Kính thưa Ban biên tập,
Em đọc sách Phật thấy sách viết “Hiện nay chúng sanh đang ở trong thời kỳ Mạt pháp”. Vậy thế nào là “mạt pháp” ? Chừng nào đạo Phật mới biến mất khỏi thế gian này? Nếu không còn đạo Phật thì con người ta sẽ sống ra sao?
Em kính đề nghị BBT giải thich cho chúng em về điều này để chúng em an tâm tu học và sống theo những giá trị của Phật pháp.
Minh Pháp
(Đội Sen Xanh)
Em Minh Pháp thân mến
“Mạt pháp” là một khái niệm của Phật giáo phát triển (Bắc tông, Đại thừa). Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy (Nam tông, Tiểu thừa) không thấy có khái niệm này. Vì vậy, về mặt lịch sử chúng ta không thể khẳng định “Mạt pháp” là do chính kim khẩu Đức Phật nói ra.
Theo Từ Điển Phật Học của tác giả Đoàn Trung Còn định nghĩa “Mạt pháp” như sau:
Mạt pháp: đạo Phật vào lúc điêu tàn. Một đức Phật khi ra đời và lập đạo thì đạo pháp từ đó phân ra làm ba thời kỳ liên tiếp: Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp. Cụ thể là:
Vào thời Chánh pháp người tu hành dễ đắc đạo. Thời Tượng pháp người tu hành khó đắc đạo. Đến thời Mạt pháp cách xa Phật, người ác trược thì nhiều cho nên rất ít người tu hành đắc đạo.
Về đời Mạt pháp, rất khó tu hành cho chứng quả, nên chẳng tiện tu theo Thánh đạo môn, mà rất tiện tu theo Niệm Phật môn, tức là pháp môn Tịnh Độ tông. Tu theo môn này nhờ sức mình và sức Phật nương nhau, đến khi qua đời hành giả sẽ được vãng sanh về Cực Lạc…
Theo nhận định của chúng tôi, thuyết “mạt pháp” dường như xuất phát từ Tịnh Độ tông của Phật giáo Trung Hoa nhằm khuyến khích mọi người tu theo pháp môn niệm Phật của tông này.
Xét về khách quan lịch sử phát triển của đạo Phật thì khó có thể chấp nhận thuyết “mạt pháp” cho rằng hiện nay đạo Phật đang trong thời kỳ mạt pháp, tức là đạo Phật đang suy vong (so với thời chánh pháp và tượng pháp cách đây 1.500 năm). Chúng tôi xin lý giải như sau:
Người đề ra thuyết “mạt pháp” cho rằng thời chánh pháp người tu hành dễ đắc đạo, thời tượng pháp và mạt pháp ít có người đắc đạo. Đây là một kết luận đầy cảm tính, khó chứng minh. Bởi vì chỉ có Đức Phật là bậc Chánh Biến Tri mới đủ tư cách xác nhận ai là người chưa đắc đạo và ai là người đã đắc đạo. Vậy thì, sau khi Đức Phật đã nhập Niết Bàn thì ai là người dám thay thế Phật để chứng nhận một người đã đắc đạo? Đã không ai đủ tư cách chứng nhận sự đắc đạo của người tu thì người đời sau lấy số liệu nào để kết luận rằng thời chánh pháp người đắc đạo nhiều hơn thời tượng pháp; thời tượng pháp người đắc đạo nhiêu hơn thời mạt pháp; thời mạt pháp không ai đắc đạo cà ?
Chúng tôi thách thức tất cả những ai tin vào thuyết “mạt pháp” hãy chứng minh bằng số liệu thực tế và bằng những con người cụ thể cho cái biên kiến “Thời chánh pháp có nhiều người tu đắc đạo ; thời tượng pháp số người đắc đạo ít lại và thời mạt pháp không có ai đắc đạo cả”
Trên thực tế, chúng ta đều thấy tại Việt Nam cũng như trên thế giới ngày nay đang có rất nhiều bậc chân tu rất thành công trong công cuộc đem Phật pháp đến với thế gian, được đông đảo Phật tử khắp nơi tôn kính quy y… Như vậy, bảo rằng Phật giáo ngày nay suy đồi, không có ai đắc đạo là không đúng sự thật, một kết luận vô cùng võ đoán, chẳng có chi làm bằng chứng.
-Thời Phật còn tại thế (từ năm 624 đến năm 544 trước CN): đạo Phật chỉ phát triển tại vùng đông-bắc Ấn Độ. Tam tạng kinh điển chưa được viết thành sách. Tăng, Ni chỉ vài ngàn người, cư sĩ chắc chắn không nhiều. Phương tiện truyền giáo chỉ bằng “khẩu thuyết” trước số lượng thính giả không bao nhiêu.
