên một chỗ, giữ một mực mà là một động lực diễn biến không ngừng. Sự nổ lực diễn tiến đó có thể trinh bày dưới ba hình thức:
Ý chí: Phần cốt yếu của tâm thức.
Tình cảm: Phản ứng đối với ngoại giới.
Tri giác: Giúp thực hiện chân tính.
Theo Dewey giáo dục là phát động, kêu gọi đến cái động lực tiềm sinh của con người, để rồi hướng dẫn nó cho thích hợp theo tình thế xã hội. Giáo dục còn có ý nghĩa là giúp trẻ sống, hoạt động theo đà phát triển của chúng, theo tiếng đập của con tim trong một bầu không khí thuận tiện để cho cả cơ thể, tâm tính và trí tuệ của chúng  được trưởng dưỡng và nảy nở điều hòa. Giáo dục có nghĩa là học, nhưng học nhờ sự sống và trong sự sống.
Các nguyên tắc giáo dục theo phương pháp Hall và Dewey
– Giáo dục đồng phát sinh với trẻ:
Giáo dục trẻ không phải từ bên ngoài đưa vào như rót nước vào thùng, mà là việc phát khởi từ tâm trí trẻ và người dạy giúp trẻ tự đào luyện lấy chứ không phải trẻ bị nhồi sọ. Những mong muốn, nhu cầu của trẻ được coi là những triệu chứng phát sinh giúp ta đặt nền tảng của công cuộc giáo dục trên những xu hướng tự nhiên của trẻ theo một chiều thuận lợi mà không theo tánh ý bất thường của trẻ.
– Giáo dục cơ năng:
Giáo dục cơ năng nhằm mục đích xúc tiến các tiềm lực tiến triển của tâm lý vì nhu cầu sự sống. Xem sự hoạt động và phát triển của tâm lý như lợi khí, cơ năng cần thiết cho sự sinh tồn cũng như cơ năng tuần hoàn, hô hấp,… của con người. Tất cả các năng lực ấy kết hợp chặt chẽ với nhau để thành một động lực hữu ích cho sự sinh trưởng. Sự hoạt động là điều kiện cần thiết để cho trẻ nẩy nở.
Quan niệm giáo dục cơ năng căn cứ trên nguyên tắc: Đứa trẻ là một sinh vật, nó cần hoạt động để sống còn để sinh trưởng. Vậy muốn cho trẻ học tập ta phải dùng phương pháp tự nhiên (phương pháp tự động) bằng cách giúp trẻ nhận thấy việc ta muốn trẻ làm, cử chỉ ta muốn trẻ có là cần thiết cho sự sống của nó, đúng với nhu cầu của nó. Vậy phải sắp xếp các môn học thế nào cho có trật tự, ăn khớp với nhau với nhu cầu sở thích của trẻ. Có như vậy các môn học mới linh động, có hồn, trẻ thấy sự vật đem dạy có ý nghĩa, có giá trị. Chúng sẽ nhận ra rằng không phải học để trở nên thông thái hay cái gì khác mà để HÀNH.
–  Ý thức xã hội:
Con người là một phần tử trong tổ chức xã hội. Vì vậy cần phải đặt trẻ vào đời sống tập thể để cho thiên tính về xã hội có điều kiện phát triển.Thủ công là môn học thuận lợi nhất cho ý thức hoạt động cộng đồng. Ông Dewey dùng thủ  công làm trung tâm điểm cho các hoạt động của học sinh rồi ghép các môn học khác vào chung quanh. Ông nhận thấy rằng sự cộng tác của học sinh là phương tiện có hiệu quả nhất giúp trẻ học làm người. Vì thế ở các học đường mới không còn cấm đoán trẻ dòm ngó nhau, hỏi han nhau, bày vẽ cho nhau khi làm bài. Học đường mới không còn là một tổ chức riêng biệt với những điều kiện thông thường của xã hội thực tế bên ngoài. Học đường mới “trường đời của trẻ con”.
3.2.6.5. Phương pháp kế hoạch
Phương pháp kế hoạch do ông Warburne đề xướng. Phương pháp kế hoạch nhằm hai mục đích:
-Cung cấp một nội dung giáo dục cụ thể, sống động ngược lại lối học từ chương.
-Dạy và học là một sự diễn tiến tự nhiên để thu thập tri thức, đối lại phương pháp giáo huấn( thụ động, theo lối nói và nghe).
Nguyên tắc của phương pháp:
-Qui về trung tâm điểm những tri thức cần thu thập được chung quanh những ý tưởng     chính theo chương trình môn học.
-Hướng dẫn giúp trẻ phát triển những hoạt động tự nhiên, ngẩu phát khiến trẻ cố gắng vào  sự thực hành nhiệm vụ được giao trong một thời gian để đạt  mục tiêu.
-Với nhiều hoạt động  để thực hiện kế hoạch (những việc làm bằng trí óc, bằng tay ,những buôi đi sinh hoạt thăm viếng…) có thể bao quát dần dần tất cả chương trình các bộ môn. Lại nữa những chuyển hướng giữa các kế hoạch sẽ dắt dẫn trẻ dần dần đến sự tự giáo dục lấy mình, và những hoạt động tập thể, hoạt động theo nhóm ảnh hưởng sâu đậm đến tình đoàn kết,thương yêu đối với tha nhân,xã hội hóa tâm hồn trẻ.
Phương pháp kế hoạch có thể vận dụng phần nào vào sinh hoạt tu học trong GĐPT cho                  đoàn sinh ngành Thiếu, ngành Thanh và huynh trưởng tùy theo nội dung, chủ đề học tâp.
3.2.6.6. Phương pháp đồ án
Phương pháp đồ án do các ông Dalton, Gary và được  sửa chửa, điều chỉnh bởi  ông Carleton (phương pháp Winnetka). Các phương pháp đồ án căn cứ vào các nguyên tắc:
-Dành cho trẻ sự tự do và làm phát triển ở mỗi trẻ những quan năng ngẩu phát.
-Dành cho trẻ một địa vị quan trọng cho công việc làm bằng tay không phải hướng nghiệp, mà chính là sự đào tạo tổng quát, sự cố gắng trước nhất là vừa thích ứng với trình độ tiến triển và tinh thần vừa cho khả năng, năng khiếu của chúng.
Nói chung, mục đích của phương pháp là giúp trẻ lớn lên và sống điều hòa với tư cách một con người về cả hai phương diện thể chất và tinh thần .
Phần thực hiện:
-Mặc dầu trẻ cùng học một chương trình, nhưng được áp dụng một cách khác biệt với mỗi cá nhân. Trong mỗi lớp học người ta tìm cách để tránh những chênh lệch về lực học khiến trẻ dở không làm mất thì giờ trẻ giỏi, trẻ kém khỏi tự ti mặc cảm và được hoạt động theo khả năng của mình.Người ta phân phát cho mỗi trẻ một chương trình thích hợp với trẻ ấy, lập nên những công việc làm theo trình độ, khả năng hay năng khiếu của chúng cùng với nhóm riêng.
-Trẻ không bị bắt buộc ngồi trong những phòng với những bức tường khó thương mà là những nơi được trang bị một cách vui tươi, hấp dẫn như phòng thí nghiệm,thưviện,với những sách báo, tranh ảnh, học cụ…được qui tụ lại hoặc một nơi chốn liên quan bài học để trẻ tìm hiểu, quan sát,thực tập.
-Ở lớp nhỏ cũng như lớp lớn mỗi giáo viên phụ trách mỗi một môn. Đầu buổi giáo viên qui tụ nhóm để bàn những chỉ thị và lời khuyên bảo. Cuối buổi kiểm điểm lại việc làm của mỗi trẻ và so sánh những kết quả đã thu thập được và trao đổi ý kiến. Mỗi trẻ làm việc với người dạy theo một “khế ước” làm việc. Do đó trẻ cam kết thu hoạch được một kết quả gì đó trong một thời gian nào đó. Khế ước do mỗi trẻ tự ý chấp nhận sau khi đã có sự thảo luận. Khế ước đó đem đến một trách nhiệm cho trẻ phấn đấu thực hiện.
