Đề Bà Đạt Đa

HỎI:

Kính thưa Ban Biên Tập, khi học lịch sử Đức Phật Thích Ca, chúng em thấy ông Đề Bà Đạt Đa luôn tìm cách ám hại Đức Phật. Kính đề nghị BBT nói rõ thêm về Đề Bà Đạt Đa. Em lại nghe trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật thọ ký cho Đề Bà Đạt Đa sau này sẽ thành Phật. Sao có chuyện kỳ lạ vậy? Ông ta suốt đời tìm cách hại Phật mà sao Phật lại thọ ký cho ông ta thành Phật? Kính mong BBT nói rõ ý nghĩa này cho chúng em hiểu (thuythanh…@gmail.com)

TRẢ LỜI:

Bạn (thuythanh…@gmail.com) thân mến,

Đề Bà Đạt Đa là con của vua Suppabuddha và hoàng hậu Pamita, một người cô của Đức Phật. Công chúa Da Du Đà La là chị của ông. Như vậy, ông vừa là anh em cô cậu vừa là em vợ của Đức Phật.

Ông xuất gia cùng một lúc với Đại đức Ananda và các hoàng thân dòng Thích Ca. Tỳ khưu Đề Bà Đạt Đa không đắc được thánh quả nào nhưng lại có nhiều phép thần thông. Một trong những đại thí chủ theo hộ trì ông là vua A Xà Thế, người đã kiến tạo cho ông một tu viện tráng lệ huy hoàng.

Trong những ngày đầu tiên sau khi xuất gia, Tỳ khưu Đề Bà Đạt Đa có một nếp sống gương mẫu cao thượng đến độ Đại đức Xá Lợi Phất đã đi khắp thành ca ngợi tài đức ông. Về sau ông bị danh lợi trần thế làm mù quáng. Đại đức Đề Bà Đạt Đa sanh tâm ganh tỵ với Đức Phật, ông ta hoàn toàn đổi tánh và trở nên người thù nghịch nguy hiểm nhứt của Đức Phật. Cùng một lúc, khi lòng sân hận đối với Đức Phật phát sanh thì bao nhiêu phép thần thông của ông tự nhiên mất hết.

Mặc dù tư cách xấu xa và sống đời đồi trụy, nhưng nhờ khéo ngụy biện và có nghệ thuật chiếm cảm tình mọi người, Đề Bà Đạt Đa có rất đông đệ tử theo, trong số đó có người sùng bái ông còn hơn Đại đức Xá Lợi Phất nữa.

Một hôm, Đề Bà Đạt Đa đến thỉnh cầu Phật giao quyền cho ông chưởng quản Giáo hội Tăng Già, vì lúc ấy tuổi thọ Đức Phật đã cao. Đức Phật thẳng thắn từ chối :“Chí đến Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, Như Lai còn chưa giao phó Giáo hội Tăng Già, có đâu Như Lai giao cho ngươi.”

Đại đức Đề Bà Đạt Đa lấy làm tức giận, nguyện sẽ báo thù. Để giữ gìn uy tín cho Tăng Đoàn, Đức Phật công bố rằng: “Chỉ có Đề Bà Đạt Đa chịu trách nhiệm về những hành động của ông ta dưới danh nghĩa Tam Bảo” (Ý Phật là loại Đề Bà Đạt Đa ra khỏi Giáo hội Tăng Già)

Đại đức Đề Bà Đạt Đa lấy làm tức giận, nguyện sẽ báo thù (ảnh minh họa)

Sau đó, Đề Bà Đạt Đa xúi giục thái tử A Xà Thế giết cha là vua Tần Bà Sa La để cướp ngôi. Âm mưu soán ngôi thành công, Đề Bà Đạt Đa quay sang muốn ám sát Đức Phật, ông ta thuê nhiều sát thủ đi sát hại Phật nhưng đều không thành công vì các sát thủ khi đến gần Phật đều được Ngài cảm hóa mà quy y xuất gia làm đệ tử Phật.

Đề Bà Đạt Đa càng tức giận, quyết tâm tự mình ra tay sát hại Phật. Ông ta phục kích trên một đỉnh núi, đợi Đức Phật đi qua bèn xô đá lớn từ trên núi xuống định giết Phật. Tảng đá lớn va vào sườn núi bể ra thành nhiều mảnh nhỏ, có một mảnh văng trúng chân Phật khiến một ngón chân Ngài bị chảy máu nhưng không nguy hiểm đến tánh mạng.

Một lần khác, Đề Bà Đạt Đa cho một con voi uống rượu đến say mềm rồi xua con voi ấy chạy về phía Đức Phật đang đi khất thực trên đường với ý định cho voi dẫm chết Phật. Khi con voi chạy đến gần, Đức Phật dùng Tâm Từ cảm hóa con vật, khiến nó trở nên hiền hòa, thế là âm mưu giết hại Phật của Đề Bà Đạt Đa một lần nữa bị thất bại.

Đức Phật dùng Tâm Từ cảm hóa voi dữ (ảnh minh họa)

Sau lần ấy, uy tín của Đề Bà Đạt Đa dần dần bị mất hết. Vua A Xà Thế cũng không còn hộ trì ông ta nữa. Tuy vậy, ông ta vẫn chưa giác ngộ tội lỗi. Ông cố ám hại Phật lần sau cùng bằng cách chia rẻ Tăng Già và làm mất uy tín của Đức Phật. Ông ta yêu cầu Đức Phật ban hành 5 điều giới luật sau đây và bắt tất cả Tăng Già phải thực thi:

1.Tỳ khưu phải sống trọn đời trong rừng

2.Tỳ khưu phải sống đời du phương và hành khất

3.Tỳ khưu chỉ được mặc y may bằng các mảnh vải lượm từ đống rác hay các nghĩa địa chôn xác chết

4.Tỳ khưu phải sống dưới gốc cây

5.Tỳ khưu phải ăn chay suốt đời.

Đây là một cái bẫy do ông ta giăng ra để làm giảm uy tín Đức Phật, vì ông ta biết rằng năm điều này sẽ không được Đức Phật chấp thuận , ông ta sẽ nương theo đó mà nói xấu Đức Phật và hy vọng sẽ được sự ủng hộ của đám người kém hiểu biết.

Với lòng Từ bi và đức quảng đại khoan dung bao la, Đức Phật tuyên bố rằng các đệ tử Ngài được tự do hành động về năm điều này, muốn áp dụng hay không cũng được, Ngài không bắt buộc phải theo một chiều nào nhất định.

Đề Bà Đạt Đa liền dựa vào sự từ chối ấy làm cớ để gây chia rẻ trong hàng Tăng chúng. Ông ta kêu gọi các Tỳ khưu như sau: “Này các đạo hữu, những điểm yêu cầu của tôi và những lời của Đức Như Lai, lời nào cao thượng hơn? Ai muốn thoát khỏi mọi khổ não hãy theo tôi”

Lúc ấy có những vị mới xuất gia không rành giáo pháp, nhìn thấy đề nghị của ông Đề Bà Đạt Đa có vẻ hợp lý nên đi theo ông ta. Lúc này Đề Bà Đạt Đa đã ly khai Giáo hội Tăng già, tách ra thành lập một giáo hội riêng tại thành phố Gayãsisa. Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên theo lời dạy của Đức Phật, đã đến Gayãsisa giải thích giáo pháp cho những người lầm đường lạc lối theo Đề Bà Đạt Đa, và đem họ trở về với Giáo hội Tăng Già chính thống do Đức Phật lãnh đạo.

Từ đó cho đến cuối đời, Đề Bà Đạt Đa sống những ngày tháng đen tối bất hạnh. Ông lâm trọng bệnh không có thuốc chữa. Trước khi nhắm mắt, ông thành thật ăn năn hối cải và mong được gặp Phật lần cuối. Nhưng lúc ấy nghiệp dữ trổ sanh và ông phải chết một cách cực kỳ khốn khổ, không được gặp Đức Phật.

Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Đề Bà Đạt Đa, Đức Phật Thích Ca thuyết: “Trong một kiếp xưa, ta làm vua, Đề Bà Đạt Đa là một tiên nhân thuyết kinh Diệu Pháp cho ta nghe. Nay ta thành bậc Chánh đẳng chánh giác cũng là nhờ vị thiện tri thức đó (tức vị tiên nhơn, nay là Đề Bà Đạt Đa). Trong vô lượng kiếp sau, Đề Bà Đạt Đa sẽ thành Phật hiệu là Thiên Vương, nước của Phật là Thiên Đạo”

Về ý nghĩa thọ ký trên đây, người Phật tử chúng ta rút ra bài học giáo lý sau đây:

Ai ở đời mà chẳng có kẻ thù? Nhưng đừng xem đó là kẻ thù, mà hãy xem họ là bạn lành, vì có kẻ chọc cho ta nóng giận, chúng ta mới có cơ hội học đức nhẫn nhục. Do vậy Phật đưa ra câu chuyện vị tiên nói Kinh Diệu Pháp trong thời quá khứ và vị tiên ấy là Đề Bà Đạt Đa đời nay. Hễ còn là chúng sanh thì con người mãi mãi là bạn, là thù với nhau hết kiếp này sang kiếp khác. Không ai là thù mãi mãi và cũng không ai là bạn mãi mãi. Đấy là một sự thật trong vòng luân hồi của chúng sanh.

Lại nữa, không ai ác hoài, ác riết rồi cũng thành thiện. Bởi vậy Phật mới nói Đề Bà Đạt Đa trong tương lai sẽ thành Phật hiệu là Thiên Vương. Lời dạy của Phật thể hiện đức Từ bi vô hạn của đạo Phật. Lấy tình thương hóa giải hận thù là phương châm của người Phật tử chúng ta. Vì vậy mà Liên Hiệp Quốc mới chọn đạo Phật là đạo hòa bình của toàn nhân loại.

Chúng ta hãy ứng dụng ý nghĩa về câu chuyện này vào đời sống hiện tại.

BAN BIÊN TẬP

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.