LÝ TƯỞNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
Trong bài viết kỳ trước, chúng ta đã xác định “Mục tiêu tu tập của Huynh trưởng GĐPT là để trở thành Người Phật tử chân chánh, tức là người có ích cho gia đình, xã hội, đạo pháp, đất nước và dân tộc ngay khi chúng ta còn sống trong cõi đời này”. Như vậy, rõ ràng là chúng ta không đặt mục tiêu tu để lìa bỏ cuộc sống này mà lên Thiên đàng hay Cực lạc, hoặc tu để thành bậc Thánh như A La Hán, Bồ tát, Phật.
Từ việc xác lập mục tiêu tu như trên, chúng ta chọn phương pháp tu theo Nhân Thừa Phật giáo mà Đức Bổn Sư Thích Ca đã dạy cho hạng đệ tử tại gia. Chúng ta cũng xác định 04 tiêu chí trong việc tu theo Nhân thừa, đó là:
Như vậy, về tư tưởng, chúng ta coi như đã chuẩn bị xong. Giờ hãy cùng nhau bước lên Cỗ Xe Nhơn Thừa mà đi cho hết cuộc hành trình, bạn nhé!
HÀNH TRÌNH CỦA CỖ XE NHƠN THỪA
(Hành trình học và tu của người theo Nhơn thừa)
Khởi đầu cuộc hành trình tu theo Nhơn thừa, người Phật tử cần quy y Tam Bảo và thọ trì Ngũ giới. (Tam Bảo và Ngũ giới là gì, chúng ta đã học trong chương trình Phật pháp GĐPT, không cần giải thích ở đây)
Việc quy y Tam Bảo của người Phật tử ví như một sự tuyên thệ suốt đời đi theo Phật giáo, không theo bất cứ tà giáo ngoại đạo nào khác. Đây là một việc vô cùng quan trọng và cần thiết, nó cho thấy quyết tâm của người Phật tử thật sự muốn chọn đạo Phật làm chân lý hướng dẫn cho cả cuộc đời mình. Nếu một người chưa quy y Tam Bảo thì chưa được gọi là Phật tử, vì vậy huynh trưởng chúng ta nhất định phải quy y Tam Bảo.
Sau khi làm lễ quy y Tam Bảo rồi, chúng ta phải thường xuyên đến chùa để được thân cận với “Bổn sư” tức vị Sư đã làm lễ quy y , ban pháp danh và truyền Ngũ giới cho ta. Bắt đầu từ nay, ta đã kết duyên lành với Phật pháp, được đắm mình trong giáo pháp Như Lai như con cá sinh ra và lớn lên trong đại dương mênh mông vậy.
Thọ trì Ngũ giới tức là đồng ý giữ Năm Giới do Phật chế cho Phật tử tại gia. Ngũ giới có công năng ngăn ngừa các việc xấu ác mà con người thường phạm phải xuất phát từ lòng tham, sân, si. Ngũ giới là nền tảng đạo đức của con người trong xã hội. Chỉ cần chúng ta tuyệt đối giữ nghiêm 5 giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm,không nói dối, không uống rượu là ta đã là một người đạo đức tuyệt vời trong xã hội rồi.
Nhân đây xin nói chi tiết hơn về việc giữ giới, kẻo không thì rất dễ lâm vào tình huống cực đoan, không lối thoát.
Đối với chư vị Tăng Ni chọn mục tiêu tu hành để thành A La Hán, Bồ tát, Phật, thì giữ giới “không sát sanh” là phải tuyệt đối, chẳng những đối vơi sinh mạng con người mà còn đối với các loài vật lớn, bé… cũng không được giết hại, thậm chí đối với cỏ cây thực vật cũng không được tùy tiện chặt phá.
Còn đối với Phật tử tại gia chúng ta, Phật dạy tuyệt đối không được giết người (ngoại trừ trường hợp tham gia quân đội chống lại giặc ngoại xâm). Còn các loài động vật thì tùy hoàn cảnh mà có thể giết nhưng không được lạm sát. Thí dụ: làm nghề nông thì bắt buộc phải sử dụng thuốc trừ sâu hoặc trừ những loài vật gây hại cho cây lúa như: các loại chim ăn lúa, ốc bươu vàng v.v…Hay như vì phòng chống bệnh tật mà phải diệt muỗi, gián, chuột v.v… trong nhà thì chúng ta cần phải làm, miễn là chúng ta làm với tâm “cực chẳng đã” chớ không phải làm với sự thích thú, thỏa mãn trong hành vi giết hại.
