Nhân đợt thọ cấp của GĐPT Kiên Giang nói về “Ý Nghĩa Việc Xếp Cấp Và Thọ Cấp Trong Gia Đình Phật Tử”

Ý Nghĩa Việc Xếp Cấp và Thọ Cấp
Trong Gia Đình Phật Tử

Minh Kim

BAN BIÊN TẬP:

Theo kế hoạch hoạt động của Phân Ban Gia Đình Phật Tử Kiên Giang nhiệm kỳ 2022-2027, vào giữa năm 2024 sẽ tổ chức xét cấp Tập, cấp Tín đợt I cho Huynh trưởng đang sinh hoạt trong tỉnh. Nhân dịp này, Ban biên tập trang website gdptkiengiang.vn xin đăng lại bài viết “Ý nghĩa việc xếp cấp và thọ cấp trong GĐPT” trích từ tác phẩm “Tìm Hiểu Về Gia Đình Phật Tử” của huynh trưởng cấp Tấn Minh Kim Quách Văn Thành, Cố Trưởng BHD.PB.GĐPT Kiên Giang.

Rất mong bài viết này sẽ giúp các đơn vị xoá bỏ một số hiểu lầm, nghi ngại, lo lắng trong việc thọ cấp; Đồng thời tích cực động viên, hỗ trợ Huynh trưởng đơn vị mình chuẩn bị tốt hồ sơ cho việc xét cấp.

* * *

Việc xét xếp cấp trong sinh hoạt Gia Đình Phật Tử (GĐPT) có tầm quan trọng và mang một ý nghĩa đặc biệt, góp phần làm cho tổ chức Áo Lam thêm chặt chẽ, nhờ đó tăng thêm sức mạnh cho con thuyền Lam vượt qua bao thác ghềnh, sóng gió, mang sứ mạng phụng sự đạo pháp và dân tộc đi đến bến bờ viên mãn.

Thế nào là quan trọng? thế nào là mang ý nghĩa đặc biệt? Anh chị em chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu để việc mang cấp của người huynh trưởng đem lại lợi ích thiết thực cho bản thân huynh trưởng và cho tổ chức GĐPT.

I-Ý nghĩa việc xếp cấp trong GĐPT:

Tại sao Giáo hội cần xét xếp cấp cho huynh trưởng? Đó là vì:

1) Muốn cho tổ chức hoạt động hiệu quả hơn:

Chúng ta thử tưởng tượng trong một tổ chức mà ai cũng như ai, không có sự khác biệt trong trách nhiệm và chức vụ, nói nôm na là không có trên không có dưới… thì tổ chức đó làm sao hoạt động có hiệu quả? Vì không ai nể nang ai, không ai nghe lời ai, như ông bà ta thường nói “cá mè một lứa” thì cái tổ chức ấy khác chi một cái chợ? Làm sao hoạt động có hiệu quả được?

2) Muốn trọng dụng những người có tài có đức:

Khi xét xếp cấp cho huynh trưởng, Hội đồng xét xếp cấp căn cư vào những tiêu chí sau đây:

– Thâm niên

– Đủ tiêu chuẩn về trình độ tu học và huấn luyện

– Đạo đức bản thân (chủ yếu xét ở sự trung thành và công lao cống hiến cho tổ chức, đồng thời không vi phạm một lỗi lớn nào từ đợt xét cấp trước cho đến nay)

Những anh chị nào hội đủ các tiêu chí trên đây thì đó là những huynh trưởng có tài và đức vượt trội hơn các đồng đội còn lại. Xếp cấp cho các anh chị có nghĩa là Giáo hội công nhận các anh chị có đủ tài và đức để đảm đương trách vụ lớn hơn.

3) Thể hiện sự tin tưởng của Giáo hội vào huynh trưởng:

Việc xếp cấp cho huynh trưởng cũng mang ý nghĩa thể hiện sự tin tưởng của Giáo hội vào huynh trưởng được xếp cấp. Sự tin tưởng nằm ở chỗ: anh chị nào cấp cao hơn sẽ được giao chức vụ cao hơn và đảm nhiệm công việc lớn hơn trong tổ chức Áo Lam và được tham gia bàn bạc những vấn đề to tát hơn, tức đồng nghĩa với việc anh chị có cơ hội tạo công đức lớn hơn trong việc phục vụ GĐPT và Giáo hội.

