Làm và Không Làm (tiếp theo)

THƯ GỞI HUYNH TRƯỞNG TRẺ

Ý hòa đồng duyệt

Kiến hòa đồng giải

LÀM và KHÔNG LÀM

(tiếp theo)

Bạn thân mến,

Hôm nay chúng ta tiếp tục trao đổi về đề tài "Làm và Không làm".

Trong lá thư kỳ trước, tôi đã trình bày quan điểm của Phật giáo xem Trí tuệ và Phụng sự là một cặp phạm trù không thể tách rời. Quan điểm này cũng hoàn toàn dung hợp với đạo lý xã hội con người từ xưa đến nay.

Tôi cũng đã chứng minh  tầm quan trọng của phương pháp "Hoạt động", một trong bốn phương pháp giáo dục của tổ chức Gia Đình Phật Tử (GĐPT) nhằm hướng đến mục tiêu đào luyện thanh, thiếu, đồng niên trở thành Phật tử chân chánh.

Suốt 49 năm thuyết pháp độ sanh, Đức Bổn Sư Thích Ca là một tấm gương làm việc miệt mài, không phải vì mục đích "vinh thân phì gia", mà vì mục đích "khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến". Một ngày làm việc của Đức Thế Tôn diễn tiến như sau : (*)

Buổi sáng:

Lúc còn sáng sớm, Đức Phật dùng Phật nhãn để quan sát thế gian, xem có ai cần Ngài tế độ . Nếu có thì Ngài tự ý đến với người ấy mà không đợi thỉnh cầu.

Sau đó, Ngài ôm bát đi khất thực, bình đẳng như bao nhiêu vị Tăng khác. Đức Phật thọ thực trước giờ ngọ. Sau đó , chư Tỳ khưu họp lại nghe Ngài thuyết một bài pháp ngắn. Sau thời pháp, Đức Phật ban lễ quy y Tam Bảo, truyền Ngũ giới cho Phật tử và làm lễ xuất gia (nếu có)

Buổi trưa:

Đức Phật lui về tịnh thất, nằm nghiêng bên phải và định thần trong chốc lát. Lúc dậy, Ngài nhập Đại Bi Định và dùng Phật nhãn quan sát thế gian, nhất là các Tỳ khưu đang tu tập ở những nơi hoang vắng. Nếu cần, Ngài thị hiện đến nơi ấy để giúp đỡ hoặc sách tấn các đệ tử.

Buổi chiều:

Vào buổi chiều, thiện tín kéo đến nghe Pháp do Đức Phật thuyết khoảng một giờ.

Buổi tối:

Canh đầu: từ 6 giờ đến 10 giờ đêm là thời gian Đức Phật dành cho các vị Tỳ khưu được tự do thỉnh cầu Ngài rọi sáng những hoài nghi của mình, hỏi Ngài về những nghi vấn trong Giáo pháp hoăc xin Ngài đề mục thiền định hay nghe pháp.

Canh giữa: từ 10 giờ đến 2 giờ khuya, Đức Phật thyết pháp cho chư Thiên các tầng Trời.

Canh cuối cùng:

-Từ 2 giớ đến 3 giờ: Đức Phật đi kinh hành

-Từ 3 giờ đến 4 giớ: Ngài nằm định thần, nghiêng mình về bên phải

-Từ 4 giờ đến 5 giờ: Ngài nhập Đại Bi Định, rải tâm từ khắp nơi và làm êm dịu tâm trí chúng sanh. Sau đó, Ngài dùng Phật nhãn quan sát thế gian xem ai là người có đủ duyên để Ngài tế độ trong ngày…

Làm và không làm ((ảnh minh họa)
Đức Bổn Sư Thích Ca là một tấm gương làm việc miệt mài vì

mục đích "khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến" (ảnh minh họa)

Bạn thân mến,

Như vậy, trọn cả ngày, Đức Phật luôn bận rộn với nhiệm vụ đạo đức. Ngài chỉ ngủ một tiếng đồng hồ. Ngài tự nguyện sống đời nghèo nàn, đi trì bình khất thực mà không phiền đến ai, rày đây mai đó, tám tháng trời liền trong năm để hoằng khai Diệu Pháp. Ngài không ngừng gia công đem lại điều tốt đẹp và hạnh phúc cho tất cả, cho chí đến ngày nhập diệt, vào năm Ngài 80 tuổi thọ.

Trọn cuộc đời của mình, Đức Phật đã nêu bật tấm gương TINH TẤN cho đời sau noi theo. Tổ chức GĐPT chọn khẩu hiệu "Tinh Tấn" chắc chắn không ngoài ngụ ý  muốn nhắc nhở đoàn viên Áo Lam hãy noi gương Tinh Tấn của Đức Bổn Sư Thích Ca.

Gia Đình Phật Tử Việt Nam ra đời và phát triển hơn 60 năm qua, thảy đều được xây dựng bằng khối óc và bàn tay của biết bao Lam viên qua nhiều thời kỳ lịch sử nước nhà, hết thế hệ trước đến thế hệ sau và sẽ còn nhiều thế hệ nữa tiếp nối mãi sự nghiệp "trồng người" của hàng Cư sĩ Phật Giáo Việt Nam.

