Huynh Trưởng và Tín Ngưỡng

G

THƯ GỞI HUYNH TRƯỞNG TRẺ

Ý hòa đồng duyệt

Kiến hòa đồng giải

HUYNH TRƯỞNG VỚI TÍN NGƯỠNG

Bạn thân mến,

Nói tới tín ngưỡng tức nói đến niềm tin. Ở chương trình tu học bậc Kiên dành cho huynh trưởng có bài "Đức Tin Của Người Huynh Trưởng", trong đó tôi còn nhớ đoạn mở đầu của bài học, người biên soạn có dẫn một đoạn kinh Kalama như sau :" Này các ông, các ông đừng tin một điều gì vì phong văn. Đừng tin một điều gì vì nó là tập quán lưu truyền. Đừng tin một điều gì vì được nhiều người nhắc đi nhắc lại. Đừng tin một điều gì vì đó là bút tích của thánh nhân. Đừng tin một điều gì vì đó là thói quen đã có từ lâu. Đừng tin một điều gì do ta tưởng tượng và lại nghĩ rằng do một thần linh nào đó khai thị cho ta. Đừng tin một điều gì vì đó là do các thầy có uy tín dạy.

Nhưng này các Ông, khi nào tự mình chứng nghiệm và biết rõ như sau: "Các việc này là bất thiện; các việc này là đáng chê; các việc này bị các người có tuệ giác chỉ trích; các việc này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau", thời này các ông, hãy từ bỏ chúng!

Và ngược lại, khi nào tự mình chứng nghiệm và biết rõ như sau: "Các pháp này là thiện; Các pháp này là không có tội; Các pháp này được người có trí tán thán; Các pháp này nếu được thực hiện, được chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc", thời này các ông, hãy cố gắng thực hành để tự đạt đến và an trú trong hạnh phúc!"

Tôi cũng còn nhớ lúc học bài này, anh Huynh trưởng giảng huấn có giảng như sau : "Qua đoạn kinh trên đây, không phải Đức Phật dạy ta nghi kỵ tất cả mọi thứ trên đời để rồi trở thành con người "cang cường, khó dạy" và không còn niềm tin vào điều gì cả; mà thật ra, Đức Phật dạy rằng; trước khi đặt niềm tin vào điều gì thì hãy tư duy, quán chiếu, thể nghiệm…điều ấy cho rõ ràng rồi hãy tin hay không tin"

Trong thời đại hôm nay, rất nhiều tác giả viết về đạo Phật, sau khi nghiên cứu kỹ, đều cho rằng đạo Phật không phải là tôn giáo tín ngưỡng, vì tín ngưỡng là nói đến niềm tin vô điều kiện vào đấng thần linh nào đó và vào những giáo điều nào đó, trong khi Phật Giáo không có thần linh và cũng chẳng có giáo điều ! Phật Giáo chỉ có thực nghiệm và chấp nhận.

Thật vậy, học lịch sử đức Phật Thích Ca, chúng ta thấy điều này rất rõ :

-Sau khi cắt tóc xuất gia, Thái tử Tất Đạt Đa đã đi tìm thầy học đạo nhiều nơi như : các vị Tiên ở rừng Bạc Già, đạo sư A La La, đạo sư Uất Đầu Lam Phất. Ngài lần lượt chứng đắc những cảnh giới giống như các thầy mình, nhưng Ngài nghĩ : những quả vị ấy chưa phải là quả vị rốt ráo đưa đến giác ngộ giải thoát cao tột. Do đó, Ngài lần lượt từ giã các vị thầy để chuyển sang tu khổ hạnh, vì Ngài nghĩ : chỉ tìm được giải thoát ngay chính nơi bản thân mình bằng phương pháp khổ hạnh.

-Sau 6 năm tu khổ hạnh, Ngài lại phát hiện ra rằng: khổ hạnh ép xác cũng không phải là con đường đưa đến giác ngộ giải thoát. Trong giây phút tánh mạng như "chỉ mành treo chuông", Ngài bỗng ngộ ra con đường TRUNG ĐẠO , một chân lý của vũ trụ từ trước tới nay chưa ai nhìn thấy, nay trở thành biểu hiện trí tuệ đặc sắc của Phật Pháp.

-Bằng nỗ lực thiền định siêu việt cộng với công đức của hằng hà sa kiếp tu hành trước đây của Ngài, sa môn Cồ Đàm thấu suốt mọi chân lý của vũ trụ và nhân sinh, trở thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, khai sáng ra đạo Phật trên thế gian này.

Qua cuộc đời đức Phật, những người con Phật chúng ta ngày nay thấy rõ : Ngài thành Phật là do nỗ lực bản thân kiên trì tu hành trong rất nhiều kiếp, như một trái xoài từ lúc tượng hình phải trải qua một thời gian đủ cho hiện tượng chín muồi xuất hiện. Ngài thành Phật cũng giống như vậy. Hoàn toàn không do một thượng đế nào ban cho, giúp cho Ngài quả vị Chánh Biến Tri ấy.

