Tham luận của BHD PB GĐPT Bình Thuận tại ĐH ĐB Phật giáo Bình Thuận -Khoá 7 (2012-2017)

G
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ TRONG THỜI HỘI NHẬP.
HTr Cấp Tấn Thục Thời Đỗ Nhữ
Trưởng Phân Ban GĐPT Bình Thuận
            Kính bạch
            Kính thưa
            Trong niềm hỷ lạc vô biên của Đại hội Đại biểu Phật giáo Tỉnh Bình Thuận khóa VII nhiệm kỳ 2012-2017, dưới mái chùa Phật Ân Tỉnh Hội. Chúng con xin thay mặt tổ chức GĐPT Tỉnh Bình Thuận, thành kính đảnh lễ Chư tôn Đức Giáo phẩm Tăng Ni lãnh đạo, nhiệt liệt chào mừng quý vị quan khách và toàn thể Đại biểu về dự Đại hội. Chúc Chư liệt vị Tôn Đức và Đại biểu pháp thể khinh an, sức khỏe dồi dào, chúc Đại hội thành công viên mãn.
Kính bạch Chư Tôn Giáo phẩm – Kính thưa quý vị
Mục đích của GĐPT được ghi trong điều II Nội quy GĐPT là:
-Đào luyện thanh thiếu đồng niên tin Phật thành Phật tử chân chính.
-Góp phần phụng sự Đạo pháp và xây dựng xã hội.
Mục đích của GĐPT, ngoài sự đào luyện Phật tử chân chính và thành công dân tốt cho xã hội, GĐPT còn là một điểm khởi đầu, là cánh cửa mở rộng vào Đạo gần nhất của Thanh Thiếu Đồng niên tin Phật. Trong mục đích GĐPT , tôi xin được tham luận 3 vấn đề:
1/ Quá trình hình thành và hoạt động của tổ chức GĐPT
Năm 1940, cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, sáng lập viên Hội An Nam Phật học Trung Việt, thành lập đoàn Phật Học Đức Dục tại Huế, qui tụ nhiều thanh niên trí thức ưu tú để nghiên cứu, học tập, hành trì giáo lý Phật Đà, sau đó đổi thành Gia đình Phật Hóa Phổ.
Năm 1951, Đại hội Huynh trưởng tổ chức tại chùa Từ Đàm Huế, đổi danh xưng là Gia Đình Phật tử. Sự xuất hiện của GĐPT trong thời kỳ này là do nhu cầu phát triển của Phật giáo và để củng cố tinh thần dân tộc trong cuộc vận động chấn hưng Phật giáo cả nước.
Từ ngày được thành lập, GĐPT  luôn luôn sinh hoạt trong khuôn khổ pháp lý của một tổ chức Giáo hội hợp pháp, như Hội An Nam Phật Học, Hội Phật Học Nam Việt, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất và nay là Gia đình Phật tử sinh hoạt trong khuôn khổ của pháp lý GHPGVN.
Từ đó đến nay, GĐPT không ngừng được củng cố và phát triển. GĐPT Bình Thuận đã tổ chức thành công các khóa huấn luyện Đoàn sinh và Huynh trưởng. Các Trại huấn luyện AnôMa NiLiên, Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang và tham dự Trại huấn luyện cấp 3 Vạn Hạnh II, III do Trung Ương tổ chức 4 năm 1 lần… và thực hiện được nhiều các Phật sự liên quan đến nghi lễ, văn hóa văn nghệ, đồng thời phục vụ các công tác Phật sự do Giáo Hội các cấp giao phó.
GĐPT Việt Nam. Lực lượng nồng cốt là Thanh Thiếu niên với thành phần Huynh trưởng lãnh đạo là cư sĩ trí thức Phật giáo có uy tín và vai trò quan trọng đối với tín đồ Phật tử và Giáo hội, cho nên tổ chức GĐPT đã đào tạo ra đượckhông ít những cư sĩ Phật tử chân chính, sẵn sàng dấn thân vì Đạo pháp và dân tộc, và cũng đã có nhiều vị cao tăng lãnh đạo Phật giáo Việt Nam hiện nay xuất thân từ GĐPT.
2/ Thực trạng hội nhập của GĐPT đối với đạo đức xã hội hiện nay:
Đạo đức xã hội là một hình thái ý thức bao gồm các chuẩn mực để điều chỉnh những hành vi của con người, có tác dụng và giá trị được xã hội thừa nhận. Đạo đức có chức năng giáo dục, là nền tảng không thể thiếu được của con người trong một xã hội. Với chức năng và giá trị ấy, đạo đức không chỉ là cái gốc của mỗi con người, nó còn là nền tảng quan trọng để xây dựng một trật tự của xã hội văn minh, tiến bộ.