Muốn được như vậy, tổ chức GĐPT rất cần những con người năng động – hay làm, chớ không phải những con người lười biếng – hưởng thụ. Nhưng muốn làm việc có hiệu quả, được mọi người mến phục và đem lại lợi ích cho tổ chức, thì người huynh trưởng cần phải thường xuyên tích lũy kiến thức và tu dưỡng đạo đức. Đặc biệt là cần tâm khiêm hạ và tinh thần cầu thị, nghĩa là biết tiếp thu lời phê bình từ người khác, biết học hỏi cái hay của người khác, dù người đó đàn anh đàn chị, hay đó chỉ là đàn em của mình.

le tri an va bao hieu tai gdpt ngoc hai 06
Gia Đình Phật Tử Việt Nam ra đời sẽ tiếp nối mãi sự nghiệp "trồng người"

của hàng Cư sĩ Phật Giáo Việt Nam (ảnh minh họa)

Nên nhớ rằng, hễ có làm thì có khuyết điểm, Làm ít thì khuyết điểm ít, làm nhiều thì khuyết điểm nhiều. Nhưng không vì ngại khuyết điểm mà không làm gì hết. Với tinh thần cầu thị như tôi vừa nói trên, càng làm chúng ta càng tiến bộ theo từng công việc, và đến một lúc nào đó, chúng ta được anh em đồng đội tin tưởng, mến phục vì càng ngày chúng ta làm việc càng ít khuyết điểm hơn trước.

Đấy chính là chữ TU của người huynh trưởng GĐPT đó, bạn ạ! Nếu một người huynh trưởng mà thường xuyên bê tha công việc GĐPT, ngay trong ngày sinh hoạt mà bỏ đồng đội, bỏ đoàn sinh để vào chùa dự hết khóa tu này đến khóa tu khác… thì người huynh trưởng ấy chưa biết tu đúng với thân phận và vị trí của mình, nói tắt là tu không phải cách. Tu như vậy chắc chắn không thể thành THÁNH mà cũng không trọn bổn phận làm NGƯỜI.

Nếu muốn tu để trở thành bậc Thánh thì hãy xuất gia vào chùa chuyên tu. Còn như vẫn sống đời cư sĩ với biết bao trách nhiệm trong cuộc đời thì hãy tu theo Nhân Thừa, nghĩa là làm tròn bổn phận người cha (mẹ) trong gia đình; tròn bổn phận người viên chức nơi công sở; tròn bổn phận người huynh trưởng trong GĐPT v.v… chứ không nên "đứng núi này trông núi nọ" mà phí cả một đời tu "ngô chẳng ra ngô, khoai chẳng ra khoai" .

Bạn thân mến,

Trở lại vấn đề "Làm hay không làm", tôi có biết một người huynh trưởng nọ đã từng tuyên bố :"Làm ít bị phê bình ít, làm nhiều càng bị phê bình nhiều. Từ nay tôi không làm gì hết để khỏi bị ai phê bình!". Người này vì không muốn bị ai "nói nặng, nói nhẹ" mình nên quyết định "không làm gì hết". Vậy, người không làm gì hết sẽ yên thân ư ? sẽ không phải bị ai chê trách nữa ư ? Nghĩ thế là lầm lẩn tai hại cho chính bản thân người ấy và cho cả tổ chức GĐPT nữa.

Người không làm gì hết đúng là sẽ được toại nguyện vì không còn ai nhắc đến anh (chị) ta nữa, nói chi đến chuyện phê bình ! Bởi vì người ấy giờ đã là người VÔ DỤNG trong cái tập thể mà anh (chị) ta đang có mặt. Người ấy không còn bị phê bình khuyết điểm này, khuyết điểm kia nữa, bởi vì anh (chị) ta đã mắc một khuyết điểm lớn nhất trong kiếp làm người của mình, đó chính là VÔ TÍCH SỰ .

Kể từ nay, trong các buổi họp, đồng đội không còn việc gì để nhắc tới tên anh (chị) ta nữa. Cấp lãnh đạo không còn phân công cho anh (chị) ta làm bất cứ một công việc nào nữa. Anh (chị) ta cứ như một đồ vật thừa nằm cô đơn bên đường, chẳng ai đoái hoài tới. Anh (chị) ta còn đó, nhưng tổ chức GĐPT kể như đã mất hẳn anh (chị) ta rồi.

Bạn ơi, bạn có muốn làm hạng người như vậy không ?

Bạn thân mến,

Qua lá thư này, tôi muốn chia sẻ với bạn rằng: làm việc hay phụng sự luôn có giá trị quyết định cho mọi sự thành công trong đời, nhất là trong sinh hoạt GĐPT. Nếu ở đơn vị bạn có nhiều huynh trưởng ham học ham làm thì chắc chắn đơn vị bạn sẽ tiến bộ từng ngày, xứng đáng là con cưng của đại gia đình Áo Lam.

Hãy khuyên tấn nhau, động viên nhau và tạo điều kiện thuận lợi cho nhau để cùng chung sức làm việc, đưa đơn vị ngày thêm vững mạnh, bạn nhé.

Chào thân ái và chúc bạn thành công trong công việc.

(*) Theo sách "Đức Phật Và Phật Pháp" -Nãrada Thera – Phạm Kim Khánh dịch – NXB TP.Hồ Chí Minh – 1998

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.