Người không giết hại ai thì không gây thù chuốc oán, sống an ổn không sợ bị trả thù, không sợ bị pháp luật trừng trị, thường được mọi người chung quanh thương mến, nể trọng. Vì vậy Phật dạy chúng ta giữ giới “không sát sanh” để có một đời sống an vui.
Lấy tài sản người khác khi người ta chưa cho thì gọi là trộm cắp. Ngoài ra, dùng vũ lực đoạt lấy thì gọi là cướp. Hoặc dùng mưu mẹo, lừa gạt , hâm dọa, tống tiền… để trục lợi cho mình mà hại cho người thì cũng nằm trong giới này. Cờ gian bạc lận cũng là hành vi trộm cắp. Chơi cờ bạc bình thường, cá độ bóng đá và những trò đỏ đen tương tự cũng nằm trong giới “trộm cắp” này. Làm hàng giả , cân thiếu cân thừa trong mua bán, kinh doanh hàng lậu để trốn thuế v.v… cũng là hành vi trộm cắp Nói chung, bất cứ hành vi nào lấy của người làm của mình mà không có sự đồng ý của người ta, hoặc kinh doanh trái với pháp luật đều là vi phạm giới “trộm cắp” này.
Người giữ giới không trộm cắp thường được mọi người tín nhiệm, luôn gặp thuận lợi và thành công trong công việc kinh doanh. Đời sống thoải mái, không lo lắng, luôn tự tin và được mọi người tin tưởng, kính trọng, việc giáo dục con cái cũng đạt kết quả tốt, con cái thường học giỏi và thành đạt.
Đối với Tăng Ni thì giới này gọi là giới “không dâm dục” nghĩa là tuyệt đối không được có hành vi dâm ô, đồng thời cũng không được để cho một ý niệm nào về dâm dục xuất hiện trong đầu.
Còn đối với Phật tử tại gia chúng ta thì Phật dạy “không được tà dâm”, nghĩa là không cấm hẳn việc dâm dục, nhưng phải chánh đáng trong việc này. Sống “một vợ một chồng” tức là chánh đáng. Những hành vi như: thường hay đi vào quán bia ôm, hay xem phim sex, hay đọc những sách báo dâm ô, quan hệ bất chính với người khác giới v.v… đều là vi phạm giới “tà dâm” này.
Người không tà dâm thì sức khỏe luôn ồn định, tuổi thọ lâu dài, gia đình hạnh phúc, con cái dễ dạy và nên người, bà con thân quyến nể trọng, uy tín ngoài xã hội được đề cao, công việc làm ăn kinh doanh thường “xuôi chèo mát máy”, gia sản ngày một tăng trưởng…
Đúng ra, giới này phải đặt tên là “Giới vọng ngữ” thì mới chính xác, nhưng do thói quen muốn cho người bình dân dễ hiểu nên thường gọi “Giới nói dối”. Bởi vì “nói dối” chỉ là một trong bốn của “vọng ngữ”.
Giới vọng ngữ bao gồm:
Chúng ta đã được học kỹ ở đề tài “Ngũ Giới” trong chương trình tu học Phật pháp GĐPT rồi, ở đây không giải thích lại.
Người không nói dối thì được mọi người tin tưởng, kính trọng.
Người không nói lưỡi hai chiều thì không gây thù chuốc oán với ai, cuộc sống do đó mà an ổn, nhẹ nhàng
Người không nói thêu dệt để dụ dỗ người với ý đồ bất chánh thì được mọi người tín nhiệm, cảm tình, thường được thăng quan tiến chức vì được cấp lãnh đạo trên tin tưởng.
Người không nói lời ác độc thì không có kẻ thù, không có “oan gia trái chủ”, được mọi người cảm tình, thương mến, giúp đỡ. Như vậy cuộc sống sẽ bớt đi rất nhiều khó khăn và dễ thành công trên đường đời.