-Sau khi Phật diệt độ trong vòng 500 năm (từ năm 544 trước CN đến năm 44 trước CN): đạo Phật bắt đầu vươn ra Tây Tạng (bắc) , Tích Lan (nam) …Đây là thời kỳ Phật giáo tại Ấn Độ bắt đầu xuất hiện nhiều tư tưởng mới trong cách lý giải Kinh và Luật. Tình trạng này đưa đến sự phân chia ra nhiều bộ phái, trong đó hai bộ phái lớn nhất là Thượng Tọa Bộ va Đại Chúng Bộ (thỉ tổ của Phật giáo nguyên thủy và Phật giáo đại thừa ngày nay). Tuy nhiên, chính nhờ sự chia rẽ ấy mà Phật giáo lại trở nên phong phú, đa dạng và phát triển nhiều hơn trước. Tam tạng kinh điển đã được viết thành sách, tuy nhiên việc truyền bá giáo lý vẫn còn hạn chế rất nhiều do chưa có kỹ thuật in ấn. Tăng, tín đồ dỉ nhiên đông đảo hơn thời Phật tại thế.
-Từ 500 đến 1500 năm sau khi Phật diệt độ (tức từ năm 44 trước CN đến năm 956 CN): đạo Phật tiếp tục phát triển cả về phía bắc (PG bắc truyền) lẫn phía nam (PG nam truyền) nhưng vẫn còn trong phạm vi châu Á. Số lượng tăng, tín đồ gia tăng gấp nhiều lần so với hai thời kỳ trước đó. Tam tạng kinh điển được in bằng phương pháp khắc gỗ khiến cho việc truyền bá giáo lý được thuận tiện hơn trước.
-1500 năm sau khi Phật nhập diệt (từ năm 956 CN đến nay): hiện nay đạo Phật đã lan rộng trên toàn thế giới khắp cả năm châu. Số lượng người theo đạo Phật chính thức gần 400 triệu cộng với số Phật tử không chính thức vào khoảng 800 triệu. Tam tạng kinh điển đã được ấn loát và truyền bá thuận tiện, dễ dàng nhờ mạng Internet. Phật giáo được Liên Hợp Quốc công nhận là tôn giáo toàn cầu của nhân loại vì tinh thần từ bi, bác ái, hòa bình. Ngày lễ Tam Hợp của Phật giáo được tổ chức trang trọng tại trụ sở LHQ hằng năm vào ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch. Càng ngày những giá trị thực tiễn của đạo Phật càng được rạng rỡ trong đời sống nhân loại năm châu. Có thể nói, ngày nay số người được tiếp cận, được hiểu biết và ứng dụng các giá trị của đạo Phật vào cuộc sống thật là rộng rãi, kể cả những người không phải là Phật tử chính thức. Ngày xưa, khi Giáo đoàn mới được thành lập, Đức Phật đã hô hào các đệ tử “Hãy đi khắp bốn phương tám hướng , đem giáo lý của Ta truyền bá ra khắp nhân gian…” Nếu lấy lời hô hào đó làm tiêu chí để đánh giá sự phát triển của đạo Phật thì rõ ràng Phật giáo hiện đại đã hoàn thành xuất sắc ý nguyện cao cả của Đấng Giáo chủ. Như vậy, sao lại coi ngày nay là thời “mạt pháp” , sao lại nói đạo Phật đang tuột dốc suy đồi?
Phật giáo Trung Hoa đưa ra thuyết “mạt pháp” là chỉ nhằm cổ súy cho pháp môn Tịnh Độ của họ. Vì vậy thuyết “mạt pháp” thật sự không có giá trị khoa học nào để người Phật tử quan tâm tìm hiểu và ứng dụng vào việc tu học.
Nếu tin vào thuyết “mạt pháp”, người Phật tử sẽ trờ nên mê tín, bi quan, thụ động. Như vậy, thuyết “mạt pháp” làm cho đạo Phật biến chất, trở thành tôn giáo tín ngưỡng đa thần (theo Tịnh Độ tông) trong khi đạo Phật vốn là tôn giáo khoa học không tin vào thượng đế hay bất cứ thần linh nào.
Chúng tôi mong rằng, sau khi đọc bài này, những ai tin vào thuyết “mạt pháp” hãy suy nghĩ lại và từ bỏ cái tà kiến, biên kiến đó đi và an tâm tinh tấn tu học và thực hành các giá trị của đạo Phật trong cuộc sống nhằm đem lại an vui cho mình và cho những người chung quanh.
Thân ái chúc bạn Minh Pháp luôn tinh tấn trên đường đạo.
BAN BIÊN TẬP
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1