Vì Sao Tôi Theo Đạo Phật?

VÌ SAO TÔI THEO ĐẠO PHẬT ?

THIỆN ĐẠT TVL

Tôi đến với đạo Phật từ lúc mười sáu tuổi vì một lý do đơn giản: chị tôi thấy tôi ít bạn để chơi quá nên động viên tôi đi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử. Từ đó tôi gắn bó luôn với đạo Phật.

Hồi ấy, nếu có ai hỏi vì sao tôi theo đạo Phật thì chắc chắn tôi chỉ trả lời là do tôi thích sinh hoạt GĐPT. Giờ đây, khi tuổi đời đã cao, việc đời đã nhiều phen từng trải cộng với những hiểu biết mà tôi đã có được trong cuộc sống, tôi mới có thể trả lời một cách đúng đắn câu hỏi “Vì sao tôi theo đạo Phật?”

Những lý do mà tôi nêu trong bài viết này, chắc chắn không xuất hiện trong đầu khi tôi mười sáu tuổi. Chúng cũng không xuất hiện cùng một lúc, mà lần lượt xuất hiện theo từng tháng năm sống và theo từng bước trưởng thành của trí khôn trong con người tôi, vì vậy chúng có một giá trị vô cùng vững chắc chứ không phải là những nhận định hồ đồ, nông nổi hay do tâm lý hùa theo đám đông.

Tôi ước mong các anh chị Huynh trưởng trẻ trong cả nước đều đọc được bài này để củng cố thêm đức tin vào đạo Phật, để không phải nửa đường “Ôm cầm sang thuyền khác” như một vài trường hợp đã xảy ra do nhẹ dạ cả tin hoặc do thiếu bản lãnh đối phó với áp lực từ hôn nhân hay từ cám dỗ của vật chất mà buông bỏ lý tưởng của mình.

Vì sao tôi theo đạo Phật ?

Một, vì đạo Phật là đạo của tổ tiên tôi, đạo của dân tộc tôi.

Ngay từ thời kỳ tổ tiên tôi còn sống kiếp nô lệ dưới bàn tay tham lam độc ác của bọn giặc phương Bắc thì đạo Phật đã đến với xứ sở tôi và dân tộc tôi, mang theo những giáo lý quý báu như : Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã, Từ bi, Trí tuệ, Hỷ xả, Nhẫn nhục, Tinh tấn v.v… làm tư tưởng chủ đạo cho dân tộc tôi có đủ niềm tin, có đủ bản lãnh, có đủ ý chí và nghị lực để làm nên cuộc cách mạng lật đổ sự thống trị của giặc phương Bắc đã kéo dài suốt một ngàn năm. Cuộc cách mạng ấy khởi đầu từ Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền… mở ra thời đại độc lập tự chủ của đất nước tôi, dân tộc tôi qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần v.v….

Vì sao tôi chọn đạo phật
Đạo phật là đạo của dân tộc tôi! (ảnh minh họa – nguồn: Nguyễn Đình Chiến)

Vào đầu Tây lịch, đạo Phật từ Ấn Độ xa xôi đã đến đất nước tôi một cách hòa bình do các vị Sư người Ấn đi theo các thuyền buôn. Các vị Sư đã dạy cho tổ tiên tôi thế nào là duyên khởi, thế nào là vô thường, giúp cho tổ tiên tôi có cái nhìn khoa học biện chứng trước mọi sự vật sự việc. Giáo lý Vô thường giúp cho tổ tiên tôi có đủ nghị lực để nhẫn nhục chịu đựng sự cai trị hà khắc của giặc Tàu và tin vào một tương lai xán lạn của dân tộc . Giáo lý Từ bi và Vô ngã giúp đồng bào tôi đoàn kết thương yêu nhau hơn để tạo nên sức mạnh của một dân tộc.

Tinh thần Bi – Trí – Dũng mà các vị Sư Phật giáo thuyết giảng giúp cho tổ tiên tôi có đủ tinh thần, đức độ, tài năng và nghị lực làm nên cuộc cách mạng thoát ra khỏi “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu”. Có thể khẳng định : nền tư tưởng chủ đạo của dân tộc tôi trong suốt 1.400 năm (từ đầu Tây lịch đến cuối triều đại nhà Trần) chính là tư tưởng Phật giáo. Một nền tư tưởng đã giúp cho dân tộc tôi thoát khỏi một ngàn năm nô lệ giặc Tàu và ba lần đánh thắng quân Mông Nguyên , mở ra kỷ nguyên thái bình thịnh trị nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Phật giáo đã đem đến cho đất nước tôi, dân tộc tôi biết bao điều tốt đẹp như thế, nếu không nói đạo Phật là đạo của tổ tiên tôi, của dân tộc tôi thì chẳng lẽ nói đạo Nho, một cái đạo của đế quốc Trung Hoa là đạo của dân tôi sao?

