Đạo Phật Vô Thần & Đạo Phật Tín Ngưỡng

G

HỎI:

Kính thưa Ban biên tập,

Trong khi lên mạng tìm đọc các bài viết về Phật học, hoặc nghe các vị giảng sư thuyết giảng, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp các danh từ: “Đạo Phật Vô Thần”, “Đạo Phật Tín Ngưỡng” v.v…

Đề nghị BBT nói rõ hơn thế nào là đạo Phật vô thần và thế nào là đạo Phật tín ngưỡng. Vậy đạo Phật “chính cống” là đạo Phật nào?

Xin cảm ơn BBT. (tinhkhoi…@gmail.com)

TRẢ LỜI:

Bạn tinhkhoi…@gmail.com thân mến,

Vấn đề bạn hỏi đã được các nhà học giả trên thế giới bàn luận sôi nổi từ khi đạo Phật được một số nhà khoa học người Anh “khai quật” từ những đổ nát hoang tàn do người Hồi giáo gây ra cho Phật giáo tại đất nước Ấn Độ . Nhờ công lao khai phá của những nhà khoa học này mà vào thế kỷ XIX thế giới mới được biết có một đạo Phật đã từng hiện hữu một cách huy hoàng tại Ấn Độ từ thế kỷ thứ VI trước Tây lịch cho đến thế kỷ VIII Tây lịch (khoảng 1.500 năm), rồi sau đó bị người Hồi giáo từ Á Rập và Thổ Nhĩ Kỳ tràn sang tiêu diệt bằng cách giết hại toàn bộ tăng, ni và tiêu hủy tất cả cơ sở vật chất Phật giáo như kinh sách, chùa chiền…

Vấn đề mà các học giả quan tâm  bàn cãi là :

-Đạo Phật có phải là một tôn giáo theo định nghĩa thông thường của phương Tây hay không ?

-Bản chất của đạo Phật khác với các tôn giáo nhất thần và đa thần ở chỗ nào?

-Phật giáo đại thừa nói chung, môn phái Tịnh Độ nói riêng có phải là Phật giáo “chính cống” không? Vì sao Phật giáo bắc truyền có phần giống với các tôn giáo tín ngưỡng nhất thần và đa thần?

-Vân vân…

Cuộc tranh luận nói trên đến nay đã ngã ngũ và các ý kiến trái chiều cũng đã được san bằng. Từ đó bắt đầu xuất hiện các danh từ “Đạo Phật vô thần”, “Đạo Phật tín ngưỡng” v.v…

I-Đạo Phật có phải là tôn giáo theo định nghĩa của phương Tây không?

Người phương Tây định nghĩa tôn giáo theo mô hình tôn giáo của họ, tức Ki-Tô giáo, nghĩa là phải có niềm tin vào một đấng sáng thế thì mới được gọi là tôn giáo. Chúng tôi còn nhớ tại miền Nam Việt Nam dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Nằm trong ý đồ tiêu diệt Phật giáo, người ta căn cứ vào định nghĩa này để ký một đạo dụ “không công nhận đạo Phật là một tôn giáo” nhằm mục đích không cho Tăng Ni và Phật tử Việt Nam thời đó được hưởng các quyền sinh hoạt tôn giáo như Công giáo và Tin Lành giáo đang được hưởng. Rất may là cái đạo dụ “bá láp” ấy chưa kịp đem ra thi hành thì chế độ Ngô Đình Diệm đã sụp đổ.

Trong khi đó, chữ ĐẠO theo định nghĩa của phương Đông là con đường đưa đến sự tốt đẹp. Con đường này gồm: minh triết, lý tưởng (Đạo lý), sự nghiệp (Đạo nghiệp) và phương pháp (Đạo pháp). Như vậy, chữ “Đạo” trong “Đạo Phật”, “Đạo Khổng”, “Đạo Lão”… đều nằm trong định nghĩa này mà không hề có yếu tố “niềm tin” vào một đấng chúa trời nào. Còn chữ GIÁO được hiểu là lời dạy. Phật giáo (lời dạy của Đức Phật), Khổng giáo (lời dạy của Khổng Tử), Lão giáo (lời dạy của Lão Tử) cũng không hề mang ý nghĩa về niềm tin vào thần thánh.

Vì vậy, đạo Phật không phải là tôn giáo nếu căn cứ theo định nghĩa về tôn giáo của phương Tây. Còn như muốn gán hai chữ “tôn giáo” cho đạo Phật thì đấy là một “Tôn giáo vô thần”, vì đạo Phật không dạy người Phật tử đặt niềm tin cứu rỗi vào bất cứ một vị thần nào hết.

II-Đạo Phật: Tôn giáo vô thần

Bản chất của đạo Phật là vô thần, nghĩa là không chấp nhận có một hoặc nhiều thần thánh có quyền ban phước giáng họa cho con người. Đức Phật đã tuyên bố như trên trong rất nhiều bài kinh. Ngài luôn tự nhận mình là “Đạo sư” (người dẫn đường) hoặc “Bậc y vương” (thầy thuốc) chứ không bao giờ tự xưng mình là đại diện cho bất cứ một thần linh nào.Trước khi qua đời, Ngài còn dặn dò các tỳ kheo đệ tử : “Hãy nương tựa nơi chính mình. Hãy tự thắp đuốc lên mà đi”.

