Ý hòa đồng duyệt
Kiến hòa đồng giải
Bạn thân mến,
Trong hai lá thư vừa qua, chúng ta đã đề cập về lý tưởng của huynh trưởng GĐPT, qua đó chúng ta xác định lý tưởng của người huynh trưởng GĐPT là Hoàn thiện bản thân theo đạo đức Phật Giáo và hướng dẫn đoàn sinh tu học chánh pháp, góp phần xây dựng đời sống an vui.
Hôm nay, chúng ta tìm hiểu thêm về lý tưởng huynh trưởng GĐPT ở một một múc độ cao hơn.
Có lẽ bạn sẽ hỏi tôi: “Lý tưởng cũng có cao có thấp ư?”
Vâng, xin thưa, cũng như trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật đã bày ra năm cỗ xe cho năm loại người, ai hợp với loại xe nào thì ngồi trên xe ấy mà đi. Năm loại xe đó là: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa. Hạng người nào có căn cơ chủng tánh bình thường, ý chí nguyện vọng bình thường thì ngồi trên cỗ xe Nhân thừa; Hạng người nào có căn cơ chủng tánh, ý chí nguyện vọng cao hơn thì chọn ngồi trên cỗ xe Thiên thừa, cứ thế mà tiến lên dần cho đến Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa.
Bạn đang là huynh trưởng trẻ, thời gian huân tập Phật pháp còn chưa bao nhiêu, ý chí và nghị lực trên đường tu còn mỏng manh như cây trúc chứ chưa được cứng cáp như tre già, do đó bạn không nên chọn mục tiêu lý tưởng cao xa quá, e rằng khó có thể đạt tới. Người không có tài trí gì mà đặt mục tiêu lý tưởng quá cao xa thì suốt đời không bao giờ đạt được lý tưởng. Những người như vậy là loại người hoang tưởng, chẳng làm được việc gì cho cuộc đời.
Vì lý do vừa nêu mà trong hai lá thư trước, chúng ta chỉ đặt mục tiêu cho lý tưởng là: “Hoàn thiện bản thân theo đạo đức Phật giáo và hướng dẫn đoàn sinh tu học chánh pháp, góp phần xây dựng đời sống an vui “. Đó là mục tiêu mà bạn có thể đạt tới trong một tương lai gần. Tuy nói là gần, chứ trên thực tế không phải huynh trưởng nào cũng có thể đạt được mục tiêu khiêm tốn nói trên, vì vậy chúng ta phải hết sức tinh tấn nỗ lực thì mới mong đạt được mục tiêu này.
Bạn thân mến,
Cuộc đời huynh trưởng chúng ta có thể kéo dài từ lúc 20 tuổi cho đến ngày từ giã cuộc đời, tức là khoảng từ 40 đến 60 năm. Trong thời gian đó, chúng ta không ngừng trưởng thành từng bước. Tùy theo biệt nghiệp, phước báu và sự nỗ lực tinh tấn của từng người trong cuộc đời mà mỗi người chúng ta sẽ gặt hái được những thành tựu khác nhau trên con đường tu tập của bản thân.
Dấu hiệu của sự trưởng thành nơi người huynh trưởng là khi chúng ta không còn chú tâm đến những điều hơn thua nhỏ nhặt nữa, mà hướng tâm đến những điều to lớn hơn. Thí dụ:
-Chúng ta không còn quan tâm đến sự được mất, hơn thua của “đơn vị mình” với đơn vị khác nữa, thay vào đó là sự quan tâm đến ích lợi chung của tất cả các đơn vị trong tỉnh.
-Chúng ta không còn thấy đoàn sinh này là “của mình”, đoàn sinh kia là của đơn vị khác để từ đó phân biệt đối xử. Trái lại, chúng ta xem tất cả đoàn sinh áo Lam trong tỉnh đều là đoàn sinh “của mình” cả.
-Chúng ta không còn đòi hỏi điều gì cho riêng mình, chúng ta chỉ cố gắng làm điều gì có ích cho tổ chức Áo Lam mà không cần kể công, không cần ai khen ngợi.
-Vân vân…
Trên đây chỉ là một vài dấu hiệu dễ nhận thấy của một người huynh trưởng đã trưởng thành. Thật ra, còn rất nhiều điều vi tế “bất khả tư nghì” mà một huynh trưởng đang tiến rất gần đến mục tiêu trở thành người Phật tử chân chánh có được. Vào lúc này, người huynh trưởng đã có quyền hướng lý tưởng của mình lên mục tiêu cao hơn, đó là: “Phụng sự đạo pháp – dân tộc và con người”.
Đó chính là công việc anh chị em chúng ta đang làm, tức là bằng tất cả khả năng và sức lực của mình, làm cho chánh pháp được lan truyền khắp nơi, như mưa rào tưới nước xuống ngàn cây nội cỏ. Nói một cách cụ thể:
-Với khả năng và vị trí của người cư sĩ huynh trưởng GĐPT, chúng ta đem chánh pháp đến với đoàn sinh còn đang độ tuổi “măng non” để gieo hạt giống Phật pháp vào tâm hồn các em.
-Chúng ta ứng dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống thường ngày, sao cho có được đời sống bớt khổ thêm vui ngay nơi chúng ta đang sống.
-Chúng ta hy sinh bảo vệ đạo pháp khi nào cần thiết.
Đó là khi huynh trưởng chúng ta xem Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam là một. Lịch sử nước nhà đã chứng minh điều này:
-Khi quốc gia hùng mạnh, dân tộc an cư lạc nghiệp vào hai triều đại Lý, Trần, thì Phật Giáo Việt Nam cũng ở vào thời cực thịnh.
-Khi đất nước bị thực dân Pháp đô hộ suốt 100 năm vừa qua thì Phật Giáo Việt Nam cũng suy thoái, điêu tàn.
Vì vậy, người huynh trưởng GĐPT phụng sự dân tộc bằng cách phát huy tài năng trí tuệ, sống theo luật pháp, phát huy giáo lý Tứ Ân… để xây dựng đất nước phú cường, nhân dân hạnh phúc.
Nói đến con người tức là vượt qua biên giới quốc gia để đến với nhân loại trên hành tinh này. Nhưng, trước khi phụng sự nhân loại, chúng ta cần phụng sự con người ngay nơi chúng ta đang sống. Cụ thể như:
-Đối với đoàn sinh GĐPT, chúng ta phải hết lòng thương mến và hy sinh mọi thứ để làm cho các em yêu thích GĐPT mà tinh tấn sinh hoạt thường xuyên, đưa đến kết quả hạnh kiểm các em thăng tiến từng ngày.
-Sống hòa bình và giúp đỡ mọi người trong cộng đồng
-Nỗ lực giữ cho môi trường sinh thái trên trái đất được lành mạnh để bảo đảm cuộc sống cho con người, sinh vật và cây cỏ.
Tóm lại, lý tưởng huynh trưởng GĐPT, dù đặt ở vị trí thấp hay cao, đều xoay quanh một cái trục chính, đó là: Đạo pháp – Dân tộc – Con người.
Thân chúc bạn tinh tấn để sớm đạt mục tiêu lý tưởng người huynh trưởng GĐPT.
Thân ái chào bạn.
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1