Phật Đản Năm Ấy

Tôn giáo của từ bi và trí tuệ ấy, có mặt tại Việt nam, với chiều sâu và bề dày lịch sử hơn hai mươi thế kỷ, đã từng có lúc phải dùng đến Dũng để thức tỉnh lòng người…

Những năm cuối thập niên năm mươi, đầu thập niên sáu mươi của thể kỷ XX, chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành những chính sách kỳ thị tôn giáo khắc nghiệt, ngấm ngầm phá hoại nhằm hạ uy thế của Phật giáo Việt nam. Đỉnh điểm là mùa Phật đản Phật lịch 2507, dương lịch 1963.

 Đại lễ Phật đản năm ấy (1963), theo chỉ thị của Tổng Hội Phật giáo Việt nam, sẽ được tổ chức trang nghiêm long trọng. Trên tinh thần ấy, Phật giáo đồ cả nước cũng như tại Huế hân hoan tổ chức Đại lễ – nhà nhà treo cờ, bày hương án hay làm lễ đài nho nhỏ tưởng niệm ngày đức Thế Tôn giáng trần. Thế nhưng, chiều ngày 14 tháng 4 âm lịch (7/5/1963) các nơi công cộng, hộ gia đình, thậm chí chùa cảnh, nơi nào có treo cờ Phật giáo đều bị chính quyền bắt phải hạ xuống hết, theo thông điện ra ngày 6 tháng 5 của tổng thống. Lệnh cấm treo cờ Phật giáo dịp lễ khánh đản đối với Phật giáo đồ là không thể chấp nhận được; đó là sự xem thường một tôn giáo lớn, tôn giáo ấy đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa Việt. Hơn 80% dân Việt, dòng máu truyền thống đang chảy trong người đều có tín ngưỡng Đạo Phật, từ bao đời truyền lại. Trước lệnh cấm treo cờ, cũng có số ít người dân “thấp cổ” miễn cưỡng thi hành, nhưng đại đa số cương quyết không tuân theo. Đây là khởi điểm buộc người Phật tử Việt nam thể hiện cái Dũng theo tinh thần nhà Phật – bất bạo động. Trước tình hình ấy, Hòa thượng Hội chủ Tổng Hội Phật giáo – Thích Tịnh Khiết, cùng chư tôn đức ban tổ chức đại lễ Phật đản, đã đến trụ sở của tỉnh Thừa thiên, yết kiến Tỉnh trưởng kiêm thị trưởng thành phố Huế. Trong lúc chư tôn đức Tổng hội hội đàm với Tỉnh trưởng, bên ngoài tòa nhà, Phật giáo đồ các giới tập trung chờ đợi sự phán quyết của chính quyền. Và, những xáo trộn do cấm treo cờ Phật giáo cũng đã được giải quyết.

   Sáng ngày rằm tháng tư âm lịch (8/5/1963), Đại lễ Phật đản vẫn diễn ra long trọng tại thành phố Huế. Một đoàn rước Phật, với sự tham gia của hàng trăm ngàn người, từ chùa Diệu Đế diễu hành qua các ngả đường cố đô hướng về chùa Từ Đàm. Tại chùa Từ Đàm, trụ sở của Hội Phật giáo Trung phần lúc ấy, giữa sân chùa, trước chánh điện, một lễ đài nguy nga. Chư tôn đức tăng ni và nhân dân Phật tử các giới, vân tập trước lễ đài để đón đoàn rước Phật. Rừng người im lặng trang nghiêm. Lễ Kính mừng Phật đản được cử hành trọng thể, dưới sự chứng minh của các bậc Hòa thượng trưởng lão. Ban tổ chức cũng đã giải thích sự việc chiều hôm trước, trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền. Kết thúc buổi lễ, Phật giáo đồ các giới hoan hỷ, dù đã có chuyện đáng tiếc sảy ra. Những tưởng, Phật tử các giới sẽ trải qua đại lễ Phật đản Phật lịch 2507 hòa bình, an lạc.