Về vấn đề đạo đức xã hội trong thời kỳ hội nhập hiện nay, trên các phương tiện báo đài hằng này không ngớt đưa tin đã cho chúng ta thấy những biểu hiện tha hóa, xuống cấp của đạo đức xã hội. Những biều hiện đó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển xã hội trên nhiều lãnh vực khác nhau, làm cho cả công đồng xã hội đều lo lắng trước tình trạng xuống cấp về đạo đức, về lối sống, coi thường tính mạng người khác và chính cả bản thân mình của một bộ phận giới trẻ. Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật, chà đạp nhân phẩm học sinh trước nơi công cộng, sử dụng chất ma túy, xem phim đồi trụy, hành xử nhau theo kiểu giang hồ, xã hội đen … có xu hướng gia tăng. Công vào đó, tình trạng bạo lực gia đình, nạn bạo hành trẻ em, bạo lực học đường, mại dâm vị thành niên… đang là nỗi lo chung của toàn xã hội. Hằng ngày, chỉ cần lướt qua báo chí, ta sẽ thấy nào là : “Đạo đức kinh doanh xuống cấp, đạo đức học đường xuống cấp, đạo đức ngành nghề xuống cấp, đạo đức xã hội xuống cấp…”
Vậy nguyên nhân gây nên tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội là do đâu? Theo chúng tôi, cái nguyên nhân cốt lõi là không thấy hết vai trò quan trọng của tinh thần giáo dục Phật giáo. Phật giáo với tinh thần từ bi, bình đẳng, vô ngã vị tha; với giáo lý nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, hễ làm ác thì gặt ác, làm thiện thì gặt thiện mà 2600 năm trước đức Phật dạy vẫn còn giá trị tuyệt đối không thể sai chạy. Nó là yếu tố vô hình nhưng mang lại tính quyết định để xây dựng một nền tảng đạo đức cho bất kỳ một xã hội nào. Giáo lý Phật giáo đã truyền dạy những chuẩn mực đạo đức mang tính nhân bản như hiếu thảo cha mẹ, trung thực, nhân ái, hướng về điều thiện, tránh xa điều ác v.v..
3/ GĐPT với việc bảo tồn đạo đức xã hội:
Qua mục đích thiết thực và thành quả tốt đẹp của tổ chức GĐPT đạt được, và qua tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội nêu trên, việc xây dựng và phát triển tổ chức GĐPT  có thể xem là giải pháp có tính chiến lược của GHPGVN trong việc góp phần bảo tồn và củng cố truyền thống đạo đức dân tộc đang có hiện tượng suy thoái hiện nay.
Trong Phật giáo và chương trình huấn luyện tu học trong GĐPT có những giá trị tốt đẹp về đạo đức, văn hóa với chủ trương của Đạo Phật là tinh thần từ bi, bình đẳng, vô ngã vị tha với triết lý nhân quả, nghiệp báo, luân hồi đã từng đồng hành chung thủy và tồn tại với dân tộc Việt Nam. Đây chính là cơ hội tốt để Phật giáo chúng ta thực hiện một giải pháp hữu hiệu trong việc xây dựng và phát triển những tiêu chuẩn đạo đức vốn có của tổ chức GĐPT, như mục đích của nó đã đề ra, để góp phần cùng xã hội ngăn chận và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức của xã hội hiện nay.
Điều cần thiết mà Phân ban GĐPT Bình Thuận chúng con muốn trình với Chư Tôn Đức Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà trước Đại hội này là sự quan tâm của Chư Tôn Đức Ban Trị Sự, Ban Đại Diện Phật giáo các Huyện, thị, Thành phố và Chư Tôn Đức Trụ trì, Ban Hộ Tự các Tự viện, cần thấy rõ tổ chức GĐPT là một sinh hoạt phản ánh nhu cầu và nguyện vọng chính đáng trong quá trình cầu tri kiến Phật và phát triển tiêu chuẩn đạo đức Phật giáo trong bộ phận Thanh Thiếu Đồng niên tin Phật, để đào luyện họ thành Phật tử chân chính và người công dân tốt cho xã hội. Hoạt động của GĐPT chủ yếu là giảng dạy giáo lý Phật Đà, thực hành nghi thức tụng niệm và giáo dục đạo đức hướng đến Chân-Thiện-Mỹ. Đây là vấn đề rất cần thiết đối với Thanh Thiếu Đồng niên trong điều kiện giá trị đang bị suy thoái, các tệ nạn tiêu cực đang tác động ngày càng nhiều đến tầng lớp tuổi trẻ hiện nay. Từ nhận thức ấy, Phân ban Hướng dẫn GĐPT Bình Thuận xin khẩn thỉnh cầu Chư Tôn Đức lãnh đạo, Chư Tôn Đức Trụ trì, Ban Hộ Tự, hỗ trợ tạo thuận duyên cho GĐPT được sinh hoạt, tạo điều kiện cho Thanh Thiếu Đồng niên được đến với GĐPT để sinh hoạt với nội dung đạo đức, vui chơi nhưng đầy Phật chất và hướng thiện. Đây là nguyện vọng chính đáng của Thanh Thiếu Đồng niên tin Phật và cũng là mục tiêu trong sáng và lợi ích của thế hệ tuổi trẻ của Phật giáo trong một tương lai tươi sáng.
