Đạo Đức Phật Giáo – kỳ 3

THƯ GỞI HUYNH TRƯỞNG TRẺ

Ý hòa đồng duyệt
Kiến hòa đồng giải

Bạn thân mến,

Sau khi bài “Đạo Đức Phật Giáo” kỳ 2 đăng tải trên trang web này, có bạn đã gởi mail đến Ban biên tập hỏi rằng :“Đạo đức thê gian nhờ có pháp luật duy trì, vì thế hạn chế người phạm tội; Còn đạo đức Phật giáo chỉ dựa trên sự tự giác, như vậy có gì bảo đảm ngăn ngừa và hạn chế tội ác?”

Chúng tôi xin trả lời như sau :

Đạo đức Phật giáo dựa trên nguyên lý Nhân Quả: “Gieo nhân ác sẽ gặt quả ác; gieo nhân lành sẽ được quả lành”. Mặc dù Phật giáo không có cơ quan chuyên về luật pháp để xử tội người vi phạm, nhưng luật nhân quả chính là “ông quan tòa” nghiêm minh nhất, không bao giờ để lọt tội phạm, cũng như không bao giờ xử tội oan cho ai hết. Người Phật tử, một khi đã chấp nhận và đặt niềm tin vào luật nhân quả rồi, thì họ tự giác sống theo đạo đức chứ không phải vì sợ tòa án hay nhà tù của thế gian. Vì vậy, để duy trì đạo đức và ngăn ngừa tội ác, thay vì lập ra cơ quan thi hành pháp luật, thì Phật Giáo ra sức giáo dục Phật tử hãy tin rằng: Sống có đạo đức sẽ được an vui hạnh phúc; Sống không đạo đức chắc chắn sẽ lãnh hậu quả khổ đau.

Bây giờ chúng ta tiếp tục câu chuyện về Đạo dức Phật giáo, bạn nhé !

Năm điều đạo đức của Phật giáo mà chúng tôi đã trình bày với bạn trong lá thư trước cần phải được lý giải cặn kẽ chứ không nên hiểu một cách chung chung mà có thể dẫn đến việc thực hành đạo đức một cách cực đoan, chẳng những không làm thăng tiến tâm hồn và nhân cách, mà còn làm trò cười cho dư luận xã hội nữa.

Bây giờ, chúng ta đi sâu vào Năm điều đạo đức căn bản dành cho Phật tử tại gia chúng ta, bạn nhé!

1.Không sát sanh: đối với người Phật tử tại gia, chúng ta thực hành điều đạo đức thứ nhất như sau:

-Không nuôi ý nghĩ mưu hại người, khiến cho người ta phải đau khổ, thân bại danh liệt vì mình.

-Tuyệt đối không được khởi tâm muốn giết người, dù giết người với lý do tự vệ.

-Tuyệt đối không được tự kết liễu mạng sống chính mình (tự tử)

-Trường hợp vào quân đội chống giặc ngoại xâm; hay vì cứu người mà phải hy sinh mạng sống chính mình thì không gọi là “sát sanh” hay “tự tử”.

(Thí dụ 1 : Phật Hoàng Trần Nhân Tông hai lần đánh tan quân Mông Nguyên đến xâm chiếm nước ta, được lịch sử ca ngợi là vị anh hùng dân tộc, chớ không ai nói Ngài phạm tội sát sanh cả.

Thí dụ 2: Ông Lê Lai đóng giả làm Lê Lợi để cho quân Minh bắt, còn Lê Lợi thoát được vòng vây, sau này kháng chiến thành công giành lại độc lập cho nước nhà. Lê Lai vì nghĩa cả mà hy sinh, được người đời sau ca tụng là tấm gương “liều mình cứu chúa” chớ không ai nói ông tự tử cả)

-Không cổ vũ và vui thích khi thấy người khác hành hạ hoặc giết các con vật

-Bản thân không trực tiếp giết heo, gà, cá, tôm… để làm thức ăn cho mình và gia đình (Nên mua các loại thịt làm sẵn bán tại chợ)

-Tránh làm các nghề : đánh cá, săn bắn, giết mổ heo, bò…

-Trong nghề nông, không nên lạm dụng thuốc trừ sâu một cách bừa bãi, mà nên sử dụng các loại thuốc xua đuổi các loại côn trùng. Chỉ khi nào thật cần thiết, không còn cách nào khác thì mới quyết định phun thuốc trừ sâu, nhưng phải cách xa ngày thu hoạch nông sản.

-Không nên bỏ tiền mua chim, cá… để phóng sanh, vì việc làm này chỉ có lợi cho người bán chim, cá… Nên dùng tiền đó mua gạo phát cho người già neo đơn và trẻ mồ côi, hay là làm đường, xây cầu nông thôn, hoặc cất nhà cho người nghèo…

2.Không trộm cắp: Điều đạo đức thứ hai

-Không tìm cách chiếm đoạt lén lút (trộm) hay công khai (cướp) tài sản của người khác.

-Không lợi dụng chức quyền mà tham nhũng, hối lộ để “vinh thân phì gia”

-Không mua gian bán lận, cân đong đo đếm thiếu làm thiệt hại cho khách hàng.

