Truyền Tâm Ấn Là Gì?

G

HỎI:

Kính thưa Ban biên tập, tôi là một Phật tử đến với đạo Phật đã nhiều năm. Tuy nhiên do bận công ăn việc làm nên sự tu học giáo lý chưa được chuyên sâu lăm, vì vậy kiến thức Phật học chưa được vững vàng. Từ lâu tôi có nghe loáng thoáng về việc Đức Phật “truyền tâm ấn” cho ngài Ca Diếp. Sau đó tôi lại nghe “Vô thượng sư” Thanh Hải cũng “truyền tâm ấn” cho các đệ tử , rồi có một “đạo sư” tên Trần Tâm cũng “truyền tâm ấn” cho nhiều người. Gần đây có Thiền tông Tân Diệu ở Long An, không truyền tâm ấn, mà cấp luôn một giấy chứng nhận “giác ngộ yếu chỉ thiền tông” v.v…

Vậy, “truyền tâm ấn” là gì ? Đức Phật truyền tâm ấn cho ngài Ca Diếp khi xưa có giống với bà Thanh Hải và ông Trần Tâm “truyền tâm ấn” ngày nay không?

Kính mong Ban biên tập giải đáp cho tôi được hiểu .

Xin chân thành cám ơn.

(minhtran…@gmail.com)

TRẢ LỜI:

Bạn (minhtran…@gmail.com) thân mến,

Trước hết chúng ta cần hiểu biết sơ qua về nghĩa của hai từ “tâm” và “ấn”.

Tâm: (Danh từ) là chỉ cho phần suy nghĩ, cảm thọ, hiểu biết, tưởng tượng, thương ghét, mừng vui, buồn giận … bên trong mỗi người. Nhìn vào một người, chúng ta chỉ thấy được phần thân xác (vật thể) chứ không thể nhìn thấy tâm (phi vật thể) của người ấy. Tuy vô hình nhưng tâm là chủ thể của con người.  Người ta nói năng, hành động ra sao đều do tâm sai bảo. “Tâm” và “Thân” là hai yếu tố làm nên sự sống của tất cả chúng sanh hữu tình. Có “Tâm” mà không có “Thân” thì không thành sự sống, có “Thân” mà không có “Tâm” thì chỉ là đống thịt xương vô tri vô giác. Mục đích tu hành của người Phật tử là điều phục, làm chủ được “tâm” của mình, giống như người nông phu điều phục con trâu rừng trở thành con trâu nhà vậy.

Bình thường, không ai biết được tâm của ai, tức là không thể đoán biết người trước mặt mình suy nghĩ gì, vui hay buồn, mừng hay lo… nếu họ không thể hiện tâm trạng ra bên ngoài bằng lời nói, cử chỉ, vẻ mặt… Tuy nhiên, nếu có hai người cùng đi chung con đường lý tưởng, chung sự nghiệp, chung hoài bảo, chung hoàn cảnh, gẩn gũi cộng sự bên nhau lâu ngày chầy tháng thì có khả năng hai người này hiểu được tâm của nhau, nhiều khi không cần nói ra mà hai bên đều có thể đoán biết được ý nghĩ của nhau.

truyền tâm ấn là gì

Ấn: (Động từ) nói đủ là “Ấn chứng” hoặc “Ấn định”, nghĩa là xác nhận một cách nghiêm túc, đúng sự thật, không vì cảm tình hay một động cơ nào khác.

Một thí dụ khác cho dễ hiểu: trong một lớp học vào giờ học môn vật lý. Giáo viên đưa ra một trái bóng tròn và đặt câu hỏi: “Em nào đoán được ý của thầy lấy trái bóng này tượng trưng cho cái gì?” Trò A đứng lên trả lời : “Thưa thầy, thầy muốn lấy trái bóng này để tượng trưng cho trái đất, hành tinh chúng ta đang ở ạ!”. Giáo viên xác nhận : “Trò A đã nói trúng ý thầy”.

Thầy giáo đã “ấn chứng” rằng trò A đã nói đúng.

