ĐÔI DÒNG VỀ TÁC GIẢ: Nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên pháp danh Diệu Hạnh, hiện là Đoàn trưởng đoàn Nữ Phật tử thuộc Gia Đình Phật Tử Tam Bảo-Hà Tiên. Chị xuất thân là nhà giáo, tham gia hoạt động văn học từ thập niên 1990, đến nay tác phẩm của Chị đã xuất hiện trên các báo và tạp chí như : Văn, Giáo Dục& Thời Đại, Áo Trắng, Phụ Nữ, Người Lao Động, Tuổi Trẻ Cuối Tuấn, Chiêu Anh Các, Nhớ Huế, Văn Hóa Phật Giáo, Sông Hương.
Ngoài ra, tác phẩm của Chị còn được xuất bản thành sách, bao gồm:
* Sách in riêng : Hành Khất Phu Nhân (1994); Thời Nõn Giá (2004); Bến Sông (2012)
* Sách in chung:Truyện ngắn chọn lọc (tỉnh Kiên Giang); Tuổi Thơ Bầm Dập; Mắt Bão (1998); Xa Xứ (2001)
Trước thềm năm mới Mậu Tuất-2018, Ban biên tập có nhận được tập ký & truyện “Đường Về” của Nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên gởi tặng. Nhận thấy nội dung tập truyện có phần gần gũi với tâm tư tình cảm của độc giả trang web gdptkiengiang.vn, trong đó đại đa số là đoàn viên Gia Đình Phật Tử, chúng tôi đã xin phép tác giả đăng lại toàn bộ ba mươi mốt truyện & ký trong “Đường Về” để bạn đọc thưởng thức.
Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu truyện thứ năm có nhan đề : “Một Lần Sớt Bát”.
Trân trọng kính mời quý độc giả thưởng thức.
* * *
Chín giờ tối hôm ấy, số Phật tử chúng tôi tập trung đông đủ ở sân nhà người bạn đạo, chờ nghe Sư trụ trì tịnh xá Ngọc Đăng chỉ định lên xe. Trên cao kia, Ngọc Đăng vắng lặng lờ mờ trong bóng đêm.
Vừa sắp xếp hàng ngũ, Sư vừa căn dặn : “Đoàn Phật tử đi ba xe. Khi đi, ai lên xe nào thì lượt về phải ngồi xe đó và theo đơn vị mình” Sư nói thêm : “Đoàn đến tịnh xá Ngọc Viên tỉnh Vĩnh Long dự lễ tưởng niệm Sư Tổ Minh Đăng Quang, người khai sáng hệ phái tu Khất Sĩ, nhân đó có buổi Sớt Bát cho hàng trăm vị tăng, ni từ các tỉnh về dự”
Hai giờ sáng xe đến nơi.
Các sư tịnh xá Ngọc Viên tiếp đón chúng tôi niềm nỡ chu đáo, mặc dù lúc này nơi đây rất đông Phật tử, họ vật vạ ở hành lang, trên ghế đá bên hè, ngay lối đi hay tranh thủ từng gốc cây, mắc võng ngủ. Chúng tôi phải cẩn thận, dè chừng từng bước chân theo sự hướng dẫn. Đoàn chúng tôi được nghỉ nơi tịnh xá Ngọc Viên xưa cũ, thoáng mát, rộng và rất sạch. Mọi người lăn kềnh ra gạch đánh giấc.
Bốn giờ sáng, ai nấy thức dậy lo làm vệ sinh cá nhân. Tôi là người chân yếu, chậm chạp, khi đến khu nhà vệ sinh đã thấy thật đông bạn đạo đứng chờ tự hồi nào, trong khi ở trong đó, kẻ bước ra chỉ lác đác, miệng thều thào, bực dọc chuyện gì. Dưới chân, giày dép ai cũng ướt. Một chập lâu, tôi lọt được vào trong… để thấy nơi đây còn đông hơn, nước thì lẹp xẹp.
Nhà vệ sinh nữ có hai dãy đối mặt, cách nhau một lối đi không đầy mét rưỡi. Trong đó tự dưng im ắng. Ngay nơi lối vào ra, giờ này bị đóng nút bởi một vị sư, gần như ngồi bệt, cúi mình xuống cái hố ga. Sư đang thò tay móc vật gì bị kẹt dưới đó. Tôi đứng cạnh Sư chừng ba mét, chỉ thấy lưng Sư trong bộ y vàng lụng thụng, một phần nằm trên nền gạch ướt đẫm. Và phần kia là cái vai trần của Sư luôn cử động. Cạnh Sư, một thanh niên mặc thường phục cầm ống nước, mắt nhìn cái nắp hố, chốc chốc xịt nước xuống, có khi cúi lấy cho Sư vật gì như cái xà beng ngắn ngủn để Sư nạy viên gạch đậy hố ga. Hố nhỏ thôi nhưng thâu nạp cà đường nước từ dãy vệ sinh nam kế bên chảy qua để cùng thoát. Trước cảnh đó, tôi và mấy bà đưa mắt nhìn nhau xuýt xoa :“Tội quá! Tội quá chừng”. Cũng có nhiều lời than oán, giận ai đã làm nghẹt lỗ cống.
Trời chưa sáng và đang lạnh, khá lạnh.
