Quách Thị Trang – Vì sao sáng!

"Trang hỡi Trang, em là vì sao sáng

Giữa khung trời mây trắng với trăng thanh

Rồi một sớm có bao nhiêu đầu xanh

Siết tay nhau, giục giã em lên đường"

Sắp tới mùa Phật Ðản rồi, Tôi lại lẩm nhẩm một mình mấy câu hát của nhạc sỹ Nguyễn Hiền ca ngợi Quách Thị Trang từ 38 năm về trước-Những câu hát một thời vang dội cả Sài gòn, làm xao xuyền bao trái tim sinh viên học sinh (SVHS) chúng tôi. Từ sau mùa pháp nạn 1963, tôi hay có thói quen, cứ đến ngày Phật Ðản hàng năm; đi đâu về tôi cũng muốn ghé bùng binh chợ Sài Gòn để ngắm nhìn chân dung Trang qua bức tượng như một phút mặc niệm ngậm ngùi thủy chung. Có lẽ vì tôi không thể nào quên được cái khung trời ở đó với mấy tiếng súng nổ sát hại Trang ngày nào cứ còn vang mãi bên tai tôi !…Mặc dù lúc đó, tôi không thấy được Trang ngã xuống, không được cùng bạn bè đỡ Trang lên và giành giật Trang với cảnh sát chiến đấu… Bởi vì đoàn của tôi đang trên đường Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng 8) vừa đến ngã sáu Sài Gòn thì bị chặn lại. Xe cảnh sát nhào tới, chực vồ chúng tôi quăng lên xe-chúng tôi phải rã đoàn, len vào các con hẻm dẫn tới chợ Sài Gòn như đã hẹn trước: tập trung và xuất phát từ trường Dược, nếu kẹt thì đổi địa điểm xuống chợ Bến Thành rồi kéo lên Quốc hội (Nhà hát lớn). Cho nên từ các ngã đường, SVHS cứ tràn xuống trước các cửa chợ, cứ đi vòng vòng, giả như đi mua sắm, để chờ nhau. Hể thấy có biểu ngữ giăng lên là ào xuống xếp hàng đi theo, đồng bào trong chợ ùa ra. Cảnh sát chiến đấu đi chặn đầu này thì bà con tràn qua đầu kia. Chúng phải huy động thêm xe GMC lớn tới, cứ tóm được ai là quăng lên xe chở đi … Bỗng nghe mấy tiếng súng nổ phía cửa Ðông thì bà con chạy hoảng loạn như điên. Ai cũng muốn nhào lại phía súng nổ xem có phải con em mình không và giành giựt xác người với cảnh sát… Mãi đến mấy ngày sau, chúng tôi và gia đình Trang mới biết được người nữ sinh ngã xuống đó là Quánh Thị Trang chứ không phải là Mỹ Hạnh hay Lê Thị Hạnh như lầm tưởng ban đầu. Vậy Trang là ai? Là ai mà dũng cảm như một đấng anh thư thời mở nước !…Trang mới 15 tuổi, là nữ sinh lớp đệ nhị trường Trung học Trường Sơn. Sinh làng Cổ Phúc, quận Tiên Hương, tỉnh Thái Bình, gia đình theo đạo Phật. Trang sống với mẹ cùng 5 anh chị em và là đứa con hiếu thuận. Trang sinh hoạt trong Gia đình Phật tử Minh Tâm rất thuần thành-pháp danh Diệu Nghiêm. Khi ngã xuống cảnh sát đã giành xác Trang đem về chôn trong nghĩa trang Tổng tham mưu (vì muốn ém nhẹm cái chết này). Sau ngày Diệm đổ, chúng tôi vào tìm thăm mộ Trang ngay thì thấy phần mộ cũng tử tế và hương khói đàng hoàng. Chắc là do những người lính Phật tử có lòng ở đó, đã âm thầm chăm sóc mộ Trang. Ba năm sau anh Ðoàn trưởng Huỳnh Bá Huệ Dương đã cùng gia đình Trang cải táng đưa Trang về chùa Phổ Quang cho đến hôm nay. Người ta thấy có mấy em học sinh Phật tử, đệ tử của một vị Hòa thượng khả kính, thường xuyên đến hương khói, chăm sóc phần mộ của Trang sạch sẽ và đẹp, nhất là vào những ngày Phật Ðản. 

