Thời Trang & Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử

Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật có dạy bài kệ về Quán Bất Tịnh như sau :

Ai sống nhìn tịnh tướng

Không hộ trì các căn

Ăn uống thiếu tiết độ

Biếng nhác chẳng tinh cần

Ma uy hiếp kẻ ấy

Như cây yếu trước gió

 

Ai sống quán bất tịnh

Khéo hộ trì các căn

Ăn uống có tiết độ

Có lòng tin tinh cần

Ma không uy hiếp được

Như núi đá trước gió

Nguyên do Phật nói bài kệ trên xuất phát từ câu chuyện sau đây :

Tại thành Xá Vệ thời Phật tại thế có ba anh em, người anh cả tên Đại Hắc, người em kế tên Trung Hắc và người em út tên Tiểu Hắc. Ba anh em sống giàu có nhờ tài buôn bán. Đại Hắc cưới đến 8 cô vợ, Trung Hắc và Tiểu Hắc cũng đã lập gia đình, mỗi người cũng có 2-3 vợ.

Một hôm, Đại Hắc dẫn Tiểu Hắc đi buôn bán xa, Trung Hắc ở lại nhà điều hành công việc kinh doanh. Đoàn xe chở hàng của họ gồm hơn 20 chiếc xe bò, chuyên chở rất nhiều hàng hóa quí giá. Trên đường đi, họ trông thấy hàng trăm người lũ lượt mang theo hương hoa đi về cùng một hướng. Đại Hắc hỏi họ đi đâu. Những người ấy bảo : đi nghe Phật thuyết pháp ở tinh xá Kỳ Viên. Vì tò mò, Đại Hắc bảo đoàn xe dừng lại đấy chờ, còn mình dẫn Tiểu Hắc đi theo đoàn người đến Kỳ Viên nghe pháp.

Sau khi nghe bậc Đạo Sư thuyết giảng về Vô Thường – Vô Ngã, Đại Hắc đắc ngay quả vị Tu Đà Hoàn. Sau thời pháp, ông trở lại với đoàn xe buôn, nói với mọi người :"Các ngươi hãy đánh xe trở về bảo với Trung Hắc từ nay ta đã quyết tâm xuất gia và giao hết tài sản, vợ con cho em ta cai quản" Nói xong, ông trở lại tinh xá Kỳ Viên đảnh lễ Phật xin xuất gia. Tiểu hắc, từ nhỏ đã sống nương tựa vào người anh cả về vật chất lẫn tinh thần, nên không thể rời xa anh được, mặc dú không có lý tưởng xuất gia nhưng cũng theo anh mình đi xuất gia.

Đại Hắc tu hành tinh tấn, mỗi ngày một tiến bộ . Trong khi đó Tiểu Hắc tuy mang hình thức sa môn nhưng tâm mê đắm ái dục vẫn còn. Trong những buổi thuyết pháp của bậc Đạo Sư, Tiểu Hắc không để ý lắng nghe thuyết giảng mà chỉ chú tâm nhìn các cô gái đẹp đến nghe pháp, vì vậy mà vẫn chưa thọ giới tỳ kheo.

Một ngày nọ, Đại Hắc bạch hỏi Thế Tôn làm cách nào sớm dẹp bỏ ái dục để tu hành tinh tấn. Thế Tôn dạy "Quán bất tịnh nơi nghĩa địa". Đại Hắc xin phép Phật hằng ngày đến nghĩa địa để quán bất tịnh. Tại nơi này, ông được người quản trang cho phép chứng kiến cảnh thiêu xác chết. Có lần, xác chết là một cô gái còn trẻ rất đẹp, con nhà giàu trong thành. Đại Hắc nhìn thầy cảnh ngọn lửa đốt cháy lần lượt tấm thân nỏn nà của cô gái khiến thể xác chỉ trong chốc lát đã biến thành xấu xí gớm ghiếc. Không lâu sau, nhờ quán bất tịnh mà Đại Hắc đắc quả A La Hán.

