Vì sao cây Bồ Đề còn có tên là Tất Bát La?

G

HỎI:

Chúng em muốn hiểu thêm về cây Bồ Đề, nơi xưa kia đức Thích Ca đã thành đạo, em được biết cây này còn có tên Tất Bát La? Cây Bồ Đề hiện trồng ở Bồ Đề đạo tràng (Ấn Độ) có liên quan gì với cây Bồ Đề nơi Đức Thích Ca thành đạo không? Xin Ban biên tập giải thích cho chúng em hiểu thêm. Chân thành cám ơn các Anh, Chị.

tichuot….@gmail.com

TRẢ LỜI:

Bạn tichuot….@gmail.com thân mến,

Từ xa xưa, trước khi đức Phật Thich Ca đản sanh, tại Ấn Độ có một loài cây rất được người dân sùng bái có tên là Pippala (người Tàu phiên âm Tất – Bát – La)

Theo các nhà khảo cổ học cây này được coi là thiêng liêng ngay từ buổi bình minh lịch sử của nền văn minh Indus. Trong bộ Rig Vê Đa, bộ kinh tôn giáo cổ nhất của dân tộc Aryans ở Ấn Độ đã cho biết rằng cây Pippala này được kính trọng như vật thiêng liêng ngay từ thời đó.

Thật ra, trước khi Phật giáo xuất hiện tại Ấn Độ thì cây này cũng được trồng rất nhiều tại đất nước này. Con người ngày xưa rất kính trọng và kiêng sợ những vật to lớn như cây cổ thụ, những hang đá khổng lồ, các dãy núi đồ sộ … vì họ nghĩ rằng đó là nơi trú ngụ của các thần linh, các linh hồn và thậm chí của những ma quỷ xấu ác. Trong thời gian Đạo Phật xuất hiện ở Ấn Độ, lòng tin về những cây này là nơi cư ngụ cho chư thiên và ma quỷ càng thấm sâu hơn nữa. Và trong kinh điển Phật giáo như: Vimanavatthu và Petavatthu cũng đã kể nhiều câu chuyện liên quan đến chỗ cư ngụ của chư thần và ma quỷ trên cây.

Sở dĩ cây có tên Bồ Đề là do Đức Thích Ca đã thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác dưới gốc cây này nên trong các kinh Phật gọi đây là Cây Bồ Đề nghĩa là "Cây Giác Ngộ".

Cây Bồ Đề ở Bồ Đề Đạo Tràng

Cây Bồ Đề ở Bồ Đề Đạo Tràng

Trong kinh Đại Niết-bàn, Đức Phật tuyên bố với ngài Anan rằng Bồ-đề Đạo Tràng nơi có cây bồ-đề là một trong bốn thánh địa mà người con Phật với lòng kính tin nên đến để chiêm ngưỡng lễ lạy và ngài thêm rằng "Người nào thác sanh với lòng tin tưởng khi đi chiêm bái này sẽ được tái sanh vào cõi an vui." Sự thiêng liêng của cây bồ-đề như là một biểu tượng của sự giác ngộ và như là hiện thân của chính Đức Phật. Một lần khi chúng đệ tử đến viếng thăm đảnh lễ Đức Phật ở tu viện Jetavana (Ở Sravasti) lúc đó đại phú Cấp Cô Độc thưa với trưởng lão A-nan trình với Phật nên thiết lập một nơi tôn nghiêm để dâng hương hoa trà quả … trong lúc Đức Phật đi vắng khỏi tu viện Jetavana. Từ việc này, Đức Phật kêu chiết một nhánh bồ-đề từ cây bồ-đề ở Bồ-đề Đạo Tràng để trồng ở cổng tu viện Jetavana. Sau đó để khiến cho cây thiêng liêng hơn, Đức Phật đã ngồi thiền dưới gốc cây bồ-đề này trọn một đêm. Và cây bồ-đề đó cũng trở thành một đối tượng để thờ phượng.

Trong ý nghĩa đó, cây Bồ-đề này được nhận thức không chỉ là đối tượng cho giới Phật giáo kính lễ mà còn là một sự biểu hiện tượng trưng cho chính đời sống của Ngài và sự chứng đạt vĩ đại của Ngài. Việc trồng cây Bồ-đề như là một đối thể thiêng liêng, đặc biệt khi mà hình ảnh, tượng Phật chưa được phổ biến ở Ấn Độ. Trong kinh Bổn sanh Kalinga-Bodhi và Kosiya đã kể rằng trong suốt thời gian Phật còn tại thế cây Bồ-đề rất được kính trọng và thờ phượng như Đức Phật. Cây Bồ-đề được xem là một trong ba đối tượng thiêng liêng, cùng với chùa (cetiya) và điện tháp (patimaghara) cần được thờ phượng. Cả ba đối tượng này được coi trọng như nhau. Tuy nhiên giữa những vật này, thì xá-lợi của Phật được coi trọng và tôn quý hơn cả.

Cây Bồ Đề ở Tích Lan

Cây Bồ Đề ở Tích Lan

Sau khi Phật nhập diệt, Hoàng đế A-dục đã hết lòng bày tỏ tâm cung kính của mình và lòng tôn trọng bảo vệ cây Bồ-đề tại Bồ-đề Đạo Tràng. Vị Hoàng đế Phật tử này đã sai con gái mình là công chúa mà sau này trở thành Tỳ-kheo-ni Sanghamitta chiết một nhánh phía nam của cây Bồ-đề mang qua Tích Lan trồng tại thành phố cổ Anuradhapura suốt trong thời vua Devanampiyatissa trị vì. Nhánh cây Bồ-đề này vẫn còn xanh tốt cho đến ngày nay. Trong khi cây Bồ-đề gốc tại Bồ-đề Đạo Tràng đã bị hủy nhiều lần bởi nhiều thời đại sau đó. Vì vậy, cây bồ-đề được tuyên bố trong lịch sử cây cổ nhất trên thế giới là cây được trồng tại thành phố Anuradhapura này.

Hiện nay, ai có đi hành hương nơi Phật tích Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) đều có cơ hội chiêm bái đảnh lễ cây Bồ Đề to lớn xum xuê tại đây. Đây là cây con được chiết từ cây mẹ ở Tích Lan đem về trồng. Cây này được xem là "cháu" của cây Bồ Đề năm xưa đã che chở suốt 49 ngày đêm và chứng kiến giờ phút thành đạo huy hoàng của Đức Phật Thích Ca.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 09 năm 2024
08
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Chủ nhật
Ngày Ất Hợi
Tháng Quý Dậu
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
06
Tháng 08
Kiên Giang