"Đổ Thừa" – Thư Gởi Huynh Trưởng Trẻ

THƯ GỞI HUYNH TRƯỞNG TRẺ

Ý hòa đồng duyệt

Kiến hòa đồng giải

"ĐỔ THỪA"

Bạn thân mến,

Trong lá thư kỳ này, chúng ta cùng phân tách, lý giải về danh từ "ĐỔ THỪA", một danh từ mà ai cũng đã từng, đang và sẽ còn được nghe hoài hoài, trong đó cũng không loại trừ chính huynh trưởng chúng ta, tuy đang tu tập theo hạnh "Chân thật" theo lời Phật dạy mà thỉnh thoảng chúng ta cũng hay đổ thừa lắm đấy.

Trước khi đi vào những sự việc có liên quan đến huynh trưởng chúng ta xung quanh hai từ "đổ thừa", chúng ta cùng đi loanh quanh thế giới một chút, bạn nhé!

Người Tây phương có câu tục ngữ: "Tại mồ hôi làm mắt kính tôi mờ chớ bộ!". Sao vậy? mồ hôi thì có liên quan gì đến mắt kính, và mắt kính bị mờ thì có liên quan gì đến "bệnh đổ thừa"?

Hóa ra là thế này:

Thí dụ như trong sân trường đang giờ ra chơi, có một đám bạn cùng lớp đang chơi trò ném bóng. À, hay bạn cứ hình dung đó là Nobita và các bạn của cậu ta như Chai-en, Xê-kô, Xu-ka v.v… đi ( vì Nobita bị cận thị nên phải đeo kính). Bạn hẳn biết Nobita là đứa hậu đậu, cho nên trong bất cứ trò chơi nào cậu ấy cũng thua sút bạn bè. Trong trò chơi hôm nay cũng vậy, cậu ta liên tục ném bóng trật mục tiêu nên bị các bạn cười chê quá. Do đó, để chữa thẹn, Nobita đã đổ thừa do mồ hôi chảy vào mắt kính làm mắt bị mờ và tầm nhìn bị hạn chế, dẫn đến hậu quả là cậu ta ném bóng trật mục tiêu.

Nobita

nhân vật Nobita trong bộ truyện tranh nổi tiếng Doraemon

Cũng vậy, trong nhiều trường hợp khác, để che dấu sự kém cỏi của mình, người ta thường đổ lỗi cho khách quan, kiểu như:

-Tại dây giày tôi lỏng (thay vì công nhận mình chạy chậm)

-Tại dao tôi cùn (thay vì công nhận tay mình yếu, chặt không đứt)

-Tại gấu quần vướng chân tôi (thay vì công nhận tôi không thể nhảy cao)

-Vân vân…

Khi ta còn bé, trong người ta đã có bệnh "đổ thừa" rồi. Khi ta thua kém bạn bè, ta thường đổ thừa cho "khách quan" mà không bao giờ chịu nhận là mình kém cỏi. Mà nếu cứ đổ thừa cho khách quan hoài như thế, chắc chắn là ta sẽ không tiến bộ được. Phải không bạn?

Bệnh đổ thừa không ngoại trừ một dân tộc nào hết, Tây phương cũng vậy mà Đông phương cũng thế.

Liên quan đến hai từ "đổ thừa", đã từ lâu trong dân gian có bài ca dao sau đây:

-Cái cò, cái vạc, cái nông,

Sao mày dậm lúa nhà ông hỡi cò?

-Không không, tôi đứng trên bờ,

Mẹ con cái vạc đổ ngờ cho tôi.

Chẳng tin thì ông đi đôi,

Mẹ con nhà nó còn ngồi đây kia!

("Đổ ngờ" tức "đổ thừa"; "đi đôi" là đôi chối, nghĩa là hỏi cho ra sự thật)

Trong bài ca dao này, bọn chim vạc đổ thừa cho bọn cò để chạy tội. Như vậy, đổ thừa còn được dùng để vu oan giá họa cho người khác nhằm tránh cho mình bị trừng phạt vì cái tội mình gây ra.

Lại một câu chuyện khác xảy ra bên trời Tây:

Sau khi ông Kha Luân Bố (Christopher Columbus) khám phá ra Châu Mỹ, danh tiếng ông nổi như cồn, tuy nhiên một số kẻ tiểu nhân vẫn gièm pha ông. Bọn này nói rằng: "Việc tìm ra Châu Mỹ đâu có gì khó, cứ xuống tàu dong buồm đi mãi về hướng Tây là thấy Châu Mỹ. Việc này ai làm không được!"

Trong một dạ tiệc do nhà vua Tây Ban Nha tổ chức để mừng việc tìm ra vùng đất mới. Ông Kha Luân Bố muốn dạy cho bọn gièm pha một bài học nên đi đến nơi bọn chúng đang ngồi. Ông lấy một quả trứng luộc đang để trên bàn, hỏi những người ấy: "làm sao để cho quả trứng đứng được?". Bọn kia làm thử nhiều cách mà vẫn không thể để cho quả trứng đứng được, bèn chịu thua. Kha Luân Bố lấy lại quả trứng, đập nhẹ một đầu quả trứng xuống mặt bàn khiến cho đầu quả trứng bị bể, tạo thành thế cân bằng giúp cho quả trứng đứng được. Bọn người kia ồ lên một tiếng, tỏ thái độ xem thường việc đập quả trứng vừa rồi của Kha Luân Bố: “Ồ, việc này ai làm không được!”

Columbus egg1

Kha Luân Bố nhìn thẳng vào mặt bọn chúng, nói: "Đúng vậy, việc đập quả trứng vừa rồi cũng như việc tìm ra Châu Mỹ, ai cũng có thể làm được. Nhưng quan trọng ở chỗ ai là người đầu tiên nghĩ ra và thực hiện thành công điều ấy!"

Bạn thân mến,

Bệnh đổ thừa (không công nhận mình hèn kém) và bệnh gièm pha (không công nhận người khác tài hơn mình) chính là hai anh em sinh đôi, hay nói cách khác, chúng tuy hai mà một: Người mắc bệnh đổ thừa cũng là người không bao giờ công nhận tài giỏi và sự thành công của người khác.

Ngày xưa, đức Khổng Tử gọi những người này là bọn tiểu nhân. Bởi vậy mới có một danh nhân đã nói câu sau đây: "Người ngu mà biết mình ngu, thì đó là người khôn"; "Người ngu mà cứ tưởng mình khôn, thì đó là người đại ngu"

Bây giờ chúng ta quay trở về Việt Nam, tìm hiểu bệnh "đổ thừa" trong sinh hoạt Gia Đình Phật Tử (GĐPT). Có một chuyện có thật như sau:

"Một lần nọ, Ban Hướng dẫn xuống đơn vị khảo sát kiến thức đoàn sinh. Huynh trưởng giám khảo ra câu hỏi: "Thái tử Tất Đạt Đa ngộ ra chân lý "sinh là khổ" trong dịp nào?". Các em đoàn sinh không trả lời được. Sau khi buổi khảo sát kết thúc, trong phần nhận xét, đánh giá, anh liên đoàn trưởng đổ thừa rằng đoàn sinh anh không trả lời được câu hỏi khi nãy không phải vì các em không thuộc bài, mà vì cách đặt câu hỏi hỏi khó khiến các em không biết đường trả lời.

BHD PB GĐPT Kiên Giang khảo sát trong cuộc thi đua đơn vị vững mạnh

Trong sinh hoạt GĐPT có rất nhiều lý do để đổ thừa. Thí dụ:

-Sao đoàn sinh đi sinh hoạt ít vậy? -Đổ thừa: các em bận đi học thêm

-Sao huynh trưởng mặc đoàn phục không nghiêm túc vậy? -Đổ thừa: vì bận nhiều việc quá nên quên đeo huy hiệu, cấp hiệu v.v…

-Sao dạy mà không soạn giáo án vậy? -Đổ thừa: cho bạn mượn cuốn giáo án mà bạn chưa trả lại

-Sao không thấy anh (chị) đi họp Ban hướng dẫn quý này? Đổ thừa: do bệnh, do đám giỗ, do đám cưới, do công việc v.v…

-Sao huynh trưởng đơn vị anh (chị) ít tham dự lớp học dài hạn vậy? Đổ thừa: tại bận học, tại bận công việc, tại v.v…

Cái sự "đổ thừa" này nếu kể ra hết các trường hợp ở đây thì có lẽ 10 trang giấy cũng không hết.

Đổ thừa là bệnh mãn tính của những người hèn nhát, thiếu năng lực, thiếu tâm huyết, thiếu trách nhiệm… nhưng không muốn ai biết mình thiếu năng lực, thiếu tâm huyết, thiếu trách nhiệm…Vì vậy, cứ đổ thừa cho nguyên nhân khách quan là yên tâm! Nhưng có một sự thật mà những người hay đổ thừa không biết là: không ai tin vào những lý do mà họ đưa ra cả!

Người huynh trưởng đến với GĐPT chủ yếu là tu tập thân – khẩu – ý theo lời Phật dạy, sau đó là trách nhiệm đem Phật pháp đến với đoàn sinh. Vậy, chúng ta cần thật thà, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật yếu kém của mình để khắc phục sửa chữa, hơn là che đậy, lấp liếm khuyết điểm của mình bằng cách đổ thừa cho nguyên nhân khách quan.

Bạn hãy tưởng tượng, nếu trong tổ chức Áo Lam chúng ta chỉ toàn là những người hay đỗ thừa cho lý do này hay lý do nọ, mà không biết nhận ra chỗ yếu kém của mình, thì tổ chức chúng ta sẽ đi tới đâu? sẽ biến thành một thứ tổ chức gì?

Hãy làm người chân thật và dũng cảm, bạn nhé!

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.