Theo kế hoạch được đài phát thanh thành phố Huế thông báo trước đó, tối ấy nhà đài sẽ cho phát những bản nhạc Phật giáo, cũng như cho phát lại buổi lễ Phật đản tại chùa Từ Đàm khi sáng. Nhưng, đến thời gian đã được ấn định để đưa tin, mọi người đều ngạc nhiên, vì chỉ nghe được những bài hát không liên quan gì đến Phật giáo, và các tin tức phóng sự về đại lễ cũng không được phát. Lại một lần nữa lòng dân bất mãn! Hàng chục ngàn người có mặt tại đài phát thanh, yêu cầu nhà đài có lời giải thích, cũng như cho phát các trương trình lễ như dự kiến. Tình hình diễn biết càng ngày càng lớn, phức tạp, có thể ngoài cả sự tính toán của chính quyền; quân đội, cảnh sát ập đến đàn áp dã man đoàn Phật giáo đồ; tám người mất mạng và rất nhiều người bị thương nặng. Chỉ trong khoảng khắc, một thảm cảnh hỗn loạn đã sảy ra trước mắt hàng vạn người, trong đó không ít người nước ngoài. Sáng hôm sau (9/5/1963), tòa hành chính tỉnh Thừa Thiên ra thông cáo, không những không thừa nhận sự việc tối hôm trước là sai trái, mà đổ lỗi cho thế lực khác lợi dụng đám đông ngây bạo loạn, bất đắc dĩ cảnh sát, công an phải dùng đến vũ trang để bảo vệ đồng bào, giữ gìn an ninh trật tự; đồng thời có lời chia sẻ nỗi đau buồn của người dân, khi sự việc đáng tiếc đã sảy ra. Quá hơn nữa là nghiêm cấm người dân tụ tập nơi công cộng từ khi thông cáo được ban hành.

Tổng trị sự giáo hội Phật giáo trung ương, triệu tập cuộc họp khẩn, ngay sau khi tòa hành chính tỉnh Thừa Thiên ra thông cáo, quyết định ba việc:

  1. Gửi kháng thư cho tổng thống Ngô Đình Diệm, phản đối việc cấm treo cờ Phật giáo và chính quyền mở cuộc đàn áp Phật giáo đêm 8/5/1963.
  2. Ấn định ngày tổ chức lễ cầu siêu cho 8 Phật tử tử nạn.
  3. Đồng thời quyết định, sau lễ cầu siêu sẽ tổ chức rước bài vị các anh linh tử vì đạo từ chùa Ấn Quang tới chùa Xá Lợi (Sài gòn)…

Và, những việc trên cũng như các nguyện vọng chính đáng sau đó, không những không được chính quyền lúc ấy chấp nhận, mà ngày càng ra sức đàn áp dã man, tạo nên làn sóng phản đối từ tín đồ Phật giáo cũng như nhân sĩ trí thức trong nước cũng như các tổ chức quốc tế. Dù bị các lực lượng vũ trang của chính quyền nhà Ngô dùng vũ lực đối đãi, thế nhưng, Phật giáo đồ vẫn kiên quyết giải quyết vấn đề trên tinh thần “bất bạo động”. Bằng cách nào? Các cuộc biểu tình, tuyệt thực của tăng ni Phật tử khắp nơi, liên tục diễn ra, với lý tưởng tranh đấu là “Tôn giáo bình đẳng trong khuôn khổ của lý tưởng công bằng xã hội”. Lý tưởng ấy, thể hiện trí tuệ của đạo Phật trên tinh thần từ bi vô ngã. Nói như thế có nghĩa là, Đạo Phật đã liên hệ lý tưởng của mình đến lý tưởng của dân tộc, đến lợi ích chân chính của quốc gia. Chứ không phải vì “cái tôi” tôn giáo, vốn dĩ không thực sự tồn tại.

Khoảng thời gian ấy, Phật giáo như đang sống trong thời kỳ Trung cổ, một thời kỳ dã man nhất của những kỳ thị ở Châu Âu. Là người con Phật, hàng tu sỹ cũng như Phật tử tại gia, không thể ngồi yên, khi Phật pháp có nguy cơ diệt vong, nên đã tự mình thiêu thân để làm ngọn đuốc “thức tỉnh” những ai mang tâm muốn phá hoại Phật giáo. Sự nghiệp “đánh thức lương tâm” ấy đã thành công.

Ngọn đuốc đã thắp sáng thời đại – một thời đại u tối, chìm trong chiến tranh, thân phận con người như cỏ rác, tâm hồn sợ sệt, lo âu và mất niềm tin…Ngọn lửa Quảng Đức sáng lên, ánh sáng của từ bi đã cảm đến lương tâm nhân loại, chiếu rõ phần bất công, thối nát của chế độ, khiến người dân phải sống trong bất an, quằn quại.

Năm mươi năm sau, nhìn lại chuỗi sự kiện sảy ra vào mùa Phật đản năm 1963, mỗi người con Phật nói riêng, lòng người nói chung, không thể phủ nhận, dẫu trong hoàn cảnh hà khắc thế nào, Đạo Phật vẫn luôn thể hiện trí tuệ giải thoát khổ đau, tâm từ bi vì nhân quần vạn loại.

Chúng ta ngày nay, phải làm gì để không phụ lòng các bậc tiền nhân? Xứng đáng với sự hy sinh của bao lớp người đã ngã xuống vì Đạo pháp! Ai cũng tự có đáp án riêng của minhg. Vậy, hãy thể hiện ngay nhé. Trải tình thương nhưng đừng vị kỷ, tu trí tuệ để nhận rõ khổ đau.

 

Vĩnh Nghiêm, Phật đản PL. 2557

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.