Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Nhận Định Thế Nào Về Vấn Đề “Sụt Giảm Dân Số Phật Giáo”? (tt)

Xem lại kỳ 1: Vấn Đề “Sụt Giảm Dân Số Phật Giáo”

Tóm lại, đối với các Giáo hội Phật giáo tại Việt Nam cũng như trên thế giới, vấn đề dân số Phật giáo không được giới lãnh đạo Phật giáo quan tâm lắm. Các nhà Sư khi được hỏi về vấn đề này đều có một câu trả lời chung, đại ý như: “Vấn đề Phật giáo quan tâm không phải là đếm số lượng tín đồ như nhà giàu đếm tiền. Phật giáo chỉ quan tâm đến việc các giáo lý nhà Phật có được xã hội tiếp thụ và thực hành rộng rãi hay không mà thôi”

Tinh thần này thể hiện rõ trong cách làm đạo của Làng Mai do Thiền sư Nhất Hạnh thành lập tại Pháp. Bằng chứng là có nhiều Linh mục và Mục sư Âu-Mỹ đến thọ giáo Thiền học với Ngài, nhưng Ngài luôn khuyên họ hãy cứ giữ đạo gốc của mình, không cần gì phải cải sang đạo Phật. Thật là một thái độ khoan dung, rộng mở đầy tính cao thượng.

Nhân nói đến phương pháp hành đạo khoan dung của Làng Mai, chúng ta cũng cần nói qua về cách thức truyền đạo cởi mở của các nhà Sư Phật giáo từ ngày đạo Phật ra đời đến nay.

SỰ THẬT THỨ III:

Tinh thần khoan dung, thái độ cởi mở và tính cách hiếu hòa của các nhà Sư Phật giáo là nguyên nhân khiến đạo Phật từ chối nhiều “cơ hội vàng” để tăng dân số

Huynh Truong Gia Dinh Phat Tu Nhan Dinh The Nao Ve Van De Sut Giam Dan So Phat Giao Tt 1
Đạo Phật đã có nhiều thời đại cực thịnh (ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Đạo Phật đã có nhiều thời đại cực thịnh nhưng các nhà Sư Phật giáo đã không tận dụng để tăng dân số. Thí dụ:

– Vào thế kỷ III trước Công nguyên, đại đế Asoka thống nhất cai trị toàn cõi Ấn Độ. Ông là người rất sùng tín đạo Phật, nhưng Phật giáo không tận dụng cơ hội để triệt tiêu các đạo khác, trái lai, các nhà Sư đề đạt lên hoàng đế nhiều chủ trương độ lượng khoan dung, tạo ra nền chính trị bình đẳng đối với mọi tôn giáo có mặt ở Ấn Độ thời ấy. Nội dung bình đẳng tôn giáo được hoàng đế A Dục ban hành qua pháp lệnh số 7 khắc trên núi đá vùng Girnar. Khi nghiên cứu về vua A Dục, giáo sư Fippiofat nhận định như sau: “Dù đã chọn đạo Phật là con đường cho chính bản thân mình, vua A Dục chẳng bao giờ dùng quyền uy của mình cưỡng chế ai theo đạo mình”

– Tại Trung Hoa vào thời Lương Võ Đế ( 502 – 549 Công nguyên), vua là người sùng mộ đạo Phật hết lòng. Bản thân nhà vua làm mọi cách để xương minh Phật pháp trên đất nước mình. Tuy nhiên không vì thế mà triều đình kỳ thị, ngược đãi đối với Nho giáo và Đạo giáo. Suốt triều đại nhà Lương, ba tôn giáo Phật – Lão – Nho cùng tồn tại song song, hài hòa và tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau đưa nước Lương đi vào đời sống an vui thái bình suốt gần 50 năm.

– Tại Nhật Bản, từ năm 592 Công nguyên, dòng họ Soga (Tô Ngã) cai trị đất nước. Thiên hoàng Suiko (Suy Cổ) là nữ hoàng đầu tiên của Nhật Bản. Bà cử người anh họ là Thánh Đức Thái tử (Shòtoku taishi) làm Nhiếp chính đại thần thay mặt Nữ hoàng điều hành đất nước.

Thánh Đức Thái tử là người sùng tín Phật pháp. Ngay khi nắm quyền Nhiếp chính, Ngài đã ban hành Hiến pháp 17 điều, đây là bản Hiến pháp đầu tiên của Nhật Bản, trong đó có quy định: “…Phải dốc lòng quy kính Phật, Pháp, Tăng là nơi nương tựa của bốn loại chúng sanh…”

Từ đó cho đến ngày qua đời (622), Thánh Đức Thái tử luôn kết hợp tinh hoa của ba tôn giáo là Phật giáo, Nho giáo và Thần đạo trong công cuộc cai trị đất nước, đưa đời sống Nhật Bản trở nên thái bình thịnh trị, làm tiền đề tiến lên vị trí một cường quốc sau này.

– Tại Việt Nam, trải qua bốn triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần kéo dài hơn 400 năm (968 – 1400), Phật giáo được các triều đại tôn sùng như quốc giáo. Tuy nhiên, các nhà Sư Phật giáo chưa bao giờ có ý đồ triệt tiêu các tôn giáo bạn, mà vẫn chủ trương hòa đồng tôn giáo, luôn sống hài hòa cùng hai tôn giáo khác là Nho giáo và Đạo giáo

Tóm lại, trong lịch sử tôn giáo của nhân loại. Phật giáo chỉ bị các tôn giáo khác chèn ép, tiêu diệt, chứ chưa bao giờ Phật giáo đi chèn ép hoặc tiêu diệt tôn giáo khác.

Một. Phật giáo không bao giờ lợi dụng ưu thế được chính quyền ưu ái để lấy chính trị làm mục đích, lấy chính quyền làm công cụ cho ý đồ phát triển số lượng tín đồ

Hai. Phật giáo không bao giờ tiếp tay cho các thế lực thực dân, đế quốc để lợi dụng ưu thế của kẻ xâm lược mà phát triển tín đồ tại các nước thuộc địa.

Ba. Phật giáo không bao giờ tự mình vũ trang gươm dáo, súng đạn, tàu chiến… để tràn sang quốc gia khác giết người, cướp của, tiêu diệt tôn giáo khác và cưỡng ép dân chúng cải sang đạo mình

Bốn. Phật giáo không bao giờ làm trò “Sơn Đông mãi võ” ra giữa chợ quảng cáo, tuyên truyền, dụ dỗ mọi người theo đạo mình.

Năm. Phật giáo không bao giờ lợi dụng lòng bất mãn chính trị của một số người để kết nạp họ làm vây cánh cho mình

Sáu. Phật giáo không bao giờ lợi dụng hôn nhân và các hình thức gài bẫy khác để kiếm chác thêm tín đồ

Bảy. Phật giáo không bao giờ dùng quyền lợi chính trị, địa vị xã hội, tiền bạc, vật chất v.v… làm mồi câu tín đồ cho đạo Phật.

Tám. Phật giáo luôn tôn trọng pháp luật nhà nước nhưng không dựa vào bất cứ chánh quyền hay đảng phái chính trị nào để làm lợi thế cho mình

Chín. Phật giáo luôn nỗ lực truyền bá các chân lý để mọi người thực hành nhằm bớt khổ thêm vui, nhưng Phật giáo không xem trọng số lượng tín đồ như người thế gian quý trọng tiền bạc

Mười. Phật giáo là chân lý, là lối sống cao đẹp. Phật giáo được ví như đất, nước, gió, lửa; như điện năng, âm thanh, ánh sáng… Do đó Phật giáo không bao giờ mất hẳn, tuy không thấy có nhưng vẫn hiện diện đâu đó trong đời sống xã hội.

Cũng có thể ví Phật giáo như những hạt cỏ vô hình luôn có mặt trong lòng đất, nơi nào có đủ nhân duyên hội tụ thì Phật giáo xuất hiện:

“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
(Nguyễn Du)

Huynh Truong Gia Dinh Phat Tu Nhan Dinh The Nao Ve Van De Sut Giam Dan So Phat Giao Tt 2

Những gì hữu hình mà Phật giáo đang sử dụng, đang nương gá (trong đó có cái gọi là “dân số Phật giáo”) chỉ là thứ phương tiện, là thứ danh từ hư huyễn “sớm nở tối tàn” chứ không mang gía trị vĩnh hằng. Phật giáo có ba thứ quý báu vô ngần và có giá trị muôn đời, đó là:

1) Phật Bảo:

Tức Đức Phật Thích Ca, một con người có thật chứ không phải là một thần linh do con người “bịa” ra để hù dọa hoặc dụ dỗ quần chúng mê muội cả tin. Ngài đã bỏ giàu sang phú quý, bỏ ngôi vua, bỏ vợ đẹp con ngoan để đi tìm đạo, tức tìm con đường chân lý nhằm giúp thoát khỏi khổ đau của kiếp người. Sau 6 năm tu tập, Ngài đã tìm thấy con đường ấy và Ngài đã trở thành “Người -Giác – Ngộ – và – Giải – Thoát – hoàn – toàn” mà tiếng Ấn Độ (nơi quê hương của Ngài) gọi là Buddha, Việt Nam mình phiên âm thành Bụt, người Trung Hoa gọi là Phật Đà. Đức Phật Thích Ca chính là người khai sáng đạo Phật mà chúng ta đang theo.

2) Pháp Bảo:

Là những chân lý mà Đức Phật đã thuyết giảng suốt 45 năm khi Ngài còn tại thế. Phật pháp là một hệ thống giáo lý đầy tính khoa học và bất cứ ai cũng có thể chứng nghiệm trong đời sống hằng ngày để thấy giáo lý ấy có đúng như lời Phật dạy hay không. Nếu thấy đúng thì ta tin theo, nếu thấy không đúng thì ta có quyền không tin theo mà không hề sợ bị thần linh nào trị tội cả.