Ấn: (Danh từ) nghĩa là con dấu . Ngày xưa, vua quan đều có ấn để đóng dấu vào chiếu chỉ, sớ văn… nhằm xác nhận chiếu chỉ hay sớ văn ấy là do vua hay quan ban hành. Ngày nay, các cơ quan nhà nước hoặc bất cứ công ty, xí nghiệp, đoàn thể… nào cũng đều có con dấu riêng để đóng vào các loại giấy tờ nhằm xác định giấy tờ này là do cơ quan, công ty, xí nghiệp, đoàn thể mình phát hành.

Vậy, “Ấn” vừa là động từ vừa là danh từ nhưng đều có chung một nghĩa.

Tâm ấn: (Động từ) nói đủ là “Tâm ấn tâm”, nghĩa là lấy tâm của thầy ấn chứng cho tâm của trò. Việc làm này chi có hai thầy trò hiểu nhau, người ngoài không thể hiểu được, cũng không thể dùng lời giải thích cho người khác hiểu được. Đây là yếu chỉ của Thiền tông Trung Hoa, Việt Nam và các nước theo Phật giáo Đại thừa.

Tâm ấn: (Danh từ) hiểu nôm na là “con dấu tâm” Danh từ này quá tối nghĩa, khó dùng. Thê nào là “con dấu tâm”? rất khó giải thích. Còn nếu dùng với nghĩa “Tâm đã được ấn chứng” thì theo ngữ pháp Hán-Việt phải viết “Ấn tâm” chứ không viết tâm ấn được.

Trong đạo Phật có danh từ “Tam Pháp Ấn” nghĩa là “Ba dấu ấn xác định đây đúng là Phật pháp” Ba dấu ấn đó là: KHỔ – VÔ THƯỜNG – VÔ NGÃ. Bất cứ giáo lý nào chấp nhận và truyền bá 3 chân lý Khổ-Vô thường-Vô ngã thì đó chính là Phật pháp, trái lại giáo lý nào phủ nhận và đi ngược lại với 3 chân lý trên, thì đó không phải là Phật pháp. Do đó, danh từ Tam Pháp Ấn rất dễ hiểu, dễ dùng. Riêng anh từ “Tâm ấn” thì tối nghĩa, có khi là vô nghĩa.

Truyền Tâm Ấn: vì bản thân danh từ “Tâm ấn” đã tối nghĩa nên cụm từ “Truyền Tâm Ấn” cũng vì thế mà tối nghĩa theo. Theo truyền thuyết riêng của Thiền tông Trung Hoa, nói rằng “Đức Phật Thích Ca “truyền tâm ấn” cho ngài Ca Diếp”. Vậy, chúng ta hãy tìm hiểu việc “truyền tâm ấn” này diễn ra như thế nào.

* * *

MỘT:

Nguồn gốc của việc “truyền tâm ấn” xuất phát từ giai thoại “Niêm Hoa Vi Tiếu” được kinh điển Đại thừa ghi lại trong cuốn “Đại Phạm Thiên Vương vấn Phật Quyết Nghi Kinh” như sau:

“Hôm nọ, trên núi Linh Thứu (Gṛdhrakūṭa) trước mặt đông đảo đại chúng, Đức Thế Tôn không tuyên thuyết pháp thoại như mọi ngày, mà lặng lẽ đưa lên một cành hoa (niêm hoa). Đại chúng ngơ ngác chẳng ai hiểu gì, duy chỉ có đại trưởng lão Ma-ha Ca-diếp (Mahākāśyapa) mỉm cười (vi tiếu). Đức Phật liền tuyên bố với các thầy tì kheo: “Ta có chính pháp vô thượng trao cho Ma-ha Ca-diếp. Ca-diếp là chỗ nương tựa lớn cho các thầy tì kheo, cũng như Như Lai là chỗ nương tựa cho tất cả chúng sinh“.

Từ câu nói này, chư vị Thiền sư tiền bối đã diễn đạt thành: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, nay ta Phó Chúc cho Ma-ha Ca-diếp“.

