Trí Tuệ Trong Đạo Phật

TK THÍCH MINH CHÂU

Mục đích của đạo Phật là diệt khổ và đem vui cho mọi loài, nhưng phải là người có trí mới biết được con đường đưa đến an lạc và hạnh phúc. Mục đích của đạo Phật là giác ngộ và giải thoát, và chỉ có trí tuệ mới là phương tiện duy nhất đưa loài người đến bờ giác ngộ và giải thoát.

Do vậy vai trò của người có trí tuệ và vai trò của trí tuệ chiếm cứ vị trí then chốt trong mọi lời dạy của Đức Bổn Sư chúng ta. Và chúng ta có thể nói đạo Phật là đạo của người có trí, là đạo của tuệ giác để tìm cho được một định nghĩa thỏa đáng cho đạo Phật.

Trước hết chúng ta nên phân biệt giữa người có trí thức như thông thường được hiểu và người có trí tuệ như đạo Phật thường định nghĩa :

-Người có trí thức là người có thể có một sự hiểu biết uyên bác về một vấn đề gì, có thể phân tích trình bày vấn đề ấy một cách khúc chiết và triệt để, nhưng người ấy là người chỉ có biết chớ không có hành, và người ấy đối với vấn đề ấy vẫn có thể bị chi phối, không được tự tại. Ví như một người có thể hiểu biết rất nhiều về vấn đề rượu, hiểu rượu gồm có những chất liệu gì, tác động của rượu đối với cơ thể như thế nào. Người ấy gọi là người có trí thức về rượu nhưng người ấy vẫn uống rượu, vẫn bị say rượu, vẫn bị rượu chi phối. Như vậy người ấy chưa có trí tuệ về rượu.

Trí tuệ trong đạo phật

-Trái lại, một người hiểu rõ được rượu là gì, biết rõ được sự nguy hại của rượu, lại có khả năng không bị rượu chi phối, không uống rượu, không nghiện rượu, không say rượu, vượt ra khỏi sự chi phối của rượu. Như vậy người ấy được xem là người có trí tuệ về rượu.

Có người hỏi, nếu có người không có trí thức về rượu, nhưng không uống rượu, người ấy được xem là có trí tuệ không? Câu trả lời là không. Tuy người ấy vẫn hưởng được lợi ích do không uống uống rượu đưa đến như không say rượu, không nghiện rượu. Nhưng rất có thể trong một trường hợp đặc biệt nào đó, vì không có khả năng đối trị với sự cám dỗ của rượu, vị ấy bắt đầu uống rượu, đi đến say rượu và nghiện rượu.

Với sự phân biệt này chúng ta mới hiểu được định nghĩa người có trí như đã được Đức Phật định nghĩa rất rộng rãi trong những lời dạy của Ngài. Sự phân biệt này giúp chúng ta nhân định hai hạng người thường có trong những người Phật tử:

-Một hạng người rất uyên bác trong đạo Phật, hiểu biết về kinh điển rất nhiều, nhưng vẫn không được xem là người có trí tuệ. Hạng người này hiện có khá nhiều trong những học giả, thuần túy nghiên cứu đạo Phật, uyên thâm trong ba tạng giáo điển, cả ba tạng nguyên thủy lẫn ba tạng phát triển, nhưng chỉ có nghiên cứu, không có hành trì. Chỉ nói hành thiền giỏi nhưng không hành thiền, trình bày hay về diệu dụng của trí tuệ, nhưng không phát triển trí tuệ, do vậy cũng chưa được gọi là có trí tuệ.

Trí Tuệ Trong Đạo Phật

-Một hạng người khác, có lòng tín thành, hành trì theo những giới cấm trong đạo Phật, nhưng chỉ có lòng tin, chưa chuyển lòng tin thành trí, nên cũng không thể xem là người có trí tuệ được vì người ấy vẫn có khả năng bị tham sân si chi phối và do vậy, chưa được xem là người có trí tuệ.

Người có trí tuệ được đề cập rất nhiều trong những lời dạy của đức Bổn Sư, và người có trí ở đây được diễn tả như một thứ lương tri giúp chúng ta phân biệt chánh tà, thiện ác… Điều quan trọng là trí tuệ ở đây không còn là một đặc tánh hi hữu có một không hai, mà trở thành như một thứ lương tri luôn có mặt trong chúng ta, tác động như một ngọn đèn soi sáng chúng ta biết phân biệt, chọn lựa giữa thiện và ác, giữa chánh với tà, khiến chúng ta có thể nhận biết những gì nên làm, những gì không nên làm, để chúng ta có thể tự hướng dẫn mình đến an lạc và giải thoát.

(còn tiếp…)

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.