Loay hoay một lúc thì xong việc. Sư nhanh chóng đậy nắp hố, trở xà beng, lấy cán dộng mạnh mấy lượt quanh viên gạch rồi đứng dậy bỏ đi. Không ai kịp vái chào Sư, cùng lúc đó, tôi bị đẩy dạt sang bên để nhường lối. Chính vì vậy, tôi thấy rõ mặt Sư, cả dòng nước trên chiếc y chảy dài. Từ trong vô thức, tôi lờ mờ nhận ra Danh Thôm. Phải Danh Thôm đó không em? Người học trò cũ của cô. Năm 1978, cả gia đình em trong số 143 người dân vô tội ở Hà Tiên bị bọn diệt chủng Pôn Pốt giết hại. Em may mắn được cứu sống nhưng vì quá đau khổ trước cảnh mất cha mẹ và người thân, em làm chuyện rồ dại. Một lần nữa em được cứu. Sau đó có nhà sư đem em về chùa nuôi nấng, dạy dỗ. Lục tung ký ức, tôi gần như bật khóc trước em. Khi định tỉnh, tôi quyết tìm em khắp tịnh xá, nhưng lòng vòng mãi giữa rừng người ở các ngả “bát quái đồ”, tôi đành chịu đánh mất cơ hội.
* * *
Bảy giờ rưỡi, ban tổ chức phát loa hướng dẫn việc Sớt bát. Tất cả Phật tử, y giới trang nghiêm, bước ra cổng, xếp hàng đơn, trật tự đi ra bờ kè đến cầu Cái Cá thì dừng lại, đứng nép dọc lộ chờ đoàn Khất Sĩ đi qua… Lễ vật của tôi là một ít kẹo ngậm vitamin C, một ít gói bột dinh dưỡng và một ít bánh tây, gọi là tượng trưng.
Mặt trời chói rạng, vầng hào quang lấp lánh, trước mặt là dòng Tiền Giang nước lớn đang xuôi chảy như hóa độ chúng tôi. Đi suốt dọc bờ kè có nhiều ụ đất lớn nhỏ lại ngổn ngang vật liệu đang xây dựng và rẽ qua khúc quanh lởm chởm sỏi đá, dưới chân cầu, từng vị Khất Sĩ ló dạng, chậm rãi, trang nghiêm và vàng rực. Tức khắc chúng tôi im bặt, vội vàng chỉnh đốn y trang, đầu tóc, chắp tay đứng ngay lại. Ai nấy nín thở hồi hộp chờ. Tôi càng hồi hộp dữ khi để vuột mất cơ hội là khi tay tôi đang cầm lễ vật mà không tài nào cho vào cái bát vị khất sĩ vừa hé mở. Vì người đông cũng vì chân tôi đang lấn cấn trong đôi vớ thun bó sát một nửa bàn chân lên tận gối. Loại vớ “đẳng cấp” khó ưa khó dùng dành cho người bị giãn tĩnh mạch. Tôi đành đứng tại chỗ, cúi gập người xá lạy từng vị sư chậm chạp đi qua để thấy từng đôi chân trần to bè, khô cứng có năm ngón “củ gừng” sần sùi đạp trên sỏi đá. Một bàn chân không trần lạ lẫm bước tới. Bàn chân Ni sư có mang vớ màu kem để hở phần ngón. Tức thì tôi nhận ra tôi qua đôi vớ ấy. Tôi chăm chăm nhìn vào nó. Cả hai chiếc vớ đều bị rách với hai lỗ thủng khá lớn ở gót chân, để lộ hẳn ra đôi gót mang đầy vết nứt đen đủi, sần sùi, khô cứng đến tê lòng. Tôi thẩn thờ, mắt không rời nhịp gót nhấc lên, đạp xuống…
* * *
Trong khi đoàn khất sĩ lần lượt tiến bước, tôi còn chưa trở về thực tại. Bỗng đâu có người cầm tay tôi đưa đến chỗ vị sư sắp bước tới, chờ vị sư vừa hé cái nắp bát, y dí tay tôi vào. Tôi bối rối xá lạy Sư, xá ngay vào người giúp tôi là một cậu thanh niên xa lạ. Sự phản xạ có điều kiện, lúc đó tôi thốt ra: A Di Đà Phật. Đứng suốt buổi sáng, tôi mong được Sớt bát, niệm Phật và cúi lạy 108 vị sư Khất sĩ. Nhưng chỉ một lần đó thôi, nhờ ai tôi được sống trong đạo hạnh làm kẻ sớt bát. Và luôn luôn biết mình chậm chạp, tôi không thể đứng đợi vị sư thứ 108. Tôi mau về tịnh xá, hòa cùng bạn đạo, nghinh đón đoàn sư lần lượt trở về, tiến thẳng lên chánh điện. Lễ vật còn lại tôi đem cúng dường ban quản lý…
* * *
Tôi dặn lòng bình tĩnh, cố nhìn cho ra vị sư ban sáng và vị ni có đôi chân mang vớ. Vì tôi đã tháo đôi vớ của tôi rồi, nguyện cúng dường nó cho Ni sư, mặc dù nó không là phẩm vật còn tinh khôi.
Hơn 70 năm trong đời, chỉ một ngày gọi là đủ duyên, tôi được thực chứng, ngộ ra cái Đẹp thường hằng của Tâm ẩn trong sắc tướng vị sư, bộ y vàng sũng nước với cái hố ga cùng đôi gót chân sần sùi nứt nẻ trong đôi vớ rách, cả bàn tay ai giúp tôi bước tới… Và giờ đây, quãng đời còn lại của tôi là chuỗi ngày thật an lạc, hạnh phúc.