Hay nói cái đạo đã theo chân thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đến xâm lăng đất nước tôi, bắt dân tôi làm nô lệ suốt 100 năm qua là đạo của dân tôi?

Vì vậy, nói đạo Phật là đạo của dân tộc tôi là một chân lý bất biến, không ai có thể phủ nhận được. Ngoài Phật giáo ra, không có một tôn giáo nào khác có mặt trên đất nước Việt Nam đạt được mọi yếu tố để được mệnh danh là tôn giáo của dân tộc Việt Nam.

Hai, tôi theo đạo Phật là vì tính chất cao thượng của đạo Phật.

Cao thượng là yếu tính của tôn giáo, tôn giáo mà không cao thượng thì khác chi một tập đoàn chính trị. Tính cao thượng của Phật giáo thể hiện qua ba đối tượng cao quý sau đây :

Vì Sao Tôi Theo Đạo Phật ?
(ảnh minh họa)

Đối tượng cao quý thứ nhất:

Đức Phật Thích Ca, người sáng lập đạo Phật thường ví mình như “người chỉ đường” hay “lương y” , Ngài không bao giờ tự cho mình là thần linh có quyền ban phước giáng họa. Ngài không hăm dọa những ai không theo Ngài sẽ bị đọa địa ngục. Đức Phật không phải là thần linh vô hình do các giáo sĩ tưởng tượng ra để làm ông “ngáo ộp” hù dọa con người khiến họ phải phục tùng một cách mù quáng. Đức Phật là một con người bằng xương bằng thịt như mọi người, nhưng khác mọi người ở chỗ Ngài có tuệ giác siêu việt và một nhân cách hoàn mỹ như viên kim cương không tỳ vết. Vì Ngài có những tố chất vượt trội hơn tất cả mọi người nên được người đời tôn xưng là Phật, tức Giác Giả nghĩa là người có Giác Hạnh viên mãn.

Đức Phật không bao giờ khiến hàng đệ tử hãy nhân danh Ngài mà đi cướp đất và tiêu diệt hết những kẻ ngoại đạo; Ngài không dạy các đệ tử hãy dùng mọi thủ đoạn để bắt mọi người phải trở thành tín đồ của đạo mình, và nếu không được như vậy thì hãy tìm mọi cách vu khống, nói xấu, ngụy tạo thông tin và hình ảnh… để làm cho ngoại đạo mất uy tín càng nhiều càng tốt.

Đức Phật Thích Ca không bao giờ lợi dụng ưu thế của mình đối với các vị vua chúa đương thời để khuynh loát triều đình, dựa vào thế lực chính trị để phát triển tối đa đạo Phật và tiêu diệt các đạo khác. “Chung sống hòa bình, chấp nhận khác biệt” luôn là phương châm  hành động của tất cả giáo hội Phật giáo trên toàn thế giới

Đối tượng cao quý thứ hai:

chính là nền giáo lý minh triết của Phật giáo. Nền giáo lý ấy vừa phù hợp với chân lý của vũ trụ và nhân sinh, vừa phù hợp với đà tiến bộ của khoa học, cũng như giải quyết được tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống nhân loại.

Giáo lý Phật là nền giáo lý phục vụ cho con người (chứ không bắt con người phụng sự cho thần linh). Nói cách khác; Phật pháp ví như thuốc trị bệnh. Tùy theo bệnh của mỗi người mà uống thuốc  nhằm mục đích giải thoát người bệnh ra khỏi bệnh khổ đó. Thí dụ : người quá nhiều tham vọng chắc chắn sẽ bị khổ vì tham vọng của mình. Muốn hết khổ thì cần phải văn-tư-tu giáo lý Vô Thường, Vô Ngã và Không. Khi đã thấm nhuần ý nghĩa ba giáo lý trên, người ấy tự mình buông bỏ tham vọng đi và bệnh khổ tự nhiên không còn.

Nền giáo lý Phật Đà, tuy là môn thuốc hay, nhưng còn đòi hỏi người bệnh có biết mình đang bệnh không, có chịu uống thuốc hay không, uống đúng liều và uống đủ thời gian do thầy thuốc hướng dẫn hay không. Bởi vậy mà tuy Phật Pháp có mặt trên thế gian này đã hơn 2.500 năm mà nhân loại vẫn chưa hết đau khổ, chiến tranh, nghèo đói, hận thù, tham lam, sân hận, si mê…. vẫn còn đầy dẫy trong đời sống nhân loại. Đó không phải tại thuốc không hay mà vì người bệnh không biết mình có bệnh và không chịu uống thì làm sao hết bệnh được ?