-Trong ý nghĩa công việc “ làm bằng tay”với hướng đào tạo tổng quát, ông Gary thêm vào đồ án việc làm bằng tay vào đời sống gia đình và của nhà trường như: làm vườn, làm công việc nhà, chế tạo các vật thường dùng, làm bếp, giữ gìn các phòng, sửa chửa bàn ghế, đặt dây điện…
-Về truyền thụ tri thức, giảng dạy các môn về lý trí, chương trình chung đối với phương pháp đồ án chỉ là phần tối thiểu với những đề bái tiêu biểu. Người ta chia các tri thức ấy ra thành từng ngành và ấn định tuổi tốt nhất cho sự thu thập các tri thức và kỷ thuật cho tổng số trẻ bậc trung bình. Ngoài chương trình đó, Winnetka còn đề nghị nghiên cưu làm phát triển nhân cách trẻ bằng cách tìm ra các khả năng riêng biệt, các sở thích và các sở đoản của trẻ (dùng trắc nghiệm) . Nhà trường cần làm nổi bật và giúp sự tiến triển của những hoạt động đặc biệt, giúp cá nhân tự phân biệt với đa số người khác bằng cách làm cho mình và nhóm của mình những bài về văn chương, khoa học,mỹ thuật… như làm việc nơi phòng thực hành, phòng đọc sách, thư viện, viết bài, trang trí ấn loát báo trường, tổ chức các sinh hoạt thể thao thể dục, xã hội…Những hoạt động đó làm cho trẻ có kiến thức, có tinh thần bình tĩnh, tự chủ, vững vàng đối với kỷ thuật mà chúng sẽ cần đến để làm tròn nhiệm vụ. Trẻ tự tin ở khả năng, nhân phẩm của mình.
-Một đặc diểm là phương pháp nầy còn có những bài huấn luyện tự kỷ giáo dục và những trắc nghiệm kiểm soát để trẻ tự nhận thấy chúng đã thành công hay không trong các công việc để chúng tự sửa những chỗ sai.
Lợi hại của phương pháp đồ án:
Phần lợi: Phương pháp đồ án điều hòa được việc học việc làm của cá nhân mà trình độ, khả năng và năng khiếu không đồng đều sai biệt. Theo phương pháp nầy việc làm bằng tay được coi trọng để đào tạo tổng quát áp dụng vào cuộc sống; các môn học về lý trí cũng đi từ chỗ cụ thể và khi đã mãn vòng thì đưa tâm hồn trẻ về các công việc có giá trị thực tiển trong xã hội. Phương pháp đồ án giúp trẻ có tinh thần bình tĩnh, tự chủ, tin ở khả năng của mình. Trẻ không bị áp lực của việc học và có cảm tưởng rằng chúng đang làm những công việc hữu ích mà đem hết tâm hồn vào đó một cách hăng hái.
Phần bất lợi: Trẻ học và làm viêc theo chương trình cá nhân khiến trẻ trở nên những con người tự kỷ;  mặc dầu có học nhóm nhưng là những nhóm biệt lập theo ngành, thiếu sự liên hệ tương trợ giữa cá nhân với cá nhân và với các nhóm trong một đoàn,lớp. Điều đó không làm phát triển nơi trẻ ý nghĩa đối với tha nhân và xã hội một cách đầy đủ.
Những ưu điểm của phương pháp nầy có thể ứng dụng khi được lồng vào sinh hoạt cộng đồng chính thức để có sự cộng tác giúp đỡ giữa cá nhân và giữa các tập thể trong ý nghĩa giáo dục, vừa đào tạo con người cá nhân vừa con người xã hội. Có một phương pháp hay hơn đáp ứng yêu cầu giáo dục của hai phương pháp trên là phương pháp dự án sẽ trình bày sau.
3.2.7. Các phương pháp thời hiện kim
Thời hiện kim trong quá trình đổi mới phương pháp dạy và học, chúng ta thấy xuất hiện khá nhiều phương pháp và hình thức dạy và học mới như : dạy học giải quyết vấn đề, dạy học theo lý thuyết kiến taọ, dạy học nêu và giải quyết vấn đề, dạy học ứng dụng CNTTTT, dạy học dự án. Các phương pháp ấy có tính cách điều chỉnh, bổ sung các phương pháp của Montessori, Decroly và Dewey . Trong các phương pháp và hình thức dạy và học đó, có hai phương pháp chúng ta cần nghiên cứu để vận dụng vào sinh hoạt tu học trong GĐPT: Phương pháp ứng dụng CNTTTT và phương pháp dạy học theo dự án,
3.2.7.1. Dạy học theo dự án:
Dạy học theo dự án vừa là hình thức tổ chức vừa là phương pháp dạy học. Sự thật muốn                  thực hiện dự án cần phải nêu vấn đề, có kế hoạch để giải quyết vấn đề. Nên phương pháp nêu và giải quyết vấn đề, phương pháp kế hoạch được vận dụng vào hình thức dạy học theo dự án. Dạy học theo dự án là tiến trình dạy và học có nhiều công đoạn:
-Trước khi thực hiện lập kế hoạch, người dạy cần phân tích cấu trúc nội dung chương trình môn học, nội dung những đề tài liên quan để chọn những vấn đề có thể tiến hành dự án.Người dạy và người học có thể cùng nhau thảo luận, đề xuất, xác định đề tài và mục  đích của dự án, xác định nội dung, phương pháp và phạm vi nghiên cứu.
