Huynh Trưởng và Vấn Đề Huấn Luyện

THƯ GỞI HUYNH TRƯỞNG TRẺ

Ý hòa đồng duyệt

Kiến hòa đồng giải

Huynh Trưởng Và Vấn Đề Huấn Luyện

 

Bạn thân mến,

Nhân vừa qua lên mạng đọc thấy tin Ban Hướng Dẫn GĐPT Kiên Giang khai giảng Lớp Huấn Luyện Dài Hạn cho huynh trưởng GĐPT trong tỉnh; Nhất là sau khi đọc kỹ bản Kế hoạch huấn luyện dài hạn cho huynh trưởng của GĐPT Kiên Giang, tôi nẩy ra ý định đóng góp vài ý kiến thô thiển về vấn đề huấn luyện huynh trưởng của tổ chức chúng ta nhằm mục đích khơi dậy lòng yêu thích và tinh thần trách nhiệm của hàng huynh trưởng trẻ đối với vấn đề huấn luyện.

Trước hết, chúng ta cần nhất trí với nhau rằng : Huấn luyện là phẩm chất, là giá trị, là trách nhiệm và bổn phận của người huynh trưởng GĐPT.

Thật vậy, khi còn là đoàn sinh, chúng ta đi sinh hoạt chỉ vì yêu thích một điều gì đó trong GĐPT, và khi niềm vui thích ấy không còn thì ta rất dễ bỏ đoàn. Khi còn là đoàn sinh, tổ chức không đòi hỏi gì nhiều ở chúng ta ngoài sự tuân thủ kỷ luật của đoàn, siêng năng đi sinh hoạt. Khi còn là đoàn sinh, chúng ta chưa hình thành lý tưởng của người Áo Lam, chúng ta chưa có trách nhiệm gì với ai ngoài trách nhiệm đối với bản thân. Khi còn là đoàn sinh, chúng ta có quyền đòi hỏi ở các anh chị trưởng điều này điều nọ v.v….

Cuộc đời đoàn sinh của chúng ta kéo dài cho tới 1 năm, 2 năm, 3 năm và nhiều năm sau đó. Rồi một ngày, như con bướm vừa ra khỏi cái kén êm ấm, chúng ta không còn là con sâu bướm ngây thơ và vô tư nữa. Đó là lúc chúng ta tập sự làm huynh trưởng và bắt đầu quãng đường mới dưới màu áo Lam. Chúng ta cỡi bỏ lớp da mềm yếu của loài sâu để đổi lấy sự cứng cáp và đẹp đẽ của loài bướm . Lúc còn là sâu, chúng ta chỉ biết nhận của đời bằng cách ăn ngấu nghiến các thứ lá cây để mau lớn; nhưng khi đã thành bướm, chúng ta dâng hiến cho đời bằng vẻ đẹp lộng lẫy của đôi cánh, giúp cho cây cối ra hoa kết trái bằng cách mang phấn hoa đi từ cây này qua cây khác.

Cũng vậy, khi còn là đoàn sinh, chúng ta ví như những con sâu chỉ biết nhận; nhưng khi đã thành huynh trưởng, chúng ta ví như những cánh bướm đem hương sắc và hoa trái cho đời. Khi đã là huynh trưởng, chúng ta bắt đầu cống hiến cho đạo pháp và tổ chức bằng tài năng và trí tuệ của mình. Muốn sự cống hiến của mình có hiệu quả, huynh trưởng chúng ta phải được huấn luyện.

HLDH1 16

Về mặt lý thuyết mà nói, huấn luyện có hai cách :

1)Huấn luyện tại trại huấn luyện

2)Huấn luyện tự thân

Cả hai cách thức huấn luyện này đều quan trọng như nhau :

 

1)Trại huấn luyện :

-Trại huấn luyện là nơi cung cấp cho huynh trưởng những kiến thức căn bản về 3 phương diện : rèn chí, tổ chức và điều hành, kỹ năng chuyên môn.

-5 ngày đêm sống tại trại giúp cho trại sinh tôi luyện ý chí chịu đựng gian khó, bồi dưỡng tinh thần kỷ luật, tập sống đồng đội, huân tập đức tính tuân phục, có điều kiện thực hành các kiến thức vừa học dưới sự hướng dẫn của huynh trưởng giảng huấn v.v…

Một huynh trưởng tập sự sau khi thụ huấn một khóa huấn luyện trở về đơn vị là thấy có chuyển biến ngay về tinh thần, đạo đức, chuyên môn… Đó là nói về cái lợi của trại huấn luyện.

 

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do nhiều nghịch duyên trong đời sống, trại huấn luyện thường xuất hiện một số điều bất cập như :

*Trại huấn luyện không được tổ chức xuyên suốt 5 ngày đêm, mà tổ chức trong 1-2 ngày rồi giải tán, đợi tuần tới hay tháng tới mới lại tập trung trại sinh huấn luyện thêm 1-2 ngày nữa… Trại huấn luyện như vậy được gọi đùa là "Trại nhảy cóc".Thời gian huấn luyện không nhiều nhưng phải mất cả tháng mới kết thúc khóa trại. Trại sinh phải đi lại nhiều lần gây tốn kém tiền bạc và thời gian mà kết quả huấn luyện chẳng được bao nhiêu. Huấn luyện như vậy chẳng khác gì học đại học tại chức, chỉ có nhồi nhét kiến thức, còn nhửng ưu điểm khác của trại huấn luyện tập trung – như vừa trình bày ở phần trên- thì trại sinh hoàn toàn không gặt hái được gì.

*Do bận học hành, công tác hay vì nhiều lý do khác nhau, có những trại sinh không có mặt tại trại đủ 5 ngày đêm để thụ huấn. Ban quản trại vì nhu cầu đào tạo huynh trưởng nên chấp nhận cho qua. Những anh chị này vẫn có thể trúng cách trong kỳ thi kết khóa nhưng trên thực tế họ đã không tiếp thu được trọn vẹn những lợi ích mà 5 ngày đêm của trại huấn luyện đem đến cho họ.

 

2)Huấn luyện tự thân :

Trên thực tế, 5 ngày đêm tại trại cũng vẫn là chưa đủ để trở thành một huynh trưởng giỏi. Cứ xem chương trình trại huấn luyện thì hiểu. Thí dụ  :

-18 tuổi thụ huấn trại Lộc Uyển

-20 tuổi thụ huấn trại A Dục

-23 tuổi thụ huấn trại Huyền Trang

-28 tuổi thụ huấn trại Vạn Hạnh

Trong 10 năm đó, người huynh trưởng chỉ có 20 ngày thụ huấn tại đất trại. Thời gian còn lại , nếu không tự thân huấn luyện thì người huynh trưởng chẳng có vốn liếng nào để trao truyền cho đoàn sinh. Do đó đặt ra vấn đề huấn luyện tự thân. Huynh trưởng huấn luyện tự thân bằng cách nào ? Xin thưa, đó là chương trình tu học dành cho huynh trưởng, gồm : bậc Kiên (1 năm), Trì (2 năm), Định (3 năm), Lực (4 năm).

Ngoài ra, người huynh trưởng còn phải tự thân huấn luyện bằng cách học ở sách báo (sách báo in và sách báo mạng), học nơi bè bạn, học nơi cuộc sống quanh ta v.v…

HLDH1 14

Bạn thân mến,

Trở lại với thực tại, tôi thấy Lớp huấn luyện dài hạn cho huynh trưởng của BHD GĐPT Kiên Giang rất hữu ích vì nó tạo điều kiện cho huynh trưởng thường xuyên huấn luyện tự thân có hiệu quả. Để cho lớp huấn luyện này mang lại kết quả thiết thực, tôi xin có mấy đề nghị như sau về chương trình học của lớp :

 

1-Đề tài ưu tiên : nên chọn những đề tài cấp thiết để dạy trước như : phương pháp giảng dạy – Cách thức sử dụng máy vi tính để lên mạng tải bản tin hoặc gởi bản tin – Nghệ thuật điều khiển trò chơi nhỏ – Thuộc nhiều trò chơi Phật hóa – Cách thức tổ chức các lễ lạt trong GĐPT – Thuộc và hát đúng những bài hát nghi thức và bài hát truyền thống GĐPT – Thuộc nhiều gút dây – Thuộc toàn bộ bảng Morse và thông thạo cách gởi tin – nhận tin bằng Morse v.v…

 

2-Đề tài căn bản : ngoài những đề tài cấp thiết cần ưu tiên hướng dẫn cho huynh trưởng như vừa nêu, tôi thiết nghĩ lớp học của chúng ta nên chia thành 3 bậc học : Kiên, Trì, Định để hướng dẫn người học những đề tài căn bản của chương trình tu học huynh trưởng, như thế chúng ta mới không chỉ biết có phần "NGỌN" mà quên đi phần "GỐC".

 

Bạn thân mến,

Với đề tài "huấn luyện" trong lá thư kỳ này, tôi muốn nhắn nhũ đến các bạn rằng : Để làm một huynh trưởng giỏi, chúng ta phải thường xuyên được huấn luyện qua hai hình thức : Trại huấn luyện và huấn luyện tự thân. Nếu anh chị em nào không tự huấn luyện thường xuyên thì người đó chưa thể được gọi là huynh trưởng, mà chỉ là ĐOÀN SINH SỐNG LÂU NĂM mà thôi !

Kính chúc các anh chị em Kiên Giang thành công trong việc huấn luyện huynh trưởng dài hạn.

Thân chúc các huynh trưởng trẻ luôn xứng đáng với hai từ HUYNH TRƯỞNG

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.