Qua sử thoại trên đây, chúng ta phân tích, rút ra ý nghĩa sau đây:

1) Qua cử chỉ “niêm hoa” của Đức Phật, chỉ một mình ngài Ca Diếp là trực nhận được ý Phật, vì thế ngài mỉm cười . Đức Phật cũng hiểu được ý nghĩa mỉm cười của ngài Ca Diếp. Vậy là, giữa Sư phụ và đệ tử đã có sự tương thông trong ý nghĩ, hay nói cách khác, tâm của Đức Phật đã truyền sang tâm của ngài Ca Diếp. Chúng ta gọi đây là hiện tượng “tâm truyền tâm”

2) Sau đó, Đức Phật ấn chứng cho tâm giác ngộ của ngài Ca Diếp bằng cách tuyên bố với đại chúng: “Ta có chính pháp vô thượng trao cho Ma Ha Ca Diếp…”. Chúng ta nói : “Đức Phật đã ấn chứng tâm của ngài Ca Diếp”, tức Thầy dùng tâm thầy ấn chứng tâm cho trò, nói tắt là “Tâm ấn tâm”

Qua giai thoại “Niêm hoa vi tiếu”, chúng ta không thấy Phật truyền tâm ấn cho ngài Ca Diếp đâu cả. Bởi vì ngài Ca Diếp trực nhận được ý Phật muốn nói qua cử chỉ niêm hoa là do tâm của ngài đã giác ngộ thuần thục sau quá trình nhiều năm theo Phật tu học. Tâm giác ngộ đó là của ngài Ca Diếp, đâu phải do Đức Phật mới truyền cho ?

Cũng bởi cái tâm giác ngộ đó là của ngài Ca Diếp vốn có cho nên Đức Thế Tôn mới tuyên bố ấn chứng cho ngài. Sự việc đến đó là kết thúc, sao có thể nói Đức Phật đã “truyền tâm ấn” cho ngài Ca Diếp?

Qua câu chuyện trên, Đức Phật chỉ ấn chứng cho ngài Ca Diếp, chứ đâu có truyền gì cho Ca Diếp? Bởi vậy, chúng ta thấy rằng cụm từ “truyền tâm ấn” là tối nghĩa khi sử dụng trong giai thoại “Niêm hoa vi tiếu” trên đây.

HAI:

Căn cứ vào ý nghĩa giai thoại “Niêm hoa vi tiếu” , việc một vài “đạo sư” tự xưng như Thanh Hải, Trần Tâm tự tuyên bố “truyền tâm ấn” cho đệ tử, hay như Nguyễn Nhân cấp “chứng chỉ giác ngộ thiền “ cho Phật tử v.v… thực ra chỉ là trò “mập mờ đánh lận con đen” trong việc lợi dụng tính chất tối nghĩa của cụm từ “truyền tâm ấn” để ngụy tạo cho mình một lớp hào quang giả dối nhằm thu hút niềm tin mê muội của những người nhẹ dạ cả tin mà thôi.

1) Nếu cho rằng các “đạo sư” này bắt chước Đức Phật “truyền tâm ấn” cho đệ tử thì vô lý, vì giữa thầy và trò họ có gặp nhau ngày nào đâu? Nói chi đến sự tương thông giữa tâm thầy và tâm trò?

2) Đức Phật là bậc Chánh đẳng chánh giác, vì thế Ngài mới có tâm từ bi, trí tuệ, thanh tịnh, cao cả, quảng đại… mà truyền cho đệ tử; còn như Thanh Hải, Trần Tâm, Nguyễn Nhân có cái gì để truyền cho người khác? Trí tuệ cỡ nào mà có thể “ấn chứng” cho tâm của người khác?

3)Nếu ngụy biện rằng: “Truyền tâm ấn ngày nay không phải như Đức Phật truyền tâm ấn cho Ngài Ca Diếp khi xưa”, vậy xin đề nghị các ông bà ngụy đạo sư hãy định nghĩa “Tâm ấn” của các ông bà là cái gì mà có thể truyền cho người khác? Cũng xin các ông bà hãy định nghĩa cho đúng ngữ nghĩa và ngữ pháp, chứ đừng khiên cưỡng áp đặt ý nghĩa không đúng cho hai từ này.

Phân tích như vậy để thấy rằng việc “truyền tâm ấn” hay “chứng nhận giác ngộ” của các ngụy đạo sư Thanh Hải, Trần Tâm, Nguyễn Nhân chỉ là trò hoang đường, lừa dối mà thôi.

Thân mến chào bạn!

BAN BIÊN TẬP


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
20
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 4
Ngày Mậu Tý
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
20
Tháng 10
Kiên Giang