Đạo Đức Phật Giáo

THƯ GỞI HUYNH TRƯỞNG TRẺ

Ý hòa đồng duyệt

Kiến hòa đồng giải

ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO

Bạn thân mến,

Trong lá thư kỳ này, chúng ta cùng nhau chia sẻ đề tài "Đạo đức Phật giáo", bạn nhé !

Nói đến phạm trù đạo đức trong đời sống xã hội loài người, thường thì các bạn trẻ rất ngại ngùng, bởi vì đối với giới trẻ mà đem hai từ "đạo đức" ra bàn luận thì hình như có gì đó hơi khác thường, nếu không bị các bạn đồng trang lứa chê là kẻ gàn dở, thì cũng bị mọi người nhìn mình với ánh mắt diễu cợt…

Đại đa số người trẻ đều có suy nghĩ rằng, vấn đề "đạo đức" là chỉ dành riêng cho các nhà tu, nhà mô phạm, các bậc trưởng lão… bàn luận mà thôi. Còn như chúng ta là những người trẻ mà đem đạo đức ra nói, e rằng không phù hợp mà đôi khi còn làm trò cười cho mọi người nữa!

Suy nghĩ như vậy thật là không đúng tí nào. Sở dĩ con người hơn các loài động vật khác là vì con người biết đạo đức và mỗi ngày một hoàn thiện nhân cách bằng đạo đức, hướng đến một xã hội chân-thiện-mỹ và có được hạnh phúc do đạo đức mang lại trong đời sống. Đạo đức chính là châu báu trang điểm cho đời sống xã hội, là cái làm nên giá trị con người. Người chỉ sống theo bản năng mà không biết đến đạo đức thì có khác gì loài dã thú trong rừng.

Vậy cho nên, là thành viên trong một xã hội, không phân biệt già hay trẻ, nam hay nữ, sang hay hèn… con người đều cần phải biết đạo đức, sống theo đạo đức để cho cuộc sống này thêm phần ý nghĩa , tươi đẹp và hạnh phúc.

đạo đức phật giáo
con người đều cần phải biết đạo đức, sống theo đạo đức để cho cuộc sống này thêm phần ý nghĩa,

tươi đẹp và hạnh phúc. (ảnh minh họa)

Trong phạm vi lá thư kỳ này, chúng ta không đem "Đạo đức" ra làm đề tài phiếm luận hay nhàn đàm. Mục đích của lá thư này là làm cho hàng huynh trưởng trẻ có sự quan tâm đến đạo đức và nhất là đạo đức Phật giáo, để từ đó định hình nhân cách cho mình, nâng cao giá trị làm người của mình và góp phần giữ cho xã hội mà mình đang sống trở nên đẹp đẽ và có ý nghĩa hơn.

Trước hết, đạo đức là gì ?

Đạo đức là những chuẩn mực tốt đẹp do một dân tộc, một vùng miền, một tôn giáo, một chủ nghĩa, một chế độ v.v… chế định ra và được đại đa số trong cộng đồng ấy chấp nhận, để mọi người theo đó mà giao tiếp, hành xử với nhau nhằm mục đích mang lại sự an vui, sự lợi ích về vật chất cũng như tinh thần cho mọi người trong quốc gia, vùng muền, tôn giáo, chủ nghĩa, chế độ… đó.

Thế nào là chuẩn mực đạo đức ?

Thí dụ:

-Người làm quan mà nếu ai cũng được như Bao Chửng (tức Bao Công, Bao Thanh Thiên), nghĩa là hết lòng vì dân vì nước, công bình, chính trực, không ăn của đút lót, không làm khó dân, không ỷ quyền thế mà đè đầu cưỡi cổ dân, không  lợi dụng chức quyền mà vơ vét đất đai, tóm thâu của cải, tạo biệt thự, xe hơi, ăn chơi hưởng thụ phè phởn… thì đó là ông quan có đạo đức.

-Người nhà nông mà chân chất thiệt thà trong nông nghiệp, nuôi trồng ra sản phẩm sạch để cung cấp cho người tiêu dùng. Không vì hám lợi mà lạm dụng thuốc sâu, hoặc phun hóa chất cho trái cây mau chín, không chăn nuôi bằng chất tăng trọng bị cấm… khiến cho người ăn các sản phẩm ấy bị xơ gan, tiểu đường, ung thư…. Đó là người nông dân có đạo đức.

-Một người làm công nghiệp chế tạo ra các sản phẩm, máy móc công nghệ có chất lượng để cung ứng cho xã hội sử dụng, đem lại sự tiện dụng cho người dùng, thúc đẩy nền kinh tế nước nhà phát triển, thương hiệu sản phẩm được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng , Hoặc xây dựng nhà cửa, cầu đường, bệnh viện, trường học…mà không ăn bớt ăn xén khiến công trình làm ra chưa sử dụng được bao lâu đã xuống cấp nghiêm trọng… thì đó là một người có đạo đức

-Một người làm nghề thương buôn mua ngay bán thật, hàng tốt nói hàng tốt, hàng xấu nói hàng xấu, bán buôn kiếm đồng lời vừa phải, không đầu cơ tích trữ, không ghìm hàng để nâng giá kiếm lợi bất chánh, không mua bán hàng lậu, hàng giả, không bán thuốc giả khiến người bệnh bị "tiền mất, tật mang" … thì đó chính là đạo đức trong thương nghiệp.

-Một giáo viên với tình thương học trò, nỗ lực dạy dỗ để mong cho học trò ngày sau nên người có ích cho xã hội, chứ không bắt học trò học thêm "chí chết" để tăng thu nhập cho mình.. thì đó là một giáo viên có đạo đức.

-Một bác sĩ hết lòng vì người bệnh, không vì tham hưởng "hoa hồng" mà kê toa tràn lan, giá cao ngất ngưởng, thậm chí cho bệnh nhân uống thuốc giả… thì đó là người thầy thuốc có đạo đức.

-Vân vân…

Trên đây, tôi chỉ tạm nêu lên một vài chuẩn mực , gọi là "mẫu số chung" về đạo đức cho bốn hạng người trong xã hội là : Sĩ, Nông, Công, Thương để bạn có ý niệm về các chuẩn mực đạo đức trong xã hội loài người. Những chuẩn mực về đạo đức mà tôi vừa nêu có thể nói là dân tộc nào, quốc gia nào, thời đại nào cũng đều chấp nhận và coi như "mẫu số chung" về đạo đức trên toàn thế giới. Một đất nước nào, một dân tộc nào, một xã hội nào mà gìn giữ được những tiêu chuẩn đạo đức kể trên trong đời sống thì đất nước đó, xã hội đó là một đất nước hạnh phúc, đáng sống.

Đạo đức phật giáo
Bhutan, quốc gia hạnh phúc nhất thế giới là một đất nước Phật Giáo (ảnh minh họa)

Ngược lại, một quốc gia nào mà nhà cầm quyền để cho các chuẩn mực đạo đức vừa nêu bị lãng quên, các hành vi phi đạo đức liên tục diễn ra trên diện rộng gây thiệt hại cho đất nước, gây giận dữ bất an trong nhân dân và đầu độc tâm hồn thế hệ trẻ khiến cho thanh niên, sinh viên, học sinh không còn niềm tin vào đạo đức nữa, thì tương lai của đất nước ấy, dân tộc ấy chắc chắn sẽ là một thảm họa không lường nổi.

Bên cạnh những chuẩn mực đạo đức chung như trên, có những chuẩn mực đạo đức "riêng" của từng dân tộc, quốc gia, tôn giáo… và theo từng thời đại lịch sử mà đề ra.

Thí dụ 1: Khổng giáo trong thời Trung Hoa phong kiến chủ trương một người đạo đức là phải giữ : "Tam cang – Ngũ thường"; hay một phụ nữ có đạo đức là phải đủ "Tam tùng – Tứ đức" v.v… Cũng theo Khổng giáo, một người được xem là có đạo đức thì người ấy phải có đủ chín đức tính như : nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, trung, hiếu, tiết, cương.

Thí dụ 2: trong khi người Ai Cập rất xem trọng sự sống sau khi chết, vì thế họ xây các kim tự tháp để các vua chúa hưởng mọi hạnh phúc nơi cõi vĩnh hằng. Thì đối với một dân tộc khác cũng ở châu Phi lại không nghĩ vậy. Theo một tờ báo du lịch Pháp cho biết, một bộ tộc xứ Congo thay vì chôn cất cha mẹ sau khi qua đời, thì họ tụ tập hết người thân trong gia đình lại, xẻ thịt người chết chia đều cho mọi người cùng ăn (!). Theo họ, làm như vậy mới là có hiếu với cha mẹ.

Thí dụ 3: một số dân tộc vùng Trung Đông có một ý niệm về đạo đức rất lạ. Trong gia đình, nếu con gái mình bị đàn ông  khác hiếp dâm thì họ không thưa người đàn ông đó ra pháp luật, hoặc tìm người đó để trả thù, mà họ âm thầm… giết con gái mình để "bảo toàn" danh dự gia đình.

Nói về sự khác biệt trong các chuẩn mực đạo đức giữa dân tộc này với dân tộc khác; giữa tôn giáo này với tôn giáo kia hay giữa quốc gia này với quốc gia nọ là không thể nói cho hết. Nói chung, đạo đức phụ thuộc rất nhiều về văn hóa, lối sống, nếp nghĩ, thói quen tập quán ngàn đời đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo, mỗi quốc gia, vùng miền và mỗi chế độ.

Tóm lại, đạo đức là một phạm trù bất định. Có thể ngày xưa điều đó là đạo đức, nhưng hôm nay điều đó không được xem là đạo đức nữa. Ngược lại, một điều có thể hôm nay là phi đạo đức thì không chừng trong tương lai nó lại là một chuẩn mực đạo đức được mọi người công nhận.

Trong lá thư kỳ tới, chúng ta sẽ tìm hiểu về đạo đức Phật giáo.

Thân ái chào bạn.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.