Tự Độ – Đạo Phật Đạo Phật Của Tuổi Trẻ

Đạo Phật Của Tuổi Trẻ

Chương 2:

Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử

Thiết lập lại hòa điệu và hạnh phúc trong gia đình

Vì vậy cho nên sự tĩnh tu của người Huynh Trưởng là điều rất căn bản. Quý vị phải được trao truyền những pháp môn rất cụ thể, rất thực tế để có thể nuôi dưỡng được hạnh phúc, lòng thương và sự hiểu biết của mình. Quý vị phải được học những biện pháp cụ thể có thể trị liệu được những khổ đau của mình, có thể thiết lập được sự truyền thông giữa mình và các em, giữa mình và cha mẹ mình, giữa mình và các con của mình. Vị Huynh Trưởng phải có khả năng chuyển hóa được gia đình mình, làm cho gia đình mình trở thành một gia đình có hạnh phúc, có truyền thông thì vị Huynh Trưởng đó mới có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng, và trị liệu cho những đoàn sinh được gởi tới cho Gia Đình Phật Tử của mình. Chúng ta phải nương vào nhau.

Chúng ta phải cùng nhau học hỏi thì mới có thể làm được việc đó, nhất là công việc tự mình trị liệu, tự mình nuôi dưỡng và nuôi dưỡng những người thương trong gia đình huyết thống, trong đoàn thể sinh hoạt của mình.

Tổ chức Gia Đình Phật Tử đóng được vai trò nào để giúp xây dựng lại những gia đình đang trên đà đổ nát? Người Huynh Trưởng nên học hỏi và chú trọng về việc thiết lập lại sự hòa điệu và hạnh phúc ở trong gia đình. Đây là một đối tượng rất quan yếu của sự tu học. Chúng ta tu học như thế nào để có thể khôi phục lại được hạnh phúc gia đình, khôi phục lại được sự truyền thông giữa cha mẹ và con cái, giữa anh em, chị em. Gia đình như một mảnh vườn mà từ đó chúng ta lớn lên như những cái cây. Nếu mảnh vườn khô cằn, thiếu nước, thiếu phân thì cây không lớn lên được, cây sẽ khô héo và gãy đổ. Chúng ta cũng vậy. Nếu trong gia đình mà không có sự hòa thuận, không có niềm tin lẫn nhau, không có niềm vui thì chúng ta sẽ không lớn lên được, chúng ta sẽ héo mòn và ngã đổ. Vì vậy mục đích đầu của chúng ta là trở về xây dựng lại gia đình của chính chúng ta. Gia Đình Phật Tử, như một tổ chức, có thể can thiệp được bằng cách nào để cứu những gia đình đang trong tình trạng nguy ngập có thể bị tan rã?

hbnu 06 jpg

Mỗi khi ta thấy một vị Huynh Trưởng có hạnh phúc, có liên hệ tốt với bố mẹ, có liên hệ tốt với các em, với các con của họ thì ta có rất nhiều niềm tin nơi vị ấy. Đó là nhờ ở sự tu học của chính người Huynh Trưởng và đây sẽ là niềm tin cho tất cả. Nếu người Huynh Trưởng trong đơn vị Gia Đình Phật Tử mà có được những điều tích cực trên thì chắc chắn em bé mà phụ huynh gởi cho Gia Đình Phật Tử nuôi dưỡng cũng sẽ được trị liệu đàng hoàng và gia đình của em bé cũng được hưởng lợi ích. Cho nên chúng ta phải rời bỏ chủ nghĩa hình thức. Chúng ta phải thổi một luồng sinh khí mới vào trong sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử. Chúng ta phải có những pháp môn dạy dỗ và tu tập thực tế để mỗi giờ đồng hồ của sinh hoạt đều là thời gian có thể cung cấp được chất liệu của sự nuôi dưỡng và trị liệu. Chúng ta không thể bỏ phí thời giờ để chỉ nuôi dưỡng một cái hình thức mà thôi. Chúng ta phải có nội dung, và chúng ta có đủ thông minh, có đủ năng lực để có thể làm việc đó.

