-Ý Hòa đồng duyệt
-Kiến Hòa đồng giải
Bạn thân mến,
Không hiểu sao chương trình tu học huynh trưởng được tu chính năm 2006 lại không có đề tài Ngũ Minh Pháp, trong khi trước đó nhiều năm, đề tài này được xem là bài học vỡ lòng cho huynh trưởng tập sự , tức nằm trong chương trình tu học bậc Kiên. Còn bây giờ, thậm chí tìm khắp hết các chương trình tu học bậc Trì, Định và Lực cũng không thấy. Khá nhiều huynh trưởng trẻ đến gặp tôi thắc mắc, tôi hứa khi nào có dịp sẽ hỏi các Anh trung ương nhưng rồi quên bẵng đi.
Hôm nay, thể theo yêu cầu của một số huynh trưởng trẻ, tôi nhắc lại đề tài Ngũ Minh Pháp để các bạn cùng tham khảo. Nhưng trước khi bước vào đề tài, chúng ta cần hiểu vì sao có đề tài này.
Như bạn đã biết, sau khi thành lập Giáo đoàn, Đức Phật đã yêu cầu các vị đệ tử A La Hán phải đi mỗi người mỗi ngả để đem giáo pháp của Ngài truyền bá rộng khắp quần sanh. Nhằm giúp cho các đệ tử hoàn thành tốt công việc truyền đạo, Đức Thế Tôn đã dạy cho quý thầy Tứ Nhiếp Pháp để thu phục nhân tâm tại nơi quý thầy đến. Như thế vẫn chưa đủ, Bậc Đạo Sư lại truyền dạy cho các vị Ngũ Minh Pháp nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng để giúp các vị thành công trong công việc hoằng pháp lợi sanh.
Ngày nay, chúng ta ứng dụng Tứ Nhiếp Pháp và Ngũ Minh Pháp vào sinh hoạt GĐPT cũng không ngoài mục đích giúp chúng ta thành công trong nghề huynh trưởng, hoàn thành nhiệm vụ hướng dẫn đoàn sinh và làm thăng tiến Gia đình mà tổ chức Áo Lam đã tin tưởng giao cho ta.
Ngũ Minh Pháp không truyền dạy những nội dung mà ta có thể đem ra áp dụng ngay tức khắc trong nghề huynh trưởng. Ngũ Minh Pháp là một "bảng kế hoạch tác chiến" hay như là một "cẩm nang" cho người tướng ra trận coi theo đó mà hành động, còn như hành động thế nào, thành công được tới đâu là do ở chúng ta đã tự trang bị cho mình được bao nhiêu kiến thức và kỹ năng để đem ra ứng dụng khi "lâm trận". Vì vậy, tiếp thu bài học Ngũ Minh Pháp thì rất nhanh, rất dễ; nhưng ứng dụng Ngũ Minh Pháp vào sinh hoạt GĐPT thì mức độ thành công còn tùy thuộc khả năng của mỗi người, chứ không thể nói thuộc làu bài học Ngũ Minh Pháp là có thể trở thành huynh trưởng giỏi ngay tức khắc.
Bạn thân mến,
Với những lời "giáo đầu tuồng" trên đây, thiết nghĩ chúng ta đã có thể đi vào nội dung Ngũ Minh Pháp rồi. Vậy Ngũ Minh Pháp là gì ?
Ngũ = 5 ; Minh = thiện xảo, thông thạo ; Pháp = lĩnh vực
Ngũ Minh Pháp = 5 lĩnh vực cần trau giồi cho thông thạo
Ngũ Minh Pháp gồm có 5 lĩnh vực sau đây :
a-Nội Minh : thông thạo tam tạng Kinh điển
b-Nhân Minh : thông thạo về phương pháp lý luận
c-Thanh Minh : thông thạo về các môn nghệ thuật như : văn chương thi phú, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, ngoại ngữ v.v…
d-Công Xảo Minh : thông thạo về vi tính, thủ công, máy móc, công nghệ…
e-Y Phương Minh : thông thạo về thuốc và phương pháp chữa bệnh.
