Nhìn Lại Vấn Đề Truyền Thông Của Gia Đình Phật Tử Kiên Giang

G
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính bạch Chư Tôn Đức chứng minh!
Kính thưa hai anh chị Trưởng, Phó Ban Hướng Dẫn Phân Ban GĐPT Kiên Giang!
Kính thưa thưa quý cô chú đạo hữu Ban viên Ban Bảo Trợ!
Cùng toàn thể anh chị em huynh trưởng thân mến!
 
Tháng 1/1968, Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam phát hành nội san Sen Trắng số đầu tiên. Trong lời nói đầu Sen Trắng đã viết: “Gia Đình Phật Tử Việt Nam, với số lượng xấp xỉ một trăm ngàn đoàn sinh ở rải rác khắp toàn quốc, với một quá trình sinh hoạt trên hai mươi năm, đáng lẽ phải có từ lâu một cơ quan ngôn luận, hay ít ra, một nội san để phổ biến tin tức và tài liệu học tập, trao đổi kinh nghiệm và ý kiến, phát huy khả năng và trau dồi văn nghệ, đã thông quan điểm và siết chặt thân tình…
Như thế mới thấy vấn đề truyền thông vốn đã được các bậc đàn anh coi trọng từ những ngày đầu thành lập tổ chức áo Lam. Mặc dù đã trải qua gần nửa thế kỷ nhưng những lời dạy ấy vẫn còn nguyên giá trị như thuở ban đầu.
Thế nhưng, giữa thời đại công nghệ ngày nay, vấn đề truyền thông của Gia Đình Phật Tử Việt Nam nói chung và Gia Đình Phật Tử Kiên Giang nói riêng đã có những thay đổi như thế nào?
Nhân hội nghị tổng kết hoạt động phật sự năm 2014 của Ban Hướng Dẫn Phân Ban Gia Đình Phật Tử, anh chị em chúng ta hãy cùng nhau “NHÌN LẠI VẤN ĐỀ TRUYỀN THÔNG CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ KIÊN GIANG”…

1. Tính cần thiết của truyền Thông Gia Đình Phật Tử:

Về bản chất, truyền thông Gia Đình Phật Tử chính là một mảng của truyền thông Phật Giáo, tức là đảm nhiệm vai trò hoằng pháp.
Bên cạnh đó, mục đích truyền thông Gia Đình Phật Tử còn là: “một cơ quan ngôn luận, hay ít ra, để phổ biến tin tức và tài liệu học tập, trao đổi kinh nghiệm và ý kiến, phát huy khả năng và trau dồi văn nghệ, đã thông quan điểm và siết chặt thân tình…”
Ngày nay, với sự phổ biến của Internet, truyền thông Gia Đình Phật Tử lại càng dễ dàng hơn bao giờ hết. Có thể sáng nay tại Kiên Giang tổ chức trại họp bạn, buổi trưa Huế đã biết tin. Chỉ một vài cú click chuột, thông tin, hình ảnh đã được chia sẻ khắp toàn cầu.
Từ năm 1975, sinh hoạt Gia Đình Phật Tử cả nước bị ngưng trệ, đến khi phục hoạt đã là chuyện của 20 năm sau. Trong suốt thời gian dài đằng đẵng ấy, những người hiểu biết về Gia Đình Phật Tử ngày một ít nếu không nói là hiếm. Thậm chí, người viết bài này đã có một buổi trao đổi về vấn đề Gia Đình Phật Tử với một vị đạo hữu là ban viên Ban Bảo Trợ và quan điểm của vị này là: “Các em đến chùa là để trì chú, tụng kinh, niệm phật chứ không nên chạy nhảy, nô đùa!”
Lúc này đây, Truyền thông Gia Đình Phật Tử cần đóng vai trò chiếc cầu nối để quý phật tử hiểu hơn về tổ chức áo Lam với nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
Từ sau khi phục hoạt đến nay, mặc dù được tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhưng vì nhiều lý do khác nhau, hoạt động Gia Đình Phật Tử các nơi phát triển không được đồng đều, có nơi phát triển mạnh mẽ như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị v.v… cũng có nơi khó mà thành lập được Ban Hướng Dẫn, sinh hoạt đơn vị thì đơn lẻ.
Đã từng có chuyện một tỉnh bạn rất khó khăn trong việc thành lập Ban Hướng Dẫn do sự hoạt động, cản trở của các đơn vị nằm ngoài giáo hội. Nhưng nhờ một loạt bài viết “Thư Gởi Huynh Trưởng Trẻ” của tác giả Ong Mật đăng trên website gdptkiengiang.vn mà Chư Tôn Đức và các anh chị em ở tỉnh bạn nhìn thấy được tính pháp lý, truyền thống của tổ chức Gia Đình Phật Tử. Để rồi sau những cố gắng và kiên quyết của Chư Tôn Đức và anh chị em mà Ban Hướng Dẫn đã được thành lập vào ngày 20/10 vừa qua.
Khi đó Truyền Thông Gia Đình Phật Tử đóng vai trò là động lực để thúc đẩy các gia đình bạn phát triển hơn nữa trong tình lam thân ái.
Với lịch sử hơn 60 năm hình thành và phát triển, từ trong Gia Đình Phật Tử đã xuất hiện hàng loạt nhân tài trong tất cả các lĩnh vực văn học, mỹ thuật, âm nhạc v.v… Từ đó cũng sinh ra hàng trăm tác phẩm mang bản sắc riêng của Gia Đình Phật Tử. Ngày xưa, khi công nghệ chưa phát triển, các tác phẩm này rất khó để phổ biến và hầu như chỉ phổ biến tại tỉnh nhà hoặc cao lắm là các tỉnh lân cận. Vô hình chung làm mai một nhiều tác phẩm hay và quý giá.
Ngày nay, qua những trang thông tin điện tử (website) mà anh chị em chúng ta đã có thể dễ dàng chia sẻ các tài liệu cùng nhau. Nhờ vậy, mà phần nào các tác phẩm quý giá của tổ chức không bị mai một. Mà đó cũng là góp một phần giúp cho các đơn vị ở vùng cao nguyên, hải đảo hoặc các đơn vị mới thành lập có thêm một nguồn tài liệu quý báu và phong phú phục vụ cho quá trình hoạt động của mình.
Ngoài ra, truyền thông Gia Đình Phật Tử còn đóng một vai trò quan trọng trong việc phổ biến thông tin để Miền ngược có thể biết rõ những hoạt động của anh chị em miền xuôi. Hà Nội, Hưng Yên có thể biết rõ các phong trào của Kiên Giang, Cần Thơ… Để anh chị em chúng ta cùng sách tấn nhau trên con đường tu học để rồi càng hiểu và thương nhau hơn, cùng quán triệt quan điểm của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

