Nội Quy Huynh Trưởng

LỜI NÓI ĐẦU

Huynh trưởng Gia đình Phật tử là cán bộ nòng cốt của tổ chức, là người thực hiện mục đích của Gia đình Phật tử , vì thế Huynh trưởng đóng vai trò hết sức quan trọng về sự thịnh suy của Gia đình Phật tử .

Nội quy Huynh trưởng được thiết lập năm 1955 do Đại Hội Huynh trưởng Gia đình Phật tử họp tại Chùa Linh Sơn – Đà Lạt, đến nay đã được tu chỉnh 4 lần qua các Đại Hội Huynh trưởng Gia đình Phật tử năm 1964 và 1967 tại Sài Gòn (nay là Thành Phố Hồ Chí Minh), năm 1973 tại Đà Nẵng và năm 2011 tại Huế.

Mục đích của Nội quy Huynh trưởng nhằm liên kết tất cả Huynh trưởng các cấp, các ngành thành một khối đoàn kết, thống nhất tư tưởng, thống nhất ý chí, quyết tâm tu học, khép mình vào kỷ cương, trau dồi thân giáo để hoàn thành sứ mệnh của người Huynh trưởng.

CHƯƠNG I

TU HỌC – HUẤN LUYỆN

Sự học là mênh mông, chương trình tu học và các trại huấn luyện có giới hạn, tuy nhiên nó có tính chất cốt lõi, cơ bản và tiệm tiến. Vừa học vừa tu vừa phục vụ là tâm nguyện của người Huynh trưởng Gia đình Phật tử.

ĐIỀU 1: TU HỌC

Huynh trưởng có 4 bậc học:

– Bậc Kiên : thời gian học 1 năm

– Bậc Trì : thời gian học 2 năm

– Bậc Định : thời gian học 3 năm

– Bậc Lực :thời gian học 4 năm.

Chương trình mỗi bậc học có 4 học phần:

Phần A: Phật pháp – Tinh thần – Lịch sử

Phần B: Hiểu biết về tổ chức Gia đình Phật tử và Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Phần C: Kiến thức tổng quát và khả năng chuyên môn.

Phần D: Tu tập tự thân

ĐIỀU 2: TỔ CHỨC CÁC LỚP HỌC

Phân ban Gia đình Phật tử tỉnh thành tổ chức các lớp học và khảo sát các bậc học Kiên Trì và Định.

– Tổ chức lớp học bậc Lực theo kế hoạch của Trung ương.

Phân Ban Gia đình Phật tử Trung ương tổ chức khảo sát bậc Lực mỗi năm và kết khóa.

ĐIỀU 3: HUẤN LUYỆN

Sau mỗi bậc học, Huynh trưởng phải qua 1 trại huấn luyện 5 ngày đêm.

Trại huấn luyện Huynh trưởng Sơ cấp Lộc Uyển để đào tạo Đoàn phó

Trại huấn luyện Huynh trưởng cấp I A Dục để đào tạo Đoàn trưởng.

Trại huấn luyện Huynh trưởng cấp II Huyền Trang để đào tạo Liên Đoàn trưởng.

Trại huấn luyện Huynh trưởng cấp III Vạn Hạnh để đào tạo ban viên Ban Hướng dẫn.

Chương trình huấn luyện có 3 học phần:

Phần A: Rèn chí

Phần B: Kiến thức về tổ chức và điều hành.

Phần C: Kỹ năng chuyên môn.

ĐIỀU 4: TỔ CHỨC CÁC TRẠI HUẤN LUYỆN

Phân ban Gia đình Phật tử tỉnh thành tổ chức các trại huấn luyện Lộc Uyển – A Dục – Huyền Trang.

Phân ban Gia đình Phật tử Trung Ương tổ chức trại Vạn Hạnh và khóa hội thảo sau Vạn Hạnh.

CHƯƠNG II

XÉT XẾP CẤP HUYNH TRƯỞNG

Căn cứ vào trình độ tu học, phẩm chất đạo đức, năng lực sinh hoạt, tinh thần phục vụ và hội đủ thâm niên, Huynh trưởng Gia đình Phật tử được sắp xếp vào các cấp bậc: cấp Tập, cấp Tín, cấp Tấn, cấp Dũng được quy định như sau.

ĐIỀU 5: ĐIỀU KIỆN XẾP CẤP

1. CẤP TẬP :

– Đủ 23 tuổi.

– Trúng cách bậc Trì

– Có tu tập tự thân

– Trúng cách trại huấn luyện A Dục

– Đang sinh hoạt, có thâm niên Huynh trưởng ít nhất 3 năm liên tục

2. CẤP TÍN :

– Đủ 28 tuổi.

– Thâm niên cấp Tập ít nhất 3 năm

– Trúng cách bậc Định

– Có tu tập tự thân

– Trúng cách trại huấn luyện Huyền Trang

– Đang sinh hoạt, có thâm niên Huynh trưởng ít nhất 9 năm liên tục

3. CẤP TẤN :

– Đủ 36 tuổi.

– Thâm niên cấp Tín ít nhất 5 năm.

– Trúng cách bậc Lực.

– Có tu tập tự thân.

– Trúng cách trại huấn luyện Vạn Hạnh.

– Đang sinh hoạt, có thâm niên Huynh trưởng ít nhất 15 năm liên tục.

4. CẤP DŨNG :

– Đủ 46 tuổi.

– Thâm niên cấp Tấn ít nhất 10 năm.

– Có luận án nghiên cứu về Phật học, về Gia đình Phật tử hoặc các công trình nghiên cứu khác được Hội đồng xét duyệt của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương công nhận.

– Đang sinh hoạt, có thâm niên Huynh trưởng ít nhất 25 năm liên tục.

5. ĐẶC CÁCH :

– Huynh trưởng chỉ được đặc cách xếp cấp 1 lần trong đời.

ĐIỀU 6: THỂ THỨC XẾP CẤP

1.CẤP TẬP:

-Huynh trưởng đương sự lập sách tịch đính kèm các chứng từ liên quan mỗi thứ 3 bản.

– Ban Huynh trưởng Gia đình đề nghị.

– Căn cứ kết quả của Hội đồng xét xếp cấp, Phân ban GĐPT tỉnh, thành ban hành quyết định. Quyết định này có khán duyệt của Thường trực Ban Trị sự tỉnh, thành.

2. CẤP TÍN:

– Huynh trưởng đương sự lập sách tịch, đính kèm các chứng từ liên quan mỗi thứ 4 bản.

– Ban Huynh trưởng Gia đình hoặc Phân ban GĐPT tỉnh, thành đề nghị.

– Hội đồng xét xếp cấp của tỉnh, thành xét duyệt và trình Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh, thành ban hành quyết định.

3. CẤP TẤN:

– Huynh trưởng đương sự lập sách tịch, đính kèm các chứng từ liên quan mỗi thứ 5 bản.

– Phân ban GĐPT tỉnh, thành hoặc Phân ban GĐPT Trung ương đề nghị.

– Hội đồng xét xếp cấp của Trung ương xét duyệt và trình Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương ban hành quyết định.

4. CẤP DŨNG:

– Huynh trưởng đương sự lập sách tịch,đính kèm các chứng từ liên quan và luận án mỗi thứ 5 bản.

– Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh, thành hoặc Phân ban GĐPT Trung ương đề nghị.

– Hội đồng xét xếp cấp của Trung ương xét duyệt và trình Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương ban hành quyết định.

ĐIỀU 7:HỘI ĐỒNG XÉT XẾP CẤP

A. Tại Tỉnh, Thành hội:

1. Hội đồng xét xếp cấp Tập và Tín gồm có:

– Chứng minh: Trưởng ban HDPT tỉnh, thành.

– Chủ tịch: Trưởng Phân ban GĐPT tỉnh, thành .

– Phó Chủ tịch: Phó Phân ban GĐPT tỉnh, thành hoặc một Huynh trưởng cao niên cấp Tấn.

– Thuyết trình viên: Ủy viên Nội vụ Phân ban GĐPT tỉnh, thành.

– Thư ký: Thư ký của Phân ban GĐPT tỉnh, thành.

– Ủy viên: 1 Huynh trưởng cấp Tín thâm niên

1 Huynh trưởng cấp Tập thâm niên

Đại diện Phân ban GĐPT tại quận, huyện, thị xã.

Hội đồng xét xếp cấp này được Thường trực Ban Trị sự tỉnh, thành ban hành quyết định thành lập.

(Ghi chú: Ngoài vị chứng minh, Hội đồng phải có ít nhất 3 Huynh trưởng có cấp cao hơn cấp Huynh trưởng được xét).

2. Hội đồng xét đề nghị xếp cấp Tấn và Dũng gồm có:

– Chứng minh: Trưởng ban HDPT tỉnh, thành

– Chủ tịch: Trưởng Phân ban GĐPT tỉnh, thành.

– Phó Chú tịch: Phó Phân ban GĐPT tỉnh, thành.

– Thuyết trinh viên: Ủy viên Nội vụ Phân ban GĐPT tỉnh, thành.

– Thư ký: Thư ký của Phân ban GĐPT tỉnh, thành.

– Ủy viên: 2 Huynh trưởng cấp Tấn trở lên

Hội đồng này được Thường trực Ban Trị sự tỉnh, thành ban hành quyết định thành lập và chỉ xét đề nghị các Huynh trưởng có đủ điều kiện xếp cấp Tấn, Dũng và lập danh sách để Thường trực Ban Trị sự tỉnh, thành chuyển trình Trung ương xét xếp.

B. Tại Trung ương:

1. Hội đồng xét xếp cấp Tấn gồm có:

– Chứng minh : Trưởng ban HDPT Trung ương

– Chủ tịch: Trưởng Phân ban GĐPT Trung ương

Một Huynh trưởng cấp Dũng.

– Phó Chủ tịch: Phó Phân ban GĐPT Trung ương hoặc một Huynh trưởng cấp Tấn thâm niên.

– Thuyết trình viên: Ủy viên Nội vụ Phân ban GĐPT Trưng ương.

– Thư ký: Thư ký của Phân ban GĐPT Trung ương.

– Ủy viên: 1 Huynh trưởng thâm niên cấp Tấn trở lên.

2. Hội đồng xét xếp cấp Dũng gồm có:

– Chủ tịch: Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử Trưng ương.

– Phó Chủ tịch: – Trưởng Phân ban GĐPT Trung ương.

– Một vị trong Ban Giám khảo duyệt xét luận án.

– Thuyết trình viên: Ủy viên Nội vụ Phân ban GĐPT Trung ương.

– Ban Thư ký: – Chánh Thư ký Ban Hướng dẫn Phật tử TW

– Chánh Thư ký Phân ban GĐPT Trung ương.

– Ủy viên: – Các Huynh trưởng cấp Dũng.

– Một cư sĩ uyên thâm Phật học.

Hội đồng xét xếp cấp Tấn và Dũng được Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương ra quyết định thành lập.

ĐIỀU 8:HỒ SƠ XÉT XẾP CẤP

1. Hồ sơ xin xét xếp cấp Tập, Tín gồm: Biên bản bình nghị của Ban Huynh trưởng Gia đình, sách tịch của Huynh trưởng và các chứng từ phải gởi về Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử tỉnh, thành theo thời gian quy định. Sau khi xét và ban hành quyết định. Ban Hướng dẫn Phân Ban Gia đình Phật tử tỉnh, thành gởi trình Ban Hướng dẫn Phân Ban Gia đình Phật tử Trung Ương (mỗi thứ 01bản) gồm có:

– Quyết định thành lập Hội đồng xét xếp cấp.

– Biên bản của Hội đồng xét xếp cấp.

– Quyết định xếp cấp Tập, Tín.

– Sách tịch Huynh trưởng.

2. Hồ sơ đề nghị xét xếp cấp Tấn, Dũng do Ban Hướng dẫn Phân ban GĐPT tỉnh, thành lập để Thường trực Ban Trị sự tỉnh, thành chuyển trình Trung ương xét xếp cấp (mỗi thứ 02 bản) gồm có:

– Quyết định thành lập Hội đồng xét đề nghị cấp Tấn, Dũng.

– Biên bản đề nghị.

– Sách tịch Huynh trưởng.

– Chứng từ liên quan (cấp Dũng kèm theo Luận án).

Mọi thủ tục xét xếp cấp, xét đề nghị nên triển khai từ tháng 7 âm lịch để kịp tổ chức lễ thọ cấp trong dịp Đại lễ Thành Đạo của Đức Bổn Sư (mồng 8 tháng chạp Âm lịch).

ĐIỀU 9:TỔ CHỨC LỄ THỌ CẤP

1. Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh, thành tổ chức lễ thọ cấp cho các Huynh trưởng cấp Tập và cấp Tín.

2. Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương tổ chức lễ thọ cấp cho các Huynh trưởng cấp Tấn và Dũng. Trường hợp các Huynh trưởng cấp Tấn không thuận tiện về Trung ương thọ cấp, BHDPT Trung ương ủy nhiệm Thường trực Ban Trị Sự tại các tỉnh, thành tổ chức lễ thọ cấp cho các Huynh trưởng cấp Tấn đó.

 ĐIỀU 10:TRUY TẶNG VÀ TRUY THĂNG CẤP

1. Huynh trưởng quá cố trong lúc thi hành Phật sự được truy tặng một cấp.

2. Huynh trưởng quá cố trong các trường hợp khác được truy thăng một cấp nếu có đủ nửa thời gian của cấp tiếp theo.

– Việc truy tặng và truy thăng cấp phải có đề nghị trực tiếp của đơn vị quản lý Huynh trưởng đó.

CHƯƠNG III

BỔN PHẬN – NHIỆM VỤ – QUYỀN HẠN

ĐIỀU 11: HUYNH TRƯỞNG CẤP TẬP

-Được công nhận là huynh trưởng chính thức của Gia đình Phật tử Việt Nam.

– Tham gia vào Ban Huynh trưởng Gia đình Phật tử.

– Làm Đoàn trưởng.

-Làm Trại trưởng trại huấn luyện Đội Chúng trưởng, phó và Đầu Thứ đàn.

– Làm Huấn luyện viên trại huấn luyện Huynh trưởng Lộc Uyển, ban viên Ban Quản trại Lộc Uyển và A Dục.

– Có trách nhiệm về sự thịnh suy của Đoàn, và liên đới trách nhiệm với Ban Huynh trưởng về sự thịnh suy của Gia đình Phật tử cở sở.

– Có quyền biểu quyết công việc của Gia đình Phật tử cơ sở.

– Được tham dự các cuộc họp Gia đình Phật tử cấp tỉnh, thành.

– Được mời làm phụ tá cho ban viên Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử tỉnh, thành.

– Có quyền giới thiệu người vào Gia đình Phật tử để làm Huynh trưởng tập sự.

ĐIỀU 12: HUYNH TRƯỞNG CẤP TÍN

– Làm Liên Đoàn trưởng, Phó, hay Ban viên Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử tỉnh, thành.

– Làm Trại trưởng trại huấn luyện Lộc Uyển.

– Làm Huấn luyện viên trại huấn luyện Huynh trưởng A Dục.

– Có trách nhiệm về sự thịnh suy của Gia đình Phật tử cơ sở, và liên đới trách nhiệm với Ban Hướng dẫn Phân Ban Gia đình Phật tử tỉnh, thành về sự thịnh suy của Gia đình Phật tử tỉnh, thành.

– Có tất cả quyền hạn của Huynh trưởng cấp Tập.

– Được tham dự các cuộc họp Gia đình Phật tử do Trung ương triệu tập.

– Ứng cử làm ban viên Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử tỉnh, thành. Trường hợp đặc biệt có thể được tín nhiệm làm Trưởng ban.

ĐIỀU 13: HUYNH TRƯỞNG CẤP TẤN

– Làm Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử tỉnh, thành hay Ban viên Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử Trung ương.

– Làm Trại trưởng các trại huấn luyện Lộc Uyển – A Dục – Huyền Trang.

– Làm Huấn luyện viên trại Vạn Hạnh.

– Có trách nhiệm về sự thịnh suy của Gia đình Phật tử tỉnh, thành và liên đới trách nhiệm với Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử Trung ương về sự thịnh suy của Gia đình Phật tử Việt nam.

– Có tất cả quyền hạn Huynh trưởng cấp Tín.

– Ứng cử làm ban viên Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử Trung ương trừ chức vụ trưởng ban.

– Được tuyển chọn tham gia các hội nghị do Giáo hội triệu tập.

ĐIỀU 14: HUYNH TRƯỞNG CẤP DŨNG

-Làm Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử Trung ương.

– Làm Trại trưởng trại Huấn luyện Huynh trưởng Vạn Hạnh.

– Có trách nhiệm về sự thịnh suy của Gia đình Phật tử Việt Nam.

– Có tất cả quyền hạn Huynh trưởng cấp Tấn.

– Được đại diện Gia đình Phật tử Việt Nam tham gia các hội nghị Phật giáo trong và ngoài nước.

CHƯƠNG IV

HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ HUYNH TRƯỞNG

ĐIỀU 15: THÀNH PHẦN HỘI ĐỒNG

– Hội đồng Quản trị Huynh trưởng có 2 cấp: Trung ương và tỉnh thành do Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử Trung ương và tỉnh thành thành lập:

· Chủ tịch (là Trưởng Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử)

· 2 Phó chủ tịch

· Thư ký

· Thủ Quỹ

· 4 Ủy viên

Hội đồng Quản trị Huynh trưởng có 9 thành viên, trong đó Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch, 1 Thư ký, 1 Ủy viên Nội vụ và 1 Ủy viên Tổ kiểm là 5 thành viên thuộc thành phần Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử đương nhiệm. Còn lại 4 thành viên là 1 Phó Chủ tịch, 1 Thủ quỹ và 2 Ủy viên do Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử mời các Huynh trưởng ngoài Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử tham gia.

– Nhiệm kỳ của Hội đồng Quản trị Huynh trưởng theo nhiệm kỳ của Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử.

ĐIỀU 16: NHIỆM VỤ HỘI ĐỒNG

1.Giữ gìn tinh thần đoàn kết gắn bó, tăng trưởng đạo tình, phát huy sang kiến của Huynh trưởng.

2.Khuyến khích, vận động tất cả Huynh trưởng đều phải tham gia học tập huấn luyện.

3.Quản thủ và nhật tu hồ sơ sách tịch Huynh trưởng.

4.Tổ chức Hội đồng xét xếp và thọ cấp cho Huynh trưởng.

5.Hướng dẫn, hỗ trợ cho Huynh trưởng thực hiện bổn phận nhiệm vụ quyền hạn của người Huynh trưởng có cấp.

6.Quan tâm đời sống và tổ chức việc tương trợ của Huynh trưởng.

7.Cấp thẻ Huynh trưởng (cấp Dũng và Tấn do Trung ương cấp, cấp Tín và Tập do tỉnh, thành cấp khi có khuôn dấu Gia đình Phật tử tỉnh thành).

8.Tổ chức các đoàn Huynh trưởng cùng cấp để sách tấn nhau tu học, phục vụ và liên lạc nhanh chóng.

9.Theo dõi sự thi hành các quyết định của Hội đồng kỷ luật.

ĐIỀU 17: VẤN ĐỀ KỶ LUẬT

A.Chủ trương

Gia đình Phật tử chủ trương kỷ luật tự giác, yêu cầu Huynh trưởng tự khép mình vào khuôn khổ của 5 điều luật Gia đình Phật tử, tuân thủ Nội quy Gia đình Phật tử và Nội quy Huynh trưởng.

B.Biện pháp kỷ luật

-Nhắc nhở, phê bình, cảnh cáo, sám hối.

-Cảnh cáo có ghi vào sách tịch Huynh trưởng.

-Tạm ngưng sinh hoạt.

-Miễn nghị xét xếp cấp Huynh trưởng.

-Ra khỏi Gia đình Phật tử.

C.Xử lý kỷ luật

Đối với Huynh trưởng vi phạm kỷ luật, Ban Huynh trưởng Gia đình họp nội bộ để nhắc nhở, phê bình, cảnh cáo hoặc sám hối trước Tam Bảo.

Đối với những trường họp còn lại tại Điều 17, Ban Huynh trưởng Gia đình Phật tử phải trình Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử tỉnh, thành giải quyết.

Nếu Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử tỉnh, thành không giải quyết được thì lập hồ sơ chuyển lên Ban Hướng dẫn Phân ban Gia đình Phật tử Trung ương giải quyết.

 CHƯƠNG V

TỔNG QUÁT – SỬA ĐỔI – HIỆU LỰC

ĐIỀU 18:

– Nội quy Huynh trưởng này gồm có Lời nói đầu, 05 chương và 18 điều.

– Mọi sửa đổi Nội quy Huynh trưởng phải do hội nghị Đại biểu Huynh trưởng toàn quốc quyết định.

– Nội quy Huynh trưởng có hiệu lực kể từ ngày được Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương chấp thuận, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê chuẩn./.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.