Tiểu Thừa và Đại Thừa

G

HỎI:

Kính thưa Ban biên tập,

Trong khi nghe quý Thầy giảng pháp (qua mạng) và đọc sách Phật học, chúng em thường nghe thấy danh từ “Tiểu thừa”“Đại thừa”. Chúng em kính đề nghị BBT giải thích “Thiểu thừa” và “Đại thừa” là gì? Tại sao Phật giáo chia ra hai nhánh Tiểu thừa và Đại thừa? Chúng em xin cám ơn quý BBT.

Chúng Sen Hồng

TRẢ LỜI:

Các bạn Chúng Sen Hồng thân mến,

1-Tìm hiểu về danh từ :

Tiểu thừa có nghĩa là “chiếc xe nhỏ”; Đại thừa có nghĩa là “chiếc xe lớn”. Chiếc xe nhỏ chỉ chở được một người; chiếc xe lớn sẽ chở được nhiều người. Thông thường, người tu theo Phật giáo Bắc truyền tự nhận mình tu theo “Đại thừa” và cho rằng những người tu theo Phật giáo Nam truyền (Nguyên thủy) là tu theo “Tiểu thừa” với hậu ý muốn nói rằng: “Tu theo Bắc tông đại thừa là độ được nhiều người; còn tu theo Nam tông tiểu thừa là chỉ độ cho riêng mình”. Chúng ta sẽ phân tích thêm về quan niệm này ở phần sau bài viết.

Tiểu Thừa và Đại Thừa

2-Nguồn gốc ra đời :

Trong thời Phật còn tại thế không có ý niệm Tiểu thừa và Đại thừa. Sau khi Phật diệt độ 100 năm, trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ II diễn ra tại thành Tỳ-Xá-Ly nước Bạt-Kỳ mới xuất hiện khái niệm này qua sự kiện sau đây :

Trong lần kết tập kinh điển thứ II, một số Tỳ kheo sống tại thành Tỳ-Xá-Ly đề nghị 10 điều cải cách giới luật nhưng các Tỳ kheo trưởng lão không đồng ý. Số Tỳ kheo ủng hộ cải cách liền tách ra lập hội nghị kết tập riêng. Từ đó Phật giáo chia thành 2 bộ phái :

-Nhóm cấp tiến (cải cách) phần đông là các Tỳ kheo trẻ thành lập “Đại chúng bộ”

-Nhóm trưởng lão bảo thủ bao gồm các vị cao niên đạo cao đức trọng thành lập “Thượng tọa bộ”

Đại chúng bộ về sau xuất hiện nhiều bậc Thánh Tăng có quan điểm phóng khoáng lần lượt trước tác nhiều bộ kinh Đại thừa và truyền qua các quốc gia phía bắc Ấn Độ như : Trung Hoa, Tây Tạng, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam… gọi là Phật giáo Bắc truyền đại thừa (còn gọi là Phật giáo phát triển).

Thượng tọa bộ vẫn giữ nguyên tập quán từ thời Phật còn tại thế, trung thành tuyệt đối với kinh tạng Nikaya (Nam Phạn), truyền sang các quốc gia miền nam Ấn Độ như : Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào… gọi là Phật giáo Nam truyền Theraveda (còn gọi là Phật giáo nguyên thủy).

Phật giáo Bắc tông với tinh thần cấp tiến, thái độ phóng khoáng, chủ trương Bồ tát hạnh và đường lối nhập thế độ tha. Kinh điển Bắc tông do các vị Thánh tăng trước tác sau khi Phật nhập diệt khoảng 200 – 600 năm.

Phật giáo Nam tông với tinh thần bảo thủ, thái độ  chấp nê. chủ trương đạo quả A La Hán và đường lối tự độ. Kinh điển Nam tông là kinh ghi chép chính những lời Phật dạy khi còn tại thế, gọi là Nikaya.

Xét về quan điểm và đường lối tu tập của hai bộ phái Nam và Bắc truyền, ta thấy mỗi bên đều có cái hay riêng :

-Nam tông chú trọng cải thiện đời sống cá nhân

-Bắc tông chú trọng cải thiện đời sống xã hội.

3-Ý nghĩa và ứng dụng vào đời sống tu tập:

3.1-Cứ theo tôn chỉ “tự độ” của Nam tông và “độ tha” của Bắc tông, thì nói rằng Phật giáo Nam tông tu hạnh tiểu thừa, Phật giáo Băc tông tu hạnh đại thừa cũng không phải là sai. Tuy nhiên, nếu một Phật tử Bắc tông dùng danh từ “tiểu thừa” với ý chê bai, khinh thường người tu Nam tông thì thật là sai quấy vì nó nói lên tính cách ngã mạn và sự thiếu tư duy của người nói.

3.2-Vì tính chất phóng khoáng cởi mở trong việc giữ giới của Phật giáo Bắc tông nên người xuất gia tu theo Bắc tông, nếu không được minh sư thiện hữu bên cạnh hằng ngày bảo ban kèm cặp, người này rất dễ sa đà vào các thói hư tật xấu, làm mất đi hình ảnh đẹp của chúng Trung Tôn, bị người đời khinh thường, ảnh hưởng đến giá trị chân thiện mỹ của đạo Phật. Như vậy, khác gì trùng sư tử đục khoét thân thể đạo Phật làm cho đạo Phật ngày thêm suy yếu ? Một tu sĩ đã không tự độ được mình (Tiểu thừa) thì nói chi đến lý tưởng độ tha (Đại thừa) ?

Đạo Phật tại Việt Nam đã từng bị rơi vào quên lãng hàng trăm năm qua vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên do tại vì đời sống tăng ni không thanh tịnh, tăng ni không là hình ảnh mẫu mực về đạo đức thì làm sao đạo Phật được xã hội tôn trọng?

3.3-“Tiểu thừa” cũng tốt mà “Đại thừa” cũng tốt, miễn người tu Phật có học hiểu đạo và thực hành lời Phật dạy từng phút từng giờ trong đời sống thường ngày. Hãy độ cho mình trước rồi hẳn phát đại nguyện độ cho chúng sanh. Nếu mình chưa đủ đạo hạnh, đạo lực thì có nói gì cũng không ai nghe, làm sao tính đến chuyện độ cho quần chúng?

Tuy nhiên, nói như vậy không phải có ý khuyến khích mọi người hãy rời bỏ cuộc sống mà lên non tu theo kiểu “lánh đời, tránh duyên”.  Nếu đạo Phật từ bỏ cuộc đời thì liệu đạo Phật có còn chỗ đứng trong xã hội ngày nay không? Luật nhân quả cho thấy, mình quay lưng lại với ai thì người đó cũng sẽ quay lưng lại với mình. Phật giáo đã từng có thời huy hoàng tại Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Afganistan, Indonesia v.v… nhưng vì sao ngày nay tại các nước ấy Phật giáo đã suy yếu hoặc biến mất vĩnh viễn? Chắc chắn là do nhiều nguyên nhân, nhưng phải chăng trong đó có nguyên nhân do đường lối tu “ thoát tục” của các nhà sư ?

Vì vậy, người tu Phật chân chánh là người phải biết tu dưỡng bản thân, đồng thời phải đi vào đời làm lợi ích cho cộng đồng để Phật giáo có chỗ đứng trong xã hội và tôn vinh được giá trị của đạo Phật trong đời sống.

3.4-Qua những suy luận vừa nêu, chắc các bạn đã thấy:

-Tiểu thừa hay Đại thừa chỉ là khái niệm về tôn chỉ và đường lối tu của hai bộ phái Nam tông và Bắc tông mà thôi, chứ không nói lên được điều gì quan trọng.

-Một nhà Sư tu theo Nam tông tiểu thừa mà giới luật nghiêm chỉnh, đạo hạnh đầy đủ, tư cách vững vàng, làm được nhiều việc ích lợi cho đạo và đời, được mọi người cảm mến kính phục. Người như thế có thể coi là hạng “Tiểu thừa” hay không?

Trái lại, một nhà Sư tu theo Bắc tông đại thừa nhưng giới luật lỏng lẻo, đạo hạnh không ra gì, tư cách nhiều lúc so ra có chỗ còn thua người Phật tử tại gia…Thử hỏi người như thế có xứng đáng với danh hiệu “Đại thừa” không?

-Vì vậy, đại thừa hay tiểu thừa là tùy thuộc vào đường lối và kết quả tu hành cùng với sự cống hiến cho xã hội của người Phật tử chứ không phụ thuộc vào việc người đó tu theo Nam tông hay Bắc tông.

Thân chúc các bạn luôn tinh tấn trên đường đạo.

BAN BIÊN TẬP


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang