Là người đi sinh hoạt GĐPT từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, tôi vô cùng tâm đắc với những điều tác giả Minh Kim phân tách trong bài báo trên. Nói cho công bình, không phải bây giờ GĐPT mới lâm vào cảnh thiếu huynh trưởng, trước năm 1975 vẫn diễn ra tình trạng thiếu huynh trưởng đấy chứ! Không biết ngoài miền Trung, cái nôi của GĐPT thì sao, chứ ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long này, tình trạng thiếu huynh trưởng diễn ra xuyên suốt. Tôi còn nhớ hồi ấy, có khi Gia đình chỉ còn loe hoe vài đoàn sinh với một huynh trưởng là tôi đi sinh hoạt. Anh em lễ Phật xong chẳng biết làm gì, tụm lại dưới gốc cây Bồ Đề chơi đánh cờ vây. Thầy trụ trì tội nghiệp kêu tôi lại bảo : "Con lên chánh điện đem dĩa trái cây trên bàn Phật xuống cho mấy đứa ăn đi!" Giờ đây, hồi tưởng lại tình cảm thầy trò khi đó mà không sao cầm được nước mắt.
Bởi vì như tác giả bài báo phân tích : "Sinh hoạt GĐPT là một việc làm mà nhiều người cho là "Gánh bàn đọc mướn" hoặc "Ăn cơm nhà đi vác ngà voi hàng tổng". Thành thử những người có tâm hồn "thực dụng" không bao giờ tham gia sinh hoạt này, hoặc vả vì ham vui phút chốc mà lỡ gia nhập tổ chức thì chẳng bao lâu họ cũng từ giã GĐPT mà ở nhà cho khỏe, chứ ai ngu gì ăn cơm nhà lo việc thiên hạ. Phật Giáo Việt Nam trên hai ngàn năm qua không có GĐPT thì cũng có sao đâu! Chuyện tương lai của Đạo pháp để hàng Tăng Già lo, mắc mớ gì giới cư sĩ tham gia cho mệt, mà chắc gì các anh chị được "thiên hạ" hoan nghênh ?
Chính vì vậy mà tình trạng thiếu huynh trưởng là chuyện "ăn cơm bữa" của các đơn vị. Các anh chị em bây giờ đừng quá lo lắng trăn trở mà sanh tâm buồn bực, than vãn và làm mất nhuệ khí của "Người chiến sĩ Áo Lam" đi. Tôi xin hiến một kế giúp cho chúng ta khắc phục tình trạng thiếu huynh trưởng hiện nay.
Trước khi hiến kế này, tôi có vài nhận xét về huynh trưởng và cách phân bổ sử dụng huynh trưởng hiện nay tại nhiều tỉnh phía Nam.
Huynh trưởng bây giờ "có phước" hơn chúng tôi hồi đó nhiều lắm. Một là được tu học và huấn luyện có bài bản; hai là được trang bị tài liệu, giáo án…đầy đủ giúp cho các anh chị dễ dàng trong sự hướng dẫn đoàn sinh; ba là được dìu dắt bởi các huynh trưởng thế hệ đầu tiên đầy tâm huyết và kinh nghiệm. Hồi xưa, chúng tôi đâu có được những "phước báu" này, do đó chúng tôi phải tự lực cánh sinh, phải tự học và tự huấn luyện là chính.
Nhưng sự đời lúc nào cũng có hai mặt: vì khó khăn tự bươn chãi như thế mà thế hệ chúng tôi có được đức tính cầu tiến, chịu khó, kiên trì… những đức tính này làm nên bản lãnh của người huynh trưởng GĐPT. Tôi thấy huynh trưởng bây giờ được nuông chìu nhiều quá nên chậm trưởng thành, có anh chị giống như một "đoàn sinh lớn tuổi" chứ chưa tự rèn luyện cho mình một tác phong của người huynh trưởng. Những mặt "chưa được" của một bô phận huynh trưởng bây giờ thể hiện ở những "bệnh" sau đây :
-Bệnh lười: gồm có lười đi sinh hoạt, lười tu học, lười tham gia huấn luyện, nhất là bệnh thiếu tinh thần cầu tiến tự học.
-Bệnh thiếu trách nhiệm: không làm tròn trách vụ được giao mà không thấy mắc cỡ với anh em đồng đội, thường đem lý do này lý do nọ ra bào chữa cho sự thiếu trách nhiệm của mình.
-Bệnh lánh nặng tìm nhẹ: thích làm "huynh trưởng giảng huấn" chớ không dám nhận một chức vụ nặng như liên đoàn trưởng hoặc đoàn trưởng…
-Bệnh thiếu tu: không xem trọng sự tu học cho bản thân để trưởng thành, mà chỉ học vội vàng, học trả nợ để đi thi mà thôi.
Tất cả những thứ bệnh trên đây khiến cho người huynh trưởng không trưởng thành lên được, dù tuổi có lớn lên mỗi ngày nhưng nhân cách không thấy tiến bộ, khó mà làm gương mẫu cho đoàn sinh học và noi theo.
Việc này thuộc về trách nhiệm của Ban hướng dẫn Phân ban GĐPT Tỉnh, đồng thời cũng thuộc trách nhiệm của ban huynh trưởng đơn vị và cũng có phần trách nhiệm của chính bản thân người huynh trưởng.
Việc bố trí và sử dụng huynh trưởng từ trước đến nay tại đa số địa phương giống như người nghèo có tiền để dành mà không dám xài, thành ra tuy có tiền mà vẫn nghèo. Nguyên nhân của tình trạng này bao gồm :
1)Tinh thần cục bộ, xem huynh trưởng là tài sản riêng của đơn vị: điều này dẫn tới tình trạng một đơn vị có quá nhiều huynh trưởng có cấp, thậm chí là cấp Tín, trong khi nhiều đơn vị khác thiếu huynh trưởng trầm trọng mà không biết lấy đâu ra huynh trưởng để sử dụng.
Sở dĩ như vậy là do từ trước đến nay ai cũng quan niệm các huynh trưởng này là tài sản tiêng của đơn vị A, B, C… mà không dám điều động, không dám xin, không dám cho. Hậu quả là đơn vị dôi thừa huynh trưởng mà không biết đặt vào chức vụ gì, có khi một huynh trưởng cấp Tín mà chỉ để làm giảng huấn.
Bản thân huynh trưởng dôi thừa cũng không dám xin đi đơn vị khác vì sợ bị trách là "phản bội". Vì vậy quan niệm huynh trưởng là tài sản riêng của đơn vị đã vô tình trói buộc anh chị em "chết già" trong "cái giếng cạn" của nhà mình mà không bao giờ có cơ hội “vươn ra biển lớn” làm những công việc lớn xứng tầm với cấp bậc mình đang đeo theo như Nội quy huynh trưởng đã quy định.
2)Huynh trưởng thiếu tâm huyết, sợ cực khổ : Đào tạo một huynh trưởng từ khi còn là đoàn sinh cho tới khi mang cấp Tập, Tín, Tấn không phải là chuyện "một ngày một bữa", mà là cả một quá trình đầy tâm huyết và rất tốn kém cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì vậy, một huynh trưởng mang cấp càng cao thì món nợ đối với Tam Bảo và đối với đàn na tín thí càng nhiều.
Vậy mà, khi đã trở thành huynh trưởng có cấp rồi, một bộ phận huynh trưởng lại sợ trách nhiệm, sợ khổ cực, thích hưởng nhàn, không cống hiến gì cho sự nghiệp phát triển GĐPT. Ban hướng dẫn tỉnh đề nghị họ chuyển sinh hoạt qua đơn vị mới thì họ lắc đầu quầy quậy, tìm đủ thứ lý do để không đi.
Những huynh trưởng này giống như "ngón tay thừa" trong bàn tay đã có đủ năm ngón.
3)Ban hướng dẫn Phân ban GĐPT tỉnh không khéo trong việc quản trị, phân bổ và sử dụng huynh trưởng :
Sự "không khéo" này thể hiện qua những mặt sau:
-Thiếu tuyên truyền, vận động huynh trưởng thông suốt Nội quy Huynh trưởng để cho anh chị em nắm rõ bổn phận, trách nhiệm, quyền hạn… của mình.
-Thiếu một Quy chế quản trị huynh trưởng để cụ thể hóa các chương, điều trong bản Nội quy Huynh trưởng do Trung ương ban hành.
-Không mạnh dạn trong việc điều động huynh trưởng đi tới những nơi cần thiết để xây dựng và phát triển GĐPT.
(Còn tiếp…)