Giáo Dục Trẻ Thơ Theo Luật Nhân Quả Của Phật Giáo

NHÂN NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM 28/6

GIÁO DỤC TRẺ THƠ

THEO LUẬT NHÂN QUẢ CỦA PHẬT GIÁO

HT THÍCH TRÍ QUẢNG

Pháp Phật dạy nhiều vô số, nhưng có thể nói Luật Nhân Quả là pháp căn bản quan trọng nhất mà mọi người con Phật đều tin tưởng và tuân thủ tuyệt đối. Tin nhân quả theo Phật dạy, gieo nhân gì thì gặt quả ấy, người Phật tử biết chắc rằng nếu tạo nhân tốt thì họ sẽ được hưởng quả tốt. Phát xuất từ tâm thánh thiện sẽ dẫn đến hành động thánh thiện; và với việc làm tốt đẹp ấy, tự nhiên sẽ có người thánh thiện đến làm bạn hoặc hợp tác trong công việc với chúng ta.

Là người Phật tử mang trọn niềm tin vào luật nhân quả, họ lập gia đình bằng chân tình và sống với chân tình. Trên nền tảng của tình thương chân thật, thực sự lo lắng cho nhau, quý mến nhau, tôn trọng nhau, không có chút gì dối trá, lừa gạt hay lợi dụng, so đo tính toán trong cuộc sống vợ chồng, thì nhất định họ phải có hạnh phúc.

Thật vậy, vợ chồng chung sống với nhau phải có hạnh phúc thực, có thể cuộc sống vật chất không dư dả mấy, nhưng đời sống tinh thần của họ phải hoàn toàn thanh thản, an vui, đạo đức. Cuộc sống tinh thần của vợ chồng tốt đẹp được như vậy mới tạo thành sức thu hút những linh hồn có đạo đức tái sanh vô làm quyến thuộc của họ.

Quan niệm này được hàng cư sĩ Phật tử tại Nhật Bản tin tưởng mãnh liệt. Vì vậy, khi người vợ có thai, họ được mọi người trong gia đình hết sức thương yêu lo lắng, tránh không làm điều gì cho họ buồn phiền. Và nhất là họ chuyên tụng kinh niệm Phật để tạo cho thân tâm thanh tịnh, chỉ nhớ nghĩ và sống theo các hạnh lành của chư Phật thì nhân đó, những vị Bồ tát sẽ tìm đến tái sanh vào gia đình họ.

Khi đứa bé còn trong thai mẹ, nó đã chịu ảnh hưởng của người mẹ rất nhiều. Điều này hiển nhiên, người mẹ đau yếu đứa bé cũng suy yếu theo; người mẹ bực bội buồn phiền, đưa bé cũng không thoát khỏi tác động xấu của tâm lý ấy. Sự giáo dục ảnh hưởng mạnh đến đứa trẻ còn trong thai là điều mà khoa học ngày nay đã chứng minh được.

Trên nền tảng liên hệ hỗ tương chặt chẽ về tâm sinh lý giữa người mẹ và đứa trẻ trong thai, nếu người mẹ tin tưởng vào những lời dạy thánh thiện của Đức Phật thì thai nhi sẽ thọ nhận được những ý niệm thánh thiện ấy từ mẹ truyền sang ngay từ lúc nó còn sống trong bụng mẹ. Đến khi đứa trẻ ra đời, phải nói nó đã có hạt nhân của đức tánh tốt rồi. Chính vì vậy, chúng ta thấy những gia đình có niềm tin sâu sắc ở Phật Pháp, họ sanh được những đứa con chưa biết nói mà đã biết chắp tay cúi đầu trước tượng Phật, biết bập bẹ tên Phật.

ảnh minh họa

ảnh minh họa

Khi đứa trẻ ở tuổi ấu thơ, chắc chắn nó vẫn chịu ảnh hưởng của cha mẹ rất nhiều. Lúc đó, cha mẹ và anh chị trong gia đình phải làm gương tốt cho đứa bé. Thiết nghĩ đối với hàng Phật tử, điều cần thiết là mọi người trong gia đình phải nêu gương tốt bằng cách giữ niềm tin trong sáng đối với Đức Phật, đối với lời Phật dạy để tạo dựng một gia đình hạnh phúc. Dù cho cuộc sống của gia đình nghèo hay giàu không thành vấn đề, nhưng có được niềm tin son sắt với Tam Bảo như vậy sẽ giúp cho họ xây dựng được nếp sống an vui, trên thuận dưới hòa.

Thật vậy, sống theo lời Phật dạy, cha mẹ sống với nghề nghiệp chân chánh, kiếm ra đồng tiền lương thiện cho gia đình sinh sống; chẳng bao giờ xảy ra tình trạng đứa bé phải bị tủi nhục, khổ đau vì cha mẹ chúng đã làm việc tội lỗi, phải đứng trước vành móng ngựa lãnh án tù.

Nhìn thấy cha mẹ sống hòa thuận, thương kính lẫn nhau, anh chị thì hiếu thảo với cha mẹ, cha mẹ chăm sóc con cái với tất cả tình thương vô bờ bến. Tất cả hình ảnh đẹp đẽ dễ thương của gia đình theo Phật như vậy là một bài học tác động mãnh liệt vào tâm trí đứa bé, giúp tinh thần đứa bé an vui thoải mái, gieo vào lòng nó những tâm niệm tốt, hành động tốt trong cuộc sống. Trái lại, đứa trẻ sống trong gia đình mà cha mẹ thường gây gổ, đánh nhau, sẽ tạo cho nó tâm lý buồn chán, thù hận, dẫn đến tình trạng bỏ nhà ăn chơi lêu lổng.

Tóm lại, sự giáo dục đứa bé khi còn nằm trong thai mẹ bằng cách người mẹ đọc tụng những lời dạy thánh thiện của Đức Phật, suy nghĩ về những việc làm thương người, cứu giúp người của các Bồ tát. Cách gieo vào tâm thức trẻ bằng những ý niệm thiện như vậy là cách giáo dục tốt nhất cho trẻ con.

Ngoài ra, khi đứa trẻ lớn lên, cha mẹ nên dạy con bằng hành động, bằng thành quả tốt đẹp của chính mình. Những gì ch mẹ dạy bảo con phải được chính họ thực hiện trước. Đứa trẻ sống trong tình thương chân thật của cha mẹ, sống trong không khí hạnh phúc an vui của gia đình, nó tận mắt nhìn thấy những việc làm đạo đức, ích lợi của cha mẹ, anh chị trong đời sống gia đình thường nhật. Điều đó giúp cho đứa trẻ ý thức được rằng, nhờ cha mẹ, anh chị ăn ở hiền lành, có nhân nghĩa, biết giúp đỡ người mà tạo dựng được gia đình vui vẻ, ấm êm, khác với những gia đình sống ích kỷ, làm việc xấu ác, dù họ giàu có cũng không thể giữ được hạnh phúc lâu bền.

Cha mẹ giáo dục con cái theo tinh thần nhân quả nói trên, đã thể hiện tốt đẹp lời Phật dạy trong cuộc sống, sẽ tạo dựng một gia đình hạnh phúc, thuận hòa. Và gia đình là một tế bào của xã hội được tốt lành thì đó cũng chính là một trong những tác nhân tích cực dẫn đến xã hội thuần thiện vậy.

HOÀI NHẪN

(GĐPT Hậu Giang)


Ghi chép

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.