* * *

Suốt 49 năm truyền bá chánh pháp, Đức Phật chỉ dạy con đường tu tập cho đệ tử, như Ngài từng khẳng định "Như Lai chỉ là thầy thuốc, cho thuốc tùy theo bệnh; Người bệnh muốn hết bệnh phải tự mình uống thuốc; Như Lai không thể làm cho người nào hết bệnh được"

Số người "uống thuốc" do đức Phật "kê toa" và được "lành bệnh" trong suốt 49 năm Phật tại thế không thể đếm xuể, còn như trong hàng đệ tử xuất gia thì số vị đắc quả A La Hán có thể lên đến con số vài ngàn. Những người chứng các quả thánh từ Tu Đà Hoàn cho đến A La Hán dưới thời đức Phật hoàn toàn không dựa vào sự ban ơn hay mặc khải bởi bất cứ một vị Phật hay Bồ tát nào , mà chỉ nhờ vào thực hành lời dạy của bậc Đạo Sư . Họ thành bậc Thánh, được quả Niết bàn và sống trong Tịnh độ và Cực lạc ngay trong cuộc đời này, chứ không cần đợi đến lúc chết rồi mới về Niết bàn.

Đó là Đạo Phật chân chính với những kết quả có thật và cụ thể mà Kinh tạng Nikàya còn ghi lại qua 5 lần kết tập kinh điển do chính các vị A La Hán đệ tử Phật ghi chép và truyền lại cho đời sau.

Bạn thân mến,

Trên đây là những gì mà bạn cũng như tôi và tất cả những người trí thức học Phật hiện nay trên toàn thế giới đều biết tường tận, rõ ràng, xác tín và chấp nhận. Nền giáo dục Gia Đình Phật Tử cũng truyền trao đến mọi đoàn viên Áo Lam suốt 65 năm qua những điều như thế.

Vậy, tại sao trong hàng ngũ anh chị em Áo Lam ngày nay vẫn có người nhìn đạo Phật như là một tôn giáo tín ngưỡng với những thói quen cầu khấn, lạy lục, lễ bái, cầu xin cùng với nhiều tà tín và giáo điều tạp nhạp mà đức Bổn Sư Thích Ca chưa bao giờ dạy ?

Câu trả lời là : "Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu" đã biến đạo Phật trên đất nước ta thành ra như thế. Đó là một thứ tôn giáo tín ngưỡng thần quyền hình thành bởi sự thiếu trí hoặc cố tình diễn dịch sai ý nghĩa kinh điển đại thừa cộng với nền tín ngưỡng dân gian Trung Hoa hết sức huyễn hoặc, hoang đường, ngây thơ, mang dấu ấn của thời kỳ tôn giáo sợ hãi thờ phụng đủ thứ thần thánh không hề có thật.

Cũng như người thuyền trưởng lái tàu vượt biển. Nếu khi mới khởi hành,  người ấy chỉ cần định vị sai một li, thì con tàu ấy khi qua đến bờ bên kia sẽ không bao giờ cặp đúng bến bờ đã định như bức hình minh họa dưới đây:

Việc giáo dục cũng vậy, sự khởi đầu rất quan trọng. Nếu ngay bây giờ chúng ta đưa vào đầu óc đoàn sinh những tư tưởng ỷ lại vào thần quyền, những thói quen cầu khấn, xin xỏ, những giáo điều của thứ tôn giáo tín ngưỡng v.v… thì khi lớn lên, các em cũng sẽ mê tín theo thứ tôn giáo tín ngưỡng ấy mà không còn đi theo ĐẠO PHẬT CHÂN CHÍNH nữa.  Nếu cái bến mà chúng ta định đến có tên "Phật Tử Chân Chính" thì với sự vô tâm, lơ đểnh của huynh trưởng chúng ta lúc này, gởi gấm vào tâm hồn các em thứ tôn giáo tín ngưỡng, giống như người thuyền trưởng định vị trên la bàn sai đi 1 mi-li-mét, thì con thuyền giáo dục của chúng ta sẽ đưa các em, không phải đến bến "Phật Tử Chân Chính", mà sẽ lạc vào một hoang đảo xa xôi nào đó không có sự sống.

Chắc chắn bạn không bao giờ muốn điều đó xảy đến, phải không bạn?

Thân ái chào bạn và chúc bạn tinh tấn trên con đường Chánh Đạo


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.

Phẩm Song Yếu

Tháng 10 năm 2024
19
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 7
Ngày Bính Thìn
Tháng Giáp Tuất
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
17
Tháng 09
Kiên Giang