-Sau khi lựa chọn được nội dung vấn đề tiến hành dự án, người dạy phác họa việc xây dựng kế hoạch dự án một cách cụ thể, cơ bản gồm các phần như sau :
-Xác định mục tiêu cụ thể dựa trên những nội dung cốt lỏi của chương trình, chủ đề . . .
-Thiết lập bộ câu hỏi có tính cách khai mở để phù hợp với sở thích khác nhau, kiểu học khác nhau của người học.
-Thiết kế các hoạt động,  hướng dẫn trí tuệ và kỹ năng của người học. Có thể cho phép người học vượt qua giới hạn chương trình môn học, đề tài và mong tìm hiểu trong cuộc sống.
-Lập kế hoạch kiểm tra, đánh giá.
Tổ chức dạy học theo phương pháp dự án:
-Các thành viên thực hiện công việc theo kế hoạch đã đề ra cho nhóm và cá nhân. Các kiến thức về lý thuyết và thực hành, các phương cách giải quyết vấn đề được thử nghiệm qua thực tiễn.
-Người dạy tôn trọng kế hoạch đã xây dựng và sự hợp tác giữa người học, tạo thuận lợi cho sự trao đổi thường xuyên và khai mở giữa các người học để tạo sự tìm kiếm thông tin từ các nguồn tài liệu.
-Động viên người học về tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ học tập, nhắc nhở các nhóm thường xuyên đánh giá sự tiến triển của công việc, vừa để khích lệ vừa chỉnh sửa nhằm đạt đến đích.
– Tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm cho việc thực hiện dự án kỳ sau.
Nói tóm lại,dạy và học theo dự án là một mô hình dạy và học lấy học sinh làm trung tâm của quá trình dạy và học. Người học tự lực tham gia các hoạt động trí tuệ và thực hành với những nhiệm vụ mang tính khai mở để khuyến khích người học tìm tòi, hiện thực hóa những kiến thức đã học. Trong GĐPT phương pháp này có thể áp dụng vào tu học huấn luyện đoàn sinh ngành Thiếu, ngành Thanh và huynh trưởng .
3.2.7.2. Phương pháp ứng dụng CNTTTT
Kỷ nguyên mới với những tiến phát vượt mức của công nghệ điện tử, công nghệ thông tin truyền thông, công nghệ sinh học,… đang làm thay đổi mọi lĩnh vực hoạt động của nhân loại, đồng thời con người xích lại gần nhau với xu thế hội nhập, các quốc gia ảnh hưởng tương tác lẫn nhau. Trên đà tiến phát và trong xu thế như vậy, muốn khỏi tụt hậu đòi hỏi ta phải bắt kịp những kiến thức và kỹ năng có tính cách thời đại. Kỹ năng máy tính sử dụng công nghệ thông tin truyền thông trở thành kỹ năng toàn cầu để con người sử dụng ứng dụng, trao đổi các kiến thức thế giới về mọi lĩnh vực và sử dụng tác năng CNTT vào mọi công việc của các ngành sinh hoạt của đời sống con người. Riêng lĩnh vực giáo dục đang dấy lên một cuộc đổi mới mạnh mẽ, làm thay đổi không những phương pháp mà đến cả nội dung, vai trò của thầy và trò, với những thể thức phong phú nhờ máy móc thiết bị của CNTT.
Chẳng hạn, trước đây áp dụng phương pháp trực quan để truyền đạt kiến thức và thực hành rèn luyện kỹ năng cho học sinh, người dạy phải chuẩn bị đồ dùng dạy học, sưu tầm tranh ảnh, tư liệu, thầy trò phải đi tham quan xem xét quang cảnh, thao tác của các nhân vật tại chỗ… là việc không dễ và mất nhiều thời gian, nên rất hạn chế. Nay sử dụng công nghệ thông tin, các điều mong muốn trên được hiển hiện trên Internet. Với những âm thanh, hình ảnh, sự vật sống động chiếu lên màn phóng, thầy giảng giải và hướng dẫn học sinh thực hành. Bài dạy linh động, các em nghe nhìn luyện tập một cách hứng thú. Khi có điều kiện nâng lên việc sử dụng CNTT cho cả thầy và trò, việc dạy và học sẽ là một quá trình giao lưu giữa máy tính và người (người dạy cũng như người học). Thầy trở thành người chủ đạo, học sinh chủ động và phát huy việc truy cập thông tin để thu thập kiến thức và rèn luyện kỹ năng theo hướng dẫn của thầy. Việc dạy và học rất sinh động, hiệu quả hơn.
