Phật Giáo và Tín Ngưỡng

Nếu bạn nói chuyện với một trong những người trông giống như Tăng sĩ ấy, bạn sẽ biết rằng ông ta có quan điểm về thế giới dường như rất giống với một hệ thống tín ngưỡng được khai mở cách đây đã lâu bởi một đấng tối cao nào đó như Thượng đế ; và sau khi vị ấy chết đi, các tín đồ đã thánh hóa cuộc đời vị đó thành những khải huyền như trong các giáo lý thần học (Theology).

 

Đạo Phật giống như một tôn giáo hay là một tôn giáo ?

Khi Đức Phật được hỏi : "Ngài đang làm gì?" Ngài đã trả lời : ”Như Lai chỉ dạy về khổ đau và sự đoạn tận khổ đau" Khi được hỏi về những vấn đề siêu hình (metaphysics) như nguồn gốc và sự chấm dứt của vũ trụ, sự tồn tại hay không tồn tại của con người sau khi chết … Ngài đã giữ im lặng. Ngài dạy rằng ; "Giáo pháp của Như Lai chỉ có một vị, đó là vị giải thoát" Đức Phật không xem Ngài là đấng có quyền năng vô hạn, Ngài không tuyên bố về sự hiện hữu của đấng tối tôn, tối thượng nào, và Ngài cũng không mong cầu đệ tử xem Ngài như một đấng tối tôn tuyệt đối như Thượng đế.

Đức Phật khuyến khích một lối sống trung đạo tránh xa hai thái cực : sự tự hành khổ và sự thụ hưởng khoái lạc. Ngài xem Ngài chỉ là một người thầy chỉ đường luôn mở rộng đôi tay để đón chờ mọi người đi trên con đường giác ngộ mà Ngài đã thực nghiệm, trong đó không tồn tại một giáo điều huyền bí nào dành cho một hạng người tối ưu nào. Trước khi qua đời, Đức Phật đã nhắc nhở chúng đệ tử rằng không có ai có khả năng cứu rỗi ai cả, mỗi người hãy tự khơi sáng ngọn đuốc trí tuệ của chính mình, mỗi người đều chịu trách nhiệm cho sự giác ngộ và giải thoát cho chính mình. Giáo pháp chính là người thầy chỉ đường, giáo pháp còn cũng chính là Đức Phật còn tồn tại vậy.

Các yếu tố tôn giáo như tôn thờ con người Đức Phật như đấng tối cao tuyệt đối đã dần dần len lỏi và tồn tại trong những cộng đồng Phật Giáo sau khi Đức Phật nhập diệt. Khi giáo pháp của Đức Phật gặp gỡ các hệ thống tư tưởng khác và lan rộng qua các nền văn hóa khác như Trung Hoa… thì những tư tưởng chính yếu của đạo Phật đã dần đượm vẻ giáo điều. Và chẳng bao lâu sau, một số các Phật tử đã bắt đầu chấp giữ những ý tưởng về sự bắt đầu và chấm dứt của vũ trụ, về sự tồn tại hoặc không tồn tại của Đức Phật sau khi chết.

Theo dòng lịch sử, đạo Phật có khuynh hướng đánh mất tính chất ban đầu và dần chuyển thành một tôn giáo mang nặng tính cầu khẩn thần linh. Các người có hình tướng giống như Tăng sĩ đã biến người tin Phật thành những kẻ nô lệ bằng cách khuyến khích họ hãy cúng dường cho nhiều và hãy cầu nguyện luôn mồm để sau khi chết sẽ được Phật rước về một chỗ giống như thiên đàng của ngoại đạo.

tam linh irfw

Tuy nhiên, trong sự gặp gỡ với các nền văn hóa đương đại, Phật Giáo có thể tìm lại bản chất thật của mình. Một Phật tử chân chính không phải là "tín đồ" của loại tín ngưỡng được mặc khải về những điều mang tính tâm linh huyền bí hay siêu tự nhiên. Và, trong nghĩa này, Phật Giáo không phải là một tôn giáo.

Một Phật tử chân chính nhìn vào giáo pháp của Đức Phật như một phương pháp để đối mặt với thực tại hơn là những lời an ủi hay sự cứu rỗi. Phật pháp không phải là tín ngưỡng nhờ đó bạn được cứu rỗi; đúng hơn, đó là phương pháp để bạn tự thực nghiệm. Bắt đầu là sự nhìn nhận khổ đau, tìm hiểu nguyên nhân khổ đau; tiến đến thực hành giáo lý, tức tìm ra một giải pháp để châm dứt khổ đau.

Ngày nay, chúng ta cần giữ gìn và phát huy những gì mà Đức Phật đã thực nghiệm để duy trì và phát triển một nền văn hóa giác ngộ, có thể giải quyết những vấn đề bức thiết của cá nhân và thế giới hiện đại; và những truyền thống Phật Giáo buộc phải nhảy một bước nhảy quyết định để làm cho Phật Giáo trở nên là một tôn giáo mang tính thực nghiệm, hơn là một tôn giáo dựa vào tín ngưỡng và thần quyền. Điều đó là sự biểu hiện của Phật Giáo không mang màu sắc tín ngưỡng.

Nguyên Hạnh

(Buôn Ma Thuột – Dak Lak)

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.