“Gương” – Hổ Thẹn

Có lẽ đây sẽ là một đề tài khá quen thuộc với tất cả mọi người vì đâu đó trong vấn đề chúng tôi đưa ra để thảo luận, chia sẻ với anh chị em chúng ta sẽ thấy quen thuộc lắm. Đó là “Gương” hay còn được hiểu theo nghĩa là “Thân Giáo”.

Chúng tôi xin trích dẫn một đoạn ngắn torng bài viết “Thư Gửi Huynh Trưởng Trẻ – đăng tải trên website Ban hướng dẫn ngày 22 tháng 3 năm 2017”.

“Thân giáo là gì ?

Thân giáo nghĩa là lấy đạo đức của bản thân thể hiện qua lời nói, việc làm, tư cách, tác phong, lối sống… của mình để làm bài học cho người khác. Nói cho dễ hiểu là nêu gương tốt cho người khác noi theo. Thí dụ :

-Người đang hút thuốc mà vân động người khác bỏ hút thuốc thì sẽ không ai nghe theo mình

-Người hay đi trễ về sớm mà bảo người khác phải nghiêm túc về giờ giấc thì sẽ không ai nghe lời mình

-Người lười biếng mà dạy người khác phải siêng năng thì chẳng ai nghe theo lời dạy của mình.

-Vân vân…”

Chắc hẳn qua các bài viết trước của D.O mọi người cũng sẽ thắc mắc vì sao D.O cứ chọn đề tài xoay quanh huynh trưởng trẻ?!

D.O xin được giải đáp nếu anh, chị, em có thắc mắc như trên. Thật sự có rất nhiều lí do giúp D.O viết bài chia sẻ và trong đó nguồn cảm hứng chủ yếu là từ các huynh trưởng trẻ, vì chính xác bản thân D.O cũng là một người trẻ, đã từng trải qua cái tuổi “lớn không lớn, giá không già”, nên tự nghĩ rằng D.O sẽ khách quan hơn trong việc chia sẻ về người huynh trưởng trẻ, để hỗ trợ các bạn trẻ có thêm chút gì đó góp phần vào hành trang sống đồi GĐPT của mỗi bạn. Dĩ nhiên D.O sẽ không chỉ dừng ngòi bút của mình tại chủ đề này mãi đâu mà rồi mọi người sẽ được cùng với mình trải nghiệm nhiều điều hơn nữa.

Quay lại vấn đề chúng ta đang bàn luận, chú Nguyễn Ngọc Ngạn có phát biểu một câu đại ý là: Xây một căn nhà thì cần vài tháng và rất nhiều nhân công, thợ hồ nhưng Đập nhà chỉ cần một anh nhân công lái xe máy múc phá nhà và chỉ trong vòng chưa tới một ngày, chúng tôi sau khi nghe câu đấy cùng với sự chiêm nghiệm của bản thân trải qua trong cuộc sống này rõ ràng tất cả chúng ta chắc hẳn đều thừa nhận rằng UY TÍN là cái mà chúng ta phải “dùng cả thanh xuân để xây dựng được” nhưng có phải chỉ một lần nào đó ta mất đi “Thanh Xuân” này không?

Có người hỏi tôi một câu bông đùa nhưng cũng thú vị “Uy Tín là gì có ăn được không?” “Tại sao lại cần có Uy Tín?”

Theo từ điển Tiếng Việt định nghĩa: “Uy Tín là danh từ chỉ sự tín nhiệm và mến phục được mọi người công nhận”, chúng tôi có thể trả lời bạn đó rằng uy tín không thể ăn trực tiếp nhưng gián tiếp thì nó giúp bạn thừa cơm dư gạo. Đơn cử như bạn là người có uy tín với xóm giềng khi bạn khó khăn về tài chính thì chúng tôi chắc một điều rằng không nhiều thì ít người ta sẵn sàng vươn tay giúp bạn, còn ngược lại thì bạn sẽ nhận được một câu “Dạo này tôi cũng eo hẹp lắm” hoặc đại loại là những câu như thế.

Còn huynh trưởng chúng ta cần uy tín để chúng ta thực hiện mục đích, sứ mệnh mà chúng ta đang mang trên người đó là: “Đào luyện thanh thiếu đồng niên tin Phật, thành Phật tử chân chính. Góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội”

Vậy thì xin hãy giữ uy tín với các em đoàn sinh và với các bạn huynh trưởng khác một cách chân thật vì đó cũng là đang giúp chính bản thân chúng ta rèn luyện đực cái cách sống tốt và người có cách sống tốt rất dễ thành công trong tương lai.

Có một hôm nọ chúng tôi dự giờ một anh huynh trưởng dạy bài “Em nói không với game online và các trò chơi bạo lực”, anh giảng rất hăng say, các em cũng rất mến anh đó và rồi hôm sau chính anh là người cầm chiếc smartphone và chơi game online liên tục không rời mắt đến nỗi các em nhờ anh khiêng tiếp thùng đồ nặng anh ừ rồi nhưng rất lâu anh vẫn không qua giúp thế là bạn đó lại nhờ các em Oanh vũ xúm vào khiêng tiếp, các em Oanh vũ thấy vậy và hỏi tôi một câu làm tôi cảm thấy hổ thẹn lắm “Anh ơi anh ABC vậy đó mà dạy em bài XYZ, còn bỏ tụi em làm một mình trong khi tụi em nhỏ xíu….”

Các anh, chị, em đến chùa, với GĐPT bằng niềm tin yêu đạo Pháp, yêu công tác Phật sự và cũng chính là để TU nên chả có bất cứ những chế tài như ngoài đời, tất cả đều trên sự tự nguyện, dù chúng ta có kỷ luật anh đó nặng hay không nặng thì vấn đề lớn nhất là bản thân anh ấy biết điểm dừng của bản thân, người biết hành động mình chưa tốt chưa đẹp chưa dễ thương sẽ tự điều chỉnh không cần đợi ai nhắc nhở hoặc nhắc nhẹ thôi là đủ, còn người “vô tri” thì khi bạn nhắc nhở sẽ tự ái nghỉ sinh hoạt, trở ngược lại nói xấu bạn đủ điều. Chung quy vẫn là tại thân nên mới có từ “Thân Giáo”, “Thân Giáo” tốt thì nhất nhất mọi sự vẹn tròn.

Tất cả đều không quá muộn nếu bạn biết mình đi chưa đúng chỗ nào và chịu luyện rèn bản thân, đừng để hạt giống xấu được tưới tẩm mà hãy gieo hạt lành tưới nước thiện thì sẽ nảy ra mầm thành công và lớn dần thành đại thụ mà thôi.

“Sự hổ thẹn là phục sức đẹp nhất trong mọi thứ phục sức. Như cái móc sắt, sự hổ thẹn có năng lực chế ngự mọi thứ phi pháp của con người. Thế nên, các thầy Tỷ kheo, hãy luôn luôn biết hổ thẹn, sỉ nhục, đừng bao giờ, dầu chỉ tạm thời mà thôi, được phép quên mất đức tính ấy. Mất hổ thẹn là mất công đức. Có hổ thẹn là có thiện pháp, không hổ thẹn thì không khác gì cầm thú”. (Trích Kinh Di Giáo) 

Xin hãy biết hổ thẹn và nổ lực sửa sai nếu lỡ chưa làm đúng. “Gương sáng hay mờ là do người khéo lau chùi hay không!”

D.O


Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.