Tự độ trước khi làm công việc Bồ Tát

Nghề của Huynh Trưởng là nghề bảo vệ, nuôi dưỡng và trị liệu. Hai cánh tay của anh đủ vững chãi để bảo vệ các em chưa? Hai cánh tay của chị đã đủ vững chãi để bảo vệ các em chưa? Anh chị có khả năng độ trì cho em bé khi em bé run rẩy tới anh chị với đầy dẫy những vết thương ở trong tâm hồn không? Các anh chị có những chất liệu bổ dưỡng để nuôi nấng các em không? Hay là các anh chị chỉ có những sầu đau, những khó khăn, những buồn rầu của chính các anh chị mà các anh chị chưa chuyển hóa được? Đó là câu hỏi rất thực tình. Nếu ta không biết tu tập, nếu ta không chuyển hóa thì ta không thể nào giúp các em bé và gia đình các em tu tập và chuyển hóa được.

1216401188 nv

Trong lá thư tôi thảo giùm quý vị để gửi cho các vị phụ huynh có câu: "Các Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử tuy đạo hạnh và tài năng chưa hoàn hảo". Câu này biểu lộ sự khiêm cung của ta. Khi gởi lá thư này cho gia đình các em thì ta nói với giọng điệu của người khiêm cung: "Các Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử tuy đạo hạnh và tài năng chưa hoàn hảo nhưng ai cũng được huấn luyện và tu học liên tục…" Điều đó có đúng không? Ta có đang được liên tục đào tạo và tu học bằng những kỳ trại, những khóa tu, những ngày chánh niệm, những cuộc họp bạn hay không? Những trại đó, những khóa tu, những ngày quán niệm đó quả thật có thực chất hay chỉ là cơ hội để chúng ta gặp nhau cho bớt cô đơn, để chúng ta lập lại một số danh từ mà tất cả chúng ta đều rất tôn thờ. Ta phải nhìn vào thực chất, xem thử những trại đó, những ngày huấn luyện, những cuộc chơi đó có mang chất liệu của sự đào tạo và nuôi dưỡng hay không? Vấn đề là vấn đề thực chất. "… nhưng ai cũng được huấn luyện và tu học liên tục để càng ngày càng có khả năng bảo vệ và nuôi dưỡng đoàn sinh của mình…" Đúng, ta là Huynh Trưởng, bổn phận của ta là bảo vệ và nuôi dưỡng. Nếu không có khả năng bảo vệ đó thì ta không phải là một Huynh Trưởng đích thực. "… Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử cố tâm thực tập cho bản thân và cho gia đình mình…" Điều này là một sự nhắc nhở, nhắc nhở cho bản thân ta. Đây là điều ta đang nói với phụ huynh các em, "chúng tôi cũng đang cố gắng tu tập, chúng tôi tu tập cho bản thân chúng tôi và chúng tôi áp dụng những tu tập đó trong gia đình chúng tôi."

Đôi khi ta thấy có một vị Huynh Trưởng không có hạnh phúc trong gia đình, từ con, làm khổ vợ mà vẫn làm Huynh Trưởng, dạy các em trong Gia Đình Phật Tử thì ta thấy điều đó là một bi kịch. Tại sao vị đó không thể nói chuyện được với con, giận con, từ con, làm khổ mẹ của các cháu mà vẫn có thể là một Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử được? Vị đó có thể làm gì để giúp ai trong khi vị đó chưa có thể giúp đỡ được cho bản thân và gia đình của chính mình? Cho nên chúng ta phải đặt ra những câu hỏi rất thực tế. Vị đó phải tự độ trước khi có thể làm được công việc Bồ Tát. Đây là một lời rất thành thật, rất chân thành.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.