Tất cả giáo lý do Đức Phật thuyết đều nhằm mục đích giúp con người thoát khỏi khổ đau, chứ không phải để bắt con người thần phục và làm nô lệ cho Ngài. Đức Phật thường dạy: “Ta như thầy thuốc chữa bệnh khổ cho con người. Ai chịu uống thuốc ta cho thì hết bệnh, ai không uống thuốc của ta thì không hết bệnh. Ta không phải là thần linh có quyền năng ban phước giáng họa cho con người”.

Do vậy, người Phật tử muốn bớt khổ thêm vui trong đời sống thì phải học và thực hành Phật pháp chứ không thể chỉ cầu khấn Đức Phật ban cho mình hết khổ được.

3) Tăng Bảo:

Tăng là danh từ chung để chỉ những người Phật tử xuất gia. Người xuất gia nam gọi là Tỳ kheo, người xuất gia nữ gọi là Tỳ kheo Ni. Ở đây người viết muốn nhấn mạnh đến những vị Tăng chân chính thì mới được coi là Tăng Bảo, chứ không nói tất cả những ai “đầu tròn áo vuông” đều là Tăng Bảo.

Vị Tăng chân chính là người xuất gia vì lý tưởng giác ngộ giải thoát, có nếp sống thanh cao. suốt đời tận tụy phụng sự Đạo pháp và chúng sanh, không màng danh lợi, không ham địa vị, quyền lực… Trong phạm vi bài viết này không thể đi sâu phân tích thế nào là xuất gia chân chính, thế nào là xuất gia không chân chính. Tuy nhiên, nếu ai thường xuyên thân cận và thừa hành Phật sự với Tăng, Ni thì dần dần ta có thể nhận ra đâu là Tăng Bảo, đâu không phải là Tăng Bảo.

KẾT LUẬN

Như vậy, để minh bạch vấn đề “sụt giảm dân số Phật giáo” nhằm giúp cho anh chị em huynh trưởng GĐPT thấu suốt ngọn ngành, tránh thái độ bi quan hoặc tự ti mặc cảm, chúng tôi đã đưa ra ba sự thật căn bản để chứng minh vì sao Phật giáo tuy là tôn giáo có giá trị cao quý nhất trong lịch sử nhân loại, nhưng lại là tôn giáo thiểu số tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu. Ba sự thật đó là:

1. Vì làm người Phật tử chân chính khó quá nên ít người theo đạo Phật. Tu theo giáo lý Phật Đà là “lội dòng nước ngược” giữa con sông đời đầy tham-sân-si, do vậy chỉ có những con người có niềm tin mãnh liệt vào công năng giải thoát của đạo Phật mới chấp nhận đi theo con đường đạo Thích.
2. Đạo Phật là con đường tu tập hướng đến giác ngộ và giải thoát cho bản thân người tu, bởi vậy mọi nỗ lực, mọi ý chí của người đệ tử Phật đều dồn hết cho việc tu hành để đạt mục tiêu “giải thoát”. Còn những thứ thuộc thế gian pháp như: tổ chức giáo hội, củng cố giáo quyền, phát triển tín đồ, các hình thức nghi lễ, mưu cầu các lợi ích thế gian… đều không phải là cứu cánh của đạo Phật. Do vậy mà tất cả các Giáo hội Phật giáo trên thế giới hơn hai ngàn năm qua đều không quan tâm đến sự tăng hay giảm dân số Phật giáo. Phàm điều gì ta không quan tâm thì ta không cố gắng bằng mọi cách để đạt cho được điều đó.

3. Vì muốn giữ gìn bản chất “xuất thế gian” cao quý nên trong cách hành đạo của mình, Phật giáo đã từ chối không làm những chiêu trò như: chiến tranh xâm lược, dựa vào thế lực chính trị, gài bẫy, dụ dỗ, mua chuộc, quảng cáo và nhiều thủ đoạn, mưu mẹo khác nhằm kéo dài danh sách tín đồ để hình thành lực lượng quần chúng, tạo nên sức mạnh phe nhóm trong đời sống chính trị – xã hội – tôn giáo tại quốc gia mình đang có mặt.

Ngày xưa khi còn nằm trên võng kẽo kẹt những buổi trưa hè, tôi thường nghe mẹ tôi ru:

“Một vũng nước trong, năm bảy dòng nước đục
Một trăm người tục không có một người thanh
Biết ai tâm sự với mình
Chọn tơ thêu lấy tượng Bình Nguyên Quân” (*)

Giờ đây, nhân nói về tính thiểu số của đạo Phật, tôi lại càng thấm thía ý nghĩa câu hát ru của mẹ tôi ngày nào.


(*) Bình Nguyên Quân: một nhân vật thời Chiến Quốc (Trung Hoa) có nhân cách cao quý, trọng nghĩa khinh tài, thường giúp đỡ người hoạn nạn.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.