Hiện nay có tổ chức “ Tiểu ban Thanh Thiếu niên Phật tử “ đang hình thành ở một số tự viện. Trong nội quy của Tiểu ban Thanh Thiếu nhi Phật tử có ghi “ tổ chức Tiểu ban Thanh Thiếu nhi là để hướng dẫn tu học cho hàng Thanh Thiếu Nhi Phật tử chưa tham gia sinh hoạt trong các đơn vị GĐPT “ Vậy mà nay một số Tự viện đã tự động giải tán GĐPT để thành lập Câu lạc bộ Thanh Thiếu nhi mà không cần ý kiến của Phân ban GĐPT và Ban Trị Sự Phật giáo Tỉnh. Trong khi nội quy GĐPT do Hội đồng trị Sự GHPGVN đã phê duyệt khi giải tán một đơn vị GĐPT là phải trình và có sự đồng ý của Phân ban GĐPT và Ban Trị Sự Tỉnh. Đơn cử như ở TP Phan thiết: GĐPT Thiện Thệ ( chùa Bình Quang Ni Tự) và GĐPT Thiện Phú ( chùa Phú Sơn), Vị trụ trì đã giải tán GĐPT mà không cần ý kiến của Phân ban và Ban Trị Sự Phật giáo Tỉnh. Hiện tượng này đang xảy ra ở GĐPT Thiện Thắng ( chùa Quảng Thành) Huyện Hàm Thuận Nam và một đơn vị ở Huyện Tánh Linh.
Dù sao GĐPT vẫn là một hệ thống giáo dục Thanh tiếu Đồng niên xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở, có tính vững bền và thiết thực mà lịch sử tồn tại hơn 70 năm ( 1940-2012) cùa tổ chức này đã chứng minh cho thấy. Trong 70 năm qua, GĐPT vẫn là đứa con hiếu thảo và trung thành với Giáo hội, đã từng sát cánh cùng Giáo hội trong những giờ phút nguy nan nhất để bảo vệ Đạo pháp dân tộc.
Theo Nội Quy của Tiểu ban Thanh Thiếu Nhi Phật tử, ở lời nói đấu có ghi :” Tiểu ban Thanh Thiếu Nhi Phật tử, hướng dẫn sinh hoạt tu học cho hàng Thanh Thiếu Nhi Phật tử chưa tham gia sinh hoạt trong các đơn vị GĐPT “ Nội quy qui định như vậy, có nghĩa là nơi nào chưa có sinh hoạt GĐPT thì thành lập Câu lạc bộ (CLB) Thanh Thiếu niên. Bây giờ, một số Vị Trụ trì muốn thành lập Câu lạc bộ Thanh thiếu Nhi tại chùa mình, thì tự động giải tán GĐPT để không có sinh hoạt GĐPT mà thành lập CLB Thanh Thiếu Nhi!
Phân ban GĐPT Bình Thuận xin ý kiến đề xuất:
Ban Trị Sự Phật giáo Tỉnh Bình Thuận có văn bản đến các Tự viện đã có GĐPT sinh hoạt thì nên tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ để GĐPT được sinh hoạt, nếu có vấn đề không đồng ý thì nên báo cáo cho Phân ban GĐPT Tỉnh và trình Ban Trị Sự quyết định.
Các Tự viện chưa có sinh hoạt GĐPT thì nên tổ chức GĐPT để hướng dẫn Thanh Thiếu niên tin Phật thành Phật tử chân chính. Vì sinh hoạt GĐPT là một trong những pháp môn tu trong vô lượng pháp môn tu của Đạo Phật.
Phật giáo tỉnh Bình Thuận nên lấy GĐPT làm trung tâm để điều chỉnh công tác quản lý và giáo dục Thanh Thiếu Đồng niên Phật giáo, hay nói cách khác nên xây dựng tổ chức GĐPT tại tất cả các Tự viện, Niệm Phật đường trực thuộc Giáo hội Phật Giáo Tỉnh Bình Thuận, thay vì thành lập các hình thức tổ chức Thanh thiếu niên khác.
Các Tự viện, Niệm Phật đường trong tỉnh nên tổ chức các mô hình Đạo tràng như: Đạo tràng niệm Phật, Đạo tràng tu Thiền, Đạo tràng Bát quan trai… bao gồm cả Thanh Thiếu niên chưa sinh hoạt GĐPT về chùa tu học Phật pháp. Từ đó, tạo mối liên hệ gắn bó giữa Đạo tràng và GĐPT hòa hợp, đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong vấn đề tu học. Không nên tạo ra trong một ngôi chùa mà có 2 tổ chức Thanh Thiếu niên để rồi tổ chức này nhìn tổ chức kia với cặp mắt lạnh lùng, khác lạ.
               Trong phạm vi của một bài tham luận, chúng con chỉ xin được mạn phép nêu lên những ý kiến chân thành nhỏ bé của mình, với mong ước được lắng nghe, thấu hiểu, xem xét để cho GĐPT được phát triển trong thời hội nhập và làm tròn sứ mệnh mà Giáo hội đã tin yêu giao phó trong suốt chặn đường lịch sử 70 năm gắn bó với sự thăng trầm nguy khó cùng Giáo hội.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
22
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 6
Ngày Canh Dần
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 10
Kiên Giang