Tôi xin trích một đoạn ngắn của riêng Trang và bạn bè vào cái buổi sáng lịch sử đó trong cuốn "Công cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam" của Đuốc tuệ: "…Sáng ngày 25, Trang dậy thật sớm, ăn mặc xong rồi xin phép mẹ đến nhà bạn chơi và rủ Yến cùng đi. Hai chị em đến nơi hẹn với Yến rồi cùng nhau đi taxi đến chợ Bến Thành. Trong khi chờ đợi, từ của hông chợ một đám người ùa ra như nước chảy. Những người đi đầu căng biểu ngữ : "hãy giết chúng tôi đi vì chúng tôi là những người con Phật". Ba thiếu nữ nghe lòng bừng dậy như sóng cả. Họ nhìn nhau, ba cặp mắt sáng ngời và cầm tay nhau chạy vào hàng ngũ. Ðoàn biểu tình vẩn đi tới, vượt qua khỏi mặt tiền chợ Bến Thành. Trong lúc đó, bóng dáng hung thần của cảnh sát chiến đấu gầm gừ hiện ra, chặn lối trước mặt họ. Chợt nghe hai tiếng súng nổ, Yến quay lại nhìn: Thấy Trang mặc áo trắng đã ngã gục trên đường nhựa. Bên Trang là một cảnh sát ác ôn, tay cầm súng mới vừa giết người xong. Ðây là hình ảnh cuối cùng của Quánh Thị Trang đã hy sinh đời mình cho Dận tộc và Ðạo pháp-Và hình ảnh đó trong lòng dân tộc vẫn còn sống mãi nghìn thu!". (lược trích báo Hải Triều Âm số 19. Trích lại trong "50 năm chấn hưng PG Việt nam 1920-1970" của HT. Thích Thiện Hoa soạn 1970, trang 226). 

QuachThiTrang Mo

Mộ chí chị Quách Thị Trang tại chùa Phổ Quang.

Dạo đó, vẫn còn có người xuyên tạc ý nghĩa cuộc đấu tranh này, cho là bọn trẻ bị người lớn xúi giục…Thật ra Trang là một cô gái có tâm hồn cao đẹp của một Phật tử gương mẫu. Em biết thổi sáo, tham gia văn nghệ hồn nhiên trong gia đình Phật tử. Trang đã khóc nhiều khi nhìn thấy trên báo chí, hình ảnh 8 em trong Gia đình Phật tử Huế bị xe thiết giáp của Ðặng Sỹ cán chết không toàn thây trước đài phát thanh, thấy ngọn lửa thầy Quảng Ðức và các Thánh tử đạo, nhất là cái đêm 20.08.1963, chùa Xá Lợi bị tấn công và các thầy bị bắt đi hết. Trang quyết định dấn thân, xuống đường cùng bà con Phật tử và bạn bè, đòi cho được sự bình đẳng tôn giáo. Và…Trang đã ngã xuống như một dáng đứng sinh viên-học sinh, nối tiếp Trần Văn Ơn ngày trước. Ngày 26.08.1963, sau cái chết của Trang 1 ngày, từ Bruselles, Hội Thanh niên Thế giới đã đánh điện về phản đối chính phủ Ngô Ðình Diệm đã tước bỏ quyền tự do dân chủ của thanh niên, sinh viên học sinh Việt Nam với nội dung: 

"Kính gởi Tổng thống VNCH tại SG: 

Hội Thanh niên Thế giới phản đối sự kỳ thị đáng ghét đối với đồng bào Phật giáo của ông và việc đóng cửa các trường đại học cùng đàn áp hung bạo đối với thanh niên, sinh viên cũng như bắt bớ và gạy tang tóc cho bao người. 

Chúng tôi đòi hỏi ông phải trả lại quyền lợi cho mọi người công dân và tôn trọng tự do dân chủ". Hội Thanh niên Thế giới. 

Và một sinh viên Việt kiều ở Nhật, anh Huyền Linh Tử, gởi về mấy giòng thơ khi anh nghe thêm mấy người tự thiêu, hàng trăm người bị thủ tiêu và gần 3.000 SVHS bị bắt. 

"Tokyo qua dòng tin tê tái

Quê hương, cửa từ bi nhuộm máu

Bầy con yêu say đạo cả cúi đầu

Trước bạo tàn, ôi, có một không hai"…

Trong nước thì không biết bao nhiêu trái tim đã khóc Trang: nhạc sĩ Nguyễn Hiền viết bài hát ca ngợi Trang một thời được hát vang trong SVHS. 

Nhà thơ Tâm Hải cũng tiếc thương , ngưỡng mộ: 

Tôi viết tên Trang cả triệu lần

Bao niềm thương tiếc lẫn phân vân

Hy sinh tranh đấu chống cường bạo

Muôn triệu con tim thoát ngục trần

Phật giáo sáng ngời trang sử mới

Non sông tưởng nhớ nữ anh hùng

Ngàn thu trân trọng người Trinh nữ

Ðốt nén hương thơm khấn nguyện cầu..

10592607 508090692670029 607636351 n

Năm 1964, SVHS đã thành lập một ban kiến tạo xây dựng tượng đài Quánh Thị Trang gồm:

-Trưởng ban: Vũ Quang Hùng (SV Khoa học, đang công tác ở báo Pháp luật).

-2 Phó ban:-Nguyễn Thanh Hùng (SV Ðại học Bách khoa).-Ðào Ðức Long (SV Thanh Sinh Công). 

Một buổi sáng đầu năm 1964, anh Dương Văn Ðầy (lúc đó SV Khoa học-BCB-chuẩn bị vào y khoa) cầm sổ vàng đến rủ tôi cùng đi gặp các vị tướng tá cảm tình với SV để quyên tiền xây tượng Quách Thị Trang. Tôi và Ðầy đến gặp tướng TVÐ. Ông rất hoan hỷ, ký ngay 10.000 đồng và giới thiệu đi gặp TQH, bà H ký ngay 5.000 đồng. Ðầy bảo đủ rồi và về đưa hết cho Hùng. Hùng quyên thêm ít nữa rồi phân công cho Nguyễn Thanh Hùng đi thăm viếng gia đình Trang và gặp họa sĩ Mai Lân đặt khắc tượng Trang. Trong số SV thực tập với HS, có anh Vũ Chinh tức Ðặng Ðức Siêu trong nhóm Nguyễn Khắc Hiếu ở tù chung với Hùng, nên anh Chinh rất tích cực trong việc này. Tạc tượng xong, Ban kiến tạo này chuẩn bị xây chớp nhoáng ngoài công trường Diên Hồng (nay là Q.T.T) trong dịp đoàn SVHS biểu tình chống Nguyễn Khánh kéo về dừng lại trước chợ Bến Thành để tưởng niệm Trang và nhiều SV lên phát biểu "Ðả đảo Nguyễn Khánh"… 

Trong lúc đó, nhóm SV kiến tạo này mang tượng đài Quánh Thị Trang và dụng cụ đã giấu sẵn trong túi xách ra, đặt lên xây thật nhanh và thật chắc-khi đoàn biểu tình giải tán thì tượng Quách Thị Trang đã sừng sững vững chắc giữa công trường rồi. Cảnh sát không dám động đến. Một năm sau, TTM.G và anh đoàn trưởng đến gắn một bản đồng nhỏ ở phía dưới đề tên "Liệt nữ Quách Thị Trang". Và từ đó, công trường mang tên Quách Thị Trang cho đến bây giờ.

Ngày nay ai đi qua đó đều nhìn thấy bức tượng thân thương đã đi vào lịch sử cùng tên tuổi Quách Thị Trang như một vì sao sáng mãi trong lòng sinh viên học sinh Sài gòn và sáng mãi trong lòng tôi cho đến hôm nay như tiếng hát của Nguyễn Hiền ngày nào: 

…"Tôi với em không hề quen biết

Xót xa nhiều khi viết đến tên em

Vì đại nghĩa, máu em đã hòa thêm

thắm tô lên trên tà áo trinh nguyên

Nhưng hôm nay tưng bừng,

Non sông đang vui mừng

Ðâu bóng hình em giữa trời quê hương

Những mái tóc chấm vai,

Sân trường tìm đâu thấy

Em thơ đùa trong ánh nắng ban mai

Tôi khóc em trong chiều nay mây tím

Nén hương lòng tôi thắp nhớ tên em

Hình hài mất, nét tinh anh còn đấy

Giữa muôn tim, em còn mãi không phai'

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.