2. Thực trạng truyền thông Gia Đình Phật Tử Kiên Giang:

Trước năm 2013, vấn đề truyền thông của Gia Đình Phật Tử Kiên Giang ít được quan tâm, phát triển.
Gia Đình Phật Tử Kiên Giang tái sinh hoạt từ năm 1988, từ đó đến nay đã có nhiều hoạt động được tổ chức. Thế nhưng do điều kiện kinh tế, xã hội, công nghệ mà thông tin về các hoạt động này chỉ phổ biến trong tỉnh.
Năm 2007, Phân Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Trung Ương thành lập website giadinhphattu.vn, cơ quan ngôn luận chính thức và duy nhất của Ban Hướng Dẫn Trung Ương trên Internet. Từ đây một số hoạt động của đơn vị đã được thông tin đến anh chị em khắp nơi. Tuy nhiên, việc đăng tải này chỉ mang tính tự phát của một số anh chị chứ chưa có sự phân công, chỉ đạo chính thức từ Phân Ban Hướng Dẫn.
Năm 2013, dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của anh Minh Kim Quách Văn Thành, phó Ban Hướng Dẫn Phân Ban Gia Đình Phật Tử Kiên Giang mà website gdptkiengiang.vn đã được ra mắt. Từ đó các hoạt động của Gia Đình Phật Tử Kiên Giang, các thông tin, tài liệu Gia Đình Phật Tử được cập nhật một cách thường xuyên. Hiện nay website gdptkiengiang.vn đã có được gần 500 bài chỉ sau 1 năm hoạt động với hơn 3.000.000 lượt truy cập trong năm 2014, xếp thứ 23.766.923 trên tổng số 1 tỉ website trên toàn cầu (trang giadinhphattu.vn xếp thứ 5.114.931).
Bên cạnh đó, website đã đăng nhiều bài viết hay, hữu ích, tạo được nhiều cảm tình của anh chị em khắp nơi.
Để hỗ trợ các đơn vị có thể đăng tin tức một cách dễ dàng hơn, Ban Hướng Dẫn cũng đã cấp 8 tài khoản cho 8 đơn vị đang hoạt động trong tỉnh.
Về phần các đơn vị, vấn đề truyền thông vẫn chưa được chú trọng lắm. Các hoạt động của đơn vị vẫn còn khép kín chứ chưa được chú tâm chia sẻ lên website của Ban Hướng Dẫn.
Đầu năm 2014, Đơn vị Gia Đình Phật Tử Tam Bảo có phát hành nội san Sen Lam, ngoài việc phổ biến tin tức đơn vị còn phổ biến thông tin về Phật Pháp, Văn học, nghệ thuật mang tinh thần Gia Đình Phật Tử.
Bên cạnh đó, vấn đề truyền thông của Gia Đình Phật Tử Kiên Giang vẫn còn nhiều hạn chế như:
Dù tất cả các đơn vị đều được cấp tài khoản truy cập và đăng bài trên website Ban Hướng Dẫn nhưng hiện nay chỉ có tài khoản của đơn vị Bửu Sơn và Tam Bảo–Rạch Giá là truy cập và đăng thông tin hoạt động (BS: 4 bài – Tam Bảo: 8 bài).
Các đơn vị vẫn chưa chú trọng đúng mực đến vấn đề truyền thông. Các bài viết về hoạt động gởi đến website Ban Hướng Dẫn thì rất ít:
– Tam Bảo – Rạch Giá: 6 bài (bài cuối cùng từ ngày 11/8/2014)
– Tam Bảo – Hà Tiên: 2 bài (bài cuối từ 3/2/2014)
– Bửu Sơn: 7 bài (bài cuối từ 19/3/2014).
– Kim Quang: 1 bài (từ ngày 13/10/2013).
– Phật Quang, Bửu Thọ, Sùng Đức, Bửu Khánh: không bài nào.
(Thống kê trên đây không bao gồm các bài viết do UV Truyền Thông đến lấy tin và đăng tải).
Việc lấy tin hoạt động của các đơn vị không được chủ động, nơi nào Ban Hướng Dẫn xuống tham dự và lấy tin thì nơi ấy có bài. Nên tin tức hoạt động của các đơn vị hết sức nghèo nàn mà bài vở đóng góp cho các chuyên mục khác thì lại càng không có.
Tuy nhiên có một vài thành viên vẫn chụp ảnh đầy đủ các hoạt động nhưng không viết bài cho đơn vị mình và chia sẻ trên website mà đăng lên mạng xã hội với tư cách cá nhân.
Hoặc giả một số thành viên khác chụp ảnh trong các buổi họp, buổi lễ, trại mạc của Ban Hướng Dẫn chỉ để lưu trữ dù không có trách nhiệm. Điều này đã phần nào làm cản trở quá trình làm việc của UV Truyền Thông.