Đối tượng cao quý thứ ba nằm trong nề nếp tu hành của chư Tăng, Ni.

Đó là những con người quyết tâm trọn đời lìa bỏ các thú vui trần thế để đi theo con đường của bậc Thánh xuất thế gian. Nếp sống hiền lành, dung dị, minh triết của chư Tăng, Ni làm nên nét thanh cao cho Phật giáo. Hình ảnh ngôi chùa cổ kính, trầm mặc ẩn sau hàng  cau thẳng tắp, hay bên cạnh con sông hiền hòa ở một vùng quê luôn là kỷ niệm khó phai trong tâm trí những người con xa xứ, đó chính là tình yêu quê hương đất nước của mọi người dân Việt.

Vì Sao Tôi Theo Đạo Phật ?
Các vị tăng thân Làng Mai, Pháp quốc (ảnh minh họa – nguồn: langmai.org)

Con đường trở thành Thánh là một cuộc lội ngược dòng nước lũ vô cùng gian lao vất vả và lâu dài. Vì vậy, chúng ta đừng vội vàng trông vào hình ảnh chưa đẹp của một bộ phận Tăng Ni trẻ mà cho rằng con đường tu hành của đạo Phật là không cao quý. Trong lịch sử hơn 2.000 năm của Phật giáo Việt Nam đã xuất hiện không ít những bậc Thánh Tăng làm lợi lạc cho Tổ Quốc và Đạo Pháp . Các vị chính là tinh hoa của dân tộc và là là hình ảnh cao thượng của đạo Phật. Nhờ có chư vị Thánh Tăng mà mạng mạch Phật giáo vẫn còn lưu giữ cho đến hôm nay mặc dù đạo Phật đã trải qua rất nhiều kiếp nạn do bị các đạo khác dựa vào các thế lực chính trị để đàn áp và tiêu diệt.

Ba, tôi theo đạo Phật vì giáo lý nhà Phật có công năng chuyển hóa cuộc sống tôi trở thành tốt đẹp và có ý nghĩa.

Điều này, tôi thật sự  đã cảm nhận được qua những năm tháng trong cuộc đời tôi. Tôi đã từng sống trong đau khổ cùng cực khi bản thân lầm lỡ làm những chuyện do tham, sân, si sai khiến. Tôi cũng đã từng hưởng những giờ phút an vui hạnh lạc khi hành xử theo lời Phật dạy. Từ đó, tôi tự nhũ bản thân luôn nỗ lực tránh xa các bất thiện pháp và cố gắng thực hành các  thiện pháp mà giáo lý nhà Phật luôn khuyến khích. Kết quả là cuộc sống của tôi ngày càng ít đi buồn giận và thay vào đó là nhiều điều vui sướng luôn đến với tôi.

Niềm vui có được giúp cuộc sống tôi có nhiều ý nghĩa tốt đẹp hơn là do chính tôi tạo ra chứ không do thần linh nào ban cho tôi cả.

Trước kia tôi thường hay thắc mắc :

-Tại sao mình có mặt trong kiếp người này?

-Mình sống mấy mươi năm trên thế gian này để làm gì?

-Tổng kết trong mấy mươi năm làm người, thì sướng nhiều hay khổ nhiều?

-Khi chết, mình sẽ đi về đâu?

-Sự sống và cái chết có ý nghĩa như thế nào đối với con người và vạn vật?

-Vân vân….

Thật không ngờ là sau mấy mươi năm theo đạo Phật, tôi đã lần lượt tự trả lời được tất cả những câu hỏi trên. Điều này khiến cho tôi hoan hỷ còn hơn được trúng số độc đắc.

Kính thưa quý độc giả;

Các bạn huynh trưởng trẻ thân mến,

Tất cả những lý luận, những hiểu biết mà tôi đưa ra trong bài viết này chỉ là một phần rất nhỏ của nền minh triết Phật giáo nằm trong giáo lý Nhân Thừa mà tôi tiếp thu được. Chỉ tu theo Nhân Thừa Phật giáo, tức tu ở bậc thấp nhất của đạo Phật mà kết quả tôi thu được đã như vậy, huống chi các vị xuất gia tu theo Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát Thừa thì kết quả còn to tát đến mức nào?

Thiết nghĩ, chỉ cần ba lý do nêu trong bài này cũng đủ biện minh vì sao tôi theo đạo Phật.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.