Cấp Cô Độc

HỎI:

Kính thưa Ban Biên tập,

Trong lịch sử Đức Phật Thích Ca thường nhắc đến ông Cấp Cô Độc. Chúng em muốn tìm hiểu rõ hơn về nhân vật này. Kính đề nghị BBT giúp đỡ (minhan…@gmail.com)

TRẢ LỜI:

Bạn minhan…@gmail.com thân mến,

Vị thí chủ quan trọng nhất thời Đức Phật còn tại thế là ông Cấp Cô Độc, một trưởng giả triệu phú.

Tên tộc của ông là Sudatta (Tu Đạt Đa). Về sau, do lòng quảng đại vô song của ông, người đời tặng ông danh hiệu Cấp Cô Độc, có nghĩa là “nuôi ăn những người cô đơn nghèo khó” . Ông sinh ra tại thành Xá Vệ (Savatthi) nước Câu Tát La (Kosala)

Một hôm, ông có việc đi từ Savatthi đến Rajagaha để gặp một người anh rể. Hôm ấy người anh rể không ra tận cửa đón ông như thường lệ, mà ông phải vào tận phía sau nhà để gặp anh, lúc ấy đang bận rộn lo chuẩn bị một bữa tiệc. Khi hỏi ra, Sudatta lấy làm vui được biết rằng người anh rể đang sửa soạn để đón tiếp Đức Phật vào ngày hôm sau. Thoáng nghe đến danh từ “Buddha” (Phật), trong lòng Sudatta đã chớm nở một hứng thú lạ thường và ông hết lòng mong mỏi được gặp Đức Phật. Ông cũng được biết rằng lúc ấy Đức Phật đang ngự trong cụm rừng Sitavana. Hôm sau, ông dậy thật sớm và đi đến rừng Sitavana. Lúc ấy Đức Phật đang đi kinh hành ngoài trời. Ngài gọi tên ông và bảo ông hãy lại gần.

Trưởng giả Cấp Cô Độc vô cùng hoan hỷ được yết kiến Đức Phật. Ông cung kính hỏi Ngài có an vui không ?

Đức Phật trả lời:

“Chắc chắn lúc nào cũng an vui

Vì bên trong một vị A La Hán, mọi thứ lửa đều được dập tắt

Không còn đeo níu dục vọng

Hoàn toàn mát mẻ

Dứt bỏ mọi mầm giống khả dĩ tạo đời sống mới

Cắt đứt mọi sự trói buộc phiền phức

Chế ngự mọi đau khổ và phiền não

Một vị A La Hán luôn luôn được yên tịnh và vắng lậng

Vì tâm đã thành tựu hòa bình tịch tịnh”

Sau khi nghe bài Pháp ngắn Phật vừa thuyết, ông Cấp Cô Độc liền đắc ngay quả Tu Đà Hườn (Nhập lưu) và cung thỉnh Đức Phật nhập hạ tại Xá Vệ. Đức Phật chấp thuận và gợi ý rằng chư Phật chỉ thích nơi vắng vẻ. Trưởng giả Cấp Cô Độc trở về thành Xá Vệ mua một thửa đất của hoàng thân Jeta (Kỳ Đà). Truyện tích viết rằng: giá tiền của thửa đất ấy được tính bằng cách sắp các đồng tiền vàng trên mặt đất. Tiền trải đến đâu là đến đó đất đã được bán. Trên thửa đất ấy, ông Cấp Cô Độc kiến tạo ngôi tịnh xá trứ danh Jatavana (Kỳ Viên). Nơi đây, Đức Phật nhập hạ mười chín lần. Phần lớn các bài pháp cũng được Phật thuyết tại đây.

Đa số các bài pháp có liên quan đến hàng cư sĩ là do Đức Phật giảng cho ông Cấp Cô Độc, mặc dù nhiều lần muốn mà ông không dám hỏi vì sợ làm phiền Đức Phật.

Lần nọ, khi thuyết về pháp bố thí cho ông Cấp Cô Độc, Đức Phật dạy rằng dâng cúng đến chư tăng hay Đức Phật tạo rất nhiều phước báu, nhưng kiến thiết tu viện để chư Tỳ Khưu có chỗ tu hành càng được nhiều phước báu hơn. Càng nhiều phước báu hơn xây cất tu viện là quy y Tam Bảo. Càng nhiều phước báu hơn quy y Tam Bảo là nghiêm trì Năm Giới. Càng nhiều phước báu hơn trì giới là thiền định một lúc về tâm Từ. Và cuối cùng, hơn tất cả các phước báu, là phát triển sự chứng ngộ tánh cách Vô Thường của vạn hữu.

Giảng về bốn loại hạnh phúc của giới cư sĩ, Đức Phật dạy :

“Có bốn loại hạnh phúc vật chất mà người sinh sống trong gia đình được hưởng, là hạnh phúc được có vật sở hữu, hạnh phúc được có tài sản, hạnh phúc không nợ nần và hạnh phúc không bị khiển trách.”

Nhân một cơ hội khác khi Đức Phật đến viếng nhà trưởng giả Cấp Cô Độc, Ngài nghe có tiếng ồn ào phía sau nên hỏi thăm. Ông Cấp Cô Độc bạch : “Bạch hóa Đức Thế Tôn, đó là Sujata, dâu của con, vẫn sống chung với chúng con. Nó là con nhà giàu có và trưởng thành trong cảnh sung túc của gia đình. Nó không nghe lời cha mẹ chồng và không để ý đến lời khuyên dạy của chồng. Nó cũng không biết tôn trọng kính nể và sùng bái Đức Thế Tôn”

Đức Phật cho gọi cô dâu lên và giảng cho nghe một bài pháp về “Bảy hạng vợ trên thế gian”, trong đó 3 hạng dầu là không tốt và 4 hạng sau là người vợ tốt :

1.Hạng vợ gây rối cho chồng

2.Hạng vợ trộm cắp tiền bạc của chồng

3.Hạng vợ làm bà chủ của chồng

4.Hạng vợ như là mẹ của chồng

5.Hạng vợ như là em gái của chồng

6.Hạng vợ như là người bạn của chồng

7.Hạng vợ như là tớ gái trung thành của chồng

Kết thúc bài pháp, Đức Phật hỏi cô dâu:

-Này Sujata, trong bảy hạng vợ trên, con thuộc hạng vợ nào?

-Bạch hóa Đức Thế Tôn, xin Ngài hãy nghĩ rằng kể từ nay con thuộc về hạng vợ “như người tớ gái”

* * *

Ông Cấp Cô Độc đến viếng Đức Phật mỗi ngày và đôi khi nhận thấy rằng trong lúc Đức Phật vắng mặt có nhiều thiện tín tỏ ra thất vọng vì đến mà không được yết kiến Ngài nên ông bạch với Đại Đức A Nan Đà xin Ngài thuật lại cho Đức Phật và thỉnh ý Đức Phật xem có cách nào để cho thiện tín bày tỏ lòng kính mến ngưỡng mộ Ngài khi Ngài bận vân du hoằng pháp. Đức Phật dạy: “Hãy trồng một cây Bồ Đề ngay giữa lối vào tịnh xá để mọi người chiêm bái, đảnh lễ mỗi khi ta đi vắng”

Vợ trưởng giả Cấp Độc, bà Punnalakkhana, là một người hiền lương đạo đức. Ba cô con gái của ông cũng là người có tâm đạo nhiệt thành. Người con trai duy nhất của ông, ban đầu không chịu đi chùa lễ Phật và không chịu ghép mình vào đời sống đạo hạnh, nhưng về sau nhờ sự khéo léo của người cha và nghe lời dạy của Đức Phật, cũng đắc quả Tu Đà Hườn.

Ông Cấp Cô Độc, mặc dù giàu sang tột bậc nhưng cũng có lúc làm ăn thất bại dẫn đến khánh kiệt, gia sản tiêu tan gần hết. Trong giai đoạn vô cùng tuyệt vọng ấy, ông Cấp Cô Độc được Đức Phật khuyên bảo động viên nên giữ vững được tinh thần ý chí. Ông bắt đầu lại công việc kinh doanh và dần dần phục hồi lại tài sản như trước.

Trong các sử liệu không thấy ghi ông qua đời năm bao nhiêu tuổi. Chỉ ghi rằng:

Năm đó, ông bị bệnh nặng. Biết khó qua khỏi, ông cho người đến gặp Phật, thỉnh cầu Đức Phật và Đại Đức Xá Lợi Phất mở lượng bi mẫn, quang lâm đến viếng ông trước khi ông nhắm mắt.

Theo lời thỉnh cầu, Đại Đức Xá Lợi Phất cùng với Đại Đức A Nan Đà đến nhà trưởng giả Cấp Cô Độc và hỏi thăm bệnh tình. Sau đó Đại Đức Xá Lợi Phất liền thuyết cho ông nghe một bài pháp cao siêu. Khi nghe xong, nước mắt ông ràn rụa trào ra. Đức A Nan thấy vậy hỏi có phải vì ông run sợ trước cái chết mà khóc chăng? Ông trả lời : “Kính bạch Đại Đức, thật không phải vậy. Chỉ vì mặc dù con đã nghe nhiều bài pháp do Đức Thế Tôn giảng dạy, nhưng con chưa hề nghe Pháp nào cao siêu như hôm nay. Vì vậy con xúc động mà khóc vì sung sướng đấy thôi”

Đại Đức Xá Lợi Phất liền giải thích: “Những Pháp cao siêu chỉ thuyết cho hàng đệ tử thượng căn, chứ không dành cho hàng cư sĩ vì họ không thể hiểu”

Ông Cấp Cô Độc nhơn cơ hội này thỉnh cầu Đại Đức Xá Lợi Phất truyền bá giáo pháp cao siêu đến với người Phật tử tại gia vì sẽ có người lãnh hội được.

Khi hai vị đại đệ tử của Đức Phật ra về thì ông Cấp Cô Độc trút hơi thở cuối cùng và tức khắc tái sanh vào cõi Trời Đâu Xuất. Đêm ấy, vị Trời Cấp Cô Độc từ cung Trời Đâu Xuất trở về tịnh xá Kỳ Viên, hào quang của Ngài chiếu sáng cả khu vườn. Ngài đảnh lễ Đức Phật, tán dương phẩm hạnh và tài đức của Tôn giả Xá Lợi Phất và bày tỏ lòng hân hoan được gặp lại Đức Phật và chư đệ tử Phật tại nơi tịnh xá do Ngài kiến tạo.

BAN BIÊN TẬP

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.