Ý Nghĩa Đức Phật Đản Sanh

HỎI:

Kính thưa Ban biên tập,

Trong giờ học Phật pháp, đề tài “Lịch sử Đức Phật Thích Ca” bậc Chân cứng do tôi hướng dẫn, khi tôi dạy đến chỗ: “Khi hoàng hậu Ma-Da vừa đưa tay phải lên vin vào cành hoa Vô Ưu thì Bồ tát (Thái tử) đản sanh từ nơi hông phải của mẹ” (Trang 2, tập Giáo án bậc Chân cứng do BHD.GĐPT Kiên Giang phát hành) , có một em đoàn sinh hỏi tôi : “Vậy, có phải Đức Phật “sanh mổ” phải không chị ? Tôi không biết trả lời em như thế nào. Kính đề nghị Ban biên tập cho tôi một lời giải đáp thỏa đáng về câu hỏi trên (chienda… @gmail. com)

ĐÁP:

Bạn chienda…@gmail.com. thân mến,

Về lịch sử Đức Phật Thích Ca có sự khác biệt ở một vài chi tiết giữa kinh tạng Nguyên thủy và kinh tạng Đại thừa. Thí dụ:

1-Kinh tạng Nguyên thủy cho rằng:

-Đức Phật là một con người sinh ra theo cách bình thường, có sinh, lão, bệnh, tử như mọi người. Đức Phật vĩ đại hơn mọi người ở chỗ Ngài đã qua muôn vạn ức kiếp tu tập chánh pháp, để rồi cho đến kiếp sau cùng này Ngài  giác ngộ và giải thoát hoàn toàn khỏi Vô minh, trở thành bậc Thầy của Trời và Người, là bậc Chánh đẳng Chánh giác v.v… Trong lịch sử nhân loại chỉ có một vị Phật duy nhất, đó là Đức Phật Thích Ca. Các nhà nghiên cứu Đạo Phật trên thế giới cho rằng :Đức Phật theo quan điểm PG Nguyên thủy gọi là “Đức Phật lịch sử”.

-Đức Phật đản sinh, thành đạo và nhập diệt vào cùng một ngày, đó là ngày Trăng tròn tháng Vesak

-Thái tử Tất Đạt Đa cưới vợ năm 16 tuổi, 13 năm sau La Hầu La mới ra đời

-Thái tử bỏ cung điện ra đi xuất gia năm 29 tuổi (khi đó La Hầu La chỉ mới 1 tuổi)

-Thời gian tìm đạo của Thái tử là 6 năm. Ngài thành Phật năm 35 tuổi

-Cuộc đời hoằng pháp độ sanh của Ngài là 45 năm.

2-Kinh tạng Đại thừa cho rằng :

-Đức Phật Thích Ca không phải là một con người bình thường như mọi người. Ngài là một vị Bồ tát trên cõi Trời Đâu Suất thị hiện xuống trần gian để cứu độ cho nhân loại. Vì thế Ngài không sinh ra theo cách bình thường. Có kinh còn cho rằng Phật Thích Ca đã thành Phật trước khi thị hiện xuống trần làm con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Maya. Ngài là một Đấng Siêu Nhiên cho nên không có sinh, lão, bệnh, tử. Tất cả hình tướng sinh, lão, bệnh, tử, cưới vợ, sinh con v.v… mà chúng ta đọc thấy qua lịch sử cuộc đời Ngài là do Ngài hiện tướng ra như thế để cho mọi người thấy rằng Ngài cũng là con người bình thường như họ để họ có sự tự tin rằng : họ cũng có thể thành Phật nếu quyết tâm tu tập như Ngài.

Để củng cố cho quan điểm nêu trên, kinh điển Đại thừa cho rằng Đức Phật Thích Ca chỉ là một vị Phật trong ngàn muôn Đức Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai, bởi vậy mới có câu “Ba đời mười phương Phật” . Các nhà nghiên cứu về Phật Giáo cho rằng Đức Phật theo quan điểm PG Đại thừa gọi là “Đức Phật tôn giáo”.

-Đức Phật đản sinh ngày mùng 8 tháng tư âm lịch

-Thái tử Tất Đạt Đa cưới vợ năm 17 tuổi, hai năm sau La Hầu La sinh ra

-Thái tử xuất gia năm 19 tuổi vào ngày mùng 8 tháng hai âm lịch

-Thái tử tìm thầy học đạo trong 5 năm, tu khổ hạnh trong 6 năm, thiền định 49 ngày đêm dưới cội Tất Bát La. Tổng cộng thời gian tu tập là 11 năm.

-Đức Phật thành đạo ngày mùng 8 tháng mười hai âm lịch, năm đó Ngài 30 tuổi

-Cuộc đời truyền bá chánh pháp của Ngài là hơn 49 năm

-Đức Phật nhập diệt ngày rằm tháng hai âm lịch vào năm Ngài 80 tuổi. Cái chết của Ngài cũng được được kinh điển Đại Thừa thần thánh hóa bằng cụm từ “Phật nhập Vô Dư Y Niết Bàn”, chứ không dùng chữ viên tịch, thị tịch, qua đời, chết… như đối với người bình thường.

Qua sự khác biệt quan điểm về Đức Phật giữa kinh tạng Nguyên Thủy và Đại Thừa cho chúng ta thấy rằng hình ảnh Đức Phật trong kinh Đại Thừa đã được thần thánh hóa chứ không còn là hình ảnh của một con người bình thường nữa. Vì vậy, tất cả những diễn biến trong cuộc đời Ngài cũng đều được thần thánh hóa như: sanh ra từ hông phải hoặc mới sinh ra đã bước đi bảy bước v.v…

Sự thần thánh hóa Đức Phật trong kinh điển PG Đại thừa không phải với ý nghĩa xem Đức Phật giống như Đức Chúa Trời của đạo Ki Tô (Thiên Chúa giáo) hay Đấng A La của đạo Islam (Hồi giáo) có toàn năng ban phước giáng họa cho loài người như các đạo này thường dạy cho tín đồ của họ.

Sự thần thánh hóa Đức Phật là nhằm để xiểng dương thuyết Tam Thân Phật, tức là : Pháp thân, Báo thân và Ứng (Hóa) thân . Trong đó :

-Pháp thân là cái Chơn Như, Bất Biến, Thường Hằng… không sinh không diệt của chư Phật.

-Báo thân là cái thân hiện ra cho mọi người thấy, có họ tên, có cha mẹ vợ con, cũng chịu đủ sinh, lão, bệnh, tử v.v… (Phật Thích Ca là Báo thân của  Phật)

-Ứng thân hay Hóa thân là hình tướng theo nhân duyên với chúng sanh mà ứng hóa ra để cứu độ cho họ (TD: ứng hóa ra tướng Phật, Bồ tát, chư Thiên, Người, các loài chúng sanh v.v…)

Gia Đình Phật Tử là một tổ chức giáo dục của Phật Giáo Đại Thừa. Vì vậy, tài liệu tu học cho đoàn sinh cũng được soạn theo quan điểm Tam Thân Phật vừa nêu trên.

Cốt lõi vấn đề của bạn nêu lên nằm ở trình độ Phật học của huynh trưởng giảng huấn. Một khi huynh trưởng đã có vốn Phật học tương đối vững vàng thì việc giải đáp thắc mắc của đoàn sinh không còn là việc khó khăn nữa.

Thân ái chào bạn.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.