Công Chúa Hương Trinh (2)

Màn sương còn đọng trên ngàn cây nội cỏ. Hai con bạch mã song song trên đường thiên lý hướng về Mã Lạp Sơn. Vua mặc thường phục, theo sau là vài tên ngự lâm. Bỗng nhiên Tiên Đình phi ngựa vượt lên trước. Nhà vua cũng phi ngựa đuổi theo, bỏ lại đám quân ngự lâm chạy bộ lại đằng sau. Hai người một lúc lâu cho đến khi nắng đã lên, trời sáng dần, Tiên Đình mới dừng ngựa lại và tâu với vua nghỉ ngơi một chốc.

Giờ đây, giữa nơi hoang vắng này chỉ còn chàng với nhà vua, Tiên Đình ngồi ôn lại quá khứ đầy hận thù của mình. Chàng nhớ lại:

Ngày ấy, Đại Lâm là một gian thần đầy tham lam và hung bạo, hắn đã giết phụ vương chàng để soán ngôi, mẹ con chàng được một vị trung thần hộ giá đi lánh nạn. Năm ấy Tiên Đình mới lên sáu tuổi, chàng còn nhớ mãi lời trăn trối đầy uất hận của vua cha "Than ôi, nếu Hương Trinh là trai thì thù này mới mong báo được, ta vô phước sinh Hương Trinh, thôi còn nói chi đến việc trả thù!". Tuy mới sáu tuổi nhưng công chúa Hương Trinh cũng biết tủi mình trước lời nói của phụ vương. Không chịu nhục và bắt đầu nuôi chí phục thù, nàng khắc ngay hai chữ "phục thù" vào cánh tay để nhớ mãi.

Sau thời gian ẩn náu trong rừng sâu, do không chịu nỗi đời sống kham khổ nơi rừng thiêng nước độc, mẹ nàng lâm trọng bệnh qua đời. Trước khi nhắm mắt, bà còn dặn dò con gái: "Con ơi, trên đời này, nếu lấy oán báo oán thì oán ấy mãi còn; Nhưng nếu lấy ân báo oán thì oán ấy sẽ tiêu tan". Ít lâu sau đó, đến lượt vị trung thần già cũng về với cát bụi.

Công chúa Hương Trinh mới hơn sáu tuổi đã phải chịu cảnh côi cút không nơi nương tựa. Nhờ được giáo dục chu đáo nên dù gặp phải hoàn cảnh ngặt nghèo nhưng nàng vẫn không mất hết ý chí. Nàng quyết tâm phải sống để trả thù cho cha mẹ. Nàng bèn ăn mặc giả trai, tìm đường trở lại kinh thành, gia nhập một đoàn hát. Nhờ gương mặt khả ái, tánh tình hiền dịu và giọng hát lôi cuốn nên chẳng mấy chốc nàng được tuyển dụng vào ban nhạc kịch đồng ấu của triều đình, chuyên phục vụ giải trí cho nhà hoàng thân quốc thích và các vị đại thần.

Đến đây thì bạn đọc đã biết chàng Tiên Đình dũng mãnh ngày nay chính là công chúa Hương Trinh ngày xưa. Sau mười bốn năm thâm nhập vào hoàng cung và làm đủ mọi cách để chiếm trọn cảm tình và sự tin tưởng tuyệt đối của vua Đại Lâm, hôm nay, Tiên Đình tổ chức chuyến đi săn này với dụng ý kết thúc tính mạng của hoàng đế Đại Lâm để trà mối thù giết cha đoạt ngôi năm xưa.

Hương Trinh quay nhìn về phía nhà vua. Vua Đại Lâm đang thiêm thiếp trong giấc ngủ mệt mỏi. Tuổi đời 60 đã biến ông thành một ông già không còn khí phách như xưa. Hương Trinh nhớ lại lời trăn trối của mẹ "Lấy oán báo oán, oán càng chập chùng; Lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan" Ngọn lửa căm thù trong cô bé 6 tuổi ngày xưa, giờ đây thời gian đã làm cho dịu đi phần nào. Lại nữa, sau 14 năm học tại các trường với những bậc thiện tri thức trong nước đã làm cho tâm hồn Hương Trinh trở nên cao thượng và chính chắn hơn xưa.

