Kinh Tuổi Trẻ và Hạnh Phúc

Silhouette of hiking man in mountain

Đây là những điều tôi được nghe vào một thời mà Bụt đang cư trú ở tu viện Trúc Lâm Ca Lan Đà tại kinh thành Vương Xá. Một sớm mai nọ, có vị khất sĩ ra sông, cởi y áo để trên bờ rồi xuống nước tắm gội. Tắm xong vị ấy lên bờ, đợi cho khô mình mẩy rồi mặc áo vào. Bấy giờ có một vị thiên nữ xuất hiện, hào quang từ thân hình phát ra sáng chói, soi rõ cả bờ sông. Thiên nữ nói với vị khất sĩ: “Thầy là một người mới xuất gia. Tóc còn xanh, tuổi còn trẻ, giờ này đáng lý thầy phải xông ướp hương thơm, trang điểm châu báu, đeo tràng hoa thơm mà hưởng thọ năm thứ vui thú. Trong khi đó thì thầy lại bỏ những người thương, quay lưng lại với cuộc đời thế tục, chịu đựng sự biệt ly, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca sa, tin tưởng vào con đường xuất gia học đạo. Tại sao lại bỏ cái lạc thú hiện tại mà đi tìm cái lạc thú phi thời như thế?”

Vị khất sĩ đáp:
“Tôi đâu có bỏ cái lạc thú hiện tại mà đi tìm cái lạc thú phi thời? Chính tôi đã bỏ cái lạc thú phi thời để tìm tới cái lạc thú chân thực trong hiện tại đấy chứ.”

Vị thiên nữ hỏi:
“Thế nào là bỏ cái lạc thú phi thời để tìm tới cái lạc thú chân thực trong hiện tại?”

Vị khất sĩ đáp:
“Đức Thế Tôn có dạy: Trong cái vui phi thời của ái dục, vị ngọt rất ít mà chất cay đắng rất nhiều, cái hưởng thụ rất bé mà tai họa rất lớn. Tôi giờ này đang an trú trong hiện pháp, lìa bỏ được những ngọn lửa phiền não đốt cháy. Hiện pháp này vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, tự mình thông đạt, tự mình có thể giác tri. Này thiên nữ, đó gọi là bỏ cái lạc thú phi thời để đạt tới cái lạc thú chân thực trong hiện tại.”

Vị thiên nữ lại hỏi vị khất sĩ: “Tại sao Đức Thế Tôn lại nói trong cái vui phi thời của ái dục, vị ngọt rất ít mà chất cay đắng rất nhiều, cái hưởng thụ rất bé mà tai họa rất lớn? Tại sao Đức Thế Tôn lại nói an trú trong hiện pháp là lìa bỏ được những ngọn lửa phiền não đốt cháy, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, tự mình thông đạt, tự mình có thể giác tri?”

Vị khất sĩ trả lời:
“Tôi mới xuất gia được có mấy năm, không đủ sức giảng bày rộng rãi những giáo pháp và luật nghi mà Đức Như Lai tuyên thuyết. Hiện Đức Thế Tôn đang cư ngụ gần đây, nơi rừng tre Ca Lan Đà, thiên nữ có thể tới với Người để trình bày những nghi vấn của thiên nữ. Đức Như Lai sẽ dạy cho thiên nữ chính pháp để tùy nghi thọ trì.”

Vị thiên nữ nói:
“Thưa khất sĩ, Đức Như Lai đang được các vị thiên giả có nhiều uy lực túc trực bao quanh, tôi không dễ gì có cơ hội để tới gần Người mà hỏi Đạo. Nếu thầy có thể đến Đức Thế Tôn để thỉnh vấn trước giùm tôi thì tôi sẽ xin đi theo thầy.”

Vị khất sĩ nói: “Tôi sẽ đi giúp thiên nữ.”

Vị thiên nữ: “Thưa tôn giả, vâng, tôi sẽ đi theo tôn giả.”

