Bạn thân mến! Hôm nay chúng ta trở lại với chủ đề ban đầu là tìm hiểu cụm từ “Tùy duyên &Bất biến”, một đạo lý vô cùng quan trọng xuất phát từ thuyết Trung Đạo của Phật Giáo. Qua các lá thư vừa rồi, tôi nghĩ bạn đã hiểu thế nào là tùy duyên, thế nào là bất biến qua các câu chuyện có liên quan đến tình trạng đáng buồn trong sinh hoạt GĐPT từ năm 1997 trở lại đây. Chúng ta mong rằng ngày càng có nhiều bạn trẻ hiểu ra vấn đề và trở về sinh hoạt an vui dưới mái nhà Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trong vòng tay thân ái của đại gia đình Áo Lam. Trở lại bài kinh Sonaranda, Đức Phật muốn chỉ cho chúng ta thấy rằng: trong tất cả mọi sự việc trên thế gian này có những điều phải tùy duyên mà thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh. Thí dụ : 1- Như một người từ lúc mới chào đời cho đến khi trưởng thành phải thay đổi biết bao nhiêu áo quần để cho phù hợp với kích thước cơ thể. Trời lạnh mặc áo bông để ấm thì trời nóng phải thay áo lụa cho mát v.v… Không thể cố chấp mà bảo rằng: từ bé thơ đến lúc trưởng thành tôi chỉ mặc một cái áo; hoặc: Xuân, Hạ, Thu, Đông gì cũng chỉ trung thành với một cái áo mà thôi! 2- Như một người sắm được chiếc xe tốt để đi xa. Đi đến một con sông rộng xe không qua được, người ấy đành phải bỏ xe mà đi bè để qua sông. Khi sang sông rồi, dù có luyến tiếc chiếc bè đến đâu nhưng người ấy đành phải rời bỏ chiếc bè để bước lên bờ mà tìm phương tiện khác để đi nốt cuộc hành trình. Người cố chấp trung thành với duy nhất chỉ một loại phương tiện lưu thông trong trường hợp này là người chắc chắn thất bại trong cuộc hành trình. Thật vậy, người bảo thủ, cố chấp, không biết tùy duyên là người không thể thành công trong cuộc sống vô thường luôn thay đổi này.
Cũng bài kinh trên, Đức Phật còn chỉ cho ta thấy rằng quả thật trên đời này có những cái ta không thể tùy duyên thay đổi, bởi nếu cái gì ta cũng dễ dãi tùy duyên thì ta sẽ trở thành con người chẳng còn lý tưởng, chẳng còn mục đích, chẳng còn cái gì cao đẹp và quý báu để ta tôn thờ hay hoài bảo nữa. Lúc ấy ta sẽ trở thành con người “ba phải”, tầm thường dưới mắt thiên hạ. Thí dụ : 1- Cũng như một người từ miền Nam muốn đi đến Hà Nội thì dù đi bằng phương tiện nào, dù mưa bão hay nắng cháy… người ấy vẫn không rời bỏ mục tiêu phải đến là Hà Nội. Mục tiêu trong chuyến hành trình của người ấy là Hà Nội thì dù chóng hay chầy, dù khó khăn trở ngại gì… người ấy vẫn trung thành với mục tiêu do mình đề ra và quyết tâm đi cho đến cùng. 2-Lý tưởng của anh chị em đoàn viên GĐPT chúng ta là phụng sự Đạo pháp, phụng sự Dân tộc thông qua công việc hằng ngày của chúng ta là góp phần gieo mầm Chánh Pháp vào tâm hồn trẻ thơ để Phật Giáo Việt Nam sau này có thêm những Phật tử chân chính; để dân tộc Việt Nam sau này có thêm những công dân gương mẫu góp phần xây dựng đời sống tốt đẹp cho xã hội. Lý tưởng đó, mục đích đó chúng ta không bao giờ được thay đổi dù cho có lúc ta phải tùy duyên mà thay đổi hình thức bên ngoài hoặc thay đổi danh xưng…
Bạn thân mến, Để kết thúc loạt bài nói về “Tùy Duyên – Bất Biến”, tôi xin chép tặng bạn câu chuyện hào hùng và thật là xúc động về một tấm gương ý chí, nghị lực vô biên của một vị Tăng trẻ. Đó là câu chuyện về Đại Đức Thích Tâm Mẫn thực hiện chuyến hành hương “nhất bộ nhất bái” từ chùa Hoằng Pháp –TP.HCM đến Chùa Đồng, núi Trúc Lâm Yên Tử – Tỉnh Quảng Ninh. Câu chuyện này giúp bạn hiểu thêm thế nào là “bất biến” Thầy Thích Tâm Mẫn, một vị tăng trẻ tu tại chùa Hoằng Pháp, phát nguyện thực hiện một chuyến lễ Phật theo cách đi một bước lễ một lạy trên suốt con đường thiên lý dài gần 2.000 cây số từ TP.HCM đến núi Yên Tử-Quảng Ninh. Thầy khởi hành vào lúc 8 giờ ngày mùng 2 Tết năm Kỷ Sửu (2009) tại chùa Hoằng Pháp và sau gần 4 năm gian lao khó nhọc, Thầy đặt chân đến Chùa Đồng, núi Trúc Lâm Yên Tử vào lúc 5 giờ sáng ngày mùng 3 tháng 10 năm Nhâm Thìn (2012). Trong chuyến hành hương, Thầy gặp vô vàn khó khăn trở ngại như : -Đường xa diệu vợi, nhiều chỗ qua đèo qua núi rất hiểm trở khó đi . -Tại huyện Hàm Tân (Bình Thuận) chánh quyền địa phương không cho Thầy đi qua -Thời tiết mưa nắng thất thường, có khi trời lạnh dưới 15o như tại Nghệ An – Tại Thanh Hóa Thầy gặp tai nạn giao thông phải ở lại dưỡng bệnh 16 ngày. -V.v… Nhưng Thầy vẫn giữ vững ý chí theo gương Ngài Huyền Trang xưa kia qua Ấn Độ thỉnh kinh. Nhờ đó Thầy đã đạt mục đích sau cùng là đặt chân đến Yên Tử Linh Sơn sau gần 4 năm miệt mài “nhất bộ nhất bái” trên con đường vạn dặm. Khi xem video clip quay lại cảnh Thầy Tâm Mẫn “nhất bộ nhất bái” trên các bậc thềm chánh điện Chùa Đồng, tôi đã bật khóc với tất cả lòng kính phục trước một con người có ý chí và nghị lực phi thường như Thầy. Cầu mong sao chúng ta học được ở Thầy một phần ngàn ý chí và nghị lực ấy để ứng dụng vào sinh hoạt GĐPT. Thân ái chúc bạn luôn biết “tùy duyên” và cũng biết giữ cho mình những điều tốt đẹp cần phải“bất biến”. Xin gởi đến bạn đoạn phim quay lại cảnh thầy Tâm Mẫn đến đỉnh Trúc Lâm Yên Tử.