Đức Phật luôn đặt con người ở vị trí trung tâm. Con người tự quyết định vận mệnh của mình, khổ đau hay hạnh phúc đều do chính con người quyết định. Trong Kinh Pháp Cú, Ngài dạy: “Chính ta làm cho ta thanh tịnh hay bất tịnh, không ai khác có thể làm cho ta thanh tịnh hay bất tịnh”/

Đạo Phật là con đường và phương pháp diệt khổ mà Đức Phật đã khám phá ra và chỉ dạy lại cho con người. Ngài đã chỉ rõ về Bốn Sự Thật Vi Diệu : Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Trong cuộc đời truyền đạo suốt 45 năm, Ngài đã thuyết mấy mươi ngàn bài kinh cũng chỉ xoay quanh Bốn Sư Thật này với tâm nguyện giúp cho con người tận diệt khổ đau, xây dựng Niết Bàn ngay trong đời sống hiện tại bằng chính sự nỗ lực của mình chứ không ỷ lại, trông chờ, cầu xin nơi thần linh nào cả.

Tóm lại, đạo Phật là con đường giúp cho loài người chiến thắng các bản năng thấp hèn, tu dưỡng nhân cách dựa trên Bốn Sự Thật Cao Quý để đạt tới chân-thiện-mỹ trong đời sống và trở thành Thánh nhân ngay trong cõi đời này.

Đạo Phật không phụng sự cho bất cứ thần linh nào, không lễ lạy và cầu khấn bất cứ thần linh nào. Cuộc sống nhân loại hạnh phúc hay đau khổ đều là kết quả do hành động của con người chứ không do thần linh nào định đoạt.

Trong giáo lý “Bốn Sự Thật Cao Quý”, Đức Phật có đề cập đến Niết Bàn, tức là trạng thái không còn đau khổ, Đức Phật nói rõ :”Niết Bàn là do con người tạo ra bằng suy nghĩ-lời nói-hành động chân chính ngay lúc này và tại đây” Đạo Phật không chấp nhận có một Niêt Bàn ở đâu đó, do một vị thần linh cai quản , chờ rước linh hồn những ai tín ngưỡng mình về đó sau khi chết, dù cho lúc còn sống họ có làm trăm ngàn việc ác cũng không sao.

III-Đạo Phật: Tôn giáo tín ngưỡng

Sau khi Đức Phật qua đời vào năm 544 trước Công nguyên, các vị A-la-hán đệ tử Phật tổ chức kết tập lời Phật dạy, viết vào những chiếc lá bối bằng chữ Pali, hình thành Tam tạng Kinh – Luật – Luận, gọi là Nikaya mà hiện nay Phật giáo Nguyên thủy tại các quốc gia : Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào,  Việt Nam v.v… đang hành trì.

Tạng Nikaya đã được Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu phiên dịch toàn bộ sang tiếng Việt. Thật là một công trình vĩ đại và vô cùng quý báu cho Phật giáo Việt Nam bởi vì Nikaya được giới nghiên cứu Phật giáo trên thế giới công nhận là kinh điển do chính kim khẩu Đức Phật thuyết giảng (mặc dù kinh tạng này về sau cũng không tránh khỏi bị chỉnh sửa, thêm thắt đôi chút)

Nhưng, kể từ 100 năm sau ngày Phật qua đời, Phật giáo Ấn Độ đã manh nha thay đổi với sự phân chia thành hai phái Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ trong hàng ngũ đệ tử xuất gia. Từ đó, kinh điển Đại Thừa bắt đầu xuất hiện vào thời gian khoảng 200 – 600 năm sau ngày Phật diệt độ.

Kết quả của sự chia tách đó mà ngày nay Phật giáo xuất hiện hai tông phái lớn là : Nam tông (Nguyên thủy) và Bắc tông (Đại thừa). Trong khi Phật giao Nam truyền vẫn trung thành với Kinh tạng Nikaya thì Phật giáo Bắc truyền hành trì theo Kinh tạng Đại thừa (Hoa Nghiêm, Kim Cang, Pháp Hoa, A Di Đà v.v…)

Kinh tạng Đại thừa sử dụng loại văn mang tính ẩn dụ rất cao. Những triết lý cao siêu của nến giáo lý Phật Đà ẩn bên trong những mô tả văn học đầy tính thần thoại, giống y chang với kinh điển của những tôn giáo tín ngưỡng. Xin đơn cử Kinh A Di Đà mà tuyệt đại đa số giảng sư Tịnh Độ tông đều thuyết giảng như sau:

“Tại Tây Phương có một xứ sở gọi là Tịnh Độ hay Cực Lạc do Phật A Di Đà cai quản. Nơi xứ sở đó người dân muốn gì được nấy, nhà bằng vàng, cây trái bằng ngọc, không cần ăn cũng no, cả ngày chỉ rong chơi mà không cần phải lao động vất vả v.v… nghĩa là một nơi đầy khoái lạc không còn nơi nào hơn. Đức Phật A Di Đà, khi còn là Tỳ kheo (tức chưa thành Phật) có phát 48 lời nguyện, trong đó có lời nguyện “Nếu ai niệm danh hiệu tôi từ một đến mười niệm mà tôi không tiếp dẫn người đó về xứ Tịnh Độ của tôi, thì tôi nguyện không thành Phật”

Vì vậy, ai muốn sau khi chết được Phật A Di Đà rước về Tây Phương Tịnh Độ để thụ hưởng mọi điều sung sướng thì ngay bây giờ hãy niệm danh hiệu Phật A Di Đà cho nhiều thì nhất định sẽ được như ý nguyện”

Ở đây chúng ta không lý giải Kinh A Di Đà đúng hay sai, cũng không nói lời giảng kinh như trên đúng hay sai. Ở đây chúng ta đem so sánh những gì kinh văn đã viết và được các vị giảng sư thuyết giảng đại ý như trên thì thấy Kinh A Di Đà rất giống với kinh của các tôn giáo tín ngưỡng nhất thần và đa thần, từ cách hành văn cho đến nội dung:

-Kinh vẽ ra một thiên đàng đầy hấp dẫn

-Trên thiên đàng ấy có một thần linh cai quả

-Ai tin tưởng vào vị thần linh ấy (ở đây thể hiện niềm tin bằng cách niệm tên thần linh)

-Thì sau khi chết sẽ được ngài rước về chốn thiên đàng ấy hưởng mọi thú vui (cũng giống nhau ở chỗ “sau khi chết” , tức là một sự hứa hẹn không thể kiểm chứng)

Không chỉ Kinh A Di Đà, mà nhiều kinh Đại thừa khác như : Kinh Dược Sư, Kinh Địa Tạng, Kinh Pháp Hoa (phẩm Phổ Môn) v.v… cũng đều được hiểu theo kiểu “tôn giáo tín ngưỡng” .

Tóm lại, trong khi Kinh tạng Nikaya dạy con người không ỷ lại, cầu xin nơi thần thánh thì trong Kinh tạng Đại thừa lại xuất hiện đầy dẫy các loại thần linh như:

-Phật A Di Đà cai quản cõi Tịnh Độ, chuyên tiếp dẫn linh hồn con người về Tây phương Cực lạc, nếu người đó lúc còn sống thường niệm tên Ngài.

-Phật Dược Sư chủ trì cỏi nước Tịnh Lưu Ly, coi về sức khỏe cho con người, ai thường cầu nguyện với Ngài sẽ được Ngài phù hộ cho mạnh khỏe không tật bệnh

-Bồ Tát Địa Tạng làm chủ mười cõi Địa ngục, những ai khi còn sống thường niệm tên Ngài và lễ bái Ngài thì sau khi chết sẽ được Ngài cứu cho khỏi phải sa địa ngục

-Bồ Tát Quán Âm làm trợ thủ cho Phật A Di Đà, những ai khi gặp hoạn nạn thì cứ kêu tên Ngài, sẽ được Ngài cứu cho khỏi bị nạn.

-Vân vân…

Vì vậy, đã có lúc vào thời điểm sự mâu thuẩn giữa Phật giáo Nguyên thủy với Phật giáo Đại thừa lên cao nhất, những nhà sư Nguyên thủy đã không ngần ngại gọi các nhà sư Đại thừa là những thầy tu Bà-la-môn giáo, chứ không phải là nhà sư Phật giáo!

Đó là lý do bạn nghe nói về đạo Phật tín ngưỡng.

Thực ra, Kinh tạng Đại thừa có biến Phật giáo thành tôn giáo tín ngưỡng hay không, và sự diễn giải nội dung kinh điển Đại thừa như trên đây có đúng với tư tưởng của kinh hay không, là vấn đề cần phải lý giải sâu sắc hơn nữa, nhưng việc ấy không nằm trong phạm vi nội dung bài trả lời này.

Nếu bạn muốn lĩnh hội những tư tưởng sâu sắc của kinh điển Đại thừa thì đề nghị bạn hãy vào Website lieulieuduong của Hòa Thượng Thích Từ Thông để nghe các bài giảng của Ngài, chứ đừng nghe các nhà sư Tịnh Độ tông giảng cho quần chúng bình dân mà hiểu sai lệch ý nghĩa kinh điển Đại thừa, chẳng được lợi lạc gì mà còn có tội với Đức Bổn Sư chúng ta.

BAN BIÊN TẬP

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.

Phẩm Song Yếu 1

Tháng 04 năm 2025
18
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 6
Ngày Đinh Tỵ
Tháng Canh Thìn
Năm Ất Tỵ
Lịch âm
21
Tháng 03
Kiên Giang