II-Ý nghĩa việc thọ cấp:

Xếp cấp là công việc của Giáo hội mang những ý nghĩa như trên. Thọ cấp là việc của người huynh trưởng, cũng mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta không hiểu thì việc thọ cấp sẽ bị sai lệch về ý nghĩa và mang lại những hậu quả tiêu cực cho người thọ cấp. Sau đây là những ý nghĩa mà người thọ cấp cần quán triệt.

1) Cấp bậc càng cao thì trách nhiệm càng cao:

Khi người huynh trưởng được thăng cấp cũng đồng nghĩa là tổ chức muốn anh chị phải chịu trách nhiệm cao hơn trong mọi mặt sinh hoạt GĐPT. Mà trách nhiệm cao hơn là đồng nghĩa với chức vụ cao hơn và cống hiến nhiều hơn. Thí dụ:

-Huynh trưởng cấp Tập có trách nhiệm với đoàn mình đang làm đoàn trưởng và liên đới chịu trách nhiệm trước sự thịnh suy của Gia đình.

-Huynh trưởng cấp Tín có trách nhiệm với cả đơn vị Gia đình mình đang làm liên đoàn trưởng (hay phó), đồng thời liên đới chịu trách nhiệm với sự lớn mạnh của phong trào GĐPT trong tỉnh (vì có thể mình được mời vào BHD Tỉnh)

-Huynh trưởng cấp Tấn có trách nhiệm với cả tổ chức GĐPT tại tỉnh, thành địa phương, nơi mình đang là ban viên Ban Hướng dẫn tỉnh, đồng thời liên đới chịu trách nhiệm trước tổ chức GĐPT cả nước (Vì có thể mình được mời vào BHD Trung ương)

-Huynh trưởng cấp Dũng có trách nhiệm với sự thịnh suy của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

2) Cấp bậc và chức vụ trong GĐPT không giống như ngoài đời:

GĐPT không dùng cấp bậc và chức vụ để làm giàu hay để bắt nạt người khác hoặc để ăn trên ngồi trước, lên mặt hách dịch với mọi người. Cấp bậc và chức vụ trong Gia Đình Phật Tử chỉ là phương tiện giúp cho người huynh trưởng được cống hiến nhiều hơn. Sự cống hiến của huynh trưởng sẽ được Luật Nhân Quả ghi nhận và tích lũy trong Nghiệp thiện của mỗi người chứ không tính thành quyền lợi vật chất hay tiền tài danh vọng như ngoài thế gian.

3) Cấp bậc và chức vụ trong GĐPT giúp cho huynh trưởng tăng thêm đạo đức:

Huynh trưởng có cấp phải nêu gương tốt cho huynh trưởng chưa có cấp. Huynh trưởng cấp cao phải đạo đức hơn huynh trưởng cấp dưới. Đó là truyền thống của GĐPT. Truyền thống này khiến cho huynh trưởng phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức và phát triển tài năng để làm gương cho huynh trưởng đàn em. Những người đeo cấp cao mà biến chất, lười biếng, bất tài, hút thuốc, uống rượu, nói dối, lem nhem tiền bạc… sẽ bị các huynh trưởng đàn em khinh chê. Huynh trưởng mang cấp cao mà thiếu tu dưỡng để tiến bộ từng ngày thì sự nghiệp làm huynh trưởng sẽ không thể lâu dài, chắc chắn sẽ bị đào thải khỏi tổ chức.

Rất mong anh chị em thọ cấp trong đợt này hãy tư duy quán chiếu kỹ những ý nghĩa trên đây để cho việc xếp cấp và thọ cấp của các anh chị mang đầy đủ ý nghĩa tốt đẹp và trong thực tế sẽ đem lại lợi lạc cho bản thân huynh trưởng cũng như cho Giáo hội và tổ chức GĐPT Kiên Giang.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.