Vào một ngày, đám phu nhân của Đại Hắc và Tiểu Hắc bàn nhau lập mưu níu kéo hai ông chồng mình trở về đời sống thế tục. Họ nghĩ ra kế thỉnh đức Phật và tăng chúng đên nhà cúng dường trai tăng. Theo tập quán, trước khi Phật và tăng đoàn đến nhà nào, cũng đều cho một vị tăng đến đó trước để sắp xếp chỗ ngồi cho tăng chúng, lần này bậc Đạo Sư giao việc đó cho Tiểu Hắc.

Khi Tiểu Hắc về đến nhà, các bà vợ của ông dùng đủ mánh khóe và thủ đoạn của phụ nữ làm cho ông cầm lòng không đậu, cỡi bò áo tu sĩ mà trở lại chức năng làm chồng. Sau khi sắp xếp ổn định chỗ nơi để cung đón tăng đoàn, Tiểu Hắc đi đến tinh xá Kỳ Viên báo công và xin với Phật cho hoàn tục. Vì ông chưa thọ giới tỳ kheo, nên đức Phật đồng ý cho ông trở lại sống đời thế tục.

Vào ngày đã định, đức Phật cùng các đệ tử đến dự trai tăng tại nhà của ba anh em Đại Hắc. Sau khi thọ trai xong, đức Phật thuyết một bài pháp ngắn về sự cúng dường, bố thí, sau đó Ngài cùng tăng chúng trở về tinh xá. Trên đường trở về tinh xá, chư tăng không thấy Đại Hắc cùng về nên có ý nghi ngờ Đại Hắc cũng như Tiểu Hắc, sẽ không tiếp tục cuộc sống tu hành nữa. Riêng đức Phật biết Đại Hắc đã chứng quả A La Hán nên không nghi ngờ gì.

Lại nói về Đại Hắc, khi Phật cùng tăng chúng ra về, các bà vợ bu quanh ông, dùng mọi mánh khóe và thủ đoạn phụ nữ lôi kéo, mê hoặc, nhưng Ngài vận thần thông bay thẳng lên nóc nhà và về đến tinh xá Kỳ Viên đảnh lễ ra mắt đức Phật. Lúc bấy giờ Phật mới nói rõ cho chư tăng biết rằng Đại Hắc đã chứng quả A La Hán và ngay sau đó Phật đọc bài kệ nêu trên để làm đề tài cho buổi thuyết pháp trong ngày.

Bài pháp hôm ấy , bậc Đạo Sư dạy về tác hại của bốn sự ái dục :

1-Ai ham thích nhìn thân thể phụ nữ

2-Ai sống buông lung thân khẩu ý

3-Ai thường ăn uống vô độ

4-Ai lười biếng, sống không lý tưởng

thì người đó rất bạc nhược, như "cây yếu trước gió" có thể ngã đổ bất cứ lúc nào, một sự ngã đổ của cả thể xác lẫn tâm hồn.

Tiếp đó, Phật nói về lợi ích của sự từ bỏ bốn thứ ái dục :

1-Ai biết quán bất tịnh, không ham thích nhìn thân thể phụ nữ

2-Ai biết sống kham nhẫn và hộ trì các căn

3-Ai biết tiết độ trong ăn uống

4-Ai sống có niềm tin và siêng năng cần mẫn

sẽ là người dũng mãnh, như núi đá sừng sửng trước con gió mạnh, người đó sẽ là bậc Thánh giữa loài người.

Trong phạm vi chủ đề thời trang, tôi muốn trình bày với các bạn về sự tác hại thứ nhất.

10380496 478024855664987 254980350942695166 o

* * *

Bạn thân mến,

Văn minh văn hóa phương Đông cũng như mọi tôn giáo lớn trên hành tinh này đều quan niệm cái đẹp của phụ nữ là cái đẹp kín đáo, cái đẹp đức hạnh. Bạn nên nhớ : tất cả bốn nền tôn giáo lớn hiện nay của nhân loại đều xuất phát từ phương Đông :

1-Đạo Hindu (Bà La Môn) ở Ấn Độ

2-Đạo Phật cũng xuất phát từ Ấn Độ

3-Đạo Ki – Tô (Thiên Chúa) xuất phát từ vùng Trung Đông

4-Đạo Islam (Hồi Giáo) cũng xuất phát từ Trung Đông

Vì vậy, trong kinh điển của các tôn giáo trên thế giới đều dạy tín đồ phải "e dè – cẩn trọng" trước thân thể và sắc đẹp phụ nữ. Đạo Hồi còn đi đến cực đoan trong quan niệm này bằng cách bắt buộc phụ nữ Hồi Giáo phải trùm khăn kín mít từ đầu đến chân mỗi khi ra đường. Phật Giáo và các tôn giáo còn lại, tuy không cực đoan như Hồi Giáo, nhưng cũng thường xuyên giáo dục tín đồ về vẻ đẹp chân chính của người nữ.

Vì vậy, từ ngàn xưa, khi mà loài người còn tuyệt đối tín tâm vào các nền tôn giáo, thì nét đẹp của phụ nữ trong các xã hội, phương Tây cũng như phương Đông, đều thiên về sự kín đáo, nết na tôn vinh vẻ hiền thục, đức hạnh của người nữ. Kết quả của nền giáo dục luân lý đạo đức tôn giáo là một đời sống xã hội thanh tịnh, an lành kéo dài suốt cả mấy ngàn năm của nhân loại.

Nhưng rồi, cái thời tuân phục vào tôn giáo đã đi qua khi các cuộc cách mạng dân chủ , cách mạng duy vật ở phương Tây nổi lên thành công, cùng với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật ngày nay… làm cho con người khởi lên ý niệm muốn thoát khỏi sự nô lệ vào thần thánh bằng cách phá vỡ các giá trị luân lý lâu đời do tôn giáo thiết lập nên.

Một trong những sự phá vỡ nền tảng luân lý đạo đức các tôn giáo mãnh lệt nhất nằm ở lãnh vực thời trang. Ngưới ta lấy thân thể phụ nữ ra để kinh doanh kiếm lời bằng cách cắt ngắn dần y phục phụ nữ như 3 bức ảnh minh họa dưới đây :

ao daicong so1430894745 e1

Giới đạo đức cay đắng nhận ra rằng : những lời lẽ tốt đẹp nhằm dạy cho người ta sống đạo đức thật khó khăn vất vả mà rất ít người chịu nghe, trong lúc đó thời trang lại ngày càng lôi kéo con người vào việc "chiêm ngưỡng thân thể phụ nữ" làm niềm vui thú và hậu quả là đạo đức xã hội ngày càng đi xuống, đời sống ngày càng trở nên bất an. Từ chỗ "nhìn tịnh tướng phụ nữ" kéo theo biết bao tội lỗi khác. Thật quả đúng như lời dạy của bậc Đạo Sư Thích Ca Mâu Ni cách đây hơn 25 thế kỷ.

Bạn thân mến,

Dưới nhãn quan của một Phật tử, chúng ta không thể chấp nhận hình ảnh một thiếu nữ mù quáng chạy theo thời trang hôm nay với những mốt y phục "hở rún – khoe đùi" một cách trơ trẽn, đánh mất hình ảnh đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Tệ hơn nữa là những loại thời trang ấy ngày càng xuất hiện nhiều ở những nơi chốn tôn nghiêm như đình, chùa, giáo đường, thánh thất… như một cái tát vào mặt các nhà đạo đức. Tôi còn nhớ cách đây mới chừng 40 năm, tại các nước văn minh, hành vi ăn mặc lố lăng ở nơi công cộng là đã phạm tội "công xúc tu sĩ" và bị phạt vạ khá nặng tay. Còn bây giờ, đạo luật ấy dường như không còn được ai nhớ tới nữa rồi !

Là huynh trưởng GĐPT, bạn cũng như tôi, chúng ta cùng đang đi trên lộ trình hướng đến mục tiêu "người Phật tử chân chánh". Chúng ta càng phải ghi nhớ và thực hành lời Phật dạy, không "nhìn tịnh tướng" cũng như không "làm tịnh tướng" để cho người khác nhìn .

 

Nhân dịp Xuân về, tôi thân chúc bạn hãy là ngọn núi đá vững vàng trước cơn gió mạnh, đừng như cây yếu trước gió mà bị ngã đổ trước cơn bão thời trang khốc liệt hôm nay.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.