3. Cần làm gì để Truyền Thông của Gia Đình Phật Tử Kiên Giang phát triển?

Các đơn vị cần thay đổi quan điểm của mình về vấn đề truyền thông. Việc phát triển website Gia Đình Phật Tử Kiên Giang không chỉ là vấn đề của riêng Ban Hướng Dẫn mà là vấn đề chung của tất cả huynh trưởng trong toàn tỉnh.
Các đơn vị cần tận dụng nguồn lực huynh trưởng trẻ. Các em là lớp thanh niên thế hệ mới, nhạy cảm và dễ dàng thích nghi, tiếp thu công nghệ mới. Các em sẽ là sự hỗ trợ đắc lực của các anh chị cả về việc phát triển đơn vị lẫn phổ biến thông tin đơn vị đi khắp nơi.
Ban Huynh Trưởng các đơn vị cần xem kỹ “Tài Liệu Hướng Dẫn Đăng Bài” mà Ban Hướng Dẫn đã phổ biến đến các đơn vị để có thể tự đăng tải thông tin sinh hoạt lên website gdptkiengiang.vn.
Kiến nghị Ban Hướng Dẫn tổ chức một buổi hướng dẫn đăng bài lên website gdptkiengiang.vn để có thể hướng dẫn, giái đáp thắc mắc của các đơn vị kịp thời.
Đề nghị Ban Hướng Dẫn nâng cấp tên miền website thành tên miền quốc gia (.vn) với nhiều lợi ích: tạo được uy tín, được pháp luật bảo vệ theo nghị định số 63/2007/NĐ-CP, dễ dàng trong việc liên kết với các trang tìm kiếm và quảng bá…
Cần tạo điều kiện tốt nhất cho UV Truyền thông hoạt động trong các dịp lễ lược, trại mạc của tỉnh. Tránh các sự cản trở không đáng có chỉ vì mục đích kỷ niệm, lưu trữ hoặc chia sẻ mang tính cá nhân của các anh chị.
Xin phép được nhắc lại mục đích của truyền thông Gia Đình Phật Tử là: “một cơ quan ngôn luận, hay ít ra, để phổ biến tin tức và tài liệu học tập, trao đổi kinh nghiệm và ý kiến, phát huy khả năng và trau dồi văn nghệ, đã thông quan điểm và siết chặt thân tình…”
Lời cuối cùng, con xin kính chúc Chư Tôn Đức pháp thể khinh an tuệ đăng thường chiếu!
Kính chúc quý đạo hữu an khang thịnh vượng, vạn sự kiết tường.
Thân chúc quý anh chị em thân tâm an lạc, phật sự viên thành.
Chúc các đơn vị luôn luôn phát triển vững mạnh hơn nữa.
BHD PB Gia Đình Phật Tử Kiên Giang
Ủy Viên Truyền Thông
       Huệ Thiện Lâm Hữu Tân


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

 Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang