Gia Đình – Đạo Phật của Tuổi Trẻ

Đạo Phật Của Tuổi Trẻ

Chương 1:

Xây Dựng Lại Cấu Trúc Gia Đình

Một niềm tin chung

Hôm qua, ngày 19 tháng 6 năm 1998, sau khi mãn khóa tu ở Omega Institute tại tiểu bang New York, trên con đường về Đạo Tràng Thanh Sơn, tôi có thấy một cái bảng quảng cáo ghi như thế này: "Có vấn đề hả? Tại sao không thử cầu nguyện đi?" Và cách đó không xa có một cái bảng khác viết là: "Những gia đình nào mà biết cầu nguyện chung thì không tan rã". Chắc chắn là người ở trong nhà thờ nào đó đã dựng lên hai tấm bảng quảng cáo này. Đó là sự thực tập của những người Tin Lành và những người Cơ Đốc Giáo. Họ tin rằng nếu trong gia đình mà mọi người cùng quỳ xuống cầu nguyện chung thì gia đình đó có cơ hội không bị tan rã, không bị chia năm xẻ bảy. Bởi vậy, tấm bảng đó có ý nói rằng nếu trong gia đình quý vị có những sự lộn xộn, chia rẽ, khổ đau thì quý vị phải thực tập cầu nguyện với nhau mỗi ngày. Cầu nguyện Thượng Đế, cầu nguyện Mẹ Maria, cầu nguyện Chúa Kitô, và phương pháp cầu nguyện có thể gọi là phương pháp gần như duy nhất để thực tập trong giáo lý của Cơ Đốc giáo. Và khi tất cả mọi người trong gia đình cùng có chung một đối tượng, cùng cầu nguyện chung thì thế nào những khó khăn, những khổ đau của gia đình đó cũng sẽ giảm bớt. Gia đình đó có cơ hội được lành lặn và không bị tan rã. Tôi nghĩ rằng có ít nhất một phần sự thật trong các lời phát ngôn ấy. Tại vì khi chúng ta cùng có một niềm tin chung và biết cùng nhìn về một hướng thì gia đình chúng ta có nhiều cơ hội để tồn tại hơn mà không bị tan vỡ hay chia rẽ.

Chúng ta thuộc về truyền thống đạo Bụt, chúng ta cũng có những phương pháp thực tập như tụng kinh, hộ niệm, niệm Bụt. Chúng ta cũng tin tưởng rằng nếu chúng ta biết tập họp gia đình lại để cùng tụng kinh, cùng hộ niệm thì chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hàn gắn lại những đổ vỡ, thiết lập lại truyền thông giữa những người cùng sống trong một gia đình và giữ cho gia đình chúng ta không bị tan rã.

Nhưng ngoài phương pháp tụng kinh, niệm Bụt và hộ niệm ra còn có rất nhiều phương pháp khác mà nếu học được, nắm vững được thì chúng ta sẽ thành công hơn trong sự duy trì liên hệ gia đình và giúp cho gia đình chúng ta được vững chãi và hạnh phúc. Đức Thế Tôn đã dạy rất nhiều pháp môn, chỉ cần đem một vài pháp môn đó ra để thực tập thì chúng ta đã có thể thiết lập được sự vững chãi, sự toàn vẹn của gia đình mình.

nhung ca khuc hay nhat ve gia dinh

Trở về để khám phá

Cấu trúc của gia đình Việt Nam có khác với cấu trúc của gia đình Bắc Mỹ, nhưng khi chúng ta đã rời quê hương để sang đó sinh sống thì chúng ta bắt đầu bị ảnh hưởng lối sống của người Bắc Mỹ. Vì vậy chúng ta cũng bắt đầu có cùng những vấn đề như người Bắc Mỹ. Tôi nhớ hồi đồng bào mới bắt đầu di cư sang Tây phương, ở Châu Âu cũng như ở Châu Mỹ, con cái của chúng ta học rất giỏi ở các trường tiểu học. Chuyện các cháu đứng đầu lớp là chuyện thường. Nhưng sự kiện đó chỉ kéo dài được năm hoặc sáu năm thôi và sau đó việc học của các cháu bắt đầu đi xuống. Nhìn cho kỹ thì ta thấy rằng, ban đầu, cấu trúc của gia đình còn rất vững nên em bé an tâm và thành công trong sự học tập. Nhưng khi gia đình bắt đầu bị lung lay, bị ảnh hưởng bởi nếp sống Tây phương; khi người cha, người mẹ, người anh, người chị có những khổ đau mới, cộng với những khổ đau của người xa xứ, thì em bé mất chỗ nương tựa vững chãi từ gia đình, vì vậy em bé không còn học giỏi nữa. Điều này nếu quý vị học về xã hội học, nhân chủng học hoặc từng lưu tâm tới thì quý vị cũng trông thấy.

Một vị dược sĩ hành nghề ở Canada cho tôi biết rằng ban đầu thanh niên Việt Nam không vướng vào vòng ma túy và không cần đến thuốc ngủ hay thuốc an thần. Những người mua thuốc ngủ và thuốc an thần toàn là người Tây phương. Nhưng chừng sáu bảy năm sau thì đồng bào ta bắt đầu tới mua thuốc ngủ và thuốc an thần. Điều đó cho thấy rằng chúng ta đã chịu ảnh hưởng bởi lối sống của xã hội Tây phương. Nếp sống tâm linh, nếp sống tinh thần cũng như nếp sống gia đình của chúng ta đã bị ảnh hưởng một cách nặng nề và chúng ta bắt đầu khổ đau, những khổ đau của người Tây phương, cộng thêm những khổ đau đã có sẵn. Trước đó cấu trúc gia đình của người Việt khá vững chãi nhưng sau đó đã từ từ bị lung lay và những chuyện như cha từ con, vợ bỏ chồng hay vợ chồng ly dị nhau bắt đầu xảy ra ở những gia đình người Việt. Ai mà không có những ước muốn giữ cho gia đình mình được nguyên vẹn và hạnh phúc? Thế mà mấy ai trong chúng ta làm được chuyện đó để giữ cho gia đình mình có được sự toàn vẹn, hòa thuận và thương yêu?

Nếu chúng ta không trở về để khám phá ra những nguyên tắc đạo lý, những phương pháp thực tập ở trong truyền thống tâm linh của chúng ta thì chúng ta không có cách gì để cứu vãn được tình trạng của bản thân và của gia đình. Người trẻ Việt Nam sống ở hải ngoại bây giờ cũng lâm vào tình trạng của người trẻ ngoại quốc và chúng ta không có yếu tố nào để bảo vệ chúng ta cả. Chúng ta nói rằng chúng ta theo đạo Bụt, chúng ta có nếp sống tâm linh của chúng ta. Nhưng điều đó chỉ có thể đúng một phần thôi, nhất là trên phương diện danh từ và lý thuyết. Trên phương diện hình thức, chúng ta là con của Bụt, là học trò, là đệ tử của thầy… Đúng như vậy. Chúng ta có chùa tổ ở Việt Nam và chúng ta cũng có ngôi chùa thứ hai ở trong thành phố của chúng ta thì trên phương diện hình thức rất đúng, nhưng chưa chắc điều này đã đúng trên phương diện tinh thần. Tại vì có thể chúng ta cũng còn cảm thấy bơ vơ, chúng ta cũng không có những phương tiện để bảo vệ bản thân và gia đình của chúng ta.

(còn tiếp…)

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.