Làm và Không Làm

G

THƯ GỞI HUYNH TRƯỞNG TRẺ

Ý hòa đồng duyệt

Kiến hòa đồng giải

LÀM và KHÔNG LÀM

Bạn thân mến,

Hôm nay chúng ta cùng chia sẻ về sự “Làm và Không Làm”. Đề tài này, mới nghe thì thấy khó hiểu, nhưng bạn hãy kiên nhẫn đọc hết lá thư này là sẽ hiểu ngay. Lúc đó bạn sẽ thấy bổ ích thêm cho nghề huynh trưởng của mình.

“Làm” là từ Nôm, còn từ Hán Việt thường gọi là “Hành” hay “Hạnh”, hai từ này thường được Phật giáo sử dụng. Còn xã hội ngày nay thường gọi là “hành động” hay “phụng sự”

Đối với hạng người “nói nhiều làm ít”, người xưa có thành ngữ “năng thuyêt bất năng hành” để chê bai. Còn đối với người đàng hoàng, có uy tín trong cộng đồng, người ta thường dùng cụm từ “nói đi đôi với làm” để khen tặng người ấy.

Phật giáo rất coi trọng “hành động”. Trên chánh điện các chùa thường thờ 3 pho tượng: Phật Thích Ca (giữa) – Bồ tát Phổ Hiền (trái) – Bồ tát Văn Thù (phải). Bồ tát Phổ Hiền là biểu tượng cho “hành động” vì vậy pháp hiệu đầy đủ của Ngài là Đại Hạnh Phổ Hiền; còn Bồ tát Văn Thù là biểu tượng cho “Trí tuệ”, vì vậy pháp hiệu đầy đủ của Ngài là Đại Trí Văn Thù Sư Lợi. Ba pho tượng trên thường gọi là “Hoa Nghiêm Tam Thánh” Sự tôn trí trên nói lên ý nghĩa: Hai điều quý báu nhất của người Phật tử là: Trí tuệ và phụng sự (tức kiến thức phải đi đôi với hành động).

Còn như chùa nào theo pháp môn Tịnh độ thì thờ 3 pho tượng : Phật A Di Đà (giữa) – Bồ tát Quán Âm (trái) – Bồ tát Thế Chí (phải), gọi chung là Di Đà Tam Tôn thì cũng là nói lên ý nghĩa “trí tuệ cần phải đi đôi với phụng sự”.

Người học cho nhiều, kiến văn quảng bác (trí tuệ) nhưng suốt đời chỉ biết hưởng thụ, không làm gì cả, không có ý thức phụng sự xã hội, không chịu thương chịu khó lăn mình vào khó khăn gian khổ để làm lợi cho cộng đồng, thì người đó chẳng được tích sự gì cho xã hội. Người như thế luôn bị xã hội khinh chê;

Trái lại, người gặp gì cũng muốn làm (hành động), ý thức phụng sự rất cao, nhưng kiến thức hạn chế, hiểu biết nghèo nàn thì dù có làm nhiều mà hiệu quả không ra gì, rốt cuộc cũng là người không giúp ích gì được cho cộng đồng, như Bác Hồ vẫn thường nói : “Nhiệt tình cộng với dốt nát thì trở thành phá hoại”

Nền giáo dục Gia Đình Phật Tử chúng ta cũng rất coi trọng hành động. Vì vậy chúng ta có phương pháp giáo dục “Hoạt động” kết hợp với 3 phương pháp giáo dục khác là : huân tập, lý giải, quán niệm. để hoàn thành mục tiêu giáo dục của tổ chức Áo Lam là đào luyện đoàn viên chúng ta trở thành người Phật tử chân chánh của Phật Giáo Việt Nam.

Phương pháp hoạt động trong GĐPT được áp dụng trong hai lĩnh vực lớn:

Một là, lĩnh vực Kỹ năng hoạt động thanh niên, nghĩa là học các môn như : gút dây, truyền tin, phương hướng, mật thư, cứu thương, cắm trại, trò chơi… để trang bị một số kỹ năng và làm tăng trưởng các đức tính cần thiết, giúp chúng ta ứng dụng để vượt qua những khó khăn, thử thách luôn xuất hiện trong đời sống.

Hai là, lĩnh vực hoạt động xã hội. Ở lĩnh vực này lại chia ra làm hai phạm trù;

Phạm trù 1 là dạy cho đoàn viên hiểu biết về các mối quan hệ xã hội như: ông bà, cha mẹ, anh chị em, thầy cô, bạn bè … Các xúc chạm với đời sống như thiên nhiên, sông nước, cỏ cây… các sự tác hại của game, rượu bia, ma túy, mãi dâm… các bệnh thời đại như AIDS…Nhờ những hiểu biết ấy, chúng ta biết cách đối nhân xử thế, xa lìa các tệ nạn xã hội, sống lương thiện và làm một công dân tốt trong xã hội.

Phạm trù 2 là dạy chúng ta ý thức phụng sự con người qua những hoạt động từ thiện như: cứu tế, chăm sóc trẻ mồ côi và người già neo đơn… Làm sạch môi trường sống ngay tại làng xóm nơi ta đang ở…Tham gia các lễ lạt của Phật giáo để tăng tưởng thêm tình yêu đạo pháp v.v…

Tóm lại, nền giáo dục GĐPT không phải chỉ truyền thụ kiến thức Phật học, mà còn tạo cơ hội cho đoàn viên Áo Lam thực hành những kiến thức ấy vào đời sống, góp phần phụng sự và xây dựng một xã hội an lành theo tinh thần Phật giáo.

GĐPT không biến đoàn viên của mình trở thành những người bi quan, chán đời, lười biếng, thụ động, suốt ngày chỉ mơ tưởng đến một thế giới xa xăm huyễn hoặc nào đó mà quên đi lý tưởng phụng sự đạo pháp, dân tộc và con người ngay tại thế gian này.

Bạn thân mến,

Đến đây, hẳn bạn đã hiểu những gì tôi muốn chia sẻ với bạn qua chủ đề “Làm và Không Làm” trong lá thư kỳ này?

Chưa đâu bạn ơi, những gì tôi viết trong lá thư này chỉ mới là phần “giáo đầu tuồng” thôi. Cái tôi định nói còn nằm ở là thư sau.

Rất mong bạn đọc tiếp lá thư kỳ sau.

Thân ái chào bạn!

(Còn tiếp…)


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang