Quan Niệm Về Tâm Linh Trong Đạo Phật

HT THÍCH TRÍ QUẢNG

Đạo Phật không quan niệm về tâm linh giống như những tôn giáo đa thần và nhứt thần. Những tôn giáo ấy cho rằng linh hồn bất tử do một đấng tạo hóa nào đó dựng nên và khi chết, linh hồn con người sẽ được đấng tạo hóa cứu rỗi hay bắt xuống hỏa ngục tùy ý các ngài.

Theo đạo Phật, mỗi người đều có chơn linh hay chơn tâm mang tính cách độc lập, vì nó là chủ thể, không ai sanh ra nó. Chỉ có con người làm chủ chơn linh của chính họ. Chơn linh hay chơn tâm trong sạch hoàn toàn, vĩnh hằng bất tử, không thay đổi. Dù trong cuộc sống, hoàn cảnh của mỗi người có khác nhau, chúng ta cảm nhận vui sướng cùng cực hay khổ đau tột độ thì chơn linh của ta vẫn như vậy, chẳng hề suy giảm, thêm bớt gì. Ý này được Bát Nhã diễn tả là bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm.

Tuy chơn linh không thay đổi, nhưng khi mang thân tứ đại ngũ uẩn sống trên cuộc đời, thì mỗi người lại có cuộc sống khác nhau; người thì hạnh phúc, người thì có phần nào sung sướng, người thì khổ đau, bất mãn… Cuộc sống và tâm tư của mỗi người không ai giống ai, sự khác biệt này, theo Phật giáo là do phát xuất từ chơn như duyên khởi hay vô minh duyên khởi. Nói cho dễ hiểu, chúng ta sung sướng hay khổ đau tùy thuộc ở trí tuệ chỉ đạo hay do nhận thức sai lầm.

Đức Phật được tôn danh là bậc Chánh biến tri, tức hiểu biết đúng đắn hoàn toàn. Từ chơn như hay hiểu biết sáng suốt chỉ đạo, thấy đúng sự thật, không bị tham vọng dẫn dắt, tâm Phật luôn được an lạc, tự tại, giải thoát. Với tâm định tĩnh và trí sáng suốt, mọi việc làm của Ngài đều thành tựu tốt đẹp, mang lại lợi ích cho nhiều người.

cf71a6ea1440d7cbc5232a08ae48ec1b 960x640

Chúng sanh khổ đau vì mọi ý nghĩ và việc làm đều từ vô minh khởi lên hay từ tham vọng khởi lên. Do tham vọng, xa rời thực tế, tham muốn những cái ngoài tầm tay, nên tâm chúng sanh luôn bị khổ đau dày vò, dù hoàn cảnh sống của họ không có gì là khổ. Vì ảo giác, họ tưởng là khổ, nhưng thực không có khổ. Hoặc có người vì thiếu hiểu biết, nhận thức sai lầm, dẫn đến hành động tội lỗi. Việc làm sai trái của họ đã biến đổi hoàn cảnh tốt trở thành xấu, tất nhiên họ phải gánh lấy quả khổ thật sự.

Đức Phật dạy rằng chúng ta là Phật, nhưng vì còn nhận thức sai lầm, việc làm sai trái, tội lỗi nên dẫn chúng ta đến quả khổ trong sáu đường sanh tử luân hồi.

Có thể khẳng định giá trị con người được nâng lên là nhờ trí tuệ chỉ đạo, tạo nên việc làm đúng đắn, lợi ích cho mình và người. Hoặc giá trị con người bị đánh giá thấp là do thiếu trí tuệ hay thiếu sáng suốt, nhận thức sai lầm, gọi là vọng thức hay vọng tâm dẫn đến việc làm hư hỏng, hành động tội lỗi, tâm niệm đau khổ.

Tâm linh của mọi người ở dạng chơn linh hay chơn tâm thì trong sạch hoàn toàn, không phiền não nhiễm ô, không thay đổi. Nhưng mỗi người mang cuộc sống thực tế tốt hay xấu chủ yếu là do có trí tuệ sáng suốt hay bị mê mờ, tham vọng.

Mặc dù trí tuệ đóng vai trò chủ đạo trong cuộc sống nhưng đức Phật dạy thêm rằng nhận thức và việc làm của chúng ta cũng phải lệ thuộc người chung quanh, chĩu ảnh hưởng của xã hội, của môi trường sống.

Thật vậy, theo Phật, mọi việc, mọi loài diễn biến trong vũ trụ đều có mối tương quan, tương duyên gắn bó mật thiết với nhau. Con người hiện hữu và sinh hoạt biến đổi cũng không nằm ngoài lý nhân duyên. Vì vậy, mỗi người thăng hoa hay đi xuống tùy thuộc ở cái duyên tác động của xã hội và thiên nhiên. Nếu thân cận người tốt, sống trong xã hội và thiên nhiên tốt thì nhận thức và việc làm của chúng ta cũng được tốt đẹp theo. Trái la5im nếu nghe người xấu xúi giục, sinh hoạt với nhóm người không đạo đức, sống trong môi trường dơ bẩn, tất yếu tâm hồn và hành động của chúng ta cũng bị xấu lây. Có thể nói nương theo xã hội và thiên nhiên mà mỗi người tự tạo ra thiên đường hay địa ngục cho chính mình.

bia13

Ý thức sâu sắc lực tác động tốt hay xấu của người xung quanh, của cộng đồng xã hội, của môi trường thiên nhiên, chúng ta nỗ lực phát huy trí tuệ bằng cách nương theo Phật, Bồ tát và Thánh chúng.

Thật vậy, chúng ta là người chưa hoàn thiện, bước theo dấu chân Phật, chắc chắn ban đầu phải đặt niềm tin kiên cố nơi Phật, Bồ tát, Thánh chúng là những vị đã hoàn thiện đạo đức và tri thức. Tin tưởng ở cuộc sống thánh thiện của các Ngài và xin được làm quyến thuộc của các Ngài để chúng ta theo gương sáng ấy, tập suy nghĩ, nhận thức và thực hành từng việc giống như các Ngài.

Trải qua quá trình thân cận, tu học với Phật, Bồ tát, Thánh hiền, dần dần chúng ta chuyển hóa thân tâm, tự thăng hoa và sửa đổi hết những sai lầm, phá được thập triền, thập sử là đạt đến quả vị Toàn giác. Hoàn thiện được tri thức và đạo đức của bậc Vô thượng Đẳng giác rồi thì thế giới tốt đẹp hoàn hảo được kiến trúc, theo phong cách nào hoàn toàn tùy thuộc ở chính mình.

Đức Phật giới thiệu cho chúng ta điều này qua các mô hình thế giới kiểu mẫu như : thế giới Tịnh lưu ly của Phật Dược Sư, thế giới Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà, thế giới Chúng hương của Phật Hương tích v.v… Những thế giới này đều hoàn thiện về mặt xã hội và tự nhiên, do chính đức Phật là con người đã hoàn thiện tạo dựng. Chẳng hạn như thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà chỉ có thượng thiện nhân, tức người hoàn toàn tốt. Và ở đó có 7 hàng cây báu, ao thất bảo, tiếng chim Lăng tần già v.v… Đó là môi trường sống sạch sẽ, tốt đẹp với những con người trí thức, đạo đức cao tột thì xã hội tất yếu cũng tốt.

Phật cũng giới thiệu Phật A Di Đà trải qua vô số kiếp hành Bồ tát đạo để tự hoàn thiện tri thức, đạo đức mới có đầy đủ khả năng xây dựng và lãnh đạo một thế giới văn minh, sạch đẹp, hoàn thiện như vậy. Không phải tự nhiên hay trong một thời gian ngắn mà Ngài làm chủ được thế giới Cực lạc.

Bước theo dấu chân Phật, chúng ta cùng nhau phấn đấu, phát huy đạo đức và tri thức theo con đường Bát Chánh Đạo của Phật dạy, để tự hoàn thiện bản thân, hoàn thiện tập thể và cộng đồng xã hội của chúng ta cùng với hoàn thiện môi trường thiên nhiên mà chúng ta đang sống.

Thiết nghĩ, trên con đường theo đuổi mục tiêu này, Tăng Ni, Phật tử chúng ta không cô đơn, vì bên cạnh chúng ta luôn có những vị đại Bồ tát hỗ trợ. Các Ngài đã tự hoàn thiện tri thức, đạo đức và luôn nuôi dưỡng tâm đại từ bi đồi với muôn loài, nhất là đối với những người đồng hạnh nguyện ở Ta Bà còn nhiều gian khó vì còn phải sống với nhiều người không tốt, ở trong hoàn cảnh không tốt. Điều đó chắc chắn làm động lòng từ bi của các Ngài, thúc đẩy các Ngài tự nguyện tái sanh lại thế giới của chúng ta để trợ giúp chúng ta thăng hoa cải tạo môi trường sống.

Tóm lại, tự hoàn thiện đạo đức, tri thức của chính mình và từ đó hoàn thiện tập thể, cộng đồng xã hội và môi trường tự nhiên mà mình đang sống. Đó là phương cách phát triển tâm linh theo hướng tích cức của Phật Giáo đề ra cho Tăng Ni và Phật tử trên bước đường tiến đến quả vị Vô thượng Đẳng giác.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.