Trong bài viết trước (kỳ 1), tôi đã trình bày với anh chị em Áo Lam về sự TU của người Xuất Gia. Qua đó, chúng ta thấy rằng việc tu của chư Tôn đức Tăng, Ni để trở thành bậc Thánh trong cõi đời này không phải là việc dễ làm. Đừng nói chi độ tuổi thiếu niên nhi đồng, ngay cả đối với những Phật tử tại gia trung niên và cao niên cũng không thể tu bằng quý Thầy được, vì đó là con đường “tu chuyên nghiệp” chỉ dành cho người xuất gia mà thôi.
Vậy thì câu đánh giá “GĐPT chơi nhiều hơn tu” của vị Thượng tọa nêu trên chắc chắn không phải lấy sự tu của người xuất gia làm tiêu chuẩn để đánh giá sự tu của đoàn viên GĐPT.
Để tiếp tục làm sáng tỏ câu đánh giá trên, hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu sư tu của người Phật tử tại gia.
Trong tất cả bộ kinh, bài kinh mà Đức Phật thuyết giảng cho hàng đệ tử tại gia, chúng ta thấy rõ Đức Bổn Sư nêu mục đích tu của người tại gia là làm tròn bổn phận Con Người đối với Tam Bảo, gia đình và quốc gia xã hội. Cao hơn chút nữa, nếu người nào thực hành đầy đủ 10 Điều Thiện thì sẽ được tái sanh lên Cõi Trời làm chư Thiên.
(Theo giải thích của Hòa thượng Pháp sư Thích Từ Thông : Chư Thiên chính là những người có nhiều phước báu đang sống quanh ta và đang làm nhiều điều lợi ích cho cộng đồng xã hội; Chư Thiên không phải là người sống ở hành tinh nào khác để cho ta cúng lạy mỗi ngày)
Nói về đường lối và phương pháp tu của người tại gia gồm những bước như sau :
Cổ đức có dạy : “Tu mà không học là tu mù”. Do vậy mà việc học Phật đối với chúng tại gia là vô cùng cần thiết và có tính quyết định dẫn đến thành công trong sự tu của người cư sĩ.
Chúng tại gia học Phật bằng cách do chư Tăng trực tiếp hướng dẫn, hoặc học qua kinh sách với sự giúp đỡ của các bậc thiện hữu tri thức. Ngày nay, việc học Phật của người tại gia vô cùng thuận lợi vì nhờ có Internet mà người học có được nhiều sự lựa chọn qua các băng đĩa thuyết pháp được “up” lên mạng rất nhiều. Ngoài ra, những thắc mắc về Phật học cũng dễ dàng tìm thấy câu trả lời qua các trang Web Phật giáo.
Việc học Phật rất cần thiết và quan trọng, nhưng phải học từ những giáo lý cơ bản rồi mới đến những giáo lý đại thừa liễu nghĩa. Có học Phật kỹ càng, người cư sĩ mới nắm được ý nghĩa lời Phật dạy để đem ra thực hành trong đời sống.
Tuy học Phật là vô cùng quan trọng nhưng nếu học mà không biết ứng dụng vào đời sống để thay tâm đổi tánh từ vô minh ra giác ngộ, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo, thì việc học ấy chẳng mang lại lợi ích gì cho bản thân, gia đình và cộng đồng như cổ đức đã nói :“Học mà không tu chẳng khác chi cái đãy đựng sách”.
Sự ứng dụng giáo lý nhà Phật vào cuộc sống hằng ngày của người cư sĩ mang hai ý nghĩa :
-Một, đó chính là sự tu của người cư sĩ
-Hai, vai trò “đem đạo vào đời” để xây dựng xã hội của người cư sĩ.
a-“Đạo tràng” tu của người cư sĩ, không phải ở chùa, mà chính là mái ấm gia đình của mình, là hàng xóm láng giềng nơi mình sinh sống, là cơ quan, trường học, chợ búa, thương trường… nơi mình va chạm, tiếp xúc với mọi người trong cuộc mưu sinh hằng ngày. Rộng hơn nữa là quốc gia xã hội, là hành tinh mình đang sống.
Một người cư sĩ, nếu thật sự có tu và tu đúng phương pháp thì chắc chắn có kết quả tu tập. Kết quả ấy thể hiện qua một số mặt trong đời sống như sau:
-Gia đình êm ấm hạnh phúc
-Thăng tiến trong sự nghiệp
-Được mọi người chung quanh quý mến kính trọng
-Là một con người có ích cho xã hội nhân quần
Tóm lại, sự tu của người cư sĩ theo lời Phật dạy chính là thực hành Bồ tát hạnh để biến thế gian này trở thành Tịnh độ, Cực lạc, Niết bàn ngay bây giờ và tại đây.
Trái lại, một người cư sĩ, nếu tu sai phương pháp sẽ gặp phải hậu quả như :
-Vợ chồng lục đục, ghen tuông
-Công việc làm ăn đình đốn
-Sống xa cách với người thân và bạn bè
-Trở thành người vô dụng , không làm lợi ích gì cho ai.
Thử hỏi : nếu mục đích sự tu của chúng ta là đợi chết để về Tây phương Tịnh độ, trong khi đó chúng ta quay lưng lại với hiện thực cuộc sống đang diễn ra quanh ta. Vậy thì tu để làm gì ? Tu có ích lợi gì ?
Chúng ta học lịch sử Phật Thích Ca hẳn còn nhớ: sau khi thành đạo, Đức Bổn Sư chúng ta có ý định nhập Niết Bàn ngay (tức là chấm dứt sự sống). Nhưng chư Thiên hiện xuống thuyết phục Ngài hãy ở lại cõi Ta Bà này để truyền đạo độ chúng sanh. Đức Phật đã chấp thuận lời thỉnh cầu của chư Thiên mà trụ thế thêm 49 năm nữa để xây dựng một sự nghiệp lẫy lừng, đem lại lợi ích vĩ đại cho xã hội nhân sinh, đó là sáng lập đạo Phật và truyền bá các chân lý về vũ trụ và nhân sinh.
Lời văn trong kinh thì nói vậy, nhưng theo tôi, việc Đức Thích Ca quyết định chuyển pháp luân không cần chư Thiên thỉnh cầu, mà là do chính Ngài tư duy và quyết định. Chẳng lẽ một bậc Chánh đẳng Chánh giác mà phải cần tới chư Thiên thuyết phục rồi mới nhận ra việc cần phải làm hay sao ?
Nếu một người tu được giác ngộ và giải thoát xong, người ấy tự kết liễu mạng sống , hoặc người ấy sống độc cư suốt đời trong rừng núi, thì kết quả tu tập của người ấy có ích gì cho nhân quần xã hội ? Đó chính là ý nghĩa việc Đức Thế Tôn quyết định đi đến rừng Lộc Uyển bắt đầu công cuộc “chuyển pháp luân” vậy.
b-Phương pháp tu của người tại gia không cần nặng về hình thức. Chúng ta không thể rời bỏ các bổn phận của một “con người xã hội” để có đủ thời gian cho các hình thức chuyên tu của người xuât gia như : tụng kinh, lễ Phật, tọa Thiền, Niệm Phật, học giáo lý… suốt ngày. ( Ở đây, tôi không đề cập đến một vài trường hợp hãn hữu mà một số vị cư sĩ cao tuổi có thể có điều kiện chuyên tu như người xuất gia.)
Tất cả trải nghiệm qua các loại hình tu tập do quý Thầy tại các chùa hướng dẫn cho cư sĩ như : Bát Quan Trai Giới, Thiền thất, Phật thất, Một ngày an lạc v.v… chỉ có tác dụng giới thiệu, hướng dẫn, thực tập, gieo duyên Phật pháp là chính , chứ không phải là phương pháp tu chính yếu của hàng tại gia. Phương pháp tu chính yếu của người tại gia là Học Phật và ứng dụng Lời Phật Dạy trong đời sống hằng ngày nơi gia đình quyến thuộc và tại cộng đồng mà người cư sĩ đang sinh sống và làm việc. (Kỳ sau: Sự tu của đoàn viên GĐPT)
Minh Chiếu NVH
GĐPT Tp.Hồ Chí Minh
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1