-Không mua bán hàng giả, hàng nhái kém chất lượng mà bảo là hàng thật có chất lượng

-Không đầu cơ tích trữ, ghìm hàng để mưu lợi cho mình mà thiệt hại cho người tiêu dùng

-Không mua bán hàng lậu (trốn thuế)

-Không chơi các loại bài bạc hay bất cứ hình thức cờ bạc nào khác

3.Không tà dâm: Điều đạo đức thứ ba

-Người Phật tử tại gia phải giữ tình yêu chân chánh, chung thủy một vợ một chống, thuận vợ thuận chồng nuôi dạy tốt con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc.

-Không ngoại tình

-Không xem sách báo, phim ảnh khiêu dâm (sexy)

-Không đi vào những nơi mại dâm trá hình như : phòng mát-xa, phòng karaokê, vũ trường, quán bia ôm v.v…

4.Không nói dối : Điều đạo đức thứ tư

-Không nói sai sự thật để mưu lợi cho mình (Đôi khi bắt buộc phải nói dối để cứu mạng người, hoặc vì lợi ích của cộng đồng…)

-Không nói lưỡi hai chiều, xách động, chia rẻ, gây ra cảnh mất đoàn kết trong tập thể

-Không nói thêu dệt với động cơ mưu lợi cho mình (Cũng gần giống nói dối, nhưng ở đây muốn nói về các trường hợp: không có nói có; có một mà nói thành hai, ba hoặc dùng lời ngon tiếng ngọt để gạt gẫm người khác, trục lợi cho mình)

-Không nói tục, không chưỡi mắng, không nói lời độc ác với người khác

5.Không uống rượu: Điều đạo đức thứ năm

-Không uống rượu bia (Chỉ được uống rượu thuốc do bác sĩ kê toa để chữa bệnh)

-Không mua bán rượu bia

-Không sử dụng các loại ma túy

-Không mua bán các lọai ma túy

-Không hút thuốc lá

-Không bán thuốc lá

Bạn thân mến,

Loài người chỉ cần giữ năm điều đạo đức Phật giáo trên đây thôi, cũng đã biến trần gian này thành thiên đường rồi, chứ không cần cầu xin Đức Chúa Trời hay Phật A Di Đà để được lên thiên đường hay về miền cực lạc.

Nhưng trên thực tế, loài người không mấy ai giữ được chỉ năm điều đạo đức này. Bởi thế mà xã hội ngày càng nhiều tội ác như: sát sanh hại người, chiến tranh, khủng bố, tham nhũng, trộm cướp, gian dâm, tình dục sa đọa, nói gian nói dối, rượu chè be bét, mất cả nhân cách, do uống rượu mà làm nhiều tội ác như giết người, cướp của, hiếp dâm (Theo thống kê đáng tin cậy thì dân Việt Nam mình uống rượu đứng vào hàng “top ten” trên thế giới đấy, bạn ạ ! Trước thông tin này, bạn cảm thấy tự hào hay mắc cỡ ? )

Còn một điều này nữa : Ai cũng biết vướng vào ma túy là tàn cuộc đời, vậy mà sao ngày càng có nhiều thanh thiếu niên nam nữ sa vào vòng tay của con Ma Túy vậy ? Không những ở Việt Nam mà trên thế giới nước nào cũng bị tình trạng này. Như vậy, Đức Phật nói “chúng sanh vô minh” (ngu si) là có nói oan cho loài người không ?

Bạn ơi !

Chúng ta là những huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, là người con, người đệ tử của Phật. Chúng ta có diễm phúc được tiếp cận và tu tập theo   đạo đức Phật giáo. Đây chính là tài sản quý báu nhất trong đời mà chúng ta có được.

Dù bạn có làm ra bao nhiêu tiền trong đời, rồi bạn cũng sẽ xài hết, hay lúc nhắm mắt xuôi tay bạn cũng chẳng thể mang tiền theo. Chỉ có đạo đức mới là tài sản vô giá, bất biến và đi theo bạn mãi mãi cho đến nhiều đời nhiều kiếp sau. Những kết quả do đạo đức đem lại cho bạn trong đời này cho đến nhiều đời sau sẽ mãi mãi không vơi đi mà còn tăng thêm , giống như tiền lãi ngân hàng vậy.

Tôi biết một số huynh trưởng trẻ, vì công việc làm ăn hay giao tiếp mà chưa thể giữ được giới uống rượu. Các bạn dừng vội bi quan. Nếu gặp trường hợp bị bắt buộc phải uống rượu thì bạn cứ uống. Miễn là các bạn uống rượu với tâm không vui thích, uống rượu mà cứ nghĩ rằng mình đang uống thuốc độc, uống với sự cảnh giác cao độ, uống có chừng mực không để say tới mức không còn làm chủ được bản thân, khi tàn cuộc rượu mà bạn vẫn còn đủ tỉnh táo đi về nhà.

Ngoài những trường hợp bắt buộc phải uống rượu như vừa nêu, bạn không nên mua rượu về uống một mình, hay rủ rê các bạn nhậu thường xuyên bày tiệc nhậu. Được như thế, các bạn sẽ không bao giờ trở thành “bợm nhậu” tự đầu độc sức khỏe bản thân mà còn làm liên lụy đến vợ con và những người chung quanh.

Mong rằng các bạn huynh trưởng trẻ nỗ lực giữ mình, sống theo Năm điều đạo đức Phật giáo để hoàn thiện nhân cách, xứng đáng là người Anh người Chị hướng dẫn đạo đức Phật giáo cho đoàn sinh và góp phần tốt đẹp cho cuộc sống hôm nay.

Thân mến chào bạn.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.