Lúc ấy vị khất sĩ kia đi đến nơi Bụt ở, cúi đầu làm lễ dưới chân Người, lui ra đứng một bên, và đem câu chuyện đã nói với vị thiên nữ thuật lên cho Bụt nghe. Rồi thầy tiếp: “Bạch Đức Thế Tôn, nếu vị thiên nữ kia có tâm thành khẩn thì giờ này vị ấy đã có mặt ở đây rồi, còn nếu không thì có lẽ vị ấy đã không tới.” Lúc bấy giờ có tiếng vị thiên nữ từ xa nói lại: “Thưa tôn giả, tôi đang có mặt đây, tôi đang có mặt đây.” Và thiên nữ tới gần.
Đức Thế Tôn liền nói cho thiên nữ nghe bài kệ sau đây:

“Không thấy rõ ái dục
Mới vướng vào ái dục
Ảo tưởng về ái dục
Đưa người về nẻo chết.”

Rồi Bụt hỏi vị thiên nữ:
“Con có hiểu bài kệ ấy không? Nếu chưa hiểu thì cứ nói.”

Vị thiên nữ bạch Bụt: “Con thật tình chưa hiểu, bạch Đức Thế Tôn. Con thật tình chưa hiểu, bạch Đức Thiện Thệ.”
Bụt lại đọc cho vị thiên nữ nghe một bài kệ khác:

“Thấy chân tướng ái dục
Tâm ái dục không sinh
Tâm ái dục không sinh
Ai cám dỗ được mình.”

Rồi Bụt hỏi vị thiên nữ:
“Còn bài kệ này, con có hiểu không? Nếu không hiểu thì con cứ nói.”

Vị thiên nữ bạch Bụt: “Con cũng chưa hiểu, bạch Đức Thế Tôn. Con cũng chưa hiểu, bạch Đức Thiện Thệ.”
Bụt lại đọc cho vị thiên nữ nghe một bài kệ khác:

“Mặc cảm hơn, kém, bằng
Tạo ra nhiều rối rắm
Ba mạn đã vượt rồi
Tâm không còn khuynh động.”

Đọc xong, Bụt lại hỏi vị thiên nữ:
“Bây giờ con đã hiểu bài kệ ấy chưa? Nếu không hiểu thì con cứ nói.”

Vị thiên nữ bạch Bụt: “Con vẫn chưa hiểu, bạch Đức Thế Tôn. Con vẫn chưa hiểu, bạch Đức Thiện Thệ.”
Bụt lại đọc cho vị thiên nữ nghe một bài kệ khác nữa:

“Trừ dục, vượt ba mạn
Tâm lặng, hết mong cầu
Mọi đau phiền cởi bỏ
Đời này và đời sau.”

Rồi Bụt hỏi vị thiên nữ: “Lần này con có hiểu được ý nghĩa bài kệ không? Nếu không, thì con vẫn có thể hỏi thêm.”

Vị thiên nữ bạch Bụt: “Con đã hiểu, bạch Đức Thế Tôn. Con đã hiểu, bạch Đức Thiện Thệ.”

Kinh này Bụt đã nói xong. Nghe Bụt dạy, vị thiên nữ vui mừng vâng theo, biến đi và không ai còn trông thấy tăm dạng cô đâu nữa.


Kinh Tuổi Trẻ và Hạnh Phúc: Kinh này được dịch từ kinh Tam Di Ðề, kinh số 1078 của bộ Tạp A Hàm trong tạng Hán (99, tạng kinh Ðại Chính). Kinh này dạy về hạnh phúc của sự hành trì chánh pháp theo nguyên tắc hiện pháp lạc trú, sống sâu sắc, an lạc, vững chãi và thảnh thơi trong giờ phút hiện tại, thoát ra ngoài mọi mặc cảm và thèm khát về ngũ dục. Kinh tương đương trong tạng Pali là kinh Samidhi của Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikàya I, 2.10). Xin tham khảo sách Hạnh Phúc Mộng và Thực của thiền sư Nhất Hạnh.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.