Tuy nhiên, cũng có một đôi trường hợp mà ta buộc phải nói dối nếu việc nói dối ấy là để cứu người và vật ra khỏi tình trạng nguy hiểm hay chết chóc. Thí dụ: có một con thỏ bị thợ săn đuổi bắt. Con thỏ ấy chạy đến trốn sau vạt áo của một thiền sư đang ngồi thiền định trong rừng. Khi người thợ săn chạy đến và hỏi vị thiền sư có thấy một con thỏ chạy về hướng này không? Vị thiền sư vì lòng từ bi, không muốn con thỏ bị bắt và giết thịt nên đã nói dối là “không thấy”. Chính nhờ sự nói dối của vị thiền sư mà tính mạng con thỏ được bảo toàn. Ở trường hợp này sự nói dối của vị thiền sư là không phạm giới vọng ngữ.
Huynh trưởng chúng ta cũng cần lưu ý tránh xa tình trạng phổ biến hiện nay là nhiều người lợi dụng mạng xã hội như Face Book, Zalo, You Tube v.v… để nói những điều bịa đặt, giật gân, dối trá, ác độc… nhằm câu view khán giả vào xem cho đông, hoặc để tấn công trả thù, bêu xấu một ai đó cho hả lòng ghen tức đố kỵ. Những việc làm đó đều tạo ra kẻ thù, tự mình tạo nên nghiệp xấu cho mình trong đời này lẫn nhiều đời sau.
Đừng tưởng dùng nick ảo mà trốn tránh được sự truy cứu của cơ quan chức năng. Bằng chứng là trong thời gian qua chúng ta đã chứng kiến có rất nhiều người mắc tội nói dối, đâm thọc, thêu dệt, nói lời ác độc… trên mạng đã bị cơ quan chức năng lôi ra ánh sáng để trả lời về những tội “vọng ngữ” mà họ đã làm trên trang xã hội của mình. Hãy dùng mạng xã hội để chia sẻ những điều tốt đẹp, lợi ích cho cuộc sống, hơn là lợi dụng nó để “ném đá dấu tay” những điều nhảm nhí, xằng bậy, vô ích, đố kỵ, ganh ghét, ác độc, chia rẻ, mất đoàn kết…
Vào thời Đức Phật tại thế, xứ Ấn Độ chưa có thuôc lá và các thứ ma túy như ngày nay. Do đó Đức Phật chỉ đặt ra giới “không uống rượu”. Ngày nay, chúng ta phải hiểu là giới này cấm dùng “các chất say” có hại cho sức khỏe và trí não như: rượu, thuốc lá, các loại ma túy …
Người uống rượu và sử dụng các chất ma túy chẳng những hại cho sức khỏe và trí não của chính mình, mà trong cơn say rượu và say thuốc, người đó còn có thể giết người và phạm nhiều trọng tội khác. Người nghiện ma túy thường lâm vào nghiệp trộm cướp để có tiền “chơi” ma túy.
Người nghiện rượu và ma túy thường bị tổn hại trí não, hành động như người bị bệnh tâm thần và sanh ra con cái cũng bị ngu tối, trì độn, thiểu năng về trí tuệ v.v… Người nghiện rượu và ma túy thường bị mọi người khinh bỉ, xa lánh, gia đình mất hết hạnh phúc, sống không bằng chết.
Ngày nay, thế giới đã nhìn thấy tác hại của việc hút thuốc cho nên mọi người đang ra sức tuyên truyền bỏ thuốc lá. Người Phật tử chân chánh là người sống có trí tuệ, vì thế cũng nên nói KHÔNG với thuốc lá.
Trên đây là chặng đường thứ nhất của hành trình tu theo Nhơn Thừa. Coi dễ vậy chớ không phải ai cũng đi qua một cách trót lọt đâu. Người Phật tử khác với tín đồ các tôn giáo khác ở chỗ Ai theo đạo Phật là tự bản thân mình phải học đạo và thực hành cái đạo ấy chứ không ỷ lại vào thần thánh nào hết. Học cho hiểu thấu đáo đã khó, nhưng không khó bằng khi thực hành, bởi vì làm việc xấu theo bản năng tham-sân-si thì dễ, mà làm việc tốt theo lời Phật dạy thì khó vô cùng. Càng đi sâu vào con đường tu theo Nhơn Thừa Phật giáo chúng ta sẽ càng thấm thía về câu nhận xét trên đây.
(Xin xem tiếp kỳ sau: tiếp tục cuộc hành trình của Cỗ Xe Nhơn Thừa)
Tâm Pháp
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1