Đạo Phật có phải là Tôn Giáo Không?

1. Nếu định nghĩa tôn giáo, tức đạo, là con đường dẫn tới chân lý, giác ngộ và giải thoát thì đạo Phật, một đạo giác ngộ và giải thoát, đúng là một tôn giáo. Vì bản thân Phật Pháp đã từng được Đức Phật ví như cái bè để qua sông, hay như ngón tay chỉ mặt trăng, nghĩa là như một phương tiện, chứ không phải là cứu kính, thì đạo Phật đúng là một tôn giáo như vậy. Khác với giáo chủ các tôn giáo lớn khác, đức Phật không bao giờ tự gán cho mình quy chế Thượng đế, con Thượng đế hay là phái viên của Thượng đế. Phật tự xem mình là "vị thầy chỉ bày con đường" (Margadata), tức con đường Bát Chánh Đạo dẫn tới giác ngộ và giải thoát, con đường đoạn trừ mọi đau khổ.

Đạo Phật xa lạ với mọi ý niệm về một Thượng đế cá nhân đầy quyền năng vô hạn. Đức Phật đến với loài người như một Con Người giản dị nhưng hoàn thiện, một Con Người đã được giác ngộ và giải thoát, và chỉ bày cho loài người con đường giác ngộ và giải thoát đó.

2000 pic04o 651680156

Cũng vì đức Phật không tự cho mình quy chế một Thượng đế hay một thần linh tối thượng, cho nên các tôn giáo thần quyền thường đánh giá đạo Phật là đạo vô thần (atheistic). Vì Phật không tự cho mình là thần linh hay Thượng đế, cho nên Phật thường khuyến bảo học trò không nên tin lời Phật vì lòng kính trọng đối với Ngài, mà vì lời dạy của Phật là đúng đắn, dẫn con người đến giác ngộ và giải thoát. Lời dạy của Phật không được xem như là giáo điều, tuyệt đối phải tin tưởng. Lời dạy của Phật phải được chúng ta kiểm nghiệm qua cuộc sống thực tiễn, như là người thợ vàng thử vàng vậy.

Phật thường dạy học trò rằng, một điều là đúng hay sai không phải do quyền uy của vị đạo sư nói ra, hay được ghi trong sách thánh như là thần khải. Đối với Phật, quyền uy và thần khải không phải là tiêu chuẩn của chân lý. Đối với đạo Phật, tiêu chuẩn của chân lý là lý trí và sự kiểm nghiệm của cuộc sống. Khẳng định như vậy, để nói rằng đạo Phật sẽ không phải là tôn giáo, nếu tôn giáo nghĩa là chấp nhận giáo điều, là tư biện thần học, gọi là để tìm ra chân lý trong từng câu từng chữ của sách thánh, là niềm lo sợ đối với cái thiêng liêng và siêu nhiên, là sự gửi gấm cả cuộc đời mình cho thần linh hay Thượng đế… Nếu tôn giáo là như vậy, thì đạo Phật sẽ không phải là tôn giáo, mà đúng hơn là một hệ thống triết lý và đạo đức dẫn con người đến cái Chân, cái Thiện, cái Mỹ.

201605232

2. Nhưng nếu tôn giáo là một cái gì đó tạo cảm hứng cho con người hướng tới một cuộc sống tốt đẹp nhất, cao cả nhất, thúc đẩy con người tự hoàn thiện mình bằng một nỗ lực đạo đức không ngừng, nếu tôn giáo nâng bổng con người vượt trên những nhu cầu vật chất tầm thường của cuộc sống, thì đúng đạo Phật là một tôn giáo như vậy. Mà lạ lùng thay, một tôn giáo như đạo Phật, không công nhận có linh hồn bất tử, cũng không công nhận có Thượng đế tạo thế, ấy thế mà từ khi ra đời ở Ấn Độ cách đây hơn 2.500 năm, nó đã làm chấn động tận gốc rễ xã hội đẳng cấp lâu đời, buộc tất cả mọi tôn giáo và triết phái truyền thống phải xét lại cơ sở giáo lý của mình. Và sau khi nó vượt biên giới, trở thành một tôn giáo thế giới, nó đã chinh phục trái tim và khối óc của hàng triệu người. Ngày nay cũng vậy, trong khi các tôn giáo truyền thống và thần quyền đang chịu đựng những thử thách lớn, đối diện với đà tiến bộ khoa học như vũ bão, thì đạo Phật vẫn đứng vững như bàn thạch, và mở con đường du nhập của mình vào ngay trong lòng những nước đứng hàng đầu trên thế giới về khoa học và công nghệ. Tôi muốn nói những nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức v.v…

Có thể trích ra đây lời nhận xét của nhà bác học Albert Einstein đối với đạo Phật : "Tôn giáo trong tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ, nó phải siêu việt lên trên một Thượng đế cá nhân, tránh giáo điều và thần học; bao quát cả hai mặt tự nhiên và tâm linh. Nó phải dựa trên một ý thức tôn giáo nảy sinh từ sự thực nghiệm của mọi sự vật, tự nhiên và tâm linh, được quan niệm như một thể thống nhất có ý nghĩa. Phật Giáo đáp ứng một mô tả như vậy. Nếu có một tôn giáo thỏa mãn được những yêu cầu của khoa học hiện tại, thì tôn giáo đó là đạo Phật"

22

Để minh chứng nhận xét của tôi về sự thành công của đạo Phật tại các nước Tây phương công nghiệp, cho phép tôi đưa ra một trích dẫn nữa, lần này của một nhà nghiên cứu tôn giáo người Pháp, trong một bài đăng trong một đặc san nghiên cứu các tôn giáo của tờ "Thế Giới Ngoại Giao" số tháng 11 và 12 năm 1999:

"Phật Giáo chủ yếu là tôn giáo hiện đại : dành cho cá nhân, không giáo điều, đạo đức, kết hợp thân với tâm. Phật Giáo có tất cả cơ may để phát triển ở phương Tây, vì nó không đề xuất một sự cứu rỗi, xuất phát từ một thần linh bên ngoài, mà là một phương pháp thực tiễn để thoát khỏi đau khổ và đạt tới hạnh phúc ngay tại thế giới này" (Frederic Lenoir, Monde diplomatique Novembre – Decembre 1999).

Không phải vì là Phật tử mà chúng ta ca ngợi đạo Phật. Chính các nhà khoa học lớn, có tiếng tăm ca ngợi đạo Phật. (Còn tiếp…)

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.