Xã hội ngày càng phát triển, tầm quan trọng của CNTT ngày càng gia tăng. Chúng ta không thể không quan tâm đến phương tiện hiện đại này để khôn khéo áp dụng vào sinh hoạt GĐPT, phục vụ việc hướng dẫn tu học cho huynh trưởng và đoàn sinh( triển khai ở chương tiếp theo).
3.3. Những ưu điểm của giáo dục mới thích hợp áp dụng vào giáo dục GĐPT:
Nền giáo dục hiện nay, đặc biệt giáo dục mới có nhiều sự tương ứng với Giáo dục Phật giáo. Nền giáo dục đó có những ưu điểm áp dụng vào giáo dục GĐPT. Ví dụ như :
– Học là sự kết hợp kiến thức khoa học với lương tâm, có nghĩa là học để phát triển trí tuệ và đạo đức bao gồm cả khoa học văn hóa và nghệ thuật. Chủ trương rất phù hợp với tinh thần giáo dục nhập thế của Ngũ minh pháp. Đó là điều mà chương trình tu học GĐPT, ngoài môn học Phật pháp và Tinh thần còn có các môn xã hội, văn nghệ và HĐTN cho đoàn sinh, kiến thức tổng quát cho huynh trưởng.
– Quan điểm “trẻ là một sinh vật hoạt động để sinh trưởng” giáo dục mới chủ trương “giáo dục đồng phát sinh với trẻ”. Theo quan điểm chủ trương này, GĐPT lập và ấn định chương trình tu học đào luyện, tổ chức việc học tập, phương pháp truyền đạt ăn nhịp với nhu cầu tâm sinh lý trẻ em, theo thời kỳ phát triển các quan năng thể chất tinh thần của trẻ.
Về nguyên tắc phương pháp giáo dục
– Dựa vào khoa tâm lý trẻ, giáo dục mới có chủ trương áp dụng phương pháp “tự nhiên, tự động” (một hình thái của phương pháp hoạt động) để rồi hướng dẫn trẻ theo chiều thuận lợi, hướng đến mục tiêu đào luyện. GĐPT nên áp dụng phương pháp này rất có lợi, giúp đoàn sinh nhận thấy việc học tập ở GĐPT không có áp lực nặng nề, nhận thức được những gì huynh trưởng làm cho chúng hay bảo chúng làm là cần thiết cho nhu cầu và lợi ích của chúng. Các em sẽ ham thích và chuyên cần đến GĐPT để được lợi lạc.
– Nguyên tắc xã hội hóa giáo dục: Áp dụng nguyên tắc này, GĐPT đặt trẻ vào đời sống tập thể để cho thiên tính về xã hội có điều kiện phát triển. Trong tập thể người phụ trách chỉ hướng dẫn gợi mở, trẻ sinh hoạt tự trị, tự nêu yêu cầu mục đích và cùng nhau thực hiện. Trẻ hợp lực và cộng tác với nhau trong việc học và hành, làm phát triển tinh thần tương thân đoàn kết, tinh thần dân chủ và tinh thần trách nhiệm với mình và với tập thể. Tổ chức và áp dụng giáo dục tập thể là phương tiện có hiệu quả nhất để giúp trẻ học làm người theo mục đích mong muốn của GĐPT.
– Các phương pháp giảng dạy học tập hiện nay đang áp dụng ở các học đường như: Phương pháp giáo huấn, phương pháp trực quan, các phương pháp hoạt động đều có những thể thức thích hợp áp dụng vào hướng dẫn tu học trong GĐPT (Xem lại phần các phương pháp hiện nay, phần ứng dụng giáo dục vào GĐPT).
Kết luận: Nền giáo dục hiện nay có những ưu điểm để áp dụng vào GĐPT. Sự kết hợp đó vừa nâng cao hiệu quả giáo dục, vừa dung hợp được sinh hoạt trong lĩnh vực giáo dục giữa Đạo và Đời, thuận lợi cho việc đào luyện tuổi trẻ Phật giáo trong thực tiễn xã hội.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 09 năm 2024
20
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 6
Ngày Đinh Hợi
Tháng Quý Dậu
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
18
Tháng 08
Kiên Giang