A Tu La thuộc về chúng Thần. Đó là những người làm rất nhiều công đức trong đời sống, nhưng tâm kiêu mạn còn nhiều, lòng sân hận còn sâu nên khi mãn phần được sanh về cõi Phi Thiên cũng hưởng được nhiều phước báu như chư Thiên, nhưng hình dung thì xấu xa đáng sợ. Hạng Thần này cũng thường đến nghe kinh mỗi khi Phật thuyết pháp.
Dạ Xoa tuy cũng có lòng ái mộ Phật Pháp, nhưng vì nghiệp quá nặng mà phải mang hình dáng loài Quỷ.
Ở đây, A Tu La và Dạ Xoa đã ứng hiện trong một vài hành vi không tốt của một số ít trại sinh đã diễn ra trên đất trại. Những hành vi ấy cũng không có gì nặng nề lắm, chỉ là xuất phát từ sự bồng bột thiếu suy nghĩ của tuổi trẻ mà ra, nhưng lại làm cho người chung quanh khó chịu và đôi khi xâm phạm đến lợi ích của người khác mà các em không hay biết. Tôi xin kể một số như sau :
-Một số ít đơn vị tỉnh, thành, do không có huynh trưởng lãnh đạo lớn tuổi đi theo, các huynh trưởng trẻ nắm đoàn đã không thể điều khiển nổi trại sinh của mình. Do đó các em sống lẫn lộn nam nữ chung một lều, nhất là về đêm, sự chung chạ này đi đến đỉnh điểm, rất chướng mắt mọi người chung quanh. Bộ phận kỷ luật có nhắc nhở, nhưng khi mấy anh kỷ luật đi qua rồi thì đâu lại vào đấy.
-Cũng các đơn vị này, trại sinh rất không có kỷ luật. Các em thường chơi giỡn rất khuya, thường đến 1- 2 giờ sáng mới chịu đi ngủ, khiến cho mọi người ở gần các em không thể ngủ được, gây ra cảm giác ức chế rất khó chịu.
-Một số đơn vị tự ý đốt lửa trại ngay trong khu vực dựng lều khiến cho nguy cơ cháy nổ rất cao. Nếu có bất cứ một sự cháy nổ nào xảy ra thì xem như công sức nổ lực của toàn trại sẽ tiêu tan hết.
Nói đến đây mới thấy chức năng của Ban Quản trại khu vực chưa được đặt đúng tầm quan trọng. Có thể nói trong trại Lục Hòa toàn quốc lần này, hoạt động của BQT cấp khu vực đã không được tổ chức tốt. Cụ thể như những vụ việc vi phạm nội quy trại như vừa kể trên ở từng khu vực đã không được kịp thời xử lý, trong khi khối kỷ luật của toàn trại thì không đủ nhân sự để có thể quán xuyến hết mọi khu vực.
Cũng do BQT khu vực hoạt động không hiệu quả nên dẫn đến việc buông lỏng quản lý giờ giấc và sinh hoạt của trại sinh. Điển hình như : trong buổi lễ khai mạc và bế mạc trại còn rất nhiều trại sinh đã không có mặt tại lễ đài. Hoặc như : trong đêm lửa trại chung tại lễ đài, chỉ có khoảng 1/5 số trại sinh tham dự, còn lại đều đi chơi, hoặc về khu vực mình đốt lửa trại riêng v.v…
đây là hai chúng thần chuyên về âm nhạc và ca múa. Họ đã làm rất tốt trong mấy ngày trại, mang lại sinh khí vui tươi phấn khởi cho toàn thể trại sinh, góp phần rất lớn cho sự thành công của trại.
Văn nghệ chào mừng của đơn vị chủ nhà: Đầu tiên là đêm văn nghệ chào mừng của GĐPT Quảng Ngãi với các tiết mục vừa mang tính nghệ thuật mà cũng vừa mang đậm màu sắc GĐPT, thể hiện được tinh thần Bi-Trí-Dũng của đoàn thể Áo Lam.
Cuộc thi hát tập thể: Kế đến là môn thi hát tập thể. Rất tiếc là trong Cẩm Nang trại không quy định rõ chi tiết thể thức thi nên có đội rất đông người lên hát nhưng có đội chỉ 4,5 người lên thi. Từ đó rất khó cho giám khảo chấm điểm, vì khi hát đông người thì khó đạt sự đồng đều nhưng được cái là có khí thế, còn hát ít người thì dễ có sự đồng đều nhưng lại mất đi khí thế v.v…
Văn nghệ lửa trại: Tiếp theo là cuộc thi "Văn nghệ quanh đèn" đem đến nhiều sinh khí trong đêm lửa trại. Tuy nhiên, do khâu thiết trí sân khấu trình diễn chưa hợp lý nên chỉ có một phần nhỏ trại sinh là được thưởng thức các tiết mục văn nghệ, còn lại đa số trại sinh do không thể xem văn nghệ nên đã tự động rời khỏi nơi lửa trại và trở về trại khu vực mà tổ chức lửa trại riêng, đó là điều không hay.
Một điều đáng tiếc nữa là nhiều đơn vị xây dựng các tiết mục văn nghệ rất công phu, nhưng không phù hợp với đặc điểm của "văn nghệ quanh đèn" nên không được điểm cao. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm cho các đơn vị là cần nghiên cứu kỹ nội dung "Cẩm nang trại". Một số đơn vị cho rằng cụm từ "văn nghệ quanh đèn" có thể gây hiểu nhầm với "văn nghệ sân khấu", nếu Ban Quản trại dùng cụm từ "văn nghệ lửa trại" thì dễ hiểu hơn.
Bài hát sinh hoạt:Theo chỗ chúng tôi được biết, trại sinh tham dự trại Lục Hòa toàn quốc đều là những đoàn sinh được tuyển chọn trong từng đơn vị để "đem chuông đi đánh xứ người". Do vậy, nhìn vào cung cách sinh hoạt cũng như những bài hát sinh hoạt mà các em hát tại đất trại, chúng ta có thể biết "vốn" bài hát GĐPT của các em. Tôi có dịp chứng kiến các buổi sinh hoạt tập thể của trại sinh các khu vực trên đất trại, và nhận thấy các em hát quá ít bài hát cộng đồng có tính truyền thống của GĐPT, thay vào đó là các em hát hơi nhiều bài hát sinh hoạt Đoàn, Đội trong nhà trường, thậm chí cả bài "5 anh em trên chiếc xe tăng" cũng được các đoàn sinh mình đem ra hát. Còn các bài hát GĐPT như bài "Mừng Trại Sinh" , "Trại Sinh Vô Địch" , "Tiếng Còi Đánh Thức", "Hò Bên Mái Lều" v.v… thì không thấy các em mình hát.
Với những gì tôi đã chứng kiến, tôi có thể nghĩ rằng: Bài hát sinh hoạt GĐPT đang mất chỗ đứng ngay trong sinh hoạt GĐPT.
Về tình trạng này, tôi cho rằng có mấy nguyên nhân :
-Một là, các GĐPT đang bị "thất truyền" các bài hát sinh hoạt truyền thống GĐPT
-Hai là, các đơn vị không thiếu bài hát, nhưng thiếu người hướng dẫn các em hát
-Ba là, các GĐPT đang thiếu cả hai thứ trên.
Tôi nghĩ rằng, tình trạng này cần được BHD.PBGĐPT Trung ương đặc biệt quan tâm khắc phục. Nhạc GĐPT mình rất hay, nếu để dần dần mất đi là mình có tội với tiền nhân.
Trò chơi "Phật hóa": Trong sinh hoạt GĐPT không có hoạt động nào là không mang tính giáo dục theo tinh thần Phật giáo, trong đó có cả trò chơi nhỏ. Chúng ta đã từng đặt vấn đề cần phải "Phật hóa" trò chơi nhỏ để nó trở thành phương tiện giáo dục. Trên thực tế cũng có nhiều anh chị đã làm việc này tại từng tỉnh, thành. Nhưng rất tiếc nó không được BHD Trung ương quan tâm phổ biến rộng rãi trong cả nước. Trong suốt ba ngày trên đất trại, tôi chưa một lần được thấy các em chơi một trò chơi "Phật hóa" nào. Đó là chưa nói có nhiều trò chơi với nội dung "dung tục" đã được các em chơi một cách hào hứng say sưa. Điều này thật đáng lo cho những ai có trách nhiệm với nền giáo dục GĐPT.
Trong Thiên Long Bát Bộ, đã có sáu chúng thị hiện trên đất trại Thiên Ấn. Còn lại hai chúng là :
-Ca Lâu La, chúng đại bàng cánh vàng cỡi mây lướt gió
-Ma Hầu La Già, chúng đại mảng xà bụng to ngự trị nơi hang động
là chưa thấy xuất hiện. Tuy nhiên, cũng không loại trừ hai chúng này cũng có mặt tại Thiên Ấn nhưng chưa tìm được sinh hoạt thích hợp để cho ta thấy sự có mặt của chúng mà thôi.
Tóm lại, sau bốn ngày ba đêm trên đất trại Thiên Ấn, bên cạnh gần sáu ngàn trại sinh có mặt họp bạn giao lưu, học hỏi và đoàn kết, nếu quán chiếu kỹ, chúng ta sẽ thấy còn có các chúng "phi nhơn" trong Thiên Long Bát Bộ thị hiện bằng nhiều hình tướng qua nhiều sự việc vui buồn trong sinh hoạt trại, để lại trong tâm tưởng mỗi trại sinh và mỗi thành viên Ban Quản Trại không ít suy ngẫm tùy theo góc độ quan sát của từng anh chị em.
Xin chào tạm biệt và xin hẹn gặp lại nhau trong kỳ trại Lục Hòa toàn quốc lần thứ III.