Bạn thân mến Trong lá thư trước, tôi có mách nhỏ với bạn 3 đức tính cần thiết đầu tiên trong nghề huynh trưởng GĐPT để các bạn tu tập hằng ngày. Trong thư này, tôi tiếp tục gởi đến bạn những đức tính cần thiết tiếp theo làm nên hình ảnh mẫu mực của một Người Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
4)Tính siêng năng chịu khó : Thành công chỉ đến với những ai siêng năng chịu khó, thất bại chắc chắn sẽ đến với những kẻ cầu an chây lười – Hãy siêng năng trong tất cả công việc lúc ở nhà, siêng năng trong công ăn việc làm và siêng năng trong sinh hoạt GĐPT. Siêng năng việc nhà để làm tròn bổn phận với gia đình, tạo nên một mái ấm hạnh phúc cho bạn và người thân; Chịu khó trong công ăn việc làm để tăng thu nhập và có đời sống kinh tế ổn định (Kinh tế yếu kém sẽ là trở ngại không nhỏ trên con đường đến với GĐPT của bạn ) – Trong sinh hoạt GĐPT, bạn hãy siêng năng chịu khó cải tiến hình thức và nội dung để làm cho sinh hoạt trở nên hấp dẫn đối với đoàn sinh, từ đó đơn vị của bạn sẽ đông vui lên – Bạn thử nghĩ xem, các em mình đang tuổi ham vui và hiếu động, vậy mà có những đơn vị suốt 4 mùa xuân, hạ, thu, đông cứ bắt các em tu với học trong bốn bức tường chùa, thử hỏi làm sao các em chịu đựng được lâu dài ? Lại có một số chùa do vị trụ trì vì chưa hiểu sâu về phương pháp và mục đích giáo dục GĐPT nên thường bắt các em tu như người lớn với những bài giáo lý cao siêu và những giờ niệm Phật triền miên bất tận . Những đơn vị sinh hoạt như thế nếu không mau chóng tan rã thì cũng chỉ còn cái xác, chứ cái hồn thì đã xa rời con đường của GĐPT mất rồi !
5)Nhẫn nhục – Trung kiên – Bền chí : Không có nghề gì khó làm bằng nghề huynh trưởng GĐPT. Tôi đã có kinh nghiệm: cứ 100 người cùng lúc vào GĐPT thì 10 năm sau còn được 5 – 7 người trụ lại trong nghề. Nhưng 10 năm sau nữa thì chỉ còn 1 – 2 người bám lại với nghề. Những người kia cứ rơi rớt theo thời gian vì không chịu nổi những thử thách khắc nghiệt của nghề. Vì vậy, muốn đeo đuổi nghề huynh trưởng, chúng ta cần tu tập hạnh Nhẫn nhục hay nói cách khác , phải tập chịu đựng gian nan khổ ải cho đến cùng thì mới bám trụ lâu dài với con đường tạm gọi là Bồ Tát Đạo này – Nỗi gian nan khổ ải trong nghề huynh trưởng thật là lắm nẻo : -Vì sự học hay công việc làm ăn cũng có thể bỏ GĐPT -Vì kinh tế gia đình thiếu ổn định cũng có thể rời GĐPT -Vì tự ái, bất mãn cũng có thể bỏ GĐPT -Vì trăm thứ nguyên nhân khác… cũng có thể khiến người thiếu nhẫn nhục, thiếu ý chí có thể rời bỏ đời sống Áo Lam một cách dễ dàng.
6)Yêu thương và Đoàn kết : Trong Đạo Phật khi nói đến lòng yêu thương thì thường dùng hai chữTừ Bi . Nhưng ý nghĩa hai chữ Từ Bi thật là rộng lớn, khó làm. Cứ theo đúng nghĩa Từ Bi thì chỉ có Phật và chư Bồ Tát mới đạt đến hạnh Từ Bi, còn chúng ta thật tình không dám tự nhận mình từ bi. Có chăng, chúng ta chỉ dám khuyến tấn nhau hãy yêu thương và đoàn kết – Chúng ta hãy tu tập yêu thương ngay những người thân trong gia đình ta; tập yêu thương những người mà ta có dịp tiếp xúc hằng ngày nhất là yêu thương những người cùng mặc chiếc Áo Lam như ta. Gia Đình Phật Tử là môi trường tốt nhất cho ta tu tập lòng yêu thương : yêu thương các bạn Áo Lam trong đơn vị ta; yêu thương các bạn Áo Lam trong tỉnh, thành nơi ta sinh hoạt; yêu thương tất cả những người Áo Lam trên toàn quốc, ngay cả những người chưa hề biết mặt mà có hôm nào đó ta bất chợt bắt gặp một bóng dáng Áo Lam trên con đường phố thị xa lạ nào đó – Chúng ta hãy yêu thương càng nhiều người chung quanh càng tốt – Hãy tập yêu thương trước khi tu tập hạnh Từ Bi – Tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam thật là tự hào vì suốt chặng đường 35 năm ( 1940 – 1975) , dù cho bên ngoài xã hội đã thay đổi biết bao chế độ chính trị; dù cho Phật Giáo Việt Nam đã thay đổi bao đời Giáo Hội, chỉ có GĐPT là vẫn giữ được mối đoàn kết gắn bó keo sơn. Anh em từ trên xuống dưới thương yêu đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh của Tình Lam của hơn hai trăm ngàn đoàn viên Áo Lam cả nước. Đại Đức Tiến sĩ Narada Mahathéra, một vị cao tăng người Tích Lan, khi đến thăm Phật Giáo Việt Nam năm 1965, đã nhận xét :”Gia Đình Phật Tử là một tổ chức giáo dục thiếu nhi quan trọng và có sắc thái độc đáo : có thể nói đó là một trong những nét đặc biệt nhất của đạo Phật tại Việt Nam. Tại các nước Phật Giáo trên thế giới, chưa có tổ chức thiếu nhi nào đông đảo và có tổ chức khéo léo như thế” (Theo sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của tác giả Nguyễn Lang) Tôi viết những dòng này với tất cả thật lòng mong mỏi rằng: Rồi đây Gia Đình Phật Tử Việt Nam sẽ sum vầy như xưa, khi đó chỉ có Anh Chị Em Áo Lam chúng ta với nhau trong một lý tưởng chung là “Đem Phật Pháp đến với thanh thiếu đồng niên” mà không vì một ý thức hệ chính trị nào và không làm con cờ cho bất cứ thế lực chính trị nào lợi dụng.
Bạn thân mến, Qua hai lá thư 18 và 19 nói về sự tu trong GĐPT. Chắc sẽ có người đặt câu hỏi :”Cớ gì đang sống vô tư, thảnh thơi ngoài thế gian lại tự nhiên vào chùa, vào GĐPT để phải tu tập cực khổ vậy,như thế được ích lợi gì ? Xin bạn hãy trả lời cho câu hỏi này và đón đọc lá thư sau để biết câu trả lời của bạn có trùng khớp với câu trả lời của tôi không nhé ! Thân ái chào bạn!