Huynh trưởng GĐPT ứng dụng Ngũ Minh Pháp như sau :
a-Nội Minh : thông thạo tất cả các đề tài Phật Pháp – HĐTN – văn nghệ trong chương trình tu học của bản thân và của đoàn sinh do mình phụ trách hướng dẫn
b-Nhân Minh : học trong sách vở, học ở đàn anh, học ở thầy bạn, học ở thực tế cuộc sống hằng ngày về phương pháp lý luận. Đặc biệt, cần học nhiều về Nhân Minh Luận của Phật Giáo
c-Thanh Minh : học thêm các môn nghệ thuật để ứng dụng vào sinh hoạt GĐPT; học thêm Anh ngữ để tiếp cận tri thức nước ngoài và để giao tiếp khi cần
d-Công Xảo Minh : học sử dụng thành thạo máy vi tính; biết làm nhiều món thủ công trại; sử dụng các trang thiết bị điện cơ, điện tử dân dụng…
e-Y Phương Minh : người huynh trưởng phải biết những điều căn bản về dinh dưỡng, sức khỏe và bệnh lý; biết các cách cứu thương; biết chữa trị một số bệnh thông thường; biết về y tế dự phòng…
Tóm lại, Ngũ minh pháp bao gồm nhiều lĩnh vực ngành nghề trong xã hội mà một huynh trưởng cần phải học hỏi, nếu không thể học được chuyên sâu thì cũng phải có được những kiến thức và kỹ năng căn bản về các ngành nghề đó.
Xét trên thực tế hoạt động tu học và sinh hoạt GĐPT, chúng ta thấy rõ : muốn tổ chức thực hiện các mặt hoạt động dù quy mô nhỏ như cấp Gia đình hay quy mô lớn như cấp tỉnh, cấp miền hoặc cấp trung ương, đòi hỏi người huynh trưởng phải có các kiến thức và kỹ năng như vừa nêu trên.
Người huynh trưởng đa năng – đa hiệu chính là yếu tố quan trọng bậc nhất có tính quyết định cho sự thành công trong sinh hoạt GĐPT dù ở cấp nào cũng vậy. Có một dạo, một số người do không hiểu bản chất phương pháp giáo dục GĐPT, cho rằng phương thức sinh hoạt GĐPT nay đã lỗi thời. Họ lóa mắt trước những hoạt động ồn ào, tốn kém, có tính "ăn xổi" của một vài hội đoàn ngoài Phật Giáo và muốn GĐPT cũng phải sinh hoạt như thế mà họ gọi đó là "đổi mới sinh hoạt GĐPT". Chúng ta rất cám ơn sự quan tâm của họ đối với GĐPT, nhưng chúng ta không bao giờ đổi mới sinh hoạt GĐPT theo kiểu ấy. Thay vì bỏ cả khối tiền (tiền ở đâu mà có ?) để tổ chức theo kiểu "mua vui" cho đoàn sinh , chúng ta hãy tập trung huấn luyện huynh trưởng để các anh chị trở thành những con người có "lửa", có "máu", đa năng và đa hiệu , đó chính là những rường cột chắc chắn chống đỡ cho ngôi nhà Lam luôn tươi đẹp và bền vững mãi mãi. Chúng ta nên nhớ rằng: tổ chức Áo Lam ta trường thọ trước bao biến thiên của thời cuộc cho đến hôm nay, đó chính là nhờ chúng ta có những con người Áo Lam chân chính như thế.
Bạn thân mến,
Bạn có yêu tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam không ?
Nếu có, bạn hãy chịu huấn luyện và tự huấn luyện để trở nên những con người có "máu", có "lửa", đa năng và đa hiệu đi. Được như vậy, bạn sẽ góp phần:
-Làm cho sinh hoạt tại đơn vị bạn luôn hấp dẫn đoàn sinh và đem lại kết quả giáo dục một cách cụ thể và rõ rệt để Chư Tôn Đức và Phật tử trong đạo tràng vui lòng đẹp dạ, sau nữa là nâng cao uy tín của tổ chức Lam trước cộng động Phật Giáo tại địa phương
-Đóng góp hiệu quả sinh hoạt của địa phương bạn vào tài sản chung, giúp cho tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam vững mạnh, trường tồn, chói sáng trong cộng đồng Phật Giáo Việt Nam và thế giới.
Thân chúc bạn tinh tấn mãi trên đường phục vụ
Thân ái chào bạn.
Anh chị nào soạn bài này vậy? rất súc tích, cô đọng. Văn từ hiện đại, dễ hiểu. Xin cảm ơn