Tết Bên Cha Mẹ Già

Chúng tôi có tám anh chị em. Lúc nhỏ sống với cha mẹ ở quê nhà Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang. Lớn lên, đứa đi học, đứa đi làm ăn xa, chẳng mấy khi được tập trung đông đủ về quê thăm nhà, ngoại trừ vào ngày Têt.

Vào tiết Đông chí, người Hà Tiên có lệ cúng Đông chí bằng chè trôi nước, gọi là “ăn ỷ”. Ăn ỷ xong, nhà nhà sửa soạn đón Tết. Tôi nhớ đến ngày “ăn ỷ” , bọn chúng tôi vui lắm, biết là Tết sắp đến, hơn nữa được cùng mẹ thức khuya làm ỷ. Làm ỷ tức là nhào nặn bột, vo tròn từng viên “tuyết” trắng, tuyết hồng, nho nhỏ xinh xắn. Chúng tôi tranh nhau làm trong khi mẹ nói: “To nhỏ là do tay người nặn”. Đón Tết, mẹ tôi làm dưa món theo cách Huế của mình là đu đủ, cà rốt, dưa leo, khóm xắt miếng, tạo hình hoa. Củ cải trắng xắt thỏi, ép bỏ nước. Tất cả được phơi khô tiu tiu, cho vào keo (người Huế gọi là thẩu) rồi đổ ngập nước mắm ngon nấu với đường cát để nguội, xong ém chặt, gài lại bằng thanh tre mỏng. Mẹ làm củ kiệu chua cũng công phu lắm.

Ngoài bánh mứt, người Hà Tiên còn ăn Tết với bánh Tét, bánh Tổ, củ cải muối dưa, cả măng khô kho thịt. Chẳng ai làm bánh chưng. Cha tôi bảo:”Làm bánh Tét, phải xào nếp với nước cốt dừa. Đậu xanh đãi vỏ để nguyên hột, gói với thịt mỡ. Bánh Tét Chuối, ướp chuối với nước cốt dừa, làm nhưn”. Mẹ nói: “Bánh “của tui”, nếp không xào mà để ráo nước, cho thêm chút muối chút đường. Đậu xanh đãi vỏ nấu chín, đánh nhuyển, vắt từng lọn dài, gói chung thịt mỡ”. Mẹ còn làm bánh chưng (chắc để khoe) và dạy chúng tôi xếp khuôn bằng lá dừa, theo ni tấc. Cách gói đẹp là buộc sao cho vuông vức. Để được công nhận người Hà Tiên chính hiệu, mẹ tôi học làm bánh Tổ: đường thốt nốt nấu ít gừng, khi vừa nguội, nhào với bột nếp, sẽ có màu nâu sền sệt, rồi cho vào từng cái khuôn tre nhỏ, đã lót sẵn lá chuối, gọi là áo bánh, xong đem chưng cách thủy; Khi chín, phơi nắng cho đến lúc mặt bánh nhẵn khô, cứng mà vẫn dẻo. Bánh Tổ ăn tươi hoặc chiên, rất ngon.

Sơn phết, trang hoàng nhà cửa, lên núi kiếm vài nhánh mai chưng Tết hoặc làm quà, đến rằm, lặt lá; qua rằm tảo mộ, chùi lư…là việc của cha và các em trai tôi. Bọn con gái chúng tôi thì lo quét dọn trong ngoài, giặt sạch màn cửa, mùng mền v.v…

Mỗi một cái Tết trôi qua, bầy đàn chúng tôi tăng trưởng có kế hoạch trong khi sức khỏe cha mẹ tôi xuống cấp. Chuyện làm bánh, làm dưa, cùng moi việc lo đón Tết như mọi năm, với chúng tôi nay chỉ còn trong ký ức. Tuy thế, chúng tôi vẫn thực hiện được vì đã lo mua sắm và thuê mướn nhân công trước cả một hai tuần để kịp sáng mùng một Tết, cả bảy tám gia đình nhỏ gồm mười bảy đứa cháu nội ngoại của cha mẹ tôi, mặc quần áo đẹp, thắp nhang lạy Phật và Tổ tiên, sau đó mừng tuổi ông bà, cha mẹ.

Ở phòng thờ, cha mẹ tôi ngồi trên ghế. Bầy chúng tôi quần tụ thành vòng khép kín dưới nền gạch bóng cùng bánh mứt và các thứ. Giờ đã điểm, trưởng nam của cha “phát pháo”. Thế là mỗi gia đình chúng tôi, theo trật tự thứ lớp, mừng tuổi cha mẹ, báo cáo việc làm, việc học trong năm. Cha mẹ tôi lắng nghe, ôn tồn khuyên nhủ, động viên, dặn dò từng đứa một. Sau đó cha cảm ơn mẹ nuôi dạy các con nên người và săn sóc cha chu đáo (liền ôm hôn mẹ, chúng tôi vỗ tay vui quá trời). Cha nói thêm:”Cảm ơn các con đã tận tình chăm lo thuốc men cùng mọi cái cho ba má, cũng rất chu đáo. Các con còn cho xe đưa ba má đi thăm các kiểng chùa, mua nhiều băng đĩa để ba má nghe giảng pháp. Nhân ngày đầu năm có đủ mặt các con, ba má dặn các con thêm điều quan trọng là khi ba má bịnh hoạn, không được duy trì đời sống thực vật, nghĩa là gắn vào người nhiều dây nhợ máy móc. Ba má muốn ra đi êm ái nhẹ nhàng và khi mãn phần, các con nên tổ chức tang lễ gọn nhẹ nhưng phải đúng nghi lễ, hợp thời, nghĩa là không chọn hòm rương xa hoa đắt giá và rình rang kèn trống ồn ào, không phát loa lời tụng kinh niệm Phật làm náo động xóm giềng, chỉ cần có tiếng niệm nho nhỏ cho ba má “nghe” để nương theo đó mà về cõi Phật và nhất là không xả rác dọc đường, rải giấy tiền vàng mã lung tung khi đưa đám. Nhưng cũng đừng hời hợt quá, người ta chê cười. Nhà mình xưa nay không có lệ đốt vàng mã, ta cứ thế mà làm. Việc cúng kiếng, thết đãi khách và cúng cơm (bất luận lúc nào) phải dùng món chay, không sát sanh nấu thịt cá. Tiền phúng điếu, các con nên bố thí hoặc cúng dường Tam Bảo. Đó là nếp nhà cần phải giữ. Làm được vậy là các con đã đền ơn, báo hiếu ba má…”

Chúng tôi lằng nghe rồi cùng “Dạ”. Tiếp theo, hai cụ chúc Tết, lì xì cho hết thảy các cháu nội ngoại. Chúng nó vui mừng cám ơn rồi ca hát, đọc thơ. Ổn định xong, mọi người đứng lên chụp chung tấm ảnh cả nhà và mỗi gia đình chụp riêng, tất nhiên không thể thiếu hai nhân vật chính. Thoắt cái, bánh mứt, trà nước hết veo, vỏ hạt dưa vãi khắp phòng.

Có đủ anh chị em ruột thì sum vầy bên cha mẹ già ăn Tết, được nghe lời bảo ban căn dặn quý báu của Người, đó là lộc phước Trời Phật ban cho, còn gì hạnh phúc hơn? Tôi cầu mong anh chị em chúng tôi, cầu mong mọi người mọi nhà, mãi mãi được lộc phước ấy.

A Di Đà Phật!

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.