Phật Giáo Đời Trần: Nền Móng Của Ngôi Nhà Phật Giáo Việt Nam

Phật Giáo Đời Trần

Nền Móng Của Ngôi Nhà Phật Giáo Việt Nam

HT THÍCH THANH TỪ

Phật Giáo Việt Nam từ đời Trần trở lui về trước, những vị tổ truyền Phật giáo thiền vào Việt Nam đều là người Ấn Độ như: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người Trung Hoa như tổ Vô Ngôn Thông… Sau đời Trần đến nay, những vị tổ cũng là người ngoại quốc. Đức Phật đã là người Ấn Độ, chư tổ cũng người ngoại quốc thì Phật giáo làm sao thấm sâu vào lòng dân tộc Việt Nam? Chỉ có đời Trần, vị sơ tổ hệ phái Trúc Lâm Yên Tử mới thật sự là người Việt Nam. Lại là ông vua anh hùng của dân tộc Việt Nam, lời dạy, tư tưởng và tâm tư Ngài mới phù hợp với dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, Phật giáo là chung của nhân loại, không phân biệt màu da chủng tộc, không phân biệt đất nước quốc gia, làm gi có Phật giáo Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản… Song, đứng trên phương diện tùy duyên giáo hóa, Phật giáo đến nước nào đều hòa nhập vào phong tục tập quán của dân tộc ấy nên có câu "Tùy duyên nhi bất biến" , vì thế mới có Phật giáo Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam… Đã có tên Phật giáo Việt Nam đương nhiên phải có những nét đặc thù của nó.

Trần Nhân Tông TLĐSXSCĐ

Trúc Lâm Đại Sĩ

Đặc thù 1: Phật giáo đời Trần chủ trương "Tam giáo đồng nguyên", nghĩa là Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo đồng một nguồn. Mục đích tôn giáo là chỉ dạy con người sống cuộc đời thuần hóa, lương thiện. Thế thì mọi tôn giáo đều là những người bạn thiết thân. Đây là lý do Phật giáo đời Trần chủ trương "Tam giáo đồng nguyên". Vì thế, toàn dân Việt Nam đời Trần đều đồng tâm hợp lực chống ngoại xâm thành công. Không có hiện tượng tôn giáo này so bì với tôn giáo khác. Đây là điểm đặc thù của Phật giáo đời Trần, lấy Thiền tông dung hợp với Khổng, Lão.

Tuy tôn giáo có tên riêng, song, nòi giống dân tộc là chung, tổ tiên huyết thống là chung. Chúng ta không vì tên riêng của tôn giáo mà chia rẽ giống nòi dân tộc, tách rời dòng huyết thống của tổ tiên. Tôn giáo là tín ngưỡng riêng của mỗi người, chúng ta đều phải tôn trọng. Song, ta tôn trọng tín ngưỡng của mình thì phải quý kính tín ngưỡng của người, đây là lẽ công bằng trong cuộc sống của nhân loại. Xử sự được như vậy mới đúng ý nghĩa tôn giáo là cứu đời.

003439313912651 1120915774631670 5625947911295297352 n

Trần Anh Tông đón Trúc Lâm Đại Sĩ (trích: Trúc Lâm Đại Sĩ Xuất Sơn Chi Đồ)

Đặc thù 2: Trong bài phú "Cư Trần Lạc Đạo" của sơ tổ Trần Nhân Tông có viết:

"Vậy mới hay Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa

Nhân khuấy bản nên ta tìm Bụt

Đến cốc hay chỉn Bụt là ta…"

Phật là tánh giác của mỗi người, chúng ta đã sẵn có mà quên, nên tìm Phật ở đâu đâu. Dẹp sạch mây mù vô minh, vọng tưởng thì tánh giác hiển lộ sáng ngời. Ai biết phản chiếu lại mình thì thấy Phật, gọi là kiến tánh. Việc phản chiếu này không dành riêng cho giới nào, xuât gia hay cư sĩ khéo tu, khéo phản chiếu đều được kết quả như nhau. Cho nên vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ … mặc dù là cư sĩ nhưng đều kiến tánh ngộ đạo. Đây là nét đặc thù thứ 2 của Phật giáo đời Trần

Đặc thù thứ 3: Phật giáo đời Trần không chấp nhận sự lệ thuộc các hệ phái thiền và văn hóa ngoại lai. Bởi vậy, khi vua Trần Nhân Tông đi xuất gia tu hành thành đạo, Ngài nói:

"Học đòi chư Phật

Cho được viên thành

Xướng khúc vô sinh

An thiền tiêu sái…"

Hay:

"Pháp thân thường trụ

Phổ mãn thái hư

Hiển hách mục tiền

Viên dung lõa lõa…"

Sau đó, Ngài góp nhặt tinh hoa ba hệ phái thiền: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường đúc kết thành Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Đứng về văn hóa, sơ tổ Trúc Lâm muốn chuyển văn Hán thành văn Nôm. Qua hai bài "Cư Trần Lạc Đạo Phú", "Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca" thì thấy rõ.  (Còn tiếp…)

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.