Nhìn nhà vua Đại Lâm đang ngủ một cách mệt nhọc với dáng vẻ tội nghiệp, Hương Trinh suy nghĩ: Nếu giờ đây, ta cho hắn một nhát gươm để lấy mạng hắn cũng không khó, tuy nhiên đó là một hành động không quang minh chính đại. Mười bốn năm làm vua đã khiến hắn mất đi nhiều sức lực và dù ngồi trên ngai vàng nhưng hắn cũng chẳng sung sướng gì. Chính tham vọng, thời gian và nỗi lo mất ngai vàng đã tàn phá con người hắn như ngày hôm nay, từ đây cho đến ngày tử thần đến mang hắn đi cũng không còn xa xôi gì, vậy ta còn giết hắn làm chi cho bẩn gươm. Thôi, ta cứ tha mạng cho hắn đi.

Hương Trinh đứng lên, đi đến lay tỉnh nhà vua dậy. Vua Đại Lâm nhìn thấy Tiên Đình đang đứng bên mình, vẻ mừng rỡ liền hiện ra trên khuôn mặt. Ông nói: "Ôi, ta vừa mơ thấy con gái của cựu hoàng cầm kiếm đuổi giết khiến ta chạy mệt quá"

Lã Tiên Đình nhìn thẳng vào mắt vua, hỏi gằn: "Nếu sự thật là công chúa đang tìm bệ hạ trả thù thì bệ hạ nghĩ sao?"

Nhìn vẻ mặt nghiêm nghị và qua ngữ điệu của Tiên Đình, cùng với linh tính sẵn có của một con người làm chính trị, vua Đại Lâm luống cuống, lo sợ, nhất thời không tìm ra câu trả lời. Tiên Đình thấy vua thất sắc, khởi lòng thương hại. Nhân đó, chàng lần lượt kể hết sự thật cho vua Đại Lâm nghe.

Vua Đại Lâm nghe xong, bất giác quỳ xuống trước mặt công chúa Hương Trinh, khẩn thiết nói: "Quả nhân còn biết nói sao cho hết sự ăn năn tội ác. Thôi thì trẫm xin giao lại đất nước cho công chúa…."

Hương Trinh đỡ vua đứng lên: "Bệ hạ hãy yên tâm, tôi sẽ đưa bệ hạ về tiếp tục phục vụ muôn dân, còn đất nước là của chung, Ngài làm vua thì cũng như tôi. Chỉ xin khuyên Ngài: muốn cho đất nước phát triển, nhân dân hạnh phúc thì nên làm nhiều điều phước thiện; lấy nhân ái để cai trị mới là khí tượng của bậc minh quân"

Vua Đại Lâm tâm trạng ngượng ngùng, vẻ mặt bơ phờ, ngẩng nhìn công chúa Hương Trinh với tấm lòng biết ơn. Lúc ấy, bọn ngự lâm quân cũng vừa tìm đường đến nơi. Cả đoàn lạp du trở về hoàng cung mà không săn được con thú nào cả.

Ngày hôm sau, hoàng đế Đại Lâm thiết triều. Ngài cho mời tất cả văn võ bá quan cùng hoàng thân quốc thích đến chầu, đứng chật cả sân hoàng cung. Đợi mọi người yên chỗ rồi, Ngài mới từ tốn thuật lại mọi việc xảy ra trong cuộc đi săn hôm qua. Kết thúc câu chuyện, Ngài phán: "Nay trẫm xin giao ngai vàng và đất nước lại cho công chúa Hương Trinh cai trị muôn dân. Từ nay trẫm sẽ làm một người dân thường để lo tu tâm dưỡng tánh, đợi ngày đi theo tổ tiên"

Đoàn ngự lâm quân theo lệnh vua, hàng ngũ chỉnh tề rầm rập đi đến dinh thự của Quan Võ Hộ giá (tức Tiên Đình) để triệu thỉnh chàng vào triều nhận lại ngai vàng, nhưng nơi đây cửa đóng then cài, trước sau nào thấy bóng dáng Tiên Đình nơi đâu. Ngay cửa ra vào chỉ thấy treo thanh gươm do nhà vua ban cho chàng trước đây. Bọn ngự lâm vội trở về báo cáo mọi việc lên nhà vua.

Phải chăng Hương Trinh đã đoán trước sự việc nên nàng đã yên lặng giã từ triều đình để lên đường đi tìm một cái gì có ý nghĩa cao